tittle

bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

Home Page Vietlist.us

Trang Thơ - Văn - Ảnh Bạn Đọc dùng để đăng những bài thơ, bài văn hay, những bức ảnh của bạn đọc gởi về. Nếu các bạn chụp được những tấm ảnh hay, lạ, đẹp và muốn chia xẻ cùng bạn đọc, xin vui lòng email cho chúng tôi ở "vietlist09@yahoo.com"

-------oo0oo-------

 

CHUYỆN ĐỜI THẰNG TÝ

 

         “ Tui kể cho Chú nghe chuyện bên ngoại tui và của tui, Chú nhớ là đừng viết bài gởi lên báo” -Thằng Tý dặn tôi vậy. Nhưng thời gian trôi qua cũng khá lâu…Nay, được Nó đồng ý. Nên tôi kể lại tất cả những gì mà Nó tâm sự với tôi từ những năm trước.

QUÊ NGOẠI THẰNG TÝ

         Quê Ngoại Thằng Tý ở miệt vườn Long Mỹ. Ngày trước 1975 vùng này là vùng xôi đậu. Ban ngày Quốc Gia còn ban đêm mấy ông Du Kích về hoạt động nên dân chúng ở vùng nầy sống theo hai chiều… là chuyện bình thường chẳng có gì đáng nói. Ông bà Ngoại Thằng Tý gia cảnh không giàu mà cũng không nghèo. Ông là một Thầy giáo làng có uy tín. Ông Bà sinh được ba người con, hai trai,một gái: Người con lớn Lê văn Cồn - anh Hai. Người con trai kế Lê văn Doi - anh Ba. Người con gái út là Lê Thị Lục Bình. Hai người con trai học hết lớp hết lớp Nhứt thì ông Ngoại Thằng Tý chết. Hai người Cậu Nó bỏ học về làm ruộng rồi lấy vợ. Còn cô út Lục Bình thì được cho ăn học đến nơi đến chốn.

Sống trong vùng xôi đậu  VC tuyên truyền thổi lổ tai riết…mưa dầm thấm đất. Thế là hai ông Cậu Nó bỏ nhà vô “Bưng” theo VC. Ông thứ hai có bí danh “Hai Dầm”. Ông thứ ba “Ba Văn” Còn cô Út sau này là Mẹ Nó vốn có bệnh tim bẩm sinh, dáng người xanh xao yếu đuối dù có chữ nghĩa nhưng cũng ở nhà với Mẹ chứ chẳng làm được công việc gì! Hai người con trai vô “Bưng”, rồi hai người con Dâu của bà ngoại Thằng Tý cũng ẵm con về nhà Cha Mẹ ruột ở. Vậy, là nhà chỉ còn bà Ngoại và Mẹ Nó!

DUYÊN NỢ

          Buổi trưa-mùa hè cô Lục Bình nằm trên võng đung đưa dưới tàng cây vú sữa, Cô nhìn ra bên kia sông rất đông những người mặc quần áo “Đen “ xuống đò qua bên xóm nhà cô. Thanh Niên có Thanh Nữ có, ngoài súng cá nhân, ba lô còn có cả cây đàn nữa. Cô ngạc nhiên quá! Hay là Du Kích về? Mà sao Du Kích dám về ban ngày…? Lạ chưa! Tự nhiên Cô nhớ tới hai người anh Trai theo “Cách Mạng” từ những năm trước. Lâu qúa, mà chẳng nghe tin tức sống chết như thế nào. Mẹ Cô thì nhớ con ngày càng ốm, mà hai Anh cô nghĩ cũng tệ...” Đi biệt không một lời nhắn thăm cho biết”. Những người áo “Đen” họ phân tán đi vào các ngôi nhà trong xóm, lũ con nít thấy cây đàn guita, trái banh, vợt vũ cầu thích lắm nên chạy theo coi rất đông. Khoảng bốn giờ chiếu Cô thấy một người áo “Đen” cao lớn, không mang ba lô, bên hông đeo khẩu súng lục đi vào nhà cô và tự giới thiệu: “Chào cô! Tôi là Thành, “Đoàn Trưởng Đoàn  Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn”  được lệnh về đây “ Xây Dựng Ấp Đời Mới”,   Đoàn chúng tôi xin Cô cho ở nhờ hai Cán Bộ nữ. Tôi rất cảm ơn Cô!”

Những ngày sau đó Đoàn Cán Bộ làm cầu,làm đường; mở lớp dạy học, dạy nghề,cắt tóc; khám bệnh phát thuốc;dạy đàn hát; dạy cách ăn uống vệ sinh; phân phát cây giống,lúa giống, con giống và cách thức canh tác có năng xuất.tổ chức Đoàn Nhân Dân Tự Vệ. Đoàn còn làm nhà cho bà con nghèo...Không đầy một tháng bộ mặt Thôn Xóm tươi vui-khác hẳn mọi ngày. Cô Lục Bình được mời phụ trách lớp Một, còn lớp xóa mù chữ do các Chị Nữ Cán Bộ  XDNT chịu trách nhiệm. Trong lần liên hoan văn nghệ, bà Ấp Trưởng nói với cô Lục Bình :” Chị thấy Đoàn Trưởng Trần Văn Thành mới hai mươi chín tuồi có học vấn, nhà ở Cần Thơ, người Quảng Nam hiện có hai chị em. Người Chị đã có chồng, còn cha Mẹ mất từ lâu. Chị định giới thiệu cho em! Em thích không?”

Vậy mà hai năm sau cô Lục Bình và Đòan Trưởng Trần Văn Thành làm đám cưới! Khi cưới xong cô Dâu vẫn ở nhà Mẹ, còn chàng Rễ lên đường đi công tác. Khi đám cưới xong thì cô Lục Bình nhận được tin của hai người Anh trong “Bưng” gửi về .Trong thơ nói rằng: “Cô lấy Thằng Ngụy ác ôn- phải bỏ ngay, nếu không sẽ từ, không nhận anh em nữa và sẽ giết Chồng Cô…!”  Mậu Thân 1968 nổ ra. Lúc này, Anh Thành được điều về Tỉnh Đoàn. Thấy tình hình an ninh càng ngày càng bất ổn. Vợ chồng anh Thành-Lục Bình bàn với Mẹ giao nhà cửa,ruộng vườn cho chị Dâu lớn trông coi, rồi ba người về Cần Thơ ở cho đến ngày 30.4.1975.

BI KỊCH GIA ĐÌNH

           “Giải Phóng Miền Nam” Thằng Tý mới hơn một tuổi, Cha Nó đi “Học Tập Cải Tạo”. Mẹ Nó và bà Ngoại dắt nhau về quê. Nghe nói hai ông Cậu Thằng Tý: -Cậu Hai- cậu Ba làm chức chi lớn trên Tỉnh và hai bà Vợ và các Con cũng lên ở trển luôn.Vậy là bà Ngoại Thằng Tý trong chiến tranh cũng xa con, nay “Hoà Bình” cũng xa con…vì cô Út lấy chồng “Ngụy” giờ đi “Cải Tạo”.Chính cô Út làm ô uế thanh danh "Cách Mạng” của hai ông Anh. Nên hai “Ông” không thèm ghé thăm nhà, thăm Mẹ, vì Mẹ cũng có lỗi không ngăn cô Út. Bà Ngoại thằng Tý không chịu nỗi bi kịch gia đình nên sáu tháng sau Bà qua đời. Trong “Di Chúc” Bà để lại hai mẫu ruộng cho hai người con Trai, còn cô Út được ba công đất vườn với cái nhà lá. Trước lúc sắp đi, bà cầm tay Mẹ Thằng Tý- dúi miếng giấy - bà nói: “ Ráng sống mà nuôi con đợi Chồng con về, tụi bay ở hiền thì Trời Phật sẽ ban ơn phước cho, hai Anh con nó có nói nặng nói nhẹ cũng ráng nhịn đợi Ba Thằng Tý ”Học Tập Cải Tạo” về rồi đi đâu thì đi; có đi thì nhớ mang ảnh Mẹ và Cha con theo với!” -Nói xong bà lịm dần…

Mẹ Thằng Tý ra Ủy Ban Cách Mạng nhờ người nhắn hai ông Anh về nhà chịu tang Mẹ,còn phần hậu sự có thì bà con hàng xóm xúm lại lo. Ở dưới Quê chuyện “Quan-Hôn-Tang-Tế”, tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau,giúp đỡ nhau là nghĩa vụ không bao giờ nề hà. Ở miền sông nước đâu có Nghĩa Trang. Huyệt mộ đào ngay sau vườn. Vậy là hai Ông Bà giờ đây  được nằm gần nhau! Liệm xong nhưng không đóng ván thiên vì còn chờ…hai “Ông” con trai!

          Cách một ngày hôm sau hai "Ông "con về dẫn theo hai chú Bộ Đội hộ tống. Không thấy hai bà vợ và các con đi theo. Hai ông đi thẳng vô nhà thắp nhang vái ba vái… nhưng không lạy rồi quay ra hỏi trống không: “Chừng nào chôn?” Ông Ấp Trưởng Cách Mạng nói: “Chúng tôi chờ hai Đồng Chí về ra lệnh là chôn ngay!  -Ông Ấp Trưởng Cách Mạng nói: “Xin Đồng Chí Hai Dầm có vài lời phát biểu với bà con”

Đồng chí “Hai Dầm” tằng hắng lấy giọng xong rồi phát biểu: “Thưa bà con. -Thứ nhất: Hai anh em tôi cảm ơn Bà Con có mặt hôm nay để đưa đám Tang Mẹ tôi. -Thứ hai: Tôi chia vui cùng Bà Con là Đất Nước ta từ nay đã có “Hòa Bình -Độc Lập- Tự Do- Hạnh Phúc”. Chúng ta sẽ tiến lên “Chủ Nghĩa Xã Hội” - nhưng chúng ta không bao giờ quên ơn Đồng Chí  Lý Ninh (lenin) ở nước Nga đã lãnh đạo Cách Mạng vô sản với ba giòng thác Cách Mạng đánh đổ  “Đế Quốc -Tư Bản- Chủ Nghĩa”. Chúng ta hãy hồ hởi, phấn khởi - thâu hoạch…!- Mọi người vỗ tay: rần… rần…!  -Thứ ba: Em Gái tôi lấy chồng là Thằng “NGỤY” ác ôn, làm xấu hổ giòng họ.Tuy nhiên, trong thời gian qua nó lo cho mẹ tôi nên tôi  nhờ các Đồng Chí ở Địa Phương giúp đỡ nó” -Lại tiếng vỗ tay rần… rần…!    

Ngày mãn tang Bà Ngoại Thằng Tý. Hai gia đình ông Cậu Nó trên Tỉnh về làm đám giỗ,mời Quan Khách hàng trăm người. nghe bà Chị Dâu thứ  ba nói: “Những người bà con mà làm cho Nguỵ hay Chiêu Hồi mời dự đám, nhưng không được ngồi chung bàn với những ông “Cách Mạng”. Ngồi chung như vậy sẽ mất  Quan Điểm”. Nghe vậy, mẹ con Thằng Tý âm thầm ra Mộ đốt nhang…rồi đi tọt qua nhà Hàng Xóm đợi đến khi mọi người rút hết mới trở lại nhà!

BƯỚC ĐƯỜNG LƯU LẠC TÌM CHA

          “Tiến nhanh, tiến mạnh lên “Xã Hội Chủ Nghĩa”. Do đó ruộng, đất đều đưa vào “Tập Đoàn-Hợp Tác Xã” làm ăn tập thể.Cấm mọi hình thức mua bán, ngăn sông cấm chợ dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa,thiếu ăn-đói. Nhưng đối với “Gia Đình Cách Mạng” thì lúc nào họ cũng “Độc Lập -Ấm No - Hạnh Phúc!” Mẹ Thằng Tý vốn bị bệnh tim. Nay đổi đời sống trong “ Xã Hội Mới “ nên phải ra đồng lam lũ kiếm sống như người ta. Phần nhớ thương Chồng mấy năm nay không nghe tin tức sống hay chết, muốn đi thăm cũng đâu biết chỗ nào đâu mà đi! Đến năm 1980 Cha thằng Tý gửi thư về báo tin bình yên đang “ Học Tập Cải Tạo” ngoài Bắc. Nhưng không cho biết ở Trại nào. Cha Thằng Tý bảo hai mẹ con an tâm đừng thăm nuôi, đã sắp thả về…

     Niềm hy vọng lại lóe lên trong lòng hai mẹ con Thằng Tý. Thằng Tý sinh năm 1974 khi nhận được thư Ba Nó, thì tính ra Nó mới được bảy tuối. Chưa thấy mặt Ba như thế nào, chỉ thấy qua ảnh do Mẹ Nó cho xem những lúc nhớ Cha. Mẹ Nó xin cho Nó vào học lớp một. Học chưa được một tuần, bỏ học đi theo chúng bạn bắt còng, bắt cá, tôm đem ra chợ bán lấy tiền về đưa cho Mẹ. Thương con không có Cha bên cạnh, Mẹ Nó an ủi dỗ dành gạn hỏi lý do sao không đi học nữa? Nó chạy vào trong buồng lấy tấm ảnh Cha ra-nhìn rồi nói trong hai hàng nước mắt…-Họ nói: “Cha con là “Ác Ôn”! Giết người, tay sai “Bán Nước”! Thành phần xấu, đi “Cải Tạo” mút mùa cho đáng kiếp!” Kể từ đó Thằng Tý ở nhà, Mẹ Nó dạy cho Nó học và Nó học rất nhanh. Mới Tám tuổi đầu mà cao to như mười hai mười ba tuổi, nước da đen nhẻm, cứng cáp.

Một buổi sáng thức dậy không thấy Thằng Tý,tưởng Nó ra ngoài đồng.. . Đến khi nhìn vô cửa, Mẹ Nó thấy miếng giấy. Lấy xuống đọc:” Mẹ ơi! Con đi tìm Ba tháng sau con về - Mẹ đừng lo -con lớn rồi!” Thằng Tý hỏi đường lên Saigòn khi xe chạy đến Hóc Môn thì hỏng máy.Mọi người xuống xe chờ Nhà xe sửa. Nó thấy một đám con nít cỡ nó vai mang bao, tay cầm cái móc sắt. Nó lân la lại làm quen và đuợc biết những người đó đi vào bãi rác lượm rác,ve chai… đem ra bán cho các vựa. Thế là Nó đi theo…Nó nghĩ, lượm bán có tiền sẽ đi tìm Ba hay đem tiền về cho Mẹ!

Một buổi tối, Thằng Tý đang nằm ngủ trong “Nhà” làm bằng giấy Carton. Nó thấy một người “Cụt Một Chân” đi trên hai cái nạn gỗ cũ, đến “Nhà” Nó “ -Này, Thằng Nhóc!  Qua bên “Nhà” tao ngủ, Ở bên Tao rộng, tụi nó sẽ không dám ăn hiếp Mày… -Này, Thằng Nhóc! Mầy dành được bao nhiêu tiền… Mầy đưa Tao giữ cho.Nếu không đưa Tao giữ dùm, ít bữa cái đám âm binh ngoài kia vô, nó sẽ đần cho Mầy một trận tã tơi rồi lấy hết tiền của Mày. Ở đây là làng… “Đại học” mà Mày! Tự nhiên Tao thấy thương Mầy quá chừng! -Mầy thấy không? Hàng ngàn đứa cù bơ cù bất như Tao,như Mày hằng ngày bươi cái đống rác nàỳ để kiếm ăn. Đã ăn dơ, ăn bẩn vậy mà phải tranh nhau giành giật để ăn, Mầy thấy có nhục không? Ừ, Mầy còn nhỏ qúa đâu hiểu được những gì Tao nói… Đời Tao như bỏ rồi. Tại sao tụi Mầy còn trẻ mà tương lai mù tăm như vậy?” -Người “ Cụt Chân “ nói một hơi…Thế là Thằng Tý nghe lời dọn qua ở chung “Nhà”.

Một hôm,Thằng Tý nói ý định đi tìm Ba đang bị “Cải Tạo” một nơi nào đó…, mà Nó không biết, Nó cũng chỉ biết mặt Ba qua những tấm ảnh. Nó nói hết lai lịch của bên Ngọai và của Nó cho người “Cụt Chân” nghe. Người “Cụt Chân” vừa nghe, vừa nhìn Nó bằng ánh mắt trìu mến… như nhìn đứa con của mình. (Mặc dầu người cụt chân không có vợ). Này,Thằng Nhóc! -Ông Ngoại Mày có phải là Thầy Giáo Năm? -Mẹ Mày có phải là Lê Thị Lục Bình? Có hai người anh ruột theo VC phải không ? ( Ngày mất “Miền Nam” Thằng Tý mới chưa đầy hai tuổi đầu làm gì biết VC. Dù VC là Cậu ruột Nó).

Nó trả lời người “Cụt Chân” là khi Nó lớn lên, được Mẹ cho xem hình hai ông Cậu mặc quần áo màu Đen, ôm súng dài. Còn Ba Nó cũng mặc quần áo màu Đen nhưng mang súng ngắn bên hông, đội nón màu Đen rộng vành. Trông Ba Nó  cao to oai phong lẫm liệt hơn hai ông Cậu . Rồi Mẹ Thằng Tý giải nghĩa cho biết là hai ông Cậu bỏ vợ con, bỏ Mẹ già theo VC vào rừng. Cha Nó làm “Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn” bên Chính Thể Quốc Gia. Hai bên đánh nhau mấy chục năm cuối cùng bên Ba nó thua…bên Cậu Nó” Thắng!” Bên Thắng bắt bên thua đi “Tù Đày”…Nói “Hoa mỹ ” là “Học Tập Cải Tạo”!

Ngày Ba Nó “Lên Đàng…” đi Học Tập Cải Tạo thì Mẹ Thằng Tý nhận được thư của  hai ông Cậu Nó. Nội dung khuyên Mẹ Nó an tâm đừng lo sợ. “Chính Sách Nhân Đạo của Chính Quyền Cách Mạng trước sau như một- không giết. Đúng lý ra phải bắn bỏ hết bọn”Nguy Quân - Ngụy Quyền” bán nước cho” Đế Quốc”, làm tay sai cho Giặc.”

Vậy mà, Ba Nó đi biền biệt: tám, chín năm không biết ở nơi nào, sống chết ra sao? Nó thấy Mẹ Nó hằng đêm thắp nhang khấn vái Ông Bà linh thiêng cho Ba Nó bình yên trở về. Thấy Mẹ khóc- Nó thương Mẹ lắm-Nó khóc theo. Người “Cụt Chân” có khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt có thần,mái tóc đã muối tiêu. Ngồi nghe Thằng Tý lắp bắp kể về chuyện Gia Đình Nó... Đôi mắt đỏ hoe nhìn ra bãi rác trời về khuya cảnh vật yên lặng. Chỉ còn nghe tiếng loài chuột chạy moi móc kiếm ăn,sáng mai lại đến phiên con người! Người “Cụt Chân” quay lại thì Thằng Tý đã ngủ say, nằm co quắp hai tay gối trên đầu. Người “Cụt Chân” kéo tấm mền đắp lên người nó, và nhìn kỷ khuôn mặt Thằng Nhỏ…Rất giống! Rất giống! khuôn mặt người Chỉ Huy năm xưa… -Tội nghiệp! Còn qúa nhỏ để nghe chuyện người lớn. Chìm vào giấc ngủ Thằng Tý mơ mơ màng màng… không biết người "Cụt Chân" là ai, mà biết ông Ngoại, hai Cậu và Mẹ Lục Bình ?

Từ ngày có người “Cụt Chân” đỡ đầu Thằng Tý “Ăn nên làm ra” mà không sợ một ai dám bắt nạt, Nó quần quật bới móc suốt ngày ngoài bãi rát…nước da ngăm đen đầy vẻ phong trần. Buổi tối người cụt chân dạy chữ cho Nó: Tập viết từng câu văn. Làm toán cộng, trừ, nhân,chia cũng như lời ăn tiếng nói cho có lễ phép. Người “Cụt Chân” hài lòng vì Thằng Tý tiếp nhận bài vở rất nhanh, phải nói rằng khá thông minh.

       Một già,một trẻ nương tựa vào nhau kiếm sống trong cảnh đời cùng cực. Người “Cụt Chân” làm đủ thứ ngoài việc moi rác, còn vá xe, đọc và viết thư dùm chẳng những chữ Việt mà cả những chữ Anh,chữ Pháp. Làm giúp không bao giờ lấy ai một đồng cắc nào; nhưng ai cho cái gì thì lấy cái đó rồi phân chia cho đám nhóc.Không biết từ bao giờ, và ai đặt tên mà đám nhóc tỳ gọi ngươì “Cụt Chân” là “Ông Thất”! Phải có duyên cớ chứ? -Đúng vậy! Caí áo của người cụt chân mặc có nhiều mảnh vá không đồng màu.-Thất! Có nghĩa là… “Hồng Thất Công” Bang chủ “Bang Hội” ăn mày trong truyện chưởng của (nhà văn Kim Dung).

Một đêm nọ, bầu trời đầy trăng sao.Thằng Tý nói với người “Cụt Chân” rằng, muốn người “Cụt Chân” nhận Nó làm con nuôi. Rằng, Ba Nó đi  “Cải Tạo” không biết sống chết ra sao…Người “Cụt Chân” chẳng nói chẳng rằng cứ ngồi nhìn lên bầu trời, rồi với tay lấy cái ống thuốc lào nhồi thuốc châm lửa rít một hơi dài, nghiêng ống điếu hất cái tàn thuốc ra ngoài, ngữa mặt lên… nhả khói bay mù mịt. “Đ.M! Ngày xưa thuốc thơm ” RUBY đỏ Quân Tiếp Vụ”.Chê không thèm hút… giờ kéo thuốc “Nào”(Lào) muốn lủng phổi luôn!” -Người “Cụt Chân” còm ròm…! Thằng Tý chẳng hiểu mô tê chi.

Hôm sau người “Cụt Chân” dẫn Thằng Tý ra chợ mua cho: Hai bộ Quần Áo mới, Giày, Nón, Giây nịt. Cắt tóc gọn gàng. Nhìn Thằng Tý đẹp hẳn ra! Trên đường về người “Cụt Chân” còn ghé mua hai xị rượu, một bó nhang và một ít thức ăn. Về đến nhà người “Cụt Chân” bảo Thằng Tý trải tấm giấy carton trên nền đất, thức ăn bày ra…Người “Cụt Chân” thắp nhang vái bốn hướng rồi nói:”Cứ tưởng đời tui cô thân độc mả. Đâu ngờ rằng hôm nay tôi nhận Thằng Tý làm đứa con” Ngang hông” xin Trời - Phật, Tổ Tiên chứng giám!” Vái xong người cầm chai rượu rưới xuống đất rồi đưa lên miệng uống một ngụm, quay sang Thằng Tý nói; “Kể từ hôm nay Con kêu ta là… “Tía” Thằng Tý mừng lắm ôm người cụt chân - kêu Tía…lia liạ !!!

Như vậy,kể từ hôm nay Nó có thêm một người Cha nuôi-một chỗ dựa thiêng liêng ấm áp rất cần thiết trong những tháng ngày lang bạt kỳ hồ…Tối đó, Nó ngủ một giấc ngon lành. Đến khuya trở mình không thấy Tía, hình như Tía Nó nói chuyện với một người Phụ Nữ nào đó –Nó lắng nghe (Không rõ lắm) giọng Tía nói: “Như Chị đã biết, tụi Du Kích nó tìm mọi cách thủ tiêu anh Đoàn Trưởng và Cán Bộ Xây Dựng chúng em. Bởi chúng em “Đoàn Ngũ Hóa Nhân Dân; tổ chức “Đoàn Nhân Dân Tự Vệ; Xây Dựng Ấp Đời Mới”. Cũng như  tiêu diệt “Cơ Sở” nằm vùng của chúng…” Buổi chiều năm đó trên đường đi công tác về.. .Trời cũng đã nhá nhem tối, đến bến đò anh Thành nói: “Quyết à, Chú mày đứng đợi anh. Anh qua bên nhà hỏi Chị ngày mai là ngày sinh nhật của anh, chị có tổ chức gì không rồi anh trở qua liền.”

Khi anh Thành đi được chừng hai mươi phút thì em thấy một chiếc Xuồng xuôi dòng, trên Xuồng có ba người mặc đồ đen. Em ngờ ngợ… làm gì giờ này mà có Cán Bộ của mình thoải mái đi trên Xuồng như vậy? Nhưng khi chiếc Xuồng chèo qua chừng ba mươi thước,em vẫn ngó theo thì bất thần người ngồi sau cúi xuống cầm cây Súng lên bắn về phía em một tràng. Em qụy xuống, biết mình bị thương nặng nơi chân,nhưng theo phản ứng em cũng bắn hết một băng đạn về phía chiếc Xuồng. Cùng lúc đó anh Thành cũng vừa ra bến đò. Anh gọi lớn: “Quyết ơi! Có chuyện gì không?” Em la lớn… “Du kích bắn em gãy chân rồi…! Cứu em với…! Anh cùng người lái đò chèo ghe qua.Anh Thành xé aó buộc ngang trên đầu gối, ẵm em xuống Ghe chạy đến Bệnh Viện.

Loạt đạn quái ác đã phá nát ống chân phải của em! “Vì vậy, mà út Lan bỏ em đi lấy chồng chứ gì?” Người phụ nữ hỏi –“ Không phải chị ơi, chính em xua đuổi cô ấy! Vì em nghĩ: Em là thương binh, tàn tật, không muốn trở thành một gánh nặng suốt đời cho một người con Gái. Dù cô âý có thương em đến mấy đi chăng nữa nhưng còn “Gia Đình và Giòng Họ” Cô ấy chưa chắc đã chấp nhận.” -Nhưng em vẫn luôn yêu Cô ấy chứ?” - Dạ!

Sau nầy anh Thành cho biết tụi Du Kích bắn tin là đã giết được Thằng Đoàn Trưởng “Bình Định ác ôn”. Như vậy, tụi nó theo dõi anh Thành từ lâu,có dịp là nó “Khử”. Mẹ chị Lục Bình, anh Thành, chị Lục Bình rất lo lắng và quan tâm đến em, họ nghĩ rằng em là người thế mạng cứu anh Thành. Nhưng mà em đâu có nghĩ như vậy.Du kích thấy tụi em từ xa là nổ súng, đâu có biết ai là Đoàn Trưởng ai là Đoàn Viên đâu.” Giết một Thằng Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn giá trị bằng ba “Thằng Mỹ”. Tụi chúng nói vậy mà! Trong một lần sinh nhật Mẹ chị Lục Bình.Chúng em đã kết nghĩa làm anh em!

Ngày mốt Chị ra Thanh Hoá thăm nuôi. Cho em gửi lời thăm, cũng may mấy lần chuyển trại hai Anh vẫn ở chung. Chị nói mấy ảnh cố gắng giữ cái mạng”Ngụy”,còn sống là còn có ngày về.Tiền và Qùa em đã chuẩn bị chút đỉnh, chị cứ ra chỗ cũ mà nhận.” Thằng Tý nằm mơ mơ… màng màng… Nghe câu được, câu mất… Nhưng Nó cũng hiểu sơ sơ là… Tía nó rất có thiện cảm với Ba Nó. Rồi nó laị ngủ say.Trong mơ Nó thấy Mẹ Lục Bình vuốt tóc xoa đầu Nó…

HỐI HẬN…

       Ba dòng thác Cách Mạng “.Đưa đẩy” thế nào không biết mà hai ông Cậu Thằng Tý dẫn Bầu Đoàn Thê, Tử về quê ”Cắm câu”! Hai mẫu ruộng được Mẹ chia cho mỗi người năm xưa, thì đã sung vào” Tập Đoàn, Tập Thể “ .Làm ăn theo kiểu “Bầy Đàn” để tiến nhanh, tiến mạnh lên Xã Hội Chủ Nghĩa.” Cha chung không ai khóc…” Hô hào được mấy năm, đến nay thì… xuị lơ! Không tiến lên Xã Nghĩa nổi! Đành phải trả lại ruộng đất cho Nông Dân canh tác.Nhưng trả lại cũng đâu phải chuyện dể, vì ruộng, đất phá sạch bờ bao. Phần thì Cán bộ Tập Đoàn lấy cất nhà để ở, làm nhà kho, nhà xưởng, cơ quan nhà nước. Ôi thôi, đủ các cái…!

Thói đời là vậy !“Dậu đổ bìm leo!” là chuyện xưa nay, nên hai ông Cậu Thằng Tý cũng biết thân, biết phận- nên đâu có dám mạnh miệng vỗ ngực xưng danh”Hai Dầm, Ba Văn – Lão Thành Cách Mạng” .Nói lạng quạng cái đám “Cách Mạng Bảy Lăm” có Chữ lại vừa Trẻ... Nó chưỡi vào đầu cho càng thêm xấu hổ, ê mặt chứ chẳng chơi.Vậy là hai mẫu ruộng ngày xưa được thối lại: Bốn công. Nhưng cách chổ cũ chừng hai cây số. Như thế cũng còn may. Cậu Ba Thằng Tý như đã tiên liệu được tình cảnh đau thương lẫn chút đắng cay của sự đời…nên về sống hẳn bên quê vợ ở miệt Vị Thủy. Nghe đâu sau này ra làm Chủ Tịch Hội Nông Dân. Cậu Hai Thằng Tý cất nhà ở chung trên ba công đất mà bà Ngoại chia cho mẹ Lục Bình Nó.

Cô Lục Bình bản tánh hiền lương,thấy Anh Chị cùng các Cháu về thì mừng rỡ lắm! Cô nói với Anh Chị của mình rằng: “Ăn nhiều chứ ở bao nhiêu,khi Mẹ mất,  Mẹ cho Em ba công vườn với cái nhà nầy. Cái nhà thì nhiều năm nay không có tiền tu bổ, nên nó cũng hom hem, nhưng chưa đến nổi sập. Anh Chị cùng các Cháu cứ ở chung chừng nào thuận tiện thì cất cái mới,còn không thì cơi nới thêm ra mà ở cho có Anh có Em, đây là mảnh đất Ông Bà để lại. Cha Mẹ chúng ta sẽ vui mừng được thấy các con sum họp. Riêng anh chị Ba có lẽ thấy chật chội nên anh chi về Vị Thủy sống,thì cũng chẳng xa xôi gì. Chắc Cha, Mẹ ở dưới suối vàng mừng lắm. Hai Anh Chị và các Cháu ngày mai ra Mộ thắp nhang cầu xin Cha, Mẹ phù hộ.

Ba Thằng Tý đi “Học Tập Cải Tạo” tám chín năm rồi chưa về-tù không có án làm sao mà biết ngày về… “Chính sách Cách Mạng” trước sau như một (Nghĩa là tù không án). Thằng Tý, con em nhìn hình ba Nó, khóc rồi bỏ nhà đi tìm Ba cả năm nay, mới nhận được thư. Nó nói, con đang ở “Thành Phố Hồ Chí Minh” xin vô làm trong cái “Làng Đại Học” nào đó…? Có biết tin... Ba Nó vẫn còn sống, nhưng “Cải Tạo” ở ngoài Bắc. Em định chờ Nó về rồi hai mẹ con ra thăm Ba Nó, Anh Chị cũng biết  bịnh Tim của em- nên không cho phép em đi xa được (Khóc!)

Hai Dầm - ngồi nhìn em gái Út của mình vừa bịnh hoạn vừa cô đơn trong mấy năm qua… Không biết trong lòng Ông nghĩ gì…? Rồi đôi mắt Ông nhìn ra cánh đồng ruộng mênh mông nước.” Mùa nước nổi.!” -Ông thì thầm…Đúng! Mùa nổi đã về…mực nước dâng ngấp nghé con đường vào nhà. Nhưng đâu có bằng mực nước trong lòng Ông hiện giờ sắp trào lên… khóe mắt!

Mẹ Thằng Tý nói tiếp: Ngày xưa Ba Thằng Tý nói “Cộng Sản là bọn người tam vô : “Vô GIA ĐÌNH – Vô TỔ QUỐC – Vô TÔN GIÁO”! Nhưng em không tin – không tin, mà cũng không dám nói ra. Vô “GIA ĐÌNH” ư? – Con chim, con chuột còn có hang, có tổ… Con người không có gia đình thì sống ở đâu – bịnh hoạn – đói khổ ai lo? Vô gia đình có nghĩa là không hề biết có cha mẹ, chồng vợ, con cái, cũng không có bà con, xóm giềng. Sống khô cằn như trong lòng sa mạc…Vô TỔ QUỐC ư?! – Con người không có Tổ Quôc tức là sống kiếp nô lệ - chối bỏ Lịch Sử cội nguồn Dân Tộc- Thì sẽ có lúc bán nước- phục vụ cho những “Chủ Thuyết Ngoại Bang”! Còn vô TÔN GIÁO ư? – Con người không có Tôn Giáo cũng như con thuyền không người lái. Cái ác trỗi dậy tự tung tự tác giành giật, xâu xé …miễn sao thỏa mãn dục vọng cho mình mà không bao giờ quan tâm đến nỗi đau của người khác.Thậm chí ngược đãi cả những người thân yêu nhất cũng như tình Đồng Bào-  Đồng Đội!

Ngày “Giải Phóng Miền Nam” Mẹ và em mới hiểu được mấy lời “Tuyên truyền…” của anh Thành – chồng em thì sự đã rồi. Thù hằn giai cấp đổ ập xuống từng gia đình những người Miền Nam ruột thịt. Vô gia đình nên không cảm nhận được nỗi đau chia lìa: Cha,Mẹ mất Con, Chồng Vợ xa nhau. Lùa hàng vạn Thanh Niên “Sinh Bắc Tử Nam” xương trắng phơi đầy khắp trên dãy Trường Sơn!. Ngày “Hoà Bình”! Vậy mà, hàng triệu Quân – Cán – Chính VNCH bị dồn vào trong trại “ Cải Tạo”. Người Dân bị xua đuổi lên vùng “Kinh Tế Mới” nơi rừng sâu nước độc. Để lại nhà cửa cho “Cán Bộ Giải Phóng” của các anh vô ở… -Vô Tổ quốc nên cam tâm làm nô lệ cho ngoại bang. Đem chủ thuyết ngọai lai về dày xéo Quê Hương…

         Vô Tôn Giáo nên khi chiếm Miền Nam: Sững sờ trước sự giàu có… Và, xúm nhau vơ vét chất hết lên xe chở ra Miền Bắc Xã Nghĩa (Thậm chí cái bao Nylon cũng lấy). Caí “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” Bù nhìn của Anh nó cũng dẹp luôn! (Hết thú thì nuôi lũ chó săn làm gì cho tốn của). Đập phá nhà Thờ, Chùa, bắt Trụ Trì, Linh Mục đi tù. Cấm Tôn Giáo hoạt động không thua gì thời Vua, Chúa: “Minh Mạng - Thiệu Trị - Tự Đức” Đốt sách đuổi học sinh cũng không thua gì thời “Tần Thủy Hoàng”

         Cướp Chính Quyền xong là: Đấu tố Địa Chủ - Đàn áp Văn Nghệ Sỹ - bằng vụ án Nhân Văn Giai Phẩm – Đánh Tư Sản Mại Bản - Cải Tạo Công Thương Nghiệp - Đổi Tiền…Chẳng qua cũng là -Cướp trắng trợn. Ăn no không biết cảm ơn lại còn chưỡi: Sự giàu có ở Miền Nam là “Phồn vinh giả tạo” làm sao bằng Miền Bắc đã tiến lên “XHCN”.

        Cú lừa ngoạn mục nhất trong Lịch Sử Bốn ngàn năm văn hiến Việt Nam đó là: Dồn trên một triệu “QUÂN – CÁN – CHÍNH - VNCH “ vào tù với lời hứa hoa mỹ “Học Tập Cải Tạo” trong vòng mười ngày đến hai mươi ngày, sau đó về đoàn tụ cùng gia đình! Vậy mà, họ ở “ TÙ ” mút chỉ cà tha trong đó có anh Thành chồng em gần chín măm rồi chưa được tha về’!

“Chính Sách Cách Mạng, trước sau như một”,nghĩa là “ Nói dối và nói dối”! Bây giờ anh đã về làm…Dân, nhưng cũng còn hưởng cái lộc “Gia Đình Cách Mạng” con anh cũng được học hành và kiếm việc làm dễ dàng. Còn con em chưa nhét được một chữ nào vào đầu dưới mái trường “Xã Nghĩa”. Chưa đầy mười tuổi đã lang bạt kỳ hồ kiếm sống để tìm Cha mình đi tù - thì qúa rõ ràng… Em không giận hờn gì hai Anh hết, trái lại còn cảm ơn hai Anh ngày xưa lo lắng, giúp đỡ cho em ăn học thành tài để nối nghiệp Cha làm nghề dạy học.- Em xin lỗi! Đã không hoàn thành được kỳ vọng của Cha và hai Anh!

Những uất ức, buồn rầu và những sự việc xãy ra hằng ngày trong cái gọi là “Đổi Đời”! Em nói ra đây cũng như tâm sự cùng hai Anh. Chúng ta là anh em ruột thịt vậy mà mấy chục năm nay kể từ ngày Cha mất rồi Mẹ mất có bao giờ Anh Em ngồi lại hàn huyên tâm sự ôn lại những tháng năm tràn đầy tình thương trong ngôi nhà này đâu! Bây giờ nhìn lại nhau tóc, tai mỗi người trong chúng ta ít nhiều cũng đã hoa râm! Hận thù còn gì nữa trên những cái xác biết đi nầy phải không các Anh? (Khóc)!

Mẹ Thằng Tý lôi ra mảnh giấy đã ố màu đưa cho hai ông Cậu Nó và  nói: Ngày Mẹ mất. Mẹ đã trăn trối cho em nghe…, rồi Mẹ lịm dần trong tay em, giờ hai anh đọc đi.” Lục Bình- con hãy ráng sống mà nuôi con đợi chồng con về, tụi con ở hiền thì Trời Phật sẽ ban phước cho. Hai Anh con có nói nặng, nhẹ thì cũng ráng mà nhịn, đừng cãi nhau hàng xóm, giòng họ sẽ chê cười. Đợi Ba thằng Tý đi “Học Tập Cải Tạo” trở về. Lúc đó muốn đi đâu thì đi, nhưng nhớ mang ảnh Cha con và Mẹ theo với!”

Hai ông Cậu Thằng Tý xem xong nhìn nhau…điếng hồn! Không ai bảo ai cùng đứng dậy đi về phía bàn Thờ thắp mỗi người ba cây nhang quỳ xuống mà khấn “ Mẹ ơi! Chúng con là những thằng con bất hiếu,ngày Mẹ vĩnh viễn ra đi không về nhìn mặt Mẹ lần cuối. Khi Mẹ còn sống thì bỏ bê chẳng quan tâm. Mẹ đau đớn mà xem như Mẹ  không có con Trai - nhang khói mộ phần, đành phó thác cho con Gái giữ gìn di ảnh. Mẹ ơi,chúng con có lỗi tày trời! Xin Mẹ hãy tha thứ cho hai con… Cô Út bỏ qua cho hai Anh! Ba anh em ôm nhau mà nước mắt chảy dài…

 TRỞ VỀ.

          Tính ra, từ ngày thì Thằng Tý bỏ nhà ra đi tìm Cha đến nay cũng đã gần một năm. Trông tướng tá cao ráo cứng cáp và đầy tự tin. “Tía” Nó nói với nó rằng, “Trình độ tiếng Việt của Nó nếu bây giờ mà đi thi vào lớp Sáu thì đậu là cái chắc… Nhưng ở trong cái “Xã Hội Mới” nầy bằng cấp dù có cao bao nhiêu đi chăng nữa… mà bản thân mang lý lịch có người Cha là “NGỤY - VIỆT GIAN”… Thì có về quê cũng chưa chắc kiếm được chỗ cắm câu cho có…cá! Đừng mơ tưởng đem tài năng phục vụ Quê Hương. Đã biết bao nhiêu ông  “Tiến Sĩ - Kỹ Sư - Luật Sư…” nghe VC thổi vào lổ tai mùi mẩn…Khăn gói trở về “Phục vụ” Quê Hương, để rồi cuối đời thân bại danh liệt -  ôm hận mà chết!”

        
Một buổi sáng nọ, Tía Thằng Tý dẫn Nó ra Tiệm cắt tóc, Sau đó vào trong chợ mua cho Nó hai bộ Quần Áo mới, Nón, Giày. Mua xong ghé vào ăn hai tô bún. Nó linh tính có chuyện gì nhưng không dám hỏi. Về nhà Tía Nó nói: “Ngày mai con trở về nhà với Mẹ Lục Bình của con. Tía cũng cho con biết là Cha con còn sống, nghe tin được “THA” nhưng không biết ngày giờ nào.Thôi con về đi…- Biết đâu, Ba con về trước không thấy con lại càng đau khổ thêm. ‘Nhưng con không muốn xa Tía! Hay Tía về quê cùng với con?  ”- Thằng Tý buồn rầu nói. -Tía Nó nói: “Không được! -Vì Tía bỏ Quê đi lâu lắm kể từ ngày Tía bị bắn gãy chân đến nay. Về nhìn cái đám "Du Kích" khinh khỉnh càng thêm khó chịu…

          Đêm đó hai Tía con tâm sự rất nhiều.Tía Nó nói:  “Chương Trình Xây Dựng Nông Thôn” rất thành công. Những người Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn là những người yêu Quê Hương; yêu đời sống làng quê mộc mạc nhưng luôn luôn sống trong nghèo đói và thất học. Do đó người CB/XDNT tình nguyện mặc quần áo đen như người Nông Dân đem ánh sánh văn minh đến với Nông Thôn bằng những việc làm thiết thực,cụ thể chứ không phải lời nói suông. Cho nên VC rất lo sợ và tìm cách tiêu diệt. Và đã có; Bảy ngàn CB/XDNT nằm xuống vĩnh viễn, gần mười ngàn CB/XDNT bị thương tật”! Con bây giờ còn qúa nhỏ nên không thể hiểu hết, khi lớn lên muốn biết thì hãy hỏi Ba con cũng như tìm xem tài liệu còn lưu giữ.”

         Thằng Tý đứng xớ rớ trên bến sông, trời chiều xuống dần... Nó nhìn dòng nước trôi nhanh, đục ngầu. Nó biết mùa lũ đang về mang theo phù sa và những con cá Linh. Hai bên bờ sông bông Điên Điển khoe màu vàng ối. Mới xa nhà một năm, nay trở về đã thấy lạ lẫm thế nầy.”Không biết Ba đi những mười năm có nhớ đường về nhà? Tự dưng trong lòng nó nôn nao một cách lạ thường”! Con đò bây giờ cũng lớn hơn hồi xưa, gắn máy nổ chứ không chèo bằng tay. Tại sao những người xuống đò không nhận ra Nó mà Nó cũng không nhìn thấy người nào quen?

         Thằng Tý chợt thấy “Người Đàn Ông” cao lêu nghêu đi về phía Nó, mặc bộ đồ màu xanh, trên vai mang cái túi. Nhìn chung quanh vắng lặng không ai ngoài Nó ra. Phản ứng tự nhiên Nó đưa tay lên ngực giữ cái bao thư dấu trong hai lớp áo mà trước khi ra về Tía Nó dặn đi dặn lại rằng, “Con hãy giữ cẩn thận, trong đó có tiền”. Còn tay kia nắm chặc cái giỏ quần áo và qùa bánh, Tía đã mua cho. “Người Đàn Ông” đến gần, Nó nhìn thấy tóc Ông ấy trắng nhiều, đôi mắt sáng, nét mặt trầm ngâm hình như lo lắng chuyện gì... Qua đò hằng Tý chạy một mạch về nhà- Nó nghĩ: về bất ngờ... chắc mẹ Lục Bình Nó mừng lắm đây! Nhưng vừa đến đầu ngõ, Nó… khựng lại. Sao trong vườn Mẹ có thêm một căn nhà nữa? Nhà của ai? Trong lòng Nó đâm ra… lo sợ thật sự - Hay Mẹ bán nhà đi tìm Ba tìm Nó…?!

 

          Khi Thằng Tý quẹo vào ngõ. Nó thấy “Người Đàn Ông” đi thẳng. Trong lòng ông ta cũng nghĩ như Thằng Tý- “Tại sao lại có thêm một căn nhà trong vườn? Hay vợ mình ở nhà cực khổ quá bán hết nhà, đất đi nơi khác sinh sống? Như vậy biết làm sao mà tìm?!” “Người Đàn Ông” quay trở lại bến đò định về “Thị Trấn” ngủ tạm qua đêm ngày mai hãy tính…, còn bây giờ trời đã tối. Phần Thằng Tý đang phân vân thì nó thấy “Người Đàn Ông” hồi nãy quay trở lại. Nó mừng, và chạy ra hỏi: “Ông tìm ai? –“Người Đàn Ông” nói: “Trước đây khoảng mười năm miếng đất nầy có một căn nhà, sao bây giờ có đến hai căn nhà- lạ qúa! –Mà sao Cháu cũng không vô nhà?” –“Người Đàn Ông” hỏi: -Thằng Tý trả lời : “ - Cháu bỏ nhà đi tìm Ba một năm nay. Bây giờ về thấy trong vườn có hai căn nhà-Lạ qúa! Sợ, nên Cháu không dám vào. Không biết mẹ cháu thế nào? Hay mẹ bán nhà đi tìm cháu? - Vậy, mẹ cháu tên gì? “Người Đàn Ông” hỏi. -Dạ! Mẹ cháu tên Lê Thị Lục Bình, còn Ba Cháu tên Trần Văn Thành. Đi “Cải Tạo” lâu lắm rồi nhưng chưa được về - Thằng Tý trả lời với vẻ mặt buồn buồn.

        “Người Đàn Ông” qùy một chân xuống bên đường, vạch cái túi xách lấy tấm ảnh đưa ra rồi hỏi Thằng Tý “Có phải người trong ảnh nầy là Mẹ của Cháu”? Thằng Tý nhìn…tấm ảnh, rồi nhìn… “Người Đàn Ông”…gật đầu. Trời ơi! Ba Thành của con đây… Hai cha con ôm nhau khóc! Thằng Tý khóc càng lớn…Qua cơn xúc động. Hai cha con nhìn vô nhà thì đã thấy người phụ nữ dáng ốm yếu đứng nhìn ra mà không biết họ là những ai…? Đến khi Thằng Tý nhận ra Mẹ Nó. Mừng quá bỏ cái giỏ xách chạy ùa vào nhà hét to lên: “ Ba về! ba về! -Mẹ ơi… Mẹ…Mẹ ơi…!

         Cha Thằng Tý...quýnh quáng nhặt cái giỏ xách của thằng con chạy theo sau. Mẹ Thằng Tý sững sờ giây lâu mà không nhận ra người chồng mười năm trước giờ đã trở về bằng da bằng thịt. Cánh tay gầy run run của Bà đưa lên sờ mặt Chồng, còn tay kia ôm đầu đứa con Trai- nhìn… sững sốt…nghẹn ngào…! Hai niềm vui đến cùng một lúc. Quá sức chịu đựng của người Thiếu Phụ mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh, đã từ từ qụy xuống ngất liệm trong đôi tay người Chồng và đứa Con. Người Chồng vội vàng ôm Vợ vào nhà làm sơ cứu  mà nước mắt tuôn rơi…”Gần mười năm qua anh không cho gia đình biết nơi anh “Cải Tạo” chẳng qua vì anh biết bịnh tình của em, chẳng thà không đi thăm cứ ôm nỗi nhớ trong lòng mà nuôi Con, còn hơn đi thăm Anh để rồi chết đọc đường…”

GIA ĐÌNH SUM HỌP.        

             Mẹ Thằng Tý làm mâm cơm cúng Tổ Tiên Ông Bà, cảm tạ Trời Phật cho gia đình được sum họp. Có mặt đầy đủ hai gia đình ông Cậu Thằng Tý. Trong lúc ăn uống tâm tình…Hai ông Cậu Thằng Tý nói rằng: “Ngày xưa chỉ sợ cô Út mang bệnh tim bẩm sinh, nếu lấy chồng mà sanh con, có nguy cơ dẫn đến cái chết… Nên mới viết thư gửi về… Hăm dọa”. Còn bên “Tổ Chức” theo dõi ám sát Dượng thì hai Anh hoàn toàn không hay biết, vì lúc đó hai Anh chuyển địa bàn công tác. Sau này biết chuyện, hai Anh rất buồn và lo lắng…”Ba Thằng Tý nói-“ Thưa hai Anh. Chuyện đã qua rồi, hôm đó nếu em không ghé thăm nhà, thì em bị bắn chết chứ không phải anh Quyết –Đoàn Phó Chính Trị của Đoàn em bị bắn gãy chân đâu. Sau này có người trong “Bưng” ra “Chiêu Hồi” họ kể lại… Và, em đã biết…

          Cậu lớn “Hai Dầm” giọng bùi ngùi nói: “Hôm nay Gia Đình chúng ta nhờ Ơn Trên phù hộ được sum họp đông đủ vui vầy-rất tiếc…Cha Mẹ không còn sống nhìn thấy. Nhất là Mẹ chịu nhiều gằng xé khổ tâm giữa con Trai và con Gái xung đột “Tư Tưởng… Bên này – Bên kia”…Để lại hậu qủa đau thương… nên Mẹ thân yêu của chúng ta ngậm ngùi vĩnh viễn ra đi trong buồn tủi. Để chuộc lỗi lầm với Mẹ và cũng để cho lớp Con Cháu trong Gia Đình này từ nay về sau nhìn nhận nhau, đối xử với nhau trong tình Anh Em ruột thịt. Vậy, tất cả chúng ta từ nay phải:  “Hòa Hợp – Hòa Giải” xóa bỏ hết  tỵ hiềm, ganh ghét, hận thù;  không nên kêu “Ngụy hay Tà” gì hết. Ngẫm lại trong cuộc Chiến Tranh “Huynh - Đệ tương tàn” nầy… Ai chiến thắng ở đâu không biết… Chứ, trong Gia Đình này tất cả đều là kẻ… “CHIẾN BẠI”! Nếu trong Gia Đình mà không “Hoà Hợp – Hòa Giải” được thì đừng bao giờ nói chuyện “Hòa Giải – Hòa Hợp “ với hàng Xóm Láng Giềng – Quê Hương – Dân Tộc – Và, rộng hơn nữa là những Đồng Bào tỵ nạn ở Nước Ngoài…Trải qua bao nhiêu đau khổ chúng ta mới hiểu hết- Gia Đình chính là chỗ dựa duy nhất: ấm áp, thiêng liêng có Ông bà Tổ Tiên phù hộ và tràn đầy kỷ niệm! – Mọi người có “Nhất Trí - Đồng Ý” không…? Tất cả im phăng phắc…”Việt Minh làm thinh là đồng ý!” Hai Dầm tui xin cảm ơn!

         Ông Chú Họ ngồi uống rượu im lìm nãy giờ mới phát biểu: “ Thằng Hai Dầm chữ nghĩa của Mầy so với con Lục Bình thì chẳng có ký lô nào. Nhưng lời nói hôm nay của Mày, Tao nghe nó có tình có nghĩa và hùng hồn như nước lũ tràn về…Đúng! Mày nói rất đúng. Người dân Miền Tây chúng mình dốt nát, thật thà như cọng rơm nên…”Chiến bại !” như Mầy nói là đúng qúa đi chớ. Tao nghĩ đơn giản hồi xưa” Thằng Pháp” nó chia Việt Nam mình làm thành ba cái…” Kỳ” (Cục) “Nam Kỳ - Trung Kỳ - Bắc Kỳ”. Rồi nó thọc cho mấy cái “Kỳ” nói xấu nhau, thậm chí Anh Em một nhà oánh nhau sứt đầu, mẻ trán…”Đuổi Pháp đi rồi…” mà sao vẫn còn cái “Kỳ…kỳ… “ đeo đẳng. “Hoà Hợp – Hoà Giải” cho được ba cái “KỲ” này không dễ đâu! Bây giờ lại thêm cái “NGỤY QUÂN - NGỤY QUYỀN” nữa…! Tao nghĩ “Thằng Pháp” cũng “Ngộ” Nó đô hộ mà không bịt mồm bịt miệng chúng ta. Nó còn cho làm báo Tư Nhân, cho truyền bá chữ Quốc Ngữ. Bây giờ “Độc Lập - Tự Do” mà người Dân không có quyền làm Báo,không có Tự Do Ngôn Luận. “ĐỘC ĐẢNG - ĐỘC TÀI” thì làm sao nói “HÒA HỢP – HÒA GIẢI”. Suy ra, còn thua hồi “Thằng Pháp” đô hộ… mình phải không Mầy?

 TÌM NGƯỜI TÍA NUÔI & NGƯỜI EM KẾT NGHĨA

       Thằng Tý kể huyên thuyên việc Nó bỏ nhà đi lang thang lên Thành Phố Hồ Chí Minh tìm Ba. Gặp người “Cụt Chân”…Rồi được người nầy nhận làm con nuôi và người nầy cũng biết gia đình ông bà Ngoại nữa… Ba Mẹ nó nghe xong chẳng hiểu chi hết. Sực nhớ đến lá thư của Tía . Nó lục lọi trong áo lấy ra đưa cho Ba Mẹ. Đọc xong… Ba Mẹ Nó nhìn nhau không nói lời nào. Nước mắt Mẹ tuôn rơi! Còn Ba nhìn xuống đôi tay sần sùi đầy những vết sẹo, nét mặt Ba rất xúc động…! “Thì ra, Chú Quyết “ -Người Em kết nghĩa -Người bạn đồng đội  “ Ngầm giúp đỡ Ông trong thời gian “ Cải Tạo” thông qua người Chị của út Lan – Lan là người yêu của chú Quyết. Khi bị thương cụt chân, Chú tự động cắt đứt Tình Yêu mặc cho út Lan khóc lóc…! Sau đó bỏ đi biệt tăm. Còn út Lan buồn rầu nên gia đình cho đi du học lấy Chồng và định cư ở bên Pháp. Nhưng cuộc sống Vợ Chồng không hạnh phúc nên sau đó đã ly hôn”

       Thằng Tý “Hồ hởi, phấn khởi”! Chút nữa xe ngừng là sẽ gặp lại Tía Nó. Nó dẫn Ba Nó đi vào “Làng Đại Học” nơi Nó đã “Tu Nghiệp” một năm và gặp lại Tía nuôi. Những “Bạn Học” thấy Thằng Tý trở lại thì vui mừng lắm…nhưng rồi sau đó tất cả đều sụ mặt xuống nói: “ Khi Mầy đi rồi thì ngày hôm sau “Ông Thất” Tía Mầy cũng từ biệt tụi Tao mà đi luôn… Tụi Tao cũng không biết Ổng đi đâu? -Tụi Tao nhớ Ổng lắm!” Thằng Tý ôm Ba nó nước mắt lưng tròng, Nó cảm thấy bầu trời sắp sập…còn dưới chân, mặt đất lún dần xuống…! Nhưng Nó có biết đâu.Từng cơn sóng ngầm giữa lòng Ba Nó cuồn cuộn chực chờ trào dâng lên đôi mắt tưởng chừng như cạn kiệt trong những năm tháng tù đày. Ông bậm môi đưa tay xoa đầu Thằng Tý như xoa lên trái tim mình. Tuy không là ruột thịt nhưng hình ảnh và tình cảm của Chú Em Kết Nghĩa cũng là Đồng Đội năm xưa hiện về mà nghe trong lòng dâng lên nỗi niềm thương nhớ lẫn đau xót… nuối tiếc!

MANG NỢ

          Tha hương trên xứ sở Hoa Kỳ Tự Do. Nhận nơi đây làm Quê Hương thứ hai. Thành đạt trên con đường học vấn, cuộc sống đầy đủ chẳng thiếu thốn thứ gì. Nhưng trong lòng Thằng Tý luôn cảm thấy như mắc một món nợ mà suốt đời suốt kiếp không bao giờ trả nổi ! Những khi buồn, Thằng Tý thường làm vài ba câu Lục Bác nói lên nỗi lòng…

NHỚ XƯA
Ở đây hoa nở rất nhiêu…
Sao mà cảm thấy buồn hiu trong lòng?
Ở đây gạo chẳng phải đong,
Sao mà cảm thấy trong lòng đói meo?
Ở đây hình như…không nghèo,
Sao mà cảm thấy nợ đeo đẳng hoài?
Nhớ xưa mót từng củ khoai…
Có nhau: Ấm áp- mặn mòi biết bao!

                Thằng Tý đưa bài Thơ cho Ba Mẹ xem. Ba Mẹ Nó đọc xong rồi...- Ngậm ngùi… “Đời Ba Mẹ không bao giờ trả được những món nợ: “Nợ ân tình - nợ Tổ Tiên - nợ Non Sông - Đất Nước…” . Nhưng, Ba mẹ yên tâm nhắm mắt vì - Thế hệ các con đã Trưởng Thành và ý thức được Trách Nhiệm gánh vác những món nợ mà Cha Anh chưa làm xong!

Trang Y Hạ
Viết tại San Francisco
Thân tặng người bạn Áo Đen

    

VCBanNuoc

-------------oo0oo---------------

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

Covang

Covang

Covang

Home Page Vietlist.us

 


bottom