Nước mất không phải do giặc mạnh, mà do lòng dân ly tán chưa đoàn kết đứng lên chống giặc !
-------------oo0oo--------------
Trang Văn Bút - Vietlist.us
--------o0o--------
CHUYỆN THỜI CHIẾN
Chiến tranh đã qua nhưng hệ lụy thì vẫn còn đó. Những vết sẹo hằn sâu
*****
Chàng tuổi trẻ yêu nước nồng nàn vì đã được giáo dục như thế: yêu tổ quốc yêu quê cha đất tổ, ngoài tình gia đình.
Với lòng yêu nước và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Như bao nhiêu thanh niên khác, chàng không thể làm ngơ khi quân xâm lăng cầy phá đất nước mình.
Chàng đã để lại người vợ trẻ và đứa con gái xinh xắn gần hai tuổi, để lên đường đáp lại tiếng gọi non sông.
Chàng đang từ một sỹ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa trở thành một biệt kích nhảy toán ra bắc, Tham gia vào đội quân không có số quân.
Chàng biết, bố mẹ chàng biết, và người vợ trẻ cũng biết: Rằng ra đi như thế thì đừng mong đợi có việc liên lạc với nhau.
Vài năm sau đó, người vợ trẻ được giấy báo không có liên lạc được với chàng và họ đã hỗ trợ nàng 1 số tiền mà ai cũng hiểu rằng số tiền này thay cho tiền tử tuất.
Dĩ nhiên là nàng khóc ngất, nhìn đứa con hãy còn nhỏ lắm, chưa biết gì cả. Bố mẹ chồng thì cũng sụt sùi ngày, đêm. Hai đầu tóc bạc khóc người tóc xanh.
Nàng vẫn ở lại với cha mẹ chồng, vẫn làm một nàng dâu ngoan. Ba năm để tang qua đi, nàng vẫn yên vui với phận dâu con trong nhà
Nàng không hề nghĩ đến tương lai cũng không lùi lại quá khứ, chỉ còn vui với đứa con thơ. Nhưng bố mẹ chồng thì lại xót xa cho cô con dâu còn quá trẻ, mà hai ông bà coi như con gái ruột của mình.
Hai ông bà thường chép miệng
-Tội nghiệp con bé, nó còn trẻ quá ông nhỉ.
Sau một thời gian bàn bạc với nhau, hai ông bà đã ngỏ ý sẽ qua thưa với bố mẹ nàng để nàng được trở về nhà bố mẹ làm con gái của bố mẹ như xưa. Để nàng có cơ hội bước thêm bước nữa. Bố mẹ ruột gả chồng cho con gái chứ ai lại bố mẹ chồng gả chồng cho con dâu phải không?
Hai bên cha mẹ đều thuận theo giải pháp đấy và nàng đã trở về nhà nhưng vẫn giữ phận làm dâu.
Vài năm sau thì bố mẹ chàng vui buồn lẫn lộn đi dự đám cưới của cô con dâu xưa của mình.
Đám cưới được cử hành trang trọng ở nhà thờ Ngã Sáu Saigon. Nàng danh chính ngôn thuận được bố mình dắt vào nhà thờ trong bộ áo đầm voan trắng.
Tất cả tình cảnh của nàng đều được kể lễ rành mạch với cha xứ, vì họ là những con chiên ngoan đạo, nên đã đem mọi chuyện trình với cha để cha sứ quyết định.
Cha thấy không có gì lấn cấn cả nên đã làm phép cưới cho đôi vợ chồng.
Chuyện tưởng êm đẹp và không có gì đáng nói nữa. Nhưng không, chàng tuổi trẻ của chúng ta vẫn còn sống trong ngục tù Việt cộng. Sau hơn 10 năm bị mất nước, và Sau 17 năm bị hành hạ trong những cái gọi là trại cải tạo mà thực chất là trại tù, thì chúng mới thả chàng tuổi trẻ (mà nay đã thành trung niên) của chúng ta ra.
Thật đúng là … anh trở về dang dở đời nhau…
Chàng trở về nhà xưa…bâng khuâng, hụt hẫng. Chàng tim đến nhà những người bạn ngày xưa, một số cũng đã bỏ đi Mỹ hết rồi. Một người bạn thân nhất của chàng mà ngày còn là sinh viên chàng hay đến ăn dầm nằm dề ở đấy. Vừa là người bạn thân nhất vừa vì bạn đông anh em có mấy cô em gái nên chàng thích lui tới và càng thân hơn với cả gia đình nhà bạn.
Nhưng bạn chàng thì đã đi Mỹ, chỉ còn cô em gái út, bây giờ trở thành người bạn tâm sự của chàng vì cô ấy cũng đã biết chàng và vì cô ấy vẫn còn độc thân-dù lúc đó tuổi cũng đã gần 40.
Sau một thời gian thì họ đã nhận ra rằng họ thuộc về nhau. Dĩ nhiên là đám cưới phải được tổ chức ở nhà thờ. Lại vẫn là nhà thờ Ngã Sáu vì cả hai nằm trong khu vực này.
Khi cả hai đến gặp cha xứ để xin làm lễ hôn phối thì cha đã hỏi những câu hỏi cần thiết và câu chuyện năm xưa được đem ra mổ xẻ, vì dĩ nhiên chàng phải kể với cha rằng chàng đã kết hôn một lần rồi
Không suông sẻ như chuyện của nàng, chuyện của chàng gặp phản ứng dữ dội của cha xứ. Cha cho rằng:
“Những gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được quyền cởi bỏ, ngoại trừ là cái chết mới chấm dứt bí tích này”
Đám cưới, phép hôn phối là một bí tích thiêng liêng, là điều Thiên Chúa đã kết hợp. Chàng đã chịu phép hôn phối một lần thì coi như là chàng đã có vợ và đang có vợ- Vì cha cho rằng cả vợ cũ của chàng lẫn chàng đều còn sống: Phép bí tích vẫn còn giá trị và như thế thì không được làm một lần nào khác nữa cả. Cha phán như đinh đóng cột thế, mặc dù trước đây cũng chính cha là người đã làm phép hôn phối cho nàng và người chồng mới.
Có nghĩa là đám cưới chàng và người vợ đầu tiên cũng vị linh mục này đã làm phép rồi đến đám cưới của người vợ với người chồng mới cũng do vị linh mục này làm phép bây giờ lại chính vị linh mục này tuyên bố rằng chàng và người vợ sau (tức người bạn của người viết) không được nhận Phép bí tích.
Vị linh mục chính xứ còn phán người vợ phải trở về với người chồng cũ của mình tức là trở về với chàng tuổi trẻ của chúng ta.
Nhưng làm sao được khi nàng đã có ba người con và đã có hơn 10 năm chung sống với người chồng mới (trong khi với chàng tuổi trẻ của chúng ta thì nàng mới sống chung có hơn hai năm thôi và chỉ có một đứa con?)
Bên nào nặng hơn đây?
Giải quyết như thế nào đây?
Nghe theo lời cha xứ được không???
Bạn tôi đã khóc lóc và kể cho tôi nghe nỗi oan trái này, rồi hỏi tôi cô ấy phải làm gì đây?
Tôi cũng nát cả ruột gan theo bạn.
Ôi chiến tranh!
(còn tiếp)
HoangLan
(06/22/2024)
Jun. 26,24-HL
-------oo0oo-------