Cộng sản chiếm đất nước Việt Nam, đè đầu cưỡi cổ dân tộc Việt Nam không phải do cộng sản mạnh mà do dân chưa thấu hiểu được hiểm họa cộng sản !
-------------oo0oo--------------
Trang Cộng Đồng
--------o0o--------
Ý kiến xây dựng về bầu cử, tranh cử của Ls Diệp Thế Lân
On Sun, Jun 5, 2022 at 12:37 AM Lan Diep
K/g chị Vân và quý vị trong danh sách nhận thư:
Tôi đọc thư này mấy lần rồi nhưng tôi vẫn không rõ mình đang đọc gì và tại sao mình đã nhận thư này, vì không có lời giới thiệu kèm theo để giúp hướng dẫn tư tưởng của người đọc. Hình như đây là một bức thư từ một luật sư – thật hay giả tôi không rõ – gởi đến ban vận động tranh cử của ông Biên Đoàn để đe dọa là sẽ kiện nhưng lại chưa kiện, và cũng không giúp cho ban vận động của ông Biên Đoàn hiểu sẽ phải ngưng hành động gì hoặc phải làm gì để tránh khỏi bị kiện. Thư này có đề cập đến một người thân chủ… hinh như là chị Vân Lê, nhưng thư cũng không ghi rõ.
Nếu đây là thư dự thảo thôi mà chị Vân Lê gởi cho mọi người để xin góp ý thì theo tôi là chị Vân nên đừng gởi. Nay chỉ còn vài ngày nữa đến Ngày Bầu Cử rồi, chị nên tập trung vận động là hơn hết, không nên bận tâm với việc kiện tụng. Nếu ông Biên có làm gì sai thì sau Ngày Bầu Cử kiện vẫn chưa muộn.
Nhưng nếu chị nhất định gởi thì nên bảo luật sư của chị thay đổi bức thư để cho rõ ràng hơn, để bên ông Biên biết là chị cụ thể muốn gì và phía ông Biên phải làm gì để không bị kiện. Hiện tại thì nội dung thư này toàn là quan điểm, mà không thấy đâu là vấn đề luật pháp phải giải quyết.
Nội dung bức thư có bốn phần:
1. Nói lên sự bất đồng về nội dung một truyền đơn của ông Biên Đoàn đã gởi và ghi là “Vân Lê bầu phiếu cắt ngân khoản thuê mướn cảnh sát bảo vệ trường học cho con em chúng ta.”
2. Kết luận là qua truyền đơn này ông Biên đã “phỉ báng, bôi nhọ, mạ lỵ” chị Vân.
3. Bảo ông Biên cần “thu hồi ngay lập tức tất cả những thông tin giả mà ông đã gởi ra…”
4. Thông báo cho ông Biên biết là chị Vân có “quyền đòi hỏi sự công bằng về thời gian trên các làn sóng phát thanh, phát hình…”
Nội dung truyền đơn
Thư này đề cập đến một truyền đơn mà không kèm theo cho mọi người xem nên tôi không thể có ý kiến cụ thể về cái truyền đơn. Ông Biên có phạm pháp không thì chưa biết. Nhưng căn cứ vào nội dung bức thư này thì hình như là ông Biên đã dùng truyền đơn tấn công chị Vân, chỉ vào sự kiện chị cắt ngân khoản thuê mướn cảnh sát, trong vai trò là ủy viên khu học. Nhưng thư từ chị Vân gởi ra cũng đã công nhận là chị Vân đã bỏ phiếu thuận cho việc cắt ngân khoản thuê mướn cảnh sát và giải thích tại sao đó là hành động sáng suốt của chị Vân, vì trong mùa dịch, trường học không có người, thì cần gì cảnh sát? Nên việc tranh chấp ở đây không phải là chị Vân có làm như ông Biên đã nói, nhưng là tranh chấp về cái lý do tại sao chị Vân đã làm như thế. Ông Biên bảo là chị Vân không ủng hộ cảnh sát. Chị Vân thì cho rằng đã làm vì muốn tiết kiệm tiền của học khu.
Phỉ báng, bôi nhọ, mạ lỵ… hay không?
Cái bộ luật libel và slander của nước Mỹ rất rõ ràng. Và luật này phân biệt giữa những tư nhân (private persons) và những người nổi danh (public figure). Đối với một người tư dân thì khi bị ai phổ biến những tin tức sai về mình thì chỉ cần chỉ ra là những tin đó không thật là sẽ thắng kiện. Nhưng đối với những ngưởi nổi danh, hay “người của quần chúng” thì khác.
Những dân cử, như chị Vân Lê là người nổi danh dưới ánh mắt luật pháp. Những người ứng cử viên như ông Biên Đoàn – vì bỏ công bỏ tiền ra vận động gây chú ý về mình – là người của quần chúng. Những người đại diện cho dân, hay ra tranh vì muốn đại diện cho dân là phải được quần chúng biết đến, bàn tán, và đánh giá. Vì đó là việc cần có để thắng cử. Đôi khi quần chúng bàn tán thì cũng sẽ có những ngộ nhận, hiểu lầm, và tin đồn. Đây là những thứ một người public figure phải chịu đựng vì muốn được nổi tiếng. Mình không thể muốn nhiều người biết về mình và đồng thời không chấp nhận những tin đồn hay hiểu lầm về mình được.
Cho nên đối với những người của quần chúng, bị người khác phổ biến thông tin sai về mình không thôi, không đủ để thắng kiện, nhưng cần phải chứng minh được cái sự cố tình phổ biến cái điều họ đã biết là không thật, tức là actual malice.
Dù chưa xem qua truyền đơn của ông Biên, khi thấy trong thư này luật sư công nhận hành động của chị Vân nhưng đưa ra một lý do khác để giải thích nó… thì rõ ràng là không có việc phỉ báng hay mạ lỵ ở đây, mà là sự khác biệt về quan điểm hay hiểu biết về cái lý do tại sao chị Vân đã đồng ý chấm dứt cái hợp đồng với cảnh sát. Không phỉ báng hay mạ lỵ nhưng bôi nhọ thì có thể, nhưng việc bị bôi nhọ là một cái phải chấp nhận trong việc vận động tranh cử, nếu không muốn nói là điều phải chấp nhận để sinh hoạt trong cộng đồng người Việt, vốn hay vu cho mọi người không đồng ý với mình là cộng sản nằm vùng (?)
Có cần thu hồi hay không?
Thật ra tôi không hiểu nếu phải thu hồi một truyền đơn thì phải thu hồi bằng cách nào nữa. Đã gởi đi thì xong, chứ sao mà thu hồi? Tuy nhiên, cái việc có cần phải “thu hồi” hay không là phải do một thẩm phán quyết định sau khi kết tội cho ban vận động của ông Biên.
Thời gian công bằng trên truyền thông
Đây là một đề tài tôi khá rành, với quá khứ của tôi với ông Nguyễn Mạnh. Về điểm này thì người luật sư nói đúng, nhưng không nói với đúng người. Quả thật là khi ông Biên lên “làn sóng công cộng” như đài phát thanh hay đài truyền hình trong mùa tranh cử, chị Vân và mọi đối thủ đang cùng tranh có quyền có giờ tương tự như nhau cho công bằng (ngoại trừ một số trường hợp mà mình không cần bàn đến ở đây). Nhưng ban vận động của ông Biên không có trách nhiệm thông báo cho ban vận động của chị Vân đã lên đài nào bao lâu. Việc đòi giờ là việc của chị Vân và từng đài một. Nên ghi đoạn này trong thư là thừa và không cần thiết.
Một lần nữa, tôi nghĩ đến giờ này, chỉ còn hai ngày trước Ngày Bầu Cử, chị Vân nên cố đi kiếm phiếu để thắng, đừng bận tâm với những việc có thể đợi đến sau Ngày Bầu Cử. Nhưng nếu nhất định phải gởi thư này thì nên xét lại những điều đã đề cập đến ở trên. Vì đã nhờ đến luật sư thì nên làm cho người nhận thư phải thay đổi hành động của họ, chứ dùng thư từ luật sư để dọa không thôi thì mất oai lắm.
Cho đến tối thứ 7, mới có 14% cử tri Khu Vực 7 đã đi bỏ phiếu, 6,492 người trong 45,631 người có phiếu gởi về nhà họ. Trong số này có 3,481 người Châu Á, 1,455 người Mễ, 1,365 người da Trắng, và 211 người da Đen. Người Châu Á vẫn trả phiếu về ở mức hơn gấp đôi người gốc Mễ. Cơ hội thắng cho cả hai ứng cử viên gốc Việt còn đó. Hãy nhắm vào người đương nhiệm thay vì nhắm vào nhau.
Kính,
LS Diệp Thế Lân
+++++++++++++++++++++++++++++
On Sat, Jun 4, 2022 at 3:12 PM Van Le
Ls Diệp Thế Lân
-------oo0oo-------