------------oo0oo--------------
Trang Sưu tầm dùng đăng tải những bài viết của bạn đọc gởi về cho chúng tôi. Vietlist chấp nhận mọi thể loại mọi đề tài, từ khoa học, kỹ thuật cho tới văn thơ, nữ công, gia chánh... Chúng tôi sẽ đăng tải nếu bài viết thích hợp với lập trường của người Việt Quốc Gia. Xin quý vị gởi bài cho chúng tôi qua email: vietlist09@yahoo.com. Kính chúc quý đọc giả vui khỏe.
-------------oo0oo--------------
Cần phải làm gì để có “thân tâm an lạc”?
(BS Đỗ Hồng Ngọc)
BS Đỗ Hồng Ngọc từng là tác giả của nhiều cuốn sách, bài viết, thuyết trình về thiền và sức khỏe, về kinh Kim Cương, Bát Nhã Tâm kinh, về tinh thần Bồ tát trong đời thực đang diễn ra hàng ngày qua việc khám bệnh… Những trang viết của BS.Đỗ Hồng Ngọc luôn chứa nhiều triết lý và chất hóm hỉnh. Đặc biệt, qua cách thể hiện của anh, những trải nghiệm Phật giáo, về tâm, về sự bất nhị giữa thân và tâm, về hạnh phúc và các giá trị sống khác… trở nên gần gũi, như lời thủ thỉ tâm tình, chia sẻ rất dễ dàng thấm vào lòng người, điển hình như những sẻ chia về vấn đề "thân tâm an lạc" dưới đây.
*Chúng ta thường chúc nhau câu "Chúc cho năm mới thân tâm thường an lạc", câu chúc ấy mang ý nghĩa như thế nào trong cách nhìn của một bác sĩ y khoa?
- BS.Đỗ Hồng Ngọc: Thì ý nghĩa là mong cho "thân tâm thường an lạc" chứ còn như thế nào nữa! Lời chúc có lẽ muốn nói rằng mong cho thân thì luôn luôn (thường) an mà tâm thì luôn luôn lạc! Mà ta biết thân thì bất tịnh, tâm thì vô thường… Cho nên lời chúc nhiều khi chỉ là lời chúc! Tuy vậy, ta cũng có thể biến lời chúc thành sự thật được nếu ta biết cách. Một nhà báo phỏng vấn cụ già trên 100 tuổi bí quyết sống trường thọ mà vui khỏe, cụ nói có bí quyết gì đâu, chẳng qua sáng nào thức dậy tôi cũng tự hỏi mình hôm nay mình nên sống ở thiên đàng hay ở địa ngục… rồi lưỡng lự một chút, tôi chọn thiên đàng!
*Theo bác sĩ, như thế nào là thân an lạc?
- Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) định nghĩa "Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well being) về thể chất, tâm thân và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật". Như vậy để "thân tâm thường an lạc" rõ ràng phải gồm cả 3 yếu tố: Thể chất (physical), tâm thần (mental) và xã hội (social). Thân an lạc tức thể chất (physical) an và lạc. An và lạc đây hiểu là một trạng thái well-being. Ta đều biết thân là do "tứ đại" hợp thành, thì sự hòa hợp của tứ đại rõ ràng là điều kiện để thân an lạc. Cơ thể ta có chừng hơn chục ngàn tỷ tế bào hình thành, luôn luôn biến dịch. Chẳng hạn hồng cầu trong máu, cứ ba tháng đã được thay thế toàn bộ bằng lứa hồng cầu mới... Tôi hiểu "tứ đại" người xưa nói đây là bốn nguyên tố chính: C, H, O, N (Carbon là lửa, Hydro là nước, Oxygen là gió, và Nitrogen là đất)… hợp thành các proteine - cấu trúc tế bào và các chất liệu sinh lý khác của sinh vật- cùng với rất nhiều các nguyên tố khác như sắt, đồng, chì, kẽm, calci, phospho… trong cơ thể chúng ta. Các chất đó tương tác, tương ứng qua lại với nhau và nếu chúng điều hòa được thì ta sẽ "an lạc", còn không thì ta bệnh. Chẳng hạn thiếu một loại viatmin thì ta sinh bệnh mà thừa nó cũng lại sinh bệnh, chớ không phải cứ uống vitamin càng nhiều càng tốt đâu! Thân bất tịnh nhưng lại tịnh trong sự hòa hợp của "tứ đại" đó vậy! Nói khác đi, bảo nó vô thường mà thiệt ra là… thường, vì nó luôn luôn phải thay đổi không ngừng như thế!
*Và tâm an lạc là thế nào?
- Ôi, hỏi gì mà khó quá! Nếu thân là "physical" thì tâm là "mental" trong định nghĩa nói trên. Tâm vốn như khỉ như ngựa, an sao nổi! "Như như bất động" được thì tâm mới an. Nhưng còn lâu. Ta sống trong một xã hội quay cuồng, điên đảo, toàn cầu hóa, thế giới phẳng, tràn ngập thông tin… càng dễ làm cho tâm bất an. Có thể nói thân (physical) là Tứ đại thì tâm (mental) chính là "Ngũ uẩn". Tôi cho rằng không nên tách "sắc" ra khỏi "tâm". Có sắc rồi mới có thọ, có thọ rồi mới có tưởng… phải vậy không? Vậy câu trả lời là khi nhận ra được "Ngũ uẩn giai không"… thì tâm an lạc. Nhưng, làm cách nào để nhận ra được cái "Không" đó?
*Cần phải làm gì để có thân tâm an lạc, thưa bác sĩ?
- Có hai điều phải làm. Một là bản thân ta, hai là xã hội. Vì như đã nói, để có well-being thì phải có đủ ba yếu tố: thể chất, tâm thần, và xã hội. Yếu tố xã hội phải được quan tâm nhiều hơn vì nó tạo ra môi trường sống của ta. Bây giờ ra đường kẹt xe, khói bụi mù trời, đi bộ trên lề đường cũng cảm thấy bất an... thì sảng khoái sao nổi? Bhutan, một xứ nhỏ ở chân núi Hy Mã Lạp Sơn đã có một chính sách bảo vệ môi trường thật tốt để mang lại hạnh phúc cho người dân. Họ không đo đạc sự phát triển kinh tế bằng GNP, GDP như các quốc gia khác mà đo bằng Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH=Gross National Happiness). Chạy theo phát triển kinh tế ào ạt mà phá hủy tài nguyên môi trường là một trọng tội. Còn yếu tố bên trong mỗi người thì đó là sự rèn luyện bản thân. Có một lời khuyên trong y học là SAFE (an toàn), tôi thêm chữ R thành SAFER (an toàn hơn), là chữ viết tắt của các biện pháp: Smoking (không thuốc lá), Alcohol (không rượu), Food (dinh dưỡng đúng), Exercise (rèn luyện thể lực) và Respiration (thở đúng phương pháp). Thực ra nó chính là "Giới" và "Định" đó vậy. Giới và Định tốt thì sẽ dẫn đến Tuệ. Nói khác đi, giảm được "tham sân si" ta mới có được thân tâm an lạc. Tuệ Tĩnh, thế kỷ XIV nước ta cũng đã khuyên: "Bế tinh dưỡng khí tồn thần/ Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình" đó thôi.
*Trong một bài trả lời phỏng vấn, bác sĩ có nói tới nguyên nhân tạo ra các bệnh từ 60-80% là do stress. Vì vậy, ngày nay con người bị stress nhiều nên có nhiều bệnh hơn, lại là những bệnh nguy hiểm?
- Đúng vậy. Stress là một phản ứng sinh học, giúp con người thoát hiểm trước thú dữ, hòn tên mũi đạn ngày xa xưa. Thế nhưng trong thời buổi hiện đại, stress chính là sự căng thẳng trong đời sống, khiến cơ thể lúc nào cũng căng cứng, phòng vệ, không thư giãn được trong một thế giới vật chất đua đòi, đấu đá tranh giành nên tình trạng stress đã âm thầm dẫn tới những tác hại đến thân tâm. Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy từ 60-90% các trường hợp bệnh đến bác sĩ là do có nguồn gốc sâu xa từ stress. Bác sĩ có thể chữa được cái đau trước mắt nhưng cái khổ chập chùng đằng sau thì bác sĩ không quan tâm. Mà con người thì đau và khổ luôn gắn với nhau, cái này sinh cái kia và ngược lại. Hiện nay các dịch bệnh không lây như tim mạch, tiểu đường… có nguồn gốc từ stress như ta đã biết.
*Và, để chữa các bệnh nguy hiểm thì phải chữa cái gốc là từ tâm (tinh thần)?
- Tùy. Có khi cần mổ xẻ, có khi cần đến thuốc. Khi stress vượt ngưỡng, đưa đến tình trạng tai biến, tâm thần, tự tử, trầm cảm (depression)… Còn ngoài ra thì phải luyện tâm, rèn tâm, làm sao giữ đời sống bớt căng thẳng, cạnh tranh, đua đòi… chạy theo những giá trị vật chất không ngừng phát triển. Ngày xưa đời sống vật chất khó khăn hơn nhưng an nhàn hơn: Tháng Giêng ăn Tết ở nhà/ Tháng Hai cờ bạc tháng Ba hội hè… Bây giờ cũng có nhiều hội hè đó chứ nhưng giẫm đạp nhau đến chết hàng loạt…
Có một nhận định như thế này: "Khi càng phát triển thì con người được đáp ứng nhiều giá trị vật chất hơn. Tưởng như thế sẽ có hạnh phúc nhưng ai dè những giá trị mà con người cứ đeo đuổi, tìm cầu ấy khi đạt được lại làm người ta đánh rơi nhiều thứ quý báu như sức khỏe và sự an lạc nơi tâm mình". Bác sĩ có suy nghĩ như thế nào về điều đó?
- Cuộc sống vẫn cứ phải phát triển. Bạn thấy đó, nhờ những tiến bộ "vật chất" đó mà nay ta có thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, ta đã có thể "cân đẩu vân" tứ phương và có đủ 72 phép thần thông chỉ trên một bàn tay với vài cái nút bấm… Vấn đề là ở con người, nhận thức nó ra sao, "thấy biết" (tri kiến) nó ra sao. Thấy đúng thì sẽ nghĩ đúng và làm đúng. Chánh kiến rồi mới chánh tư duy chớ phải không? Cho nên phải nhìn dưới nhiều "nhỡn quan". Tôi rất thích "ngũ nhãn" trong kinh Kim Cang. Phật cũng có "nhục nhãn" như chúng ta đó chứ, có điều bên cạnh nhục nhãn đó còn có nhiều thứ "nhãn" khác gọi chung là "Phật nhãn" vậy!
*Là người, ai cũng có 8 cái khổ (khổ đế), trong đó có bệnh tật và mất vui, bất an… BS chắc cũng có những lúc như thế. Vậy, khi bệnh tật và sự bất an "gõ cửa" thì bác sĩ ứng phó như thế nào?
- Thì có gì đâu. Biệt ly thì có "Biệt ly, nhớ nhung từ đây, chiếc lá rơi theo heo may, người về có hay…" (Dzoãn Mẫn). Còn gặp gỡ thì "Rừng núi dang tay nối lại biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà…" (Trịnh Công Sơn)… Đằng sau cái khổ là cái lạc. Bờ kia cái khổ là cái lạc. Thì thôi, gate, gate, paragate, parasamgate... Bệnh hoạn cũng… cần thiết cho cuộc sống đó chứ. Nó nhắc nhở ta nhiều thứ đó chứ.
*Trong một bài trả lời phỏng vấn, bác sĩ có nói "Biết tự tại để hạnh phúc", tự tại là một trạng thái của tâm, hẳn là hơi khó đạt được nên rất nhiều người than mình… không có hạnh phúc?
- Tự tại là sự tự do bên trong, vượt thoát những ràng buộc, dính mắc. Khó. Không dễ chút nào. Phải ráng, phải tập. Có người đã bỏ lên núi, có người đã trốn vào hang động, rừng sâu. Nhưng làm sao thoát được cái tâm đeo đẳng bên mình? "Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền", mấy ai làm được. Cư trần lạc đạo?… mấy ai làm được. Biết tự tại là một ước mơ. Cho nên phải rèn tập, phải quán tưởng… Có phải đó là thực sự "hành thâm", từ bi hỷ xả chăng?
*Và trong cuộc sống của mình bác sĩ có hạnh phúc không? Hạnh phúc nhất của ông là gì? Và theo bác sĩ, hạnh phúc có thể được định nghĩa là sự an lạc thân tâm?
- Tôi cũng không biết. Tôi không có thói quen xếp hạng nhất nhì ba tư. Hạnh phúc có khi sờ sờ ra đó mà ta không hay, cứ lo chạy đi kiếm tìm nơi khác. Hạnh phúc đi rồi hạnh phúc đến, hạnh phúc đến rồi hạnh phúc đi, cứ như hơi thở vậy. Cứ để nó đến nó đi. Sinh trụ dị diệt. Vấn đề là làm sao để thấy nó, nhìn ra nó. Hạnh phúc có thể định nghĩa như vậy được, sự an lạc thân tâm. Nhưng nên nhớ câu hỏi "Làm thế nào để an trụ tâm, làm thế nào đề hàng phục tâm" từ ngàn xưa vẫn còn y đó. Loài người vẫn mãi đi tìm hạnh phúc. Nhiều khi dừng lại thì thấy, nhưng đâu có dễ phải không?
(Nguồn: www.tuchuabenh.com)
+++++++++++++++++++++++++
QUÁN CHIẾU HẠNH PHÚC
Thích Trí Siêu
Chúng ta thường đi tìm một cái gì bên ngoài để mang lại cho mình hạnh phúc như vật chất, nhà cửa, xe hơi, máy móc, tiện nghi, … hoặc tình cảm gia đình, thân quyến, bạn bè, người yêu, … hoặc danh vọng, địa vị, lý tưởng. Ta khát khao tìm kiếm vì tưởng mình nghèo nàn, thiếu thốn, tâm luôn phóng ra ngoài chạy theo trần cảnh. Trong kinh Pháp Hoa kể thí dụ đứa cùng tử suốt đời đi ăn xin vì không biết trong túi mình có viên ngọc quý, đến khi được người bạn nhắc tỉnh ngộ lấy ngọc ra xài liền hết đói khổ.
Bài quán chiếu dưới đây nhắc bạn nhớ lại những viên ngọc quý mà bạn đã có, chỉ cần lấy ra dùng là sẽ có hạnh phúc.
Sau đây là 7 điều quán chiếu hạnh phúc:
1/ Ta đang còn sống
2/ Ta có sức khỏe
3/ Ta có đủ sáu căn
4/ Ta có tự do
5/ Ta có tiện nghi vật chất
6/ Ta có tình thương
7/ Ta có sự hiểu biết
1/ Ta đang còn sống
Trên đời này quý nhất là sự sống. Tất cả sinh vật từ côn trùng, sâu bọ, thú vật cho đến con người, loài nào cũng tham sống sợ chết. Giả sử bây giờ phải lựa chọn giữa trúng số độc đắc mà chết và sạt nghiệp mà sống thì bạn sẽ lựa cái nào ? Ở đời ai cũng lo đi tìm tiền của, nhưng thật ra tiền của chỉ để bảo đảm sự sống an toàn, tiện nghi. Có nhiều người giàu sang sẵn sàng chi hết tiền của để cứu lấy mạng sống. Như thế đủ thấy sự sống quý hơn tiền bạc, quý hơn gấp trăm ngàn, triệu ngàn lần. Ngay cả một tỷ đô la cũng không mua nổi mạng sống khi bị bệnh ung thư hay sida (aids). Vậy mà sáng nay mở mắt thức dậy còn sống, bạn có thấy mình hạnh phúc không?
Mỗi khi cảm thấy khổ đau, chán nản hay tuyệt vọng thì hãy nhớ lại ta đang còn sống đây. Còn sống thì còn tất cả.
2/ Ta có sức khỏe
Sự sống quý nhất trên đời, sức khỏe quý nhất trong sự sống. Có sức khỏe không có nghĩa là phải khỏe như lực sĩ thế vận hội mà chỉ cần không đau nhức, bệnh hoạn, không có bệnh trầm kha, nan y, v.v… Ở đời mấy ai tránh khỏi bệnh tật, không bệnh này thì bệnh nọ. Bệnh nặng như ung thư hay sida phải có thuốc giảm đau như morphine mới chịu nổi, nếu không thì đau đớn rên siết như bị hành hình ở địa ngục, bệnh nhẹ như cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu cũng làm cho ta mệt mỏi, khó thở, đau nhức. Mỗi khi khỏe mạnh, không bệnh hoạn thì ta hãy mừng rỡ ý thức đó là một hạnh phúc. Có nhiều tiền mà bệnh hoạn liên miên, ăn không được, ngủ không yên, hết nằm nhà thương này đến nhà thương nọ, có tiền như vậy đâu có sướng !
Mỗi khi cảm thấy khổ đau, chán nản hay tuyệt vọng thì hãy nhớ lại ta đang còn sức khỏe đây. Còn sức khỏe thì còn làm được tất cả.
3/ Ta có đủ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)
Có nguời đầy đủ sức khỏe nhưng lại bị mù, điếc, hoặc câm, què, tàn tật, v.v… Những người này dù có tiền, có sức cũng đâu sung sướng gì ! Bạn có thể tưởng tượng nếu bây giờ bị mù thì bạn sẽ ra sao ? Chỉ cần nhắm mắt lại trong năm, mười phút đi tới đi lui trong nhà mình xem. Bạn có hiểu được nỗi khổ của người mù không ? Vậy mà bạn đang còn đôi mắt sáng thấy được trời xanh, mây trắng, tai nghe được chim hót, nhạc hay, mũi ngửi được mùi cơm thơm, miệng nói năng được với người thương, thân không què quặt, tâm không điên loạn. Như vậy còn đòi hỏi gì hơn? Chỉ cần mất đi một căn thôi đời bạn sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa.
Dù ở trong cảnh khổ nào đi nữa, nhớ lại mình còn nguyên vẹn sáu căn cũng đủ an ủi và xóa tan đi mọi niềm đau.
4/ Ta có tự do
Tự do ở đây là không bị tù đày chứ không có nghĩa chính trị hay tôn giáo. Bởi vì theo giáo lý, tất cả chúng ta đều là tù nhân của ba cõi sáu đường. Chỉ khi nào thoát khỏi sinh tử luân hồi mới thực sự là tự do.
Hiện tại bạn có đang ở tù không? Có đang bị trói buộc, xiềng xích không? Có ai cấm bạn đi đứng nói năng, ăn uống không? Có ai đánh đập theo dõi kiểm soát bạn không ? Bạn có biết đời sống trong tù ra sao không? Dù đó là tù ở Pháp, ở Mỹ? Có thể bạn nghĩ tù ở các xứ văn minh giàu có thì sướng hơn ở xứ nghèo chăng? Ở Mỹ nhân viên cai tù không hành hạ tù nhân nhưng chính những người tù đánh đập, áp bức, hiếp dâm lẫn nhau rất dã man.
Ngay bây giờ nhìn lại, bạn có thấy mình được tự do đi đứng nói năng không ? Nhớ ai thì lên xe rồ máy đi thăm, thèm ăn món gì thì ra chợ mua hoặc đi nhà hàng, v.v… Có biết bao người đang bị tù đày khổ sở, trong đầu chỉ ao ước được tự do như bạn là họ sung sướng lắm. Vậy mà đang sống tự do bạn có cảm thấy hạnh phúc không? Nếu không thì bạn hãy ý thức và nhớ lại đi, đừng để khi mất tự do rồi mới mơ ước thì quá muộn.
5/Ta có tiện nghi vật chất
Tiện nghi vật chất không hẳn là nhà cao cửa rộng, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy rửa chén, v.v… Tiện nghi ở đây là những thứ căn bản mà phần đông chúng ta đều có, đó là cơm ăn, áo mặc, chỗ ở che mưa nắng, không phải đi ăn xin, ngủ đầu đường xó chợ. Nhiều người ở Việt Nam vẫn tưởng rằng sống ở Pháp hay Mỹ chắc sướng lắm vì đầy đủ tiện nghi, họ đâu biết là ở đâu cũng có kẻ giàu người nghèo. Ngay tại Paris, thủ đô ánh sáng, hàng ngày vẫn có nhiều người ăn xin vô gia cư, tiếng pháp gọi là SDF (sans domicile fixe), ngửa tay đi xin tiền trong xe điện ngầm (métro), tối đến họ chui vào những gầm cầu thang để ngủ. Nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì ta vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Hãy nhìn lại hoàn cảnh của mình, bạn có đói đến nỗi thiếu ăn không ? Có nghèo đến nỗi không còn mảnh vải che thân ? Nếu chưa đến nỗi như vậy thì bạn hãy xem mình đầy đủ. Khi tâm biết đủ (tri túc) thì bao nhiêu cũng đủ, khi tâm tham muốn đòi hỏi thì bao nhiêu cũng không đủ. Người biết đủ là người giàu có hạnh phúc vì không thấy thiếu thốn, người tham lam keo kiệt dù có nhiều tiền vẫn là người nghèo vì không bao giờ thấy đủ.
6/ Ta có tình thương
Nhiều người khổ sở vì cảm thấy cô đơn, không có ai thương mình hết. Không ai thương mình bởi vì mình đâu có thương ai. Khi trong lòng ta tràn đầy tình thương thì tự nhiên nó tỏa ra và mọi người sẽ tìm đến. Giống như mùa xuân hoa nở thơm ngát thì tự động ong bướm bay tới xung quanh. Ai cũng có một trái tim, tiếng Hán là tâm, bản chất của tâm (tim) là thương yêu. Ta có dư tình thương cho chính mình và cho kẻ khác. Chỉ cần nhớ lại mình có trái tim thương yêu và đem ra xử dụng. Nếu chưa nhớ thì bạn hãy thực tập phép quán từ bi ở phần trước.
Hiện tại bạn có ai là người thân thương không? Có cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè không? Có ai đang thương và lo lắng cho bạn không? Có tình thương, biết thương và được thương là một hạnh phúc lớn nhất trên cõi đời này.
7/ Ta có sự hiểu biết
Hiểu biết ở đây là hiểu biết đạo lý chứ không phải kiến thức bằng cấp. Không kể người khùng điên mất trí, hoặc bị bệnh tâm thần mà ngay cả những người bình thường cũng chưa chắc có sự hiểu biết về nhân quả và đạo đức. Đầu óc ta còn sáng suốt, không điên khùng mất trí, lại gặp được Phật pháp, học hiểu giáo lý giải thoát, đó là một duyên lành hy hữu trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được.
Nếu quán chiếu những điều trên chưa đủ để cho bạn hạnh phúc thì bạn cần phải “hạ sơn” đi vào cuộc đời để tiếp xúc với người sắp chết, người bệnh để thấy họ khổ ra sao, tiếp xúc với người tàn tật, người tù, người ăn xin, người cô đơn, người ngu cố chấp thì may ra nó sẽ giúp bạn tỉnh ngộ thấy mình hạnh phúc.
Thương Ghét
1) Ða số người thường suốt ngày sống trong sự thương ghét. Người nào vừa ý, hợp ý mình thì thương, kẻ nào trái ý mình thì ghét.
2) Khi bắt đầu biết đạo thì tập tánh bình đẳng, không thương người này ghét người kia.
3) Sau khi hiểu đạo thì chỉ còn tình thương. Thấy ai cũng là bà con thân thuộc của mình từ nhiều đời, và thấy ai cũng đáng thương hết.
Trích sách “Ý Tình Thân”
Thích Trí Siêu
-------------oo0oo--------------
-------oo0oo-------
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.
Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội