tittle

bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

Home Page Vietlist.us

Trang Thơ - Văn - Ảnh Bạn Đọc dùng để đăng những bài thơ, bài văn hay, những bức ảnh của bạn đọc gởi về. Nếu các bạn chụp được những tấm ảnh hay, lạ, đẹp và muốn chia xẻ cùng bạn đọc, xin vui lòng email cho chúng tôi ở "vietlist09@yahoo.com"

-------oo0oo-------

 

CHIẾC QUẦN LÃNH MỸ A CỦA NGOẠI

Sáng tác: Hoa Hướng Dương

            Tôi sinh ra và lớn lên giữa vùng quê hương biển sóng. Phú Quốc, một hải đảo xa xôi cuối trời nước Việt, chung quanh tôi là biển nước mênh mông, trời cao lồng lộng, mưa nắng hai mùa, biển động, biển êm. Kỷ niệm thì nhiều lắm, chập chùng như sóng nước quê hương. Cái vui thì dễ qua, mà cái buồn thì đọng mãi trong tim tôi.

Hôm nay trời Ca Li đã bước vào đông, buổi sáng San Jose có nhiều tầng mây thấp,  không khí sắt se lạnh, vài chiếc lá cuối cùng rồi cũng phải lìa cành bay bay trong gió sớm. Như cơn gió thời gian thổi qua trần thế, cuốn theo nhiều người thân yêu của tôi về với vùng đất lạnh ngàn thu.

Xứ Mỹ cuối năm thường có những ngày lễ lớn. Như lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh và Tết dương lịch. Tôi thích nhất là ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving). Tạ ơn đời, tạ ơn người, tạ ơn đất nước, tạ ơn ông bà, cha mẹ cùng bạn bè thân quen. Một buổi họp mặt rất nhiều ý nghĩa…  Con cháu đi làm, đi học ở xa cũng phải về đoàn tụ trong ngày trọng đại đó! Để nói lên lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, hoặc ông bà tổ tiên, dù đã qua đời hay hiện đang còn sống.

Khi cành đào trước ngõ bắt đầu hé nụ, báo hiệu xuân sang, là lúc Tết truyền thống Việt Nam lại trở về. Màu hoa đào thắm tươi như màu máu tim của người Việt lưu vong, muôn đời vẫn sắt son với quê hương, dân tộc. Đã mấy chục năm qua, mỗi lần xuân đến, lòng tôi nghe buồn chi lạ! ngậm ngùi, thương nhớ, hồi tưởng những kỷ niệm êm đềm trên đất nước thân yêu của mùa xuân năm cũ. Năm nay, trong mùa xuân mới, lòng tôi dâng lên niềm cảm xúc dạt dào khi nhớ tới các người thân. Họ đã ra đi, lìa xa trần thế, để lại cho tôi một nỗi nhớ không nguôi...  Tôi nhớ nhất về “Chiếc Quần Lãnh Mỹ A Của Ngoại.”  Câu chuyện bắt đầu:

Tôi sinh ra trong một gia đình gồm có tám anh chị em. Gia đình tôi chỉ đủ ăn, nếu không muốn nói đến đôi lúc cũng túng thiếu! Ba tôi từ khi về chợ ở, ông xin được một  việc làm tại quận, còn má tôi thì vẫn lặn lội buôn gánh, bán bưng. Nhà tôi trước kia ở xóm Cửa Lấp, cách chợ Dương Đông ba cây số. Thời buổi tranh tối, tranh sáng, đời sống của người dân rất mực khó khăn, nên cả nhà dọn về chợ ở, để chúng tôi được cắp sách đến trường.

phu quoc

Ba tôi ngày trước là công tử thị thành. Má tôi là thôn nữ rẫy nương. Hằng ngày bà gánh rau quả lên chợ bán, để kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi em. Sau khi ba phải lòng má tôi, ông quyết định cưới bà làm vợ, nhưng bị bên nội tôi phản đối quyết liệt. Ông dọa sẽ bỏ đảo đi theo ghe bầu lưu lạc đó đây. Nên cuối cùng họ đành chấp thuận. Sau khi cưới  vợ xong, ông dọn về rẫy ở. Tự lực cánh sinh, cày sâu, cuốc bẩm  cùng  má tôi gồng  gánh, nuôi một đàn con. Khi về chợ, vì tự ái, ông không muốn nhờ vã họ hàng, nên má tôi phải cực khổ trăm chiều, nuôi nấng bầy con tám đứa. Dì tôi lấy chồng xa, ngoại tôi theo dì về Rạch Giá sống từ ngày ấy.

Tôi học hết năm cuối của Trường Tiểu Học Cộng Đồng Dương Đông thì phải vào Rạch Giá học trường tư. Theo hệ thống trường công thời đó, vì tôi quá số tuổi để thi vào đệ thất. Thế là tôi phải khăn gói lên đường, rời xa cha mẹ, anh chị em cùng bạn bè và quê hương Phú Quốc. Ngày ra đi tôi đã khóc, giọt nước mắt hòa tan theo vị mặn nồng của biển cả quê hương.Tôi như thân cây bị bứng gốc, tách lìa khỏi phần đất thân thương. Thời gian ban đầu tôi u sầu, khô héo, những chiều tan học, tôi thường đứng trên bờ đê cao nhìn về vùng hải đảo mờ xa ở cuối chân trời chập chùng sóng nước.
Tôi sống trong gia đình người dì với một đàn con bảy đứa, bên cạnh bà ngoại già rất mực thương yêu tôi. Dượng tôi làm nghề biển, tài công phụ cho tàu đánh cá Thái Lan. Mỗi hai hoặc ba tuần lễ ông mới về bến một lần. Khi được chủ chia tiền, ông nhín chút ít cho ngoại và tôi ăn quà vặt.

Thời gian nầy gia đình tôi ở Phú Quốc bắt đầu sa sút, nghèo túng. Có lẽ đàn con càng lớn thì sự chi tiêu càng nhiều. Nào là lo cơm gạo, thức ăn cũng đủ mệt. Tiền lương của ba tôi khiêm nhường lắm, chỉ đủ để ông cà phê, thuốc lá mà thôi! Má tôi phải chạy đôn chạy đáo để kiếm từng bữa ăn về cho bầy con bảy đứa. Nhất là những khi Tết đến, má sắm cho mỗi đứa con ba bộ đồ mới, tất cả 24 bộ. Rồi mỗi đứa lại một đôi dép mới nữa, con gái cũng phải uốn tóc, cắt tóc cho gọn gàng, tươm tất. Mỗi lần Tết đến, trẻ con như chúng tôi vui sướng lắm! Đâu biết các bậc làm cha mẹ như má tôi lo sầu héo ruột.  Thiếu hụt thì phải đi vay, đi mượn, rồi nợ mẹ đẻ ra nợ con, nên có một năm, lúc tôi chưa vào Rạch Giá  để trọ học; chiều ba mươi Tết, tôi thấy có nhiều người đến nhà đòi nơ, họ mắng chữi má tôi thậm tệ. Bà chỉ biết khóc lóc van xin, hẹn lại khi qua Tết bà sẽ cố gắng trả hết...  Hình ảnh đó đã ám ảnh tôi rất nhiều năm. “Nghèo là một cái tội! Nghèo mà  đông con, tội lại càng nhiều hơn?” Vì vậy những người giàu có, thường nhìn người nghèo bằng ánh mắt rẻ khinh. 

Có một năm Tết đến rồi mà chưa thấy má gởi tiền vô để tôi mua vé tàu đò về Phú Quốc ăn Tết với gia đình. Thế là năm đó tôi đành ăn Tết tại Rạch Giá với gia đình người dì. Áo quần trong năm thì mặc đã cũ rồi, ngày Tết nhất cũng cần có bộ đồ mới để mặc lấy hên đầu năm. Ngoại tôi thấy thế rất đau lòng. Buổi trưa nọ, chỉ còn cách mấy ngày nữa là Tết, bà kêu tôi vô nhà sau, tay cầm theo một gói đồ. Ngoại ngồi xuống giường, tay run run tháo từng lớp giấy nhựt trình đã cũ. Ngoại lôi ra một chiếc quần lãnh mỹ a đen nhánh, còn mới lắm, hình như bà chưa mặc lần nào. Ngoại cũng lấy ra một chiếc áo bà ba màu xanh ve chai rất đẹp. Ngoại ngắm nghía áo quần một hồi rồi đưa bàn tay mân mê, vuốt vuốt lên những vết gấp lâu ngày đã hằn sâu, như những vết thời gian trên gương mặt nhăn nheo của ngoại. Giọng bà xúc động:

- Minh nè, bộ đồ nầy ngoại ưng ý lắm! Ngoại để dành lâu lắm rồi, định khi nào trăm tuổi già thì ngoại mới mặc. Bây giờ chỉ còn mấy hôm nữa là Tết, mà năm nay con không về Phú Quốc ăn Tết với gia đình được, quần áo mới con cũng chưa có bộ nào... Đây, con lấy cái quân, cái áo nầy để may thành bộ đồ mới mặc Tết nghe con!

Tết đó tôi đã 15 tuổi rồi, nghe ngoại nói thế, tôi xua tay không chịu nhận:
- Thôi, áo quần nầy của ngoại, để ngoại mặc khi trăm tuổi già mà!
Giọng ngoại đầy tự tin:

- Ngoại sống dai lắm! Mai mốt rồi ngoại xin tiền dượng con sắm bộ khác thôi.

Tôi ngập ngừng:
- Nhưng áo quần của ngoại con đâu mặc vừa!

Lúc đó tôi ở tuổi dậy thì, nhưng cơ thể chưa nẩy nở lắm, còn ngoại thì dáng người cao ráo, nhưng cũng gầy còm như tôi. Ngoại nói riết, cuối cùng tôi cũng nhận lời, trong lòng cảm thấy vui lắm, vì sắp có đồ mới để mặc Tết mà!

Để tranh thủ thời gian cho kịp Tết, ngoại xếp đôi hai ống quân lại, đặt thẳng thớm xuống manh chiếu trên giường. Cái quần cũ của tôi nằm trên chiếc quân mới của ngoại. Tay run run, ngoại cầm cây kéo cắt ngang phần dư của hai ống quần, rồi bẻ góc 90 độ cắt dọc lên phần đáy. Thế là tôi có chiếc quần mới sau khi ráp mí và lên lai.

Còn cái áo bà ba màu xanh ve chai của ngoại, bà cũng cắt hai tay áo cho ngắn lại và cũng cắt luôn hai tà trước cùng tà sau để vừa với kích thước của tôi. Hai bà cháu thay nhau bẻ mí, lên lai may suốt một ngày. Hôm sau tôi đã có bộ đồ mới để mặc ăn Tết. Một cái Tết xa nhà, với một kỷ niệm khó quên.

Rồi thời gian cứ trôi, tôi vẫn là cô học sinh nghèo. Buổi sáng nhịn đói tới trường. Buổi trưa thất thểu trở về, đói lã dưới cơn nắng cháy da... Dì tôi ngày đó cũng nghèo vì phải nuôi bảy, tám đứa con. Tôi biết thân, biết phận, nên không dám hở miệng, hé môi xin xỏ điều gì. Ngoài cơm ăn một ngày hai bữa, nghĩ cũng đủ lắm rồi.

Việc học của tôi đành dở dang, giữa năm đệ nhị tôi tham dự khóa sư phạm cấp tốc xong, trở về An Thới dạy học.

Rồi vận nước đổi thay, tôi lưu lạc xứ người, chưa lần gặp lại để đền đáp ân tình của ngoại. Gần cuối năm 1979, tôi nhận được lá thư của ngoại gởi qua, chỉ vài hàng nguệch ngoạc, ngoại thăm sức khỏe và mong có ngày gặp lại đứa cháu ngoan trước khi ngoại nhắm mắt. Tôi mừng và nhớ thương ngoại lắm, vì biết ngoại nay tuổi đã già, như chiếc lá khô, chỉ chờ cơn gió nhẹ sẽ xa cành. Tôi thấy được điều ấy nên quyết định phải làm một việc gì trước khi quá trễ.

Hôm sau, tôi liền ra chợ vải, lựa mấy sấp hàng thật tốt để cắt may cho ngoại năm ba bộ đồ.  Dĩ nhiên trong đó phải có cái quần lãnh đen ngoại thích và chiếc áo xanh màu ve chai nữa!  Tôi đã mất mấy tuần lễ mới may xong định gởi qua Pháp để chuyển về Việt Nam cho ngoại, vì thời đó chính phủ Hoa Kỳ chưa ban giao nên mọi sự tiền bạc, hay quà cáp đều bị cấm ngặt.

Chữ “Nhưng” trong đời lúc nào cũng lắt léo, éo le, ngang trái. Cái tuần lễ tôi định đi gởi thì chẳng may tôi mang bệnh phải vào nhà thương. Hai tuần sau khi ra khỏi nhà thương, tôi nhận được một lá thư và một tấm hình, má gởi qua báo tin rằng ngoại đã mất. Ngoại ra đi trong hoàn cảnh thiếu thốn, đói thuốc, đói cơm. Cũng như hầu hết người dân miền Nam thời đó ai cũng nghèo xác, nghèo xơ.

Ngoại tôi không có con trai. Tấm hình trắng đen của ngoại được dượng tôi ôm đi  trước, chiếc quan tài màu đen đi sau. Má tôi mặc đồ tang trắng nằm dài trên đất, chiếc quan tài từ từ đi qua. Nhưng nỗi buồn và hình ảnh chiếc quần lãnh mỹ a của ngoại sẽ không bao giờ đi qua khỏi cuộc đời và trái tim tôi cả! 

Hoa Hướng Dương
Tâm bút kính dâng Ngoại thân yêu

 

VCBanNuoc

-------------oo0oo---------------

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

Covang

Covang

Covang

Home Page Vietlist.us

 


bottom