Đừng nghe những gì Cộng sản nói. Hãy nhìn những gì Cộng sản làm !
Đừng sợ những gì Cộng sản làm. Hãy làm những gì Cộng sản sợ !
-------------oo0oo--------------
Trang Sưu Tầm
--------o0o--------
VÕ ĐÀI & VĂN ĐÀI
Khi đã tiêu diệt nhà Minh để thống trị toàn bộ lục địa Trung Hoa, nhà Thanh bắt dân bản xứ phải ăn mặc, gióc tóc quấn bím giống kiểu người Mãn Châu khiến người Hán tộc lấy làm tủi nhục lắm. Với khí thế đang lên của nhà Thanh, dân Hán nhất thời khó mà trỗi dậy, nhưng các võ phái vẫn âm thầm hoạt động để nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, đào luyện nhân tài, tự tăng trưởng sức mạnh để chờ cơ hội vùng lên giành độc lập.
Những võ phái đó, nếu cùng một chí hướng, được chỉ huy hành động thống nhất, chắc chắn chỉ một thời gian ngắn họ có thể hất cẳng người Thanh ra khỏi nước.
Ý thức được mối nguy hiểm ấy, vua Càn Long đã tìm cách tạo mâu thuẫn làm cho các võ phái Trung Hoa nghi kỵ nhau, chia rẽ giết hại nhau để phân tán sức mạnh của họ!
Lúc bấy giờ viên Thị lang Hòa Thân, người được vua Càn Long giao công tác thi hành kế hoạch gây chia rẽ giữa các võ phái, đã tìm được một nhân vật võ lâm người Hán có tiếng một thời là Tăng Tòng Hổ và cho y giữ chức Trưởng ban mật vụ. Tăng Tòng Hổ vốn là con của tên Tăng Ân chuyên giết người cướp của. Trong một lần ăn hàng, Tăng Ân đã bị một hiệp khách tên Cam Kiến Xương giết. Tăng Tòng Hổ lúc ấy còn nhỏ được người chú là Tăng Đạo nuôi dưỡng, dạy dỗ. Nhưng rồi Tăng Đạo cũng tiếp tục đi ăn cướp và cũng bị diệt trừ. Trong lúc Tăng Tòng Hổ bơ vơ đói xỉu dọc đường may gặp được Bạch Mi lão sư môn phái Tây Khương đem về dạy võ cho. Khi đã thành tài, Tăng Tòng Hổ xuống núi tìm đến các nơi quen thuộc với cha chú ngày xưa, tái khởi nghề lục lâm cường đạo. Đang máu thiếu niên kiêu ngạo, y cướp bóc, gian dâm phụ nữ, giết người gây không biết bao nhiêu án mạng nổi danh một thời với tước hiệu Hắc Sát Cô Thần. Sau đó, y lại đi tìm Cam Kiến Khương để trả thù. Biết dùng sức không chọi nổi Kiến Khương, y đã dùng cạm bẫy để hạ ông này. Hạ xong Kiến Khương, Tòng Hổ toan tìm giết luôn người con trai duy nhất còn nhỏ của Kiến Khương là Cam Tử Long để trừ hậu hoạn.
May có Chiêu Dương thiền sư chùa Bạch Vân và Lã Tứ Nương danh đồ của võ phái Nga Mi vân du qua đó đã ngăn chận kịp nên mẹ con Cam Tử Long đã thoát nạn. Để bảo đảm an toàn cho hai mẹ con này, Chiêu Dương thiền sư đưa họ về ở chùa Bạch Vân luôn. Vì chưa tuyệt được dòng họ Cam , Tăng Tòng Hổ chưa thể nào yên lòng được. Bởi thế, khi ra hợp tác với người Thanh, Tăng Tòng Hổ đã nhân cơ hội này giấu biệt lý lịch cũ, đổi tên mới thành Thiết Diện Hổ, tự nhận mình là người Thanh. Vua Càn Long thấy vậy mừng lắm. Ông nói với Hòa Thân và Thiết Diện Hổ:
-Cứ làm sao cho người Hán càng chia rẽ nhau càng tốt! Tốn kém bao nhiêu cũng được!
Nhờ được phép chi tiêu vô hạn định như thế, Thiết Diện Hổ đã dẫn dụ được một võ sư danh tiếng khác là Lôi Lão Hổ, môn phái Võ Đương, người sẽ nổ phát pháo đầu tiên trong chiến dịch chia rẽ các môn phái võ lâm. Để thực hiện công tác này, Hòa Thân đã chi trước cho Lôi Lão Hổ ba vạn lượng bạc. Thế mà vua Càn Long chê ít, bảo chi thêm cho y hai vạn nữa tức là năm vạn! Mọi chi phí khác đều do Thiết Diện Hổ lo liệu.
Lôi Lão Hổ bèn thiết lập một võ đài ở Hàng Châu, lấy tên là Vô Địch Đài và chính ông ta đóng vai thủ đài. Được mật chỉ của vua Thanh nên chính quyền địa phương triệt để hỗ trợ cho việc lập võ đài này. Bởi không biết âm mưu của Thanh triều, lại tự phụ, háo thắng, Lôi Lão Hổ đã hành động đúng theo sự hướng dẫn của Thiết Diện Hổ. Ông cho treo một đôi liễn hai bên cột đài thách thức thiên hạ như sau:
“Quyền đả Quảng Đông toàn tỉnh”
“Cước kích Tô, Hàng nhị châu!”
( Tay đấm cả tỉnh Quảng Đông, Chân đá hai châu Tô, Hàng)
Hai câu liễn này đã đánh mạnh vào lòng tự ái của dân Quảng Đông, Tô Châu và Hàng Châu. Nhiều võ sĩ ở các vùng liên hệ cảm thấy bị hạ nhục, nhịn không nổi, đã nhảy lên võ đài và đều bị chết thảm hoặc chịu tàn tật suốt đời dưới tay Lôi Lão Hổ.
Nhưng “cao nhân tất hữu cao nhân trị”, cuối cùng Lôi Lão Hổ phải tán mạng dưới tay một thiếu niên anh hùng người Quảng Đông là Phương Thế Ngọc.
Đáng lẽ chuyện lôi đài kết thúc ở đó. Nhưng dưới sự thọc gậy bánh xe của các mật vụ Thanh triều, vợ Lôi Lão Hổ là Lý Tiểu Hoàn lại thách đấu với Phương Thế Ngọc để trả thù cho chồng. Mẹ Phương Thế Ngọc là Miêu Thúy Hoa bênh con cũng nhảy vào cuộc. Cha Lý Tiểu Hoàn là Lý Hùng (Lý Ba Sơn), đệ tử của Bach Mi lão sư nóng ruột cũng nhảy vào đòi trả thù cho con rể. Miêu Thúy Hoa biết sức chọi không lại Lý Hùng, phải cầu cứu sư bá là Ngũ Mai lão ni (võ phái Thiếu Lâm). Ngũ Mai lão ni đã cố thuyết phục Lý Hùng bỏ qua chuyện, phía Phương Thế Ngọc sẵn sàng bồi thường nhân mạng cho phía Lôi Lão Hổ bằng tiền dù Phương Thế Ngọc không có lỗi. Thế nhưng Lý Hùng nhất quyết không chịu. Lý Hùng cho lập lôi đài Mai Hoa Thung đòi đấu với Ngũ Mai lão ni.
Ngũ Mai lão ni bất đắc dĩ phải chịu đấu với Lý Hùng. Kết quả Lý Hùng đã tử nạn. Thiết Diện Hổ xúi Lý Tiểu Hoàn mang thi hài Lý Hùng về Tây Khương để khích động Bạch Mi lão sư. Bạch Mi lão sư nghe báo cáo một chiều, không thể nào tránh khỏi ác cảm với võ phái Thiếu Lâm, đã nẩy sinh ý định trả thù cho học trò. Ngoài ra, Lý Tiểu Hoàn còn lên Võ Đương Sơn báo tin dữ và đồng thời xin sư trưởng Phùng Đạo Đức cho con trai là Lôi Đại Bàng xuống núi để lo việc báo thù cho cha là Lôi Lão Hổ.
Trong cùng thời gian ấy, tại Quảng Châu cũng xảy ra vụ một vụ trả thù khác của một môn đồ Thiếu Lâm là Hồ Á Kiền. Nguyên trước kia cha của Á Kiền là Hồ Thành bị Lý Thăng trong bọn Cơ phòng tử Cẩm Châu Đường giết oan, Á Kiền định mang đơn lên kiện quan thì bị bọn Lý Thăng chận bắt xé đơn đi và đánh cho một trận. Á Kiền bị thương nặng, gia đình phải mang y lánh đi nơi khác để cứu chữa. Khi đã lành mạnh, Á Kiền bỏ vợ con lại, tìm lên Thiếu Lâm Tự xin học võ. Mới học được ba năm Á Kiền đã xin xuống núi. Chí Thiện sư trưởng thấy Á Kiền học chưa giỏi, không chấp thuận. Thế nhưng vì nôn nóng báo thù cho cha, Á Kiền đã lẻn trốn đi. Khi về tới quê nhà, Á Kiền liền tìm ngay bọn Lý Thăng và giết được tên này cùng mấy tên đàn em.
Bọn Cơ phòng tử tức giận bèn bỏ ra bốn vạn lượng bạc thuê một võ sư thuộc phái Võ Đương là Ngưu Hóa Giao lập lôi đài Thủy Nguyệt thách Hồ Á Kiền giao đấu. Trong trận giao đấu này, Ngưu Hóa Giao khinh thường địch thủ nên đã bị tử thương. Bọn mật vụ của Thanh triều và bọn Cơ phòng tử liền phao ngôn có sự mờ ám trong cuộc đấu này để gây thêm lòng phẫn uất của những người trong phái Võ Đương. Sư huynh của Ngưu Hóa Giao là Lữ Anh Bố quá tức giận cũng đòi đấu với Hồ Á Kiền ở lôi đài Thủy Nguyệt để trả thù. Kết quả bất ngờ là Lữ Anh Bố cũng bại trận trước Hồ Á Kiền. Đây là một cơ hội tốt để bọn mật vụ Thanh triều tìm cách khơi sâu mối chia rẽ giữa các võ phái Trung Hoa.
Hai võ phái Tây Khương và Võ Đương thấy mấy đồ đệ của mình đều chết dưới tay mấy đồ đệ võ phái Thiếu Lâm thì càng thêm hận thù võ phái này. Sư trưởng Chí Thiện của võ phái Thiếu Lâm đã tìm cách mời những vị sư trưởng các võ phái về hội ở Thiếu Lâm Tự để giải tỏa mối hiềm nghi, ngộ nhận nhưng Sư trưởng Phùng Đạo Đức (Võ Đương) lẫn Bạch Mi lão sư (Tây Khương) đều không chịu. Không những thế, hai vị còn lôi kéo võ phái Không Động do Sư trưởng Thạch Phủ Kính cầm đầu làm hậu thuẫn để chuẩn bị một cuộc ác chiến với võ phái Thiếu Lâm. Liên minh võ phái Tây Khương – Võ Đương chính thức hẹn võ phái Thiếu Lâm gặp nhau ngày rằm tháng 8, ngày Quần Hùng Đại Hội Thường Niên tại Tô Châu để nói chuyện. Họ dự trù sẽ hạch tội và thanh trừng võ phái Thiếu Lâm vào dịp này. Sư trưởng Chí Thiện biết vậy nhưng vì thể diện môn phái, không thể không đi dự...
Thiết Diện Hổ coi ngày Quần Hùng Đại Hội Thường Niên ấy là một cơ hội tốt hiếm có để thi hành công tác. Y đã không ngừng tung vàng bạc ra để thúc đẩy môn đồ của các võ phái đối nghịch với võ phái Thiếu Lâm hăng say nhập cuộc. Không ngờ thái độ quá sốt sắng trong việc kích thích sự thù ghét võ phái Thiếu Lâm của Thiết Diện Hổ đã làm một số người như Lý Tiểu Hoàn, Lôi Đại Bàng, Phùng Huy Hạ sinh nghi về mục đích của ông ta. Nhất là Lý Tiểu Hoàn, khi nghĩ đến số tiền quá to lớn Thiết Diện Hổ chi ra bà đâm hoảng. Thế là mẹ con Lý Tiểu Hoàn và Lôi Đại Bàng bắt đầu suy xét lại vấn đề.
Nói về Cam Tử Long sau khi được Chiêu Dương đại sư đưa về chùa Bạch Vân, đã được đại sư và Lã Tứ Nương phái Nga Mi ra sức truyền thụ võ nghệ. Cùng học với Tử Long còn có người bạn đồng lứa là Lã Mai Nương, cháu gọi Lã Tứ Nương bằng cô. Đôi bạn đều thông minh tuyệt vời lại có sức khỏe dẻo dai nên học tiến bộ như nhau. Khi đã thành tài, Cam Tử Long xin phép nhị vị sư phụ cho xuống núi đi tìm kẻ thù Tăng Tòng Hổ. Lã Tứ Nương muốn giúp Cam Tử Long sớm thành việc nên đã cho phép Lã Mai Nương cùng đi. Từ đó hai thiếu niên này chung bước giang hồ, vừa tìm kẻ thù vừa hành hiệp. Giới giang hồ vẫn gọi hai người là song hiệp.
Nhờ những vụ hành hiệp, song hiệp quen biết thêm giới giang hồ, có nhiều cơ hội để dò hỏi tông tích Tăng Tòng Hổ. Nhưng hầu hết những người được hỏi chỉ biết những hoạt động của y về bốn năm năm trước, còn gần đây thì bặt tăm. Tới khi xảy ra chuyện đấu đá giữa các võ phái, song hiệp đã ngầm can thiệp vào vài vụ và tình cờ họ nhận ra được vài dấu vết của kẻ thù. Thế là song hiệp âm thầm theo dõi đối tượng. Cuối cùng Cam Tử Long biết được Tăng Tòng Hổ chính là Thiết Diện Hổ, người đang đạo diễn gây dựng cuộc gây hiềm khích giữa các võ phái!
Trong khi đó Thiết Diện Hổ vẫn chẳng hay biết gì. Được phép xài tiền vô hạn định, y đã vung vít thưởng công trước cho những môn đồ các võ phái đối lập với phe Thiếu Lâm để khuyến khích họ. Y còn hứa hẹn với họ sau khi xong việc sẽ thưởng nữa! Y đắc ý tin chắc ngày Quần Hùng Đại Hội Thường Niên sẽ trở thành một ngày đẫm máu của giới võ lâm Trung Hoa. Máu càng đổ nhiều, công lao của y đối với Thanh triều càng lớn. Y đâu có ngờ cái ngày y mong đợi đã không xảy ra biến cố “võ lâm đẫm máu” mà lại trở thành ngày đền tội của chính y!
Vì biết được mục đích hành động của Thiết Diện Hổ, Cam Tử Long và Lã Mai Nương đã khéo léo liên lạc trình bày với các vị trưởng thượng có thẩm quyền trong cuộc đại hội võ lâm để dàn xếp tránh xảy ra một cuộc đụng độ giữa các võ phái. Tiếp đó, Tử Long đã vạch rõ tội làm tay sai cho quân xâm lược, chia rẽ tình dân tộc của Thiết Diện Hổ với những bằng chứng thiết thực cho quần hùng biết để không ai còn lý do can thiệp, bênh vực y được. Cuối cùng, Cam Tử Long đã tự tay moi gan ruột kẻ thù để tế cha mình trước sự chứng kiến của quần hùng.
Kế hoạch chia rẽ, hiềm khích giữa các võ phái Trung Hoa của Thanh Càn Long lần đầu tiên đã thất bại khá nặng nề. Truyện Lã Mai Nương đến đây cũng coi như kết thúc.
*
Sau cái chết của Thiết Diện Hổ, vua Càn Long đã rút kinh nghiệm, đã khôn ngoan hơn trước nhiều. Ông vẫn cho tiếp tục thực hiện kế hoạch chia rẽ các võ phái, vẫn dùng tiền và quyền lợi để đầu độc lòng người, nhưng dè dặt, kín đáo hơn. Ông hay hóa trang thành du khách hay thương gia để đi lại trong dân gian. Nhờ khéo léo tận nơi tận chốn, ông biết rõ những uẩn ức, những ước mơ của dân chúng nên ông dễ tìm cách hóa giải trước những đầu mối bất lợi. Trong những cuộc vi hành này, ông cũng tuyển mộ được một số nhân tài về làm tay chân cho ông. Ai có tài thì ông dùng, không phân biệt Mãn, Mông hay Hán... Đồng thời, ông cũng biết được “tẩy” của một số tham quan ô lại cần phải trừng trị để thỏa mãn phần nào lòng dân. Để hổ trợ cho chính sách này, ông còn tung hỏa mù dư luận ông chính là kiếp sau của Quan Vân Trường đời Hán tái sinh. Cách mị dân khéo léo đó cũng ru ngủ được nhiều tầng lớp dân chúng. Đó cũng là chính sách làm giảm bớt mặc cảm kỳ thị giữa các dân tộc ông đang thống trị.
Nhờ lối hành xử khôn ngoan vừa chia rẽ vừa vuốt ve như thế mà cả khối nhân tài yêu nước Trung Hoa đếm không xuể không thể nào ngồi lại với nhau được! Cả một dân tộc khổng lồ đành chịu để một bộ tộc thiểu số đè đầu cưỡi cố, nắm quyền sinh sát trong suốt mấy trăm năm, không thể nào ngoi lên nổi!
*
Ngày xưa người ta lập võ đài thường nhắm mục đích tuyển chọn nhân tài giúp nước. Thế mà vẫn có kẻ lái chuyện tranh đấu ở võ đài sang mục đích chia rẽ, gây hận thù giữa các nhân tài để thủ lợi. Nhưng còn may, võ đài có một ưu điểm tự nhiên để chính nó tự giới hạn bớt những kẻ muốn lạm dụng nó: đó là thực tài. Dù chính hay tà, thiện hay ác, kẻ muốn thượng đài ít nhất cũng phải có chút thực tài tương đối. Những kẻ bất tài dù lưu manh, láu cá tới mức nào cũng không dám léng phéng dự vào chốn đua tranh ấy. Bất tài mà lộn sòng đánh lận con đen dám thượng đài là gẫy xương dập mật như chơi. Cho nên giới “võ sư dổm” tham gia võ đài rất hiếm.
Ngày nay, võ đài không còn đắc dụng nữa! Trí thức con người được phát triển hơn xưa, văn đài đã thành nơi được quần chúng quan tâm nhất. Đối với một xã hội đã ổn định, có lề luật, công luận chân chính thường được phô diễn trên văn đài. Cộng đồng ta sống trên một đất nước tự do nên văn hóa có cơ hội nẩy nở hơn bao giờ hết. Tiếc rằng, sau cuộc tang thương của đất nước mẹ, chúng ta đã gặp cảnh cương thường điên đảo, vàng đá khó phân. Giậu đổ bìm leo, bên cạnh những người có tâm huyết đau lòng muốn đứng ra tiếp nối người trước gánh vác việc đời, có không biết bao nhiêu kẻ xôi thịt lợi dụng thời cơ nhảy ra xưng tài xưng tướng mưu đồ trục lợi cho mình. Chúng ta vẫn thấy cái cảnh “Trung sĩ y tá” ngày nào đột biến thành “Trung tá y sĩ” trên quê người hôm nay. Dĩ nhiên cũng có một số tự phát triển tài mình để biến hóa như vậy, thật đáng quí.
Ngặt nỗi lại có một số đông hơn chỉ biến hóa về danh nghĩa, còn thực chất thì không! Tình trạng hỗn mang của cộng đồng là môi trường rất tốt cho bọn lộn sòng bất hảo sinh hoạt. Đấu văn đài có thua cũng không đến nỗi mất mạng, mà càng già miệng lại càng dễ lấn lướt đối phương! Kẻ thù của cộng đồng ta cũng nhân đó, bắt chước người Thanh đã làm trước đây, sẵn tiền cứ ném vào, đục khoét vào những mâu thuẫn của cộng đồng. Chúng lợi dụng khai thác những điểm mập mờ trong các biến cố chính trị cũ, tung hỏa mù ai giết người này ai chủ động vụ kia để khích nộ những người trong cuộc đổ lỗi cho nhau, oán hận nhau. Chúng không ngần ngại đánh luôn vào cả những nhà lãnh đạo tinh thần để khơi sâu sự hiềm khích giữa các tôn giáo!
Những người biết suy nghĩ sâu xa rất sợ chuyện ném chuột bị bể đồ, xấu hổ vì chuyện tranh hành nội bộ nên cố tránh, cố nhịn. Trong khi đó những kẻ lộn sòng được đà diều gặp gió, cứ khoe dối, hư trương thế lực để củng cố cái vỏ bọc ngoài, cứ vung vít múa men cho thỏa chí với cái lý lịch mới của mình!
Thế là cộng đồng ta cứ nát như tương!
Ôi! Tình trạng của người Trung Hoa thời sơ thuộc nhà Thanh và tình trạng cộng đồng Việt Nam ta ở hải ngoại hiện nay có khác nhau mấy! Khác nhau chăng ngày xưa ai muốn lên võ đài phải có thực tài và lòng dũng cảm, coi nhẹ tính mạng, nên tự nó đã hết sức giới hạn. Ngược lại, trên văn đài, ngoại trừ lớp văn nhân thi sĩ thuần túy, lớp nghiên cứu các lãnh vực chuyên môn, ai “đánh lận con đen” cũng được nên số tham dự quá đông đảo gây nên cảnh xáo trộn gấp bội đã làm cho quần chúng càng hoa mắt, hoang mang. Người ta cứ chổng mông chửi nhau mà quên cả cái họa mất nòi giống đã kề bên lưng! Quí đồng hương nghĩ sao khi thấy cái cảnh con cọp đang liếm mép ngồi nhìn hai con dê đang cố húc nhau tranh thắng?
Ngô Viết Trọng
-------oo0oo-------