Đừng nghe những gì Cộng sản nói. Hãy nhìn những gì Cộng sản làm !
Đừng sợ những gì Cộng sản làm. Hãy làm những gì Cộng sản sợ !
-------------oo0oo--------------
Trang Sưu Tầm
--------o0o--------
100 Ngày Đầu: Khối Cấp Tiến Đã Làm Gì?
Vũ Linh
...dường như đảng DC hoàn toàn mất liên hệ với thực tế, chân không chạm đất...
Hầu hết thiên hạ đang rùm beng phê phán 100 ngày đầu của tân TT Trump. Cột báo này cũng đã làm vậy. Nhưng có điều ít ai để ý là trong những ngày đầu đó thì khối đối lập đã làm những gì? Đã có “thành quả” nào?
Bình thường thì “đối lập” có nghiã là một hay nhiều đảng đối lập với đảng nắm quyền. Nhưng trong khung cảnh chính trị Mỹ hiện nay, danh từ đối lập hầu như bao gồm luôn cả những định chế lớn như truyền thông dòng chính (TTDC), ngành tư pháp, và chắc cả nửa dân Mỹ luôn. Các khối này hợp tác chặt chẽ với đảng đối lập Dân Chủ, không phải để giúp tân chính quyền gì mà để... chu di cả cha lẫn con tổng thống mới, mặc dù ngay sau khi ứng viên Cộng Hoà Donald Trump đắc cử, TT Obama và cả bà ứng viên đối nghịch Hillary Clinton đã long trọng hứa và kêu gọi đại đoàn kết sau cuộc tranh cử “gió tanh mưa máu”.
Thực tế, cuộc chiến mưa máu đó chẳng những không chấm dứt ngày 9 tháng 11 năm 2016, tức là một ngày sau khi dân Mỹ đã lấy quyết định chọn lãnh đạo tối cao, mà trái lại, càng trở nên đẫm máu hơn.
Đảng CH gọi 100 ngày này là “100 days of obstruction”, nôm na là 100 ngày đắp mô! Ta xem lại diễn tiến.
Trước hết là khối dân ủng hộ đảng DC và bà Hillary. Như mọi người đều biết, ngay một ngày sau là họ đã ào ào xuống đường, tìm đủ cách phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử, và khẳng định tân tổng thống không phải tổng thống của họ. Cũng chẳng là chuyện lạ khi nhìn hình các cuộc biểu tình tại Seattle: đại đa số có vẻ như di dân Nam Mỹ chưa có quyền đi bầu, hay dù có quyền thì chắc chắn cũng đã không bầu cho ông Trump rồi.
Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử của cái xứ thành đồng dân chủ pháp trị này mà kết quả bầu cử công khai bị bác bỏ bởi hàng vạn người. Thế thì họ muốn gì? Không chấp nhận người nào không phải “phe ta” sao? Thế thì bầu bán làm gì?
Mà cái điều oái ăm là cái khối người này bác bỏ ông tân tổng thống vì họ cho rằng ông này là kỳ thị, độc tài, không cởi mở, không đủ đa dạng để chấp nhận cái lều lớn trong đó có đủ sắc dân, đủ khuynh hướng chính trị, đủ tôn giáo,… Nếu đây không phải là cái mâu thuẫn vĩ đại nhất thì cũng là cái giả dối trơ tráo nhất.
Cái oái ăm thứ nhì là thành phần bất chấp luật lệ và truyền thống dân chủ mạnh nhất lại chính là giới trí thức khoa bảng, sinh viên và giáo sư các đại học lớn và nổi tiếng nhất, mục hạ vô nhân, luôn coi tất cả những người khác ý là ngu dốt hay gian ác, trong khi vẫn hô hào dân chủ, bình quyền, nhân quyền, cởi mở, đa dạng,... Tiêu biểu nhất là sinh viên đại học Berkeley đã biến thành một thứ “thanh niên xung phong” của độc tài cấp tiến, sẵn sàng dùng đủ mọi phương tiện để bịt miệng những người khác ý, kể cả dùng bạo lực phá nhà đốt xe. Không chừng mấy anh công an bịt miệng cha Lý sẽ được mời qua diễn thuyết tại Berkeley. Các quan chức, giáo sư và sinh viên Berkeley mà nắm quyền chính trị ở cái xứ Mỹ này thì bảo đảm là ta sẽ sống trong “thiên đường đỉnh cao” Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Cờ Hoa ngay.
Chưa hết. Cái oái ăm nữa là những hành động phi pháp trên lại được công khai hay ngấm ngầm hỗ trợ bởi cả một chính đảng và cả hệ thống TTDC, là cái khối luôn đấm ngực quảng cáo là tranh đấu cho dân chủ, tự do,... Trong những ngày vận động tranh cử, ứng viên Trump tuyên bố ông sẽ xét lại kết quả bầu cử trước khi chấp nhận. Thế là cả TT Obama lẫn bà Hillary và toàn bộ hệ thống đảng DC và TTDC phùng mang trợn mắt tố giác tay Trump này là một thứ Hitler tái sinh, dám cả gan khinh miệt thể chế dân chủ văn minh nhất lịch sử nhân loại, dám xét lại kết quả bầu cử! Sau khi bà Hillary tan giấc hồng lâu mộng thì chính bà và TT Obama, cùng với khối cử tri DC và TTDC lại là cái khối bác bỏ kết quả bầu cử. Chính trị Mỹ là loại cắc kè đổi màu theo chiều gió.
Bây giờ ta nhìn qua TTDC.
Như cột báo này đã viết tuần rồi, tuần trăng mật giữa tân tổng thống với TTDC chưa bắt đầu đã chấm dứt. Ứng viên Trump lúc đầu là “con cưng” của TTDC, được họ mang lên trang nhất của các báo và đưa tin mỗi ngày trên TV. Ông Trump nổi hơn cồn, đánh bạt tất cả 16 ứng viên CH. Nhiều chuyên gia ước lượng việc TTDC đưa ông Trump lên đáng giá bạc trăm triệu tiền quảng cáo. Không phải TTDC thương yêu ông Trump gì đâu mà chỉ vì họ tính toán ông Trump sẽ là con mồi ngon nhất cho bà Hillary nuốt chửng. Giúp ông Trump lên thành ứng viên chính thức của CH là phương cách hữu hiệu nhất để bảo đảm bà Hoàng phe ta đại thắng.
Như chúng ta đều biết, TTDC chưa bao giờ sai lầm hơn. Bây giờ ăn năn hối hận vô ích, quay qua đánh tới cho ta. Để chứng minh cả một nửa dân Mỹ đều sai lầm khi họ bầu cho “tay độc tài vô tài bất tướng” Trump này.
Chiến dịch đánh TT Trump đã không hề ngừng nghỉ một giây phút nào kể từ khi ông đắc cử đại diện cho CH ra tranh cử chống bà Hillary. Kể cả cho đến ngày hôm nay, hơn ba tháng sau khi ông tuyên thệ. Cột báo này đã nhiều lần thách đố quý độc giả tìm được một bài báo nào hay nghe được một tin nào thân thiện với TT Trump trên TTDC. Cho đến nay, chưa có một độc giả nào làm được việc này hết.
TTDC móc giò lái TT Trump như thế nào? Đây là hai ví dụ cụ thể nhất:
- Báo Washington Post chạy tít khổng lồ: “Có tới 7% cử tri đã đổi ý, sẽ bầu cho một ứng viên không phải ông Trump vào năm 2020”. Ghê gớm quá! Nếu kẻ này biết đếm tới 100 thì sẽ tính nhẩm ra là như vậy có tới 93% cử tri vẫn ủng hộ TT Trump, có phải vậy không, thưa quý độc giả? Nhưng WaPo cho rằng con số 7% hấp dẫn hơn 93%! Nếu chạy cái tít “TT Trump vẫn còn được 93% cử tri ủng hộ” thì sợ WaPo sẽ bị hiểu lầm là... Fox News mất.
- CNN và WaPo la làng “kinh tế tăng trưởng èo uột có 0,7% trong ba tháng đầu của TT Trump, do dân Mỹ không chi tiêu nữa”. Mập mờ ám chỉ dân Mỹ mất tin tưởng vào chính sách kinh tế dở ẹc của TT Trump. Ở đây có ba câu hỏi: 1) Trong 8 năm Obama, tăng trưởng chỉ lảng vảng ở mức 1%-2% một năm; như vậy thì tăng trưởng 0,7% một tam cá nguyệt, dự phóng ra là 2,8% một năm, là khá hay tồi tệ? 2) Ba tháng đầu của TT Trump cũng là ba tháng đầu năm; trên căn bản, ba tháng này luôn luôn là những tháng tăng trưởng kinh tế yếu nhất trong năm vì đó là sau những lễ lớn Giáng Sinh và Tân Niên, thiên hạ hết tiền tiêu xài và mua sắm trong khi các công ty vẫn còn đầy ắp hàng tồn kho; đây là chuyện chu kỳ kinh tế, có gì lạ? 3) TT Trump tuyên thệ đã hơn 3 tháng thật, nhưng nội các của ông cho đến nay vẫn chưa được phê chuẩn hết vì khối DC trong Thượng Viện cố tình trì hoãn, đặc biệt các bộ trưởng có quan hệ đến kinh tế tài chánh. Tính đến cuối tháng 3 (đệ nhất tam cá nguyệt) thì bộ trưởng Ngân Khố đã làm việc được 7 tuần, bộ trưởng Thương Mại 5 tuần, các bộ trưởng Canh Nông và Lao Động, Đại Diện Thương Mại –Trade Representative- và hàng trăm quan chức khác vẫn chưa được bổ nhiệm hay phê chuẩn. Như vậy nói 3 tháng làm việc của TT Trump có lương thiện không?
TTDC khua chiêng trống TT Trump có tỷ lệ hậu thuẫn thấp nhất trong các tổng thống cận đại, trung bình tổng hợp của cả chục thăm dò là 43%. Cũng tệ thật, nhưng vẫn hơn xa tỷ lệ quần chúng tin tưởng TTDC: 29%.
Ta xem qua Tư Pháp.
Theo truyền thống sinh hoạt chính trị Mỹ, ngành Tư Pháp là một ngành độc lập, tuyệt đối tuân thủ luật lệ mà không bao giờ khoác áo chính trị bao giờ. Đó là chuyện xưa. Chuyện ngày nay, sau 8 năm của Obama, các quan tòa cũng đã thay đổi, không mặc áo đen nữa mà mặc áo xanh hay đỏ tùy khuynh hướng chính trị.
TT Trump ra hàng loạt sắc lệnh, trong đó có ba sắc lệnh liên quan đến chính sách di trú và tỵ nạn. Cả ba sắc lệnh đều bị vài tiểu bang thưa ra tòa để chống lại. Và cả ba sắc lệnh đều bị tòa dưới và tòa phá án cản lại.
Trên căn bản pháp lý, cả ba sắc lệnh đều thuộc thẩm quyền của Hành Pháp và đều hợp lệ và hợp Hiến. Đó là quan điểm của các quan toà bảo thủ. Nhưng ba sắc lệnh trên bị thưa tại những tiểu bang cấp tiến nhất, dưới những quan toà cấp tiến nhất, và đều bị cản vì các quan tòa này đã diễn giải các sắc lệnh đó không phải qua văn bản mà qua cái mà họ gọi là “ý đồ” của chính quyền Trump, một cách diễn giải mới lạ, sặc mùi chính trị phe đảng chủ quan.
Sắc lệnh mới nhất của TT Trump cắt tài trợ liên bang cho các thành phố “an toàn cho di dân lậu” –sanctuary cities- cũng bị thẩm phán liên bang William Orrick III bác bỏ. Vị quan tòa của thành phố cấp tiến nhất nước, San Francisco, do TT Obama bổ nhiệm, cũng là người đã gây quỹ hơn 200.000 đô cho TT Obama.
Nói cách khác, ngành Tư Pháp trong ba tháng đầu của TT Trump cũng đã tham chiến, tìm mọi cách ngăn cản tân tổng thống. Và họ đã thành công. Tuy nhiên trong tương lai, cuộc tranh cãi này sẽ còn kéo dài mà chưa ai biết chắc bên nào sẽ thắng thế.
Cuối cùng, ta nhìn qua đảng DC.
Sau thất bại mang tính “tsunami” của ngày bầu cử, đảng DC đi vào khủng hoảng lớn. Thất bại của bà Hillary không phải chỉ là thất bại cá nhân của một ứng viên vừa dở vừa yếu vừa đầy hành trang, mà còn là một đại bại của cả đảng DC và cả khối cấp tiến.
Đảng CH chiếm Toà Bạch Ốc, Thượng Viện, Hạ Viện, 34 thống đốc tiểu bang, chiếm thêm 193 dân biểu và 46 nghị sĩ cấp tiểu bang, và trong tương lai, sẽ kiểm soát luôn cả Tối Cao Pháp Viện. Từ ngày TT Obama vào Toà Bạch Ốc, đảng DC đã mất xấp xỉ 1.000 chức vụ dân cử ở mọi cấp liên bang, tiểu bang, và địa phương. Trong lịch sử cận đại, chưa khi nào một chính đảng thất bại nặng như vậy.
Đảng DC trong ba tháng qua đã bóp trán mệt nghỉ để tìm hiểu nguyên do tại sao bà Hillary và cả đảng đã thất bại quá nặng trong kỳ bầu vừa qua. Bất kể giải thích, phân tích, biện giải cách nào thì thông điệp của dân Mỹ vẫn không thể nào rõ ràng hơn: họ bác bỏ chính sách cấp tiến thất bại của chính quyền Obama.
Nhìn vào đảng DC trong những ngày sau thất bại bầu cử, ta thấy không khác gì một đội banh túc cầu sau khi thua một trận đấu. Phản ứng đầu tiên là đổ thừa: trời nắng, trời mưa, trọng tài bất công, cầu thủ địch chơi xấu,... Chán rồi thì quay qua xâu xé nội bộ, tìm dê tế thần.
Đảng DC như ta biết, tìm đủ cách đồ thừa. Nhưng những chuyện như Putin giúp, hay thể thức bầu cử sai lầm, bà Hillary nhiều phiếu hơn,... tất cả chẳng thể giải thích được chiến thắng toàn diện của CH tại cả hai viện quốc hội cũng như hàng ngàn cuộc bầu cử ở mức tiểu bang và địa phương.
Rồi trong nội bộ, quay qua cấu xé nhau. Mất cả gần nửa năm mới bầu lại được chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia để lãnh đạo đảng. Đúng theo chủ trương “đa dạng”, sau khi một “bà” chủ tịch bị áp lực từ chức vì phe đảng với bà Hillary, tìm cách phá ứng viên đồng chí là cụ xã nghiã Bernie Sanders, thì phe ta quay qua hai ông ứng viên, ông Tom Perez gốc Mễ, bộ trưởng Lao Động của TT Obama, và ông Keith Ellison, dân biểu Hồi giáo duy nhất trong Hạ Viện. Trong đảng DC “tiến bộ” ngày nay, các ông Mỹ trắng theo Tin Lành hay Công giáo dĩ nhiên chỉ đáng đứng quanh làm chậu kiểng.
Việc hai ông trên đứng đầu cuộc chạy đua lãnh đạo đảng DC cũng nói lên rõ ràng hướng đi chính trị của đảng này khi cả hai ông đều thuộc khuynh hướng thiên tả nặng, nếu không muốn nói là theo xã hội chủ nghiã. Cụ xã nghiã Sanders tuy thất bại không hạ được bà Hillary nhưng cũng đã thành công bành trướng được tiếng nói cực tả trong đảng DC qua sự năng động hăng say của khối cử tri trẻ thiên tả nặng của ông. Cụ Sanders, oái ăm thay, là chính khách độc lập không phải là đảng viên đảng DC, chỉ mượn cái áo DC để tranh cử tổng thống, sau đó đã trả áo lại rồi.
Điều lạ lùng là dường như đảng DC hoàn toàn mất liên hệ với thực tế, chân không chạm đất, bay lơ lửng trên mây xã nghiã. Trong khi cả nước chuyển qua phiá hữu, bất mãn với chính sách thiên tả thất bại của TT Obama, lo lắng về hai đại hoạ khủng bố Hồi giáo quá khích và di dân lậu thì đảng DC bây giờ quẹo mạnh qua phiá tả, xa rời quần chúng hơn nữa, đưa ra hai lãnh tụ thiên tả cực đoan, trong đó một là dân gốc Mễ, một là Hồi giáo cực đoan, cựu đảng viên của Nation of Islam, một tổ chức Hồi giáo quá khích chủ trương Hồi giáo hoá cả nước Mỹ. Đảng DC bây giờ đổ lỗi thất bại cho bà Hillary vì bà quá... ôn hòa, chưa đủ cực đoan để kích thích cử tri cấp tiến.
Nếu đảng DC dự tính xây dựng lại đảng dựa trên các khối di dân Nam Mỹ và Hồi giáo và cánh cực tả, chỉ trông cậy vào khối dân Nữu Ước và Cali, thì đó sẽ là canh bạc 9 phần thua 1 phần thắng. Thăm dò mới nhất cho thấy hơn 2/3 (67%) dân Mỹ cho là đảng DC đã hoàn toàn mất liên hệ với thực tế -disconnected with reality.
Ở đây, nhiều chuyên gia chính trị lo ngại đảng DC sẽ đi lại con đường của năm 1968-1972. Sau khi ông Nixon –đáng ghét không thua gì ông Trump- bất ngờ hạ được PTT Hubert Humphrey trong kỳ bầu cử tổng thống năm 68, đảng DC bị xào xáo gia cang nặng nề, rồi từ đó bị phe thiên tả cưỡng chiếm, đưa ra ứng viên phản chiến cực đoan George McGovern ra tranh cử tổng thống năm 72, chỉ giúp TT Nixon đại thắng với tỷ lệ thắng cử cao nhất lịch sử Mỹ, thắng 49 tiểu bang so với ông McGovern thắng đúng 1 tiểu bang nhà. Nếu đảng DC đi theo vết xe đổ này thì tương lai đen hơn đêm 30.
Trong suốt 100 ngày đầu của TT Trump, đảng DC hung hãn đánh phá ông bẳng mọi cách. Nhưng các chuyên gia cũng ghi nhận họ đang lập lại những sai lầm của bà Hillary:
- Quá chú tâm vào việc đánh cá nhân ông Trump mà lơ là các vấn đề chính sách và thành quả cụ thể, là những yếu tố mang tính quyết định đối với đa số cử tri, nhất là khối cử tri độc lập, không thuộc đảng nào;
- Chỉ lo đánh mà không đưa ra được cái gì tích cực, xây dựng hơn, như làm sao đối phó với sự bất mãn của lực lượng thợ thuyền đã “bỏ đảng” bầu cho ông Trump;
Tai hại nhất là khi nhắm mắt chống đối TT Trump đến cùng trong mọi việc bằng mọi cách, vô hình chung, đảng DC đã tặng cho TT Trump nói riêng và khối bảo thủ CH nói chung một món quà vô giá cực kỳ lớn vì có giá trị rất lâu dài: đó là việc có thể dễ dàng bổ nhiệm thêm thẩm phán bảo thủ vào Tối Cao Pháp Viện với 50 phiếu là đủ [nếu số phiếu là 50-50 thì phó tổng thống sẽ có lá phiếu quyết định] thay vì cần 60 phiếu, và cán cân tại đây sẽ nghiêng hẳn về phiá bảo thủ ít ra là trong hai ba chục năm nữa.
Riêng về nhân vật chính của đảng DC, TT Obama đi chu du thế giới, tắm biển, đánh gôn mấy tháng liền. Về lại Hoa Thịnh Đốn, mau mắn ký hợp đồng cho hai cuốn hồi ký của ông và bà vợ, tổng cộng có 65 triệu đô, rồi lên đường đi đọc diễn văn, mà tiền thù lao được dấu kín. Tuy nhiên tin mới lộ ra cho biết ông đã được đại công ty đầu tư Cantor Fitzgerald mời đọc diễn văn vào hội nghị y tế tháng Chín tới với thù lao sơ sơ có 400.000 đô thôi. Tin này chưa được xác nhận nhưng phát ngôn viên của TT Obama đã tuyên bố trước đây TT Obama dù nhận rất nhiều tiền của Wall Street cũng vẫn ra được những luật kiểm soát Wall Street rất kỹ. Làm như thể các tài phiệt Wall Street đều là đám ngu hết, sẵn sàng chi bạc triệu cho TT Obama để ông giết họ vậy. Ai tin thì cứ việc!
Dù sao thì trước làn sóng công phẫn, có thể TT Obama sẽ phải “giảm giá” cho công ty Cantor hay tặng ít tiền lại cho một hội từ thiện nào đó. Ít ra thì cũng sẽ dễ giải thích hơn nếu sau này bà Michelle ra ứng cử chức vụ gì đó. Bài học của bà Hillary, các chính khách đều khắc cốt ghi tâm.
Bà Hillary thì vẫn giữ im lặng vì vẫn còn mắc nghẹn cái cục bướu bầu cử chưa trôi qua cổ. Một anh hài trên TV Mỹ, khi bị hỏi về con số người tham dự lễ đăng quang của TT Trump, đã hỏi lại “vậy chứ bao nhiêu người tham dự lễ đăng quang của bà TT Hillary? Trả lời: zero, vì bả thất cử!”
Công bằng mà nói thì 100 ngày chống phá nghe thật tiêu cực, nhưng nhờ vậy, cũng khiến tân tổng thống không có kinh nghiệm này thấy rõ làm tổng thống khó hơn bán nhà cửa, và cho dù ông muốn làm Hitler cũng không dễ. Thể chế dân chủ ma-dzê in USA vẫn còn mạnh lắm. (30-04-17)
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba
Vũ Linh
-------oo0oo-------