Đừng nghe những gì Cộng sản nói. Hãy nhìn những gì Cộng sản làm !
Đừng sợ những gì Cộng sản làm. Hãy làm những gì Cộng sản sợ !
-------------oo0oo--------------
Trang Sưu Tầm
--------o0o--------
THẰNG VÀ CON
Bùi Bảo Trúc
Có vài ba người không đồng ý khi tôi gọi một số người là “thằng” nọ, hay “con” kia. Theo họ, cho dù tôi có bực bội cách mấy đi chăng nữa, thì cũng nên nhẹ nhàng một chút. Có “bức xúc” thì cũng vẫn cứ nhắc tới chúng là “ông”, là “bà” cho lịch sự.
Chuyện dùng danh xưng “ông”, hay “bà”, hay “cụ” có những nguyên tắc không thấy có sách vở nào viết xuống rõ ràng và minh bạch. Nhưng chúng ta vẫn dùng rất đúng đấy chứ. Chúng ta gọi Nguyễn Khuyến là “cụ” vì khi qua đời, Nguyễn Khuyến đã ở tuổi bát tuần. Trần Tế Xương hình như không ai gọi bằng “cụ”, mà bao giờ cũng gọi bằng “ông”, lý do là khi mất, nhà thơ của non Côi, sông Vị chỉ mới ngoài bốn mươi. Hai nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương thì gọi là “bà” cho phải cách…
Và vì thế, chúng ta vẫn thoải mái khi thuật lại chuyện Lê Quí Đôn làm bài “Rắn đầu biếng học” khi “cụ” mới lên năm hay lên sáu. Không thấy một cuốn sách văn học nào gọi Cao Bá Quát là “cụ” nhưng với Nguyễn Công Trứ thì gọi là “cụ” hay “ông” đều được cả. Họ Cao bị chém khi ở tuổi ngoại tứ tuần trong khi Uy Viễn tướng công thì thọ ngoại bát tuần.
Với một số người thì gọi tên không, không “ông”, “cụ” hay “bà” cũng chẳng sao, không hề có ý bất kính ở trong. Cứ Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… không cần nhắc tới các vị này là “cụ” nhưng có ai bắt bẻ coi đó là thái độ bất kính đâu. Sự kính trọng và mến mộ vẫn có đấy chứ.
Còn không thấy ai nhắc Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc là “cụ” bao giờ. Nhưng sự khinh ghét thì ai cũng thấy ngầm trong cách gọi tên những người này.
Tôi rất khó chịu khi đọc thấy trên báo ở trong nước cũng như ở hải ngoại những bài viết, những bản tin gọi một con ranh nọ là “bà”. “Bà Nguyễn Thanh Phượng”. Tôi không gọi nó là “bà” được. Nó không bằng tuổi mấy đứa con của tôi. Còn tôi thì lại hơn tuổi cả Ba Ếch, bố (chúng) nó, thì tại sao phải gọi những đứa như nó là “bà”, là “ông”?
Báo chí trong nước muốn gọi thế nào thì mặc xác những tờ báo ấy. Nhưng tôi thì không thể gọi những đứa ấy là “bà Nguyễn Thanh Phượng” hay “ông Nguyễn Thanh Nghị” được.
Nelson Mandela, cố lãnh tụ của Nam Phi có lần nói rằng “respect must be earned, not given or demanded”, sự nể trọng là một thứ phải công khó xây dựng mới có được, không phải là một món quà tặng, hay lên tiếng đòi mà có. Những đứa tôi gọi là “thằng nọ, con kia” có làm được gì để “earned” những tiếng “ông”, tiếng “bà”? Nếu thằng Ba Ếch không ngồi ở cái chỗ hiện nay thì liệu hai cái đứa mà tôi vừa nhắc có được trao những công việc chúng nó đang làm (mà làm không ra gì) không? Chắc chắn là không rồi. Vậy thì tại sao tôi phải nhắc đến chúng nó bằng những cách nói đầy tôn trọng là “ông” nọ, “bà” kia?
Thế rồi còn thằng bố của hai đứa chúng nó. Ai bầu nó vào chức vụ nó đang nắm trong tay? Người dân Việt Nam không làm công việc đó. Tôi thì lại càng không. Vậy thì tại sao phải “ông” khi nói về nó, trong khi có đứa cùng một phường với nó cũng khinh bỉ nó và gọi nó là “X”.
Tại sao phải “ông” với đứa khoe nhắng lên là đánh miền Nam là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc? Hay cái đứa tự nhiên, tự địa ký cái công hàm bán nước gửi Chu Ân Lai? Hay cái thằng đi chào hàng phụ nữ Việt Nam cho những người ngoại quốc để mời họ đến Việt Nam thưởng thức các phụ nữ này?
Không, nhất định là không bao giờ “ông” hay “bà” với chúng nó. Hay đề cập đến một tên hiệu trưởng dụ dỗ nữ sinh vào vòng dâm đãng là “vị” hiệu trưởng (Sầm Đức Xương ở Hà Giang) như bọn đười ươi nọ nhẩy đong đỏng lên bênh như đang ngồi phải cọc vậy?
(Email from reader)
-------oo0oo-------