Trang Khối 8406 - Vietlist.us
Chủ nghĩa Cộng sản sinh ra trong sự nghèo đói, ngu dốt; lớn lên trong sự dối trá, hận thù; chết đi trong sự khinh bỉ và nguyền rủa của nhân loại.
|
Khối 8406 Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006 Web: http://khoi8406vn.blogspot.com/ Email: vanphong8406@gmail.com |
------o0o-----
Thư Cho Con
Giáo Già
Từ Nguyễn Phương Uyên Ðến Ðỗ Thị Minh Hạnh:
Những Chim Én Báo Biểu “Mùa Xuân Việt Nam”
Ngày 19 tháng 5 năm 2013
H,
Ngày 16/5/2013 Tòa án Nhân dân tỉnh Long An, địa chỉ: Số 116 Trương Ðịnh, phường 1, thành phố Tân An, tỉnh Long An, Ðiện thoại: 072. 3829570, kêu án:
- 6 năm tù đối với Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Ðại học Công Nghiệp Thực phẩm TP HCM; và
- 8 năm tù đối với Ðinh Nguyên Kha, sinh viên Ðại học Kinh tế Công nghiệp Long An.
Uyên và Kha bị cáo buộc tội xuyên tạc chính sách của Ðảng và Nhà nước... và kích động dân chúng chống lại Ðảng và Nhà nước.
Tin được thông tín viên An Nhiên của đài RFA, cùng ngày 16/5/2013, cho biết:
“Sinh viên Nguyễn Phương Uyên (đang học năm 2 Ðại học Công nghiệp Thực phẩm Sài Gòn) và Ðinh Nguyên Kha (đang học Ðại học Kinh tế Công nghiệp Long An) bị công an bắt đi điều tra vào ngày 14/10/2012, Nguyễn Phương Uyên bị bắt đã thúc đẩy một làn sóng sinh viên học chung viết thỉnh nguyện thư đến Ông Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang xin thả Phương Uyên vô điều kiện” [Xin xem thêm Thư Cho Con tập 20, Mekong-Tỵnạn xuất bản, bài nói về Giải Thưởng Nào Dành Cho Nguyễn Phương Uyên, trang 184-209].
Bản tin cho biết thêm: Phiên tòa diễn ra trước sự canh gác của rất nhiều công an, có rất nhiều bạn trẻ, dân oan tìm cách đến gần phiên tòa để bày tỏ sự ủng hộ cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên và sinh viên Ðinh Nguyên Kha, nhưng không được vào tòa, Ông Linh, cha của Phương Uyên cũng không được vào để tham dự phiên tòa [Xem hình cha, dì và em trai của Phương Uyên bị CA chặn cửa không cho vào phòng xử], Ông chia sẻ với thông tín viên An Nhiên:
“Theo pháp luật thì người ta nói về tự do tham dự phiên tòa mà mọi người đều có thể tự do tham dự phiên tòa, nhưng mà người thân cận nhất của bị cáo mà người ta vẫn không cho tham dự phiên tòa, nói chi đến những người ủng hộ Phương Uyên thì làm sao đến tham dự được, công khai kiểu này thì nó không đúng như sự thật mà chính quyền đã đưa ra, thì việc này là cũng sai trái với pháp luật. Các blogger như Bùi Hằng, Hoàng Dũng, Châu Văn Thi, An Ðỗ Nguyễn, Huỳnh Công Thuận... từ Sài Gòn đổ về Long An để tham dự phiên tòa, nhưng đã bị sách nhiễu và ngăn chặn ngay trên đường đi và trước cổng tòa án...”
Linh mục Ðinh Hữu Thoại có mặt từ sớm tại trước tòa án Long An cho biết nhận xét của ông về hành động ngăn cản của ông an như sau:
“Phiên tòa công khai mà an ninh, công an đe dọa người đến tham dự nhiều quá, nó làm cho bộ mặt Tư pháp Việt Nam chả có gì mới. Cứ để người ta đến dự thì có ảnh hưởng gì đâu?”
Trong khi đó, hãng Thông tấn quốc tế AFP cho biết, trong một văn bản không chính thức được những người ủng hộ truyền đi trên mạng internet, thì sinh viên Nguyễn Phương Uyên khẳng định những hành động mà cô đã làm là do “lòng yêu nước”; Phương Uyên tuyên bố vô tội và yêu cầu tòa án bãi bỏ các cáo buộc trong cáo trạng. Yêu cầu của AFP được tham dự để tường thuật phiên tòa kể trên đã bị Chính quyền Việt Nam từ chối. Mặt khác, theo nguồn tin riêng của CTV Danlambao thì Lãnh sự quán Hoa Kỳ đã rất quan tâm đến vụ Nguyễn Phương Uyên và Ðinh Nguyên Kha. Tuy nhiên, phía nhà nước Cộng sản Việt Nam đã từ chối việc nhân viên Lãnh Sự Quán tham dự phiên tòa.
Chỉ có mẹ và cậu của Phương Uyên được vào bên trong. Sau phiên xử, bà Nguyễn Thị Nhung [xem hình], mẹ của Phương Uyên thuật lại với đài phát thanh VOA Việt ngữ diễn tiến phiên tòa như sau:
“Thành phần tham dự phiên tòa hôm nay hoàn toàn là lực lượng an ninh mặc thường phục. Những người an ninh này tôi đã từng gặp mặt họ. Phía Nguyễn Phương Uyên, bố mẹ không hề nhận được giấy báo về phiên xử. Khi đến tòa, chỉ có mẹ và cậu của Uyên được vào bên trong. Bố và em trai Uyên phải ngồi ngoài cổng tòa. Hết sức phẫn uất. Phẫn uất đến độ không thể chịu đựng được. Bố của bị can tranh đấu với họ xin vào, họ bảo hết chỗ ngồi, xin vào đứng nghe, họ vẫn không cho vào. Tôi hỏi họ: “Ðây là phiên tòa công khai mà bố đẻ không được vào dự thì công khai như thế nào?” Họ không trả lời được. Ở phiên tòa, họ gán ghép cho Uyên và Kha trong tổ chức Tuổi trẻ Yêu nước, chống chính quyền, kêu gọi đứng lên lật đổ chính quyền. Hai đứa trẻ “trói gà chưa chặt” mà bị nói là “lật đổ chính quyền”.
Trả lời câu hỏi của VOA: “Tại tòa cô Uyên đã phát biểu thế nào?” Bà Nhung nói:
“Uyên phát biểu rất mạnh mẽ và cứng rắn. Ðiển hình như Uyên nói: “Tôi dùng máu viết khẩu hiệu ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Ðông’ và ‘Ðảng cộng sản chết đi’, khẩu hiệu bị cho là ‘phỉ báng đảng cộng sản Việt Nam’, là vì tôi thể hiện lòng yêu nước khi tôi căm phẫn Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam đến tột cùng sự phẫn uất.” Khi cháu Uyên nói đến đây, quan tòa ngăn lại, không cho nói nữa. Tíêp đó, Uyên có nói về bức biếm họa Uyên vẽ đoàn người đứng trước một công an cầm dùi cui chỉ về hướng dân, phía trên ghi dòng chữ “Tự do-dân chủ”. Uyên nói tôi vẽ bức tranh này trong 15 phút để thể hiện thực tế người dân thấp cổ bé miệng khi nói ra thì bị đàn áp. Trước tòa, Uyên phát biểu mạnh mẽ, phản bác các công tố viên. Lời cuối cùng Uyên nói: “Việc tôi làm, tôi chịu, yêu cầu không gây khó khăn cho gia đình tôi. Tôi là một sinh viên, là đại diện cho tầng lớp trí thức, sức mạnh của đất nước, tôi mong muốn phiên tòa hôm nay xét xử công bằng để tôi sớm được trở về với cộng đồng, tiếp tục cống hiến cho đất nước và thể hiện lòng yêu nước.” Uyên chỉ nói vậy thôi chứ không xin xỏ gì hết.
Ðược VOA hỏi: “Uyên không có thái độ ‘nhận tội xin khoan hồng’?” Bà Nhung nói: “Hoàn toàn không có điều đó. Suốt phiên tòa, Uyên ngẩng cao đầu”.
Trả lời câu hỏi của đài VOA: “Trước đây truyền hình trong nước đăng tải những đoạn video chiếu cảnh Uyên ‘nhận tội xin khoan hồng’. Ðiều này hoàn toàn khác với những gì diễn ra tại tòa hôm nay?” Bà Nhung cho biết:
“Hôm nay tại tòa Uyên có nói Uyên bị giam giữ ở công an phường Tây Thạnh 2 hôm. Khi bắt, họ không đưa ra một chứng từ pháp lý nào, hoàn tòan vi phạm luật pháp. Sau đó, Uyên bị họ ép vào trong khách sạn, giữ trong khách sạn 5 ngày. Uyên xin gọi điện về cho gia đình họ cũng không cho. Họ bắt Uyên phải viết giấy hợp tác. Uyên nói rõ là lúc đó đang trong giai đoạn học thi, khi bị ép vào khách sạn buộc viết giấy thì Uyên viết vì họ hứa sẽ cho về thi. Uyên nói: “Trong lúc đó tôi rất hoảng hốt, sợ bỏ thi, cho nên họ bắt viết giấy, tôi viết.” Uyên nói trong giai đoạn đó bị ép buộc, họ bắt làm gì, viết gì, Uyên đành chấp nhận để được trở về thi theo lời hứa của họ” [Biệt chú của Giáo Già: Uyên đã không được trở về thi theo lời hứa của họ... Ðiều này chứng tỏ sở trường lừa đảo của CSVN. Chúng hứa để đánh lừa nạn nhơn, rồi sau đó không giữ lời. Ðến chuyện ra tòa, thêm lần nữa, chúng hứa Uyên nhận tội chúng sẽ tha. Lần này Uyên không còn bị đánh lừa nữa. Uyên đã không nhận tội. Ðã vậy, Uyên còn hiên ngang buộc tội Trung cộng và CSVN bán nước giữa tòa].
Ðược VOA hỏi tiếp: “Sau những gì diễn ra tại phiên tòa hôm nay, suy nghĩ của gia đình và ý định sắp tới của gia đình như thế nào?” Bà Nhung trả lời:
“Thật sự gia đình rất sốc với bản án, nhưng ngược lại được bù đắp bởi sự mạnh mẽ của Uyên. Uyên cứng rắn hơn mức tưởng tượng của gia đình. Cháu đã nói lên tất cả những uẩn khúc trong vụ án và thể hiện lòng yêu nước. Phiên tòa hôm nay, bản án hôm nay rõ ràng là bản án dành cho người yêu nước. Trước tòa, Uyên nói dõng dạc: “Tôi yêu nước, tôi thể hiện lòng yêu nước. Tôi không ngờ tôi bị bỏ tù vì thể hiện lòng yêu nước.” Gia đình rất lấy làm vinh dự, vinh hạnh về những việc con mình đã làm...”
Ðược VOA hỏi thăm về Ðinh Nguyên Kha.. Bà Nhung nói:
“Tại tòa, Kha cũng không ‘nhận tội hay xin khoan hồng’. Kha cũng nói chỉ thể hiện lòng yêu nước, không ngờ bị bỏ tù. Kha rất vững vàng, ngẩng cao đầu thể hiện là một công dân yêu nước. Kha nói mong mức án được giảm nhẹ, nhưng thực chất họ đã ra đòn rất mạnh”.
Bản án dành cho Uyên và Kha ngay lập tức bị các giới bảo vệ nhân quyền quốc tế chỉ trích là vi phạm quyền con người, giữa lúc thành tích nhân quyền của Hà Nội đang bị thế giới lên án gay gắt, điển hình như:
- Ông Phil Robertson [xem hình], Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, nói với VOA Việt ngữ: “Bản án này thật sự gây căm phẫn và chúng tôi sẽ tiếp tục nêu các bản án này ra trước công luận quốc tế càng nhiều càng tốt để đánh động sự quan tâm hơn nữa của thế giới về tình hình nhân quyền Việt Nam và có hành động thích ứng. Bản án này cho thấy sự phá sản của thành tích nhân quyền Hà Nội. Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam nói họ hành xử theo luật pháp và tôn trọng nhân quyền thì các bản án này chứng tỏ họ chỉ hành xử theo quyền lợi của Ðảng Cộng sản cầm quyền, bất chấp quyền căn bản của con người bị chà đạp, giữa lúc Hà Nội đang nỗ lực tìm một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.” Trước đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch nói bản án Hà Nội trừng phạt Uyên và Kha, những người thực thi quyền tự do ngôn luận, “thật sự gây căm phẫn”.. Theo thống kê của Human Rights Watch, tính đến thời điểm này năm nay, có ít nhất 36 người bị kết án vì “hoạt động chống nhà nước” theo các điều khoản của Bộ Luật Hình Việt Nam mà giới bảo vệ nhân quyền cho rằng có nội dung bao quát, mơ hồ.
- Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về các bản án tù Việt Nam vừa tuyên phạt hai nhà hoạt động trẻ vì các hoạt động chống Trung Quốc, kêu gọi tự do-dân chủ, và phản đối chế độ cai trị độc tài. Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Ðinh Nguyên Kha bị tuyên án lần lượt là 6 và 8 năm tù giam hôm 16/5 tại Long An về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Tuyên bố đăng trên website của Ðại sứ quán Mỹ tại Việt Nam hôm 17/5 nêu rõ các bản án này là một phần trong xu hướng đáng quan ngại của nhà chức trách Việt Nam dùng các tội danh trong luật về an ninh quốc gia để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ chỉ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa. Hoa Kỳ nhấn mạnh những việc làm của Hà Nội trái với quyền tự do ngôn luận và trái với các nghĩa vụ của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho những tù nhân lương tâm như Uyên và Kha và cho phép tất cả người dân Việt Nam được bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hoà.
Người nhà và luật sư của Uyên và Kha cho biết trong lời phản biện tại tòa, hai thanh niên này nói không có mục đích chống nhà nước CHXHCN Việt Nam và khẳng định họ là những người trẻ yêu nước, phẫn uất trước các chính sách của đảng cộng sản Việt Nam và hành động xâm lược của Bắc Kinh ở Biển Ðông.
Chính Luật sư Hà Huy Sơn khi biện hộ cho Uyên đã dõng dạc nói “Ðáng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam không phải là một, nên không thể cho rằng phỉ báng Ðảng là phỉ báng Nhà nước; đây không thuộc nội hàm của điều 88 BLHS. Hơn nữa, trong BLHS không có “Tội tuyên truyền chống Ðảng Cộng sản Việt Nam”... Nội dung mảnh vải ghi: “Tàu khựa cút khỏi Biển Ðông” là quyền của công dân ghi ở điều 77 Hiến pháp năm 1992 “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Về yếu tố lịch sử và luật pháp quốc tế Trung Quốc không có chủ quyền ở Biển Ðông. Trung Quốc là kẻ đã xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam việc phản đối kẻ xâm lược là một hành động yêu nước không thể bị kết tội...”
Theo dõi diễn biến vụ án, không ai không thấy Uyên trong áo sơ mi trắng, hiện thân của một nữ sinh trong trắng vô tội, Uyên đã không sợ hãi, không van xin, Uyên trầm tĩnh nhìn thẳng vào mặt những người ngồi xử cứng đơ trên bàn xét xử Uyên, những kẻ không che giấu được vẻ ưu tư hiện trên khuôn mặt khi nghe Uyên điềm đạm nói từng lời, từng tiếng rõ ràng:
“Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm”.
Bên cạnh Uyên, Ðinh Nguyên Kha, cũng áo sơ mi trắng, tóc cắt cao, vóc dáng của một thanh niên Việt Nam hiền lương, gương mẫu. Kha cũng dõng dạc nói: “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội”.
Có 2 điểm rất đáng lưu ý trong phiên xử này:
- Tòa không dám đọc nguyên văn bản cáo trạng, theo đó “Uyên sử dụng 2 mảnh vải trắng, lấy máu pha loãng với nước, rồi dùng ngón tay chấm viết, một mảnh có nội dung phỉ báng đảng Cộng sản Việt Nam, đó là: “Ði chết đi ÐCS VN bán nước” , và mảnh vải còn lại có nội dung không hay về Trung Quốc, đó là: “Tàu khựa cút khỏi biển Ðông”.
- Tất cả thành viên trong Hội đồng Xét xử không ai nghe họ xưng tên và trên các bản tin của hơn 700 tờ báo và cơ quan truyền thông của Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng không ai thấy ghi tên của họ, vì chính họ mang mặc cảm sợ hãi mọi người sẽ biết họ là ai, những kẻ có tội ngồi xử người vô tội tên gì; đặc biệt là vợ con họ sẽ vô cùng xấu hổ vì có người chồng, người cha... tội lỗi đối với Tổ Quốc Việt Nam.
Nói đến chuyện Uyên dùng máu của mình để viết biểu ngữ “Tàu khựa cút khỏi biển Ðông” dư luận theo dõi vụ án chắc chắn đã không quên bản tin được đưa lên diễn đàn Dân Làm Báo nói rằng:
“Trước phiên xử, giặc Trung Quốc đã đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Ðông, lệnh cấm trên được tuyên bố chính thức có hiệu lực vào 12 giờ trưa nay, 16/5/2013. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, nhà cầm quyền CSVN đã lập tức trả thù hai sinh yêu nước, chống giặc Tàu xâm lược bằng những bản án tù hết sức nặng nề. Xe tù chở Phương Uyên và Ðinh Nguyên Kha đã rời khỏi sân tòa, trong khi đó, tại vùng biển Trường Sa, 32 tàu chiến Trung Quốc ồ ạt đổ quân cướp trọn Biển Ðông”.
Từ kinh nghiệm “nhận tội để được cho về thi” nhưng chẳng được về thi, lại còn tiếp tục bị Cộng sản cầm tù và dùng lời nhận tội để bêu xấu; Phương Uyên đã không bị đánh lừa để nhận tội nữa. Cũng như Phương Uyên, Nguyên Kha không bao giờ nhận tội. Nội vụ đã nhắc dư luận nhớ lại cách nay khoảng 1 tuần, Ðỗ Thị Minh Hạnh, cũng là nạn nhơn không bao giờ nhận tội [xem hình]; cô đã bị chuyển trại giam từ trại Z30D Bình Thuận về trại Z30A Long Khánh (phân trại 5), huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Minh Hạnh cũng chưa bao giờ “nhận tội để được khoan hồng”. Ðã vậy, vì không nhận tội cô còn bị hành hung trong tù.
Thông tin từ những người thăm nuôi tù nhân và người tù hết án được trả tự do cho biết là tình hình của Ðỗ Thị Minh Hạnh hiện nay rất đáng báo động. Hạnh bị đau yếu nhưng quản giáo trại vẫn bắt buộc phải ra hiện trường lao động. Khi Hạnh báo bệnh cô bị công an trại giam cho là chống đối lao động. Chúng ra điều kiện là Hạnh phải ký bản nhận tội rồi mới cho nghỉ bệnh. Cô nhứt quyết không ký bản nhận tội nên bị công an trại giam ra lệnh cho các tù nhân nữ mang tội hình sự vây đánh với lý do cô chống lao động làm cho cả đội bị công an quản giáo phạt phải ngồi phơi nắng ngoài sân. Tin cho biết thêm là từ ngày Hạnh bị chuyển đến trại Long Khánh đến nay cô đã bị đánh 2 lần.
Tấm gương bất khuất của Hạnh khiến người theo dõi vụ án Phương Uyên nhớ lại tâm tình của hai bà mẹ tuyệt vời của Uyên và Hạnh. Mới đây, tin được đưa lên diễn đàn Dân Làm Báo cho biết: Xuất hiện trong phiên tòa hôm 16/5/2013, trong bộ áo trắng học sinh, Phương Uyên luôn tỏ ra mạnh mẽ trước bạo quyền. Sự mạnh mẽ của Phương Uyên cũng đã khiến cho người mẹ ruột cảm thấy bất ngờ, 'trên cả mức tưởng tượng của gia đình'. Chị Nguyễn Thị Nhung, mẹ Phương Uyên chia sẻ trên facebook về bản án 6 năm tù giam đối với con gái mình, sau khi phiên tòa kết thúc, như sau:
“Hôm nay, một ngày ý nghĩa nhất trong cuôc đời. Cảm ơn Thượng Ðế vì Người đã ban cho con Phương Uyên. Xin chân thành cảm ơn anh chị em đã đồng hành cùng gia đình Uyên và Kha”.
Ðiều này cũng khiến dư luận nhớ tới bài viết của ông Nguyễn Ngọc Quang, nhắn với Phương Uyên rằng: Chú nhớ khi mẹ chú lên thăm chú ở trại giam K2 Z30A, Xuân Lộc, Ðồng Nai, bà đã nói: “Nếu con thấy con có lỗi thì hãy thành tâm ăn năn và xin nhà nước khoan hồng nhé con; còn như con thấy việc con làm là đúng thì có chết cũng phải chết đứng chứ không được chết quỳ”. Nay mẹ Nhung không cần phải khuyên cháu như thế mà “Hôm nay, một ngày ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Cảm ơn Thượng Ðế vì Người đã ban cho con Phương Uyên”. Chú thật tự hào về ba mẹ của cháu!
Phần Ðỗ Thị Minh Hạnh thì Hạnh đã từng nói với Má mình rằng: “...Má ơi, con rất là đau buồn, con không buồn thân thể con, ở tù bao nhiêu năm cũng được... Họ bảo con hãy nhận tội đi rồi sẽ được giảm xuống 4 năm, nhưng không, ở đời thì chết chỉ có một lần mà thôi... để cho họ thấy rằng, họ không được phép coi thường tinh thần bất khuất của dân tộc. Mỗi dân tộc, mỗi một con người, nhất là người lãnh đạo đất nước phải biết rằng “Ðặt quyền lợi và danh dự của tổ quốc lên trên quyền lợi cá nhân của mình chứ... Con không tin một người công an nào hết, má hãy nhìn thân thể con đi nè!...”
Viết tới đây, Giáo Già nhớ tới đoạn cuối bài thơ của Trần Trung Ðạo, viết ở Boston, Hoa Kỳ ngày 17 tháng Ba năm 2011; xin được ghi lại nơi đây:
... Hôm nay
Lịch sử đang chờ em để bước sang trang
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại
Những người chết đang bắt đầu sống lại
Những người đi đang lần lượt quay về.
Giữa quê người còn một bài thơ
Viết cho em bằng những dòng hy vọng
Ðừng gục xuống, đừng than thân trách phận
Hãy mỉm cười như một chuyến đi xa
Mẹ sẽ chờ em dù năm tháng trôi qua
Sông núi chờ em trong ngày hội lớn...
Ðoạn cuối bài thơ của Trần Trung Ðạo nhắc Giáo Già nhớ tới một chút lịch sử thế giới cận đại, nhớ tới cuộc đời đấu tranh của 2 người tù thế kỷ: Nelson Mendela của Nam Phi và bà Aung Sang Suu Kyi của Miến Ðiện. Phần đầu của cuộc đời họ trải qua biết bao khó khăn và thăng trầm, tù ngục... nhưng sau cùng ý chí của họ đã chiến thắng, đất nước nhờ họ mà có tự do, dân chủ... Tìm trong Google mọi người đều biết:
- Ông Nelson Mandela [xem hiinh] đã nhận hơn 250 giải thưởng trong hơn bốn thập niên, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993.
- Bà Aung San Suu Kyi [xem hiinh] đấu tranh bất bạo động vì tự do và quyền con người nhận được giải Nobel Hòa bình năm 1991.
Câu chuyện của Nguyễn Phương Uyên, Ðinh Nguyên Kha và Ðỗ Thị Minh Hạnh với những những lời lên án của quốc tế đối với CSVN, qua lời phát biểu tiêu biểu của Human Rights Watch và Chánh phủ Hoa Kỳ nêu trên; tất cả đã tạo nguồn cảm hứng, thôi thúc tuổi trẻ Việt Nam đứng lên góp phần “chống Tàu diệt Việt cộng”. Tất cả đã khiến mọi người tin tưởng rằng ngày Phương Uyên và Nguyên Kha ra khỏi nhà tù chắc chắn sẽ ngắn hơn cái hạn tù 6 năm và 8 năm mà các quan tòa CSVN không dám xưng tên tuyên án các em. Nó khiến Giáo Già như nhìn thấy trước mắt các em là những chim én báo biểu “Mùa Xuân Việt Nam”.
Nó cũng nhắc Giáo Già nhớ tới cuộc đấu tranh trên mặt trận quốc tế vận, qua cuộc vận động thẳng với Liên Hiệp Quốc, mà Luật sư Trịnh Hội đã có đề nghị rất xác đáng, qua bài viết của ông được đăng trên blog của ông trên đài VOA, Giáo Già xin được đăng lại ở phần Phụ Ðính trong lá Thư Cho Con này.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già
Phụ đính:
UPR & Việt Nam
04.05.2013
UPR là tên viết tắt của 3 chữ: Universal Periodic Review mà tôi xin tạm dịch là Tổng Xét Định Kỳ được Liên Hiệp Quốc cho ra đời vào năm 2006. Từ đó, cứ mỗi 4 năm rưỡi Liên Hiệp Quốc thông qua Hội Đồng Nhân Quyền (HĐNQ - Human Rights Council) lại tổng xét các quốc gia thành viên (như Việt Nam chẳng hạn) về vấn đề nhân quyền để xem các nước có thi hành đúng các hiệp ước quốc tế mà họ đã ký kết hay không.
Tháng 1 năm 2014 sắp tới đây sẽ tới phiên Việt Nam được đem lên bàn mổ ở Geneve, Thụy Sĩ. Trong lần tổng xét này, HĐNQ sẽ dựa vào 3 bản báo cáo trước khi thảo luận với chính phủ Việt Nam. Sau đó họ sẽ tổng kết và đưa ra kiến nghị yêu cầu chính phủ Việt Nam thực hiện.
Ba bản báo cáo đó bao gồm: báo cáo của quốc gia thành viên (the State's national report), báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN report on the State) và báo cáo tổng kết của các thành viên liên quan (Summary of other relevant Stakeholders' information) bao gồm đệ trình (submission) của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) hay của các nhà hoạt động dân chủ, xã hội, về vấn đề nhân quyền ở nước này.
Vì vậy, nói một cách tóm tắt, đây là cơ hội để những người dân Việt Nam, những nhóm hoạt động xã hội dân sự (civil society groups) trực tiếp lên tiếng một cách chính thức với Liên Hiệp Quốc về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam trong 4 năm vừa qua.
Nếu chúng ta không lên tiếng, chắc chắn Liên Hiệp Quốc sẽ dựa vào bản báo cáo của Hà Nội để đưa ra nhận định. Và chắc chắn một điều là trong những nhận định đó sẽ hoàn toàn không có những cái tên như Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần hay Việt Khang.
Nếu muốn cho thế giới biết, chúng ta phải lên tiếng. Nếu muốn thấy thay đổi ở Việt Nam, chính chúng ta phải bỏ công, bỏ sức viết và đệ trình những kiến nghị nghiêm túc, đưa ra những bằng chứng cụ thể. Để từ đó thế giới có thể hiểu rõ vấn đề. Có thể biết chắc ở đâu có đàn áp. Và ai mới là người đang lộng ngôn, tuyên truyền cần được giáo dục lại.
Đã đến lúc chúng ta, những con dân xứ Việt, dành lại quyền tự do ngôn luận, để không phải chỉ nói cho chúng ta nghe, chỉ rầm rĩ trên các trang mạng Facebook, ở trong nhà, với bạn bè thân thiết ở đầu phố, mà đường đường chính chính chúng ta sẽ nói rõ, nói thật cho tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc cùng nghe. Vì đơn giản đó là quyền của chúng ta.
Ở Việt Nam có thể chúng ta không có quyền lên tiếng. Nhưng ở Geneve, Thụy Sĩ, vào tháng 1 năm 2014 sắp tới đây chắc chắn tiếng nói của chúng ta sẽ được tôn trọng.
Các bạn sẵn lòng nhập cuộc chứ?
OK. Nếu sẵn lòng thì trước tiên chúng ta cần phải biết và tuân theo một số thủ tục cần thiết.
Thứ nhất, đệ trình của một tổ chức NGO không được dài hơn 2.815 chữ (khoảng 5 trang). Nếu đây là một đệ trình chung (joint submission) của nhiều NGO khác nhau thì nó không được dài hơn 5.630 chữ (khoảng 10 trang).
Thứ hai, vì đây là những đệ trình chính thức cho Liên Hiệp Quốc nên nó không thể được cho là bí mật (confidential) hay ẩn danh (anonymous). Tên của tổ chức và bản đệ trình sẽ được đăng tải chính thức trên website của HĐNQ về vấn đề UPR nếu hội đủ các tiêu chuẩn. Vì vậy, nếu sợ bị đàn áp hoặc trả thù, các tổ chức hay cá nhân có thể nộp đệ trình thông qua một tổ chức phi chính phủ quốc tế như VOICE chẳng hạn.
Thứ ba, khi viết đệ trình, bạn chỉ nên chú trọng đến một vài vấn đề nổi bật. Không nên ôm đồm quá. Từ 5 đến 10 vấn đề là nhiều nhất cho một đệ trình (1 - 2 vấn đề cho mỗi trang).
Thứ tư, khi viết về một vấn đề, đầu tiên bạn đưa ra bối cảnh chung (general statement) kế tiếp là đưa ra những thí dụ cụ thể (supportive examples). Sau đó là các đề nghị thực hiện (recommendations).
Thứ năm, khi viết các bạn nên tránh dùng những từ ngữ quá xúc cảm (emotional) hoặc chủ quan (subjective). HĐNQ cần biết những con số, tên tuổi, thí dụ điển hình hơn là cảm nhận của bạn về vấn đề đó. Bạn cũng đừng gửi hình ảnh hoặc biểu đồ hay các bản báo cáo thường niên khác của ai đó.
Thứ sáu và cũng là quan trọng nhất, bạn cần phải nộp đệ trình này cho Văn Phòng Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền (Office of the High Commisioner for Human Rights) trước ngày 17 tháng 6 tới đây. Nếu muốn biết thêm chi tiết, bạn có thể truy cập vào trang mạng này của Văn Phòng Cao Ủy:
http://www.ohchr.org/EN/HRBodies/UPR/Pages/NgosNhris.aspx
Một khi làm xong bản đệ trình, bạn cần viết một lá thư đính kèm (cover letter) trong đó ghi rõ tên và hoạt động của tổ chức, logo hoặc website (nếu có), ngày thành lập cũng như người liên lạc. Nếu có thể, bạn nên tóm tắt nội dung bản đệ trình trong lá thư này, đánh dấu trang (pages), đoạn (paragraphs) trước khi gửi toàn bộ (dưới dạng word document) về địa chỉ email của Văn Phòng Cao Ủy là: uprsubmissions@ohchr.org.
Trong email gửi đi, trong phần tên (title) của email, bạn nên ghi theo thứ tự như thế này: tên tổ chức/loại đệ trình/tên nước liên quan/tháng năm tổng xét. Riêng trong phần email message, bạn có thể viết tóm tắt lại lá thư (cover letter) mà bạn gửi đính kèm đó là tên và hoạt động của tổ chức cũng như người thay mặt liên lạc.
Thí dụ, nếu lần này tôi quyết định thay mặt VOICE làm đệ trình cùng với Phong Trào Con Đường Việt Nam ở trong nước thì tôi sẽ viết trong phần title của email thế này: VOICE - Joint UPR Submission - Vietnam - January 2014. Một khi nhận được, Văn Phòng Cao Ủy sẽ gửi email trả lời xác nhận.
Thế đã nhé. Đương kim Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki-moon đã từng nhận xét: “the UPR as great potential to promote and protect human rights in the darknest corners of the world” (Tiến trình tổng xét định kỳ có tiềm năng quảng bá và bảo vệ nhân quyền ở những nơi đen tối nhất trên thế giới).
Mong là bạn và tôi sẽ cùng nhau biến tiềm năng đó trở thành những cơ hội thật sự trên đất nước mình. Nếu muốn cùng làm chung, bạn có thể email cho tôi qua địa chỉ: hoitrinh@gmail.com.
04.05.2013
-------oo0oo-------
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội
Thác Bản Giốc đẹp đẽ của đất nước Việt Nam yêu dấu.