tittle

bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

Home Page Vietlist.us

Trang Thơ - Văn - Ảnh Bạn Đọc dùng để đăng những bài thơ, bài văn hay, những bức ảnh của bạn đọc gởi về. Nếu các bạn chụp được những tấm ảnh hay, lạ, đẹp và muốn chia xẻ cùng bạn đọc, xin vui lòng email cho chúng tôi ở "vietlist09@yahoo.com"

-------oo0oo-------

TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM LÀ NGƯỜI LÃNH ĐẠO XỨNG DANH

                                  

 

(Hội luận chính trị trên hệ thống Paltalk Diễn Đàn Người Dân Việt Nam với Hiện Tình Đất Nước vào ngày thứ sáu, 06.11.2009 với các diễn giả: G/S Chu Chỉ Nam, Nhà Văn Mặc Giao, Kỹ sư Đỗ Như Điện và Long Điền.)

 

I- Dựa vào nhận định nào mà hai ông cố TT Ngô Đinh Diệm và Ngô Đình Nhu đưa ra đề nghị hiệp thương với CSBV.

Muốn xét quan điểm của ông Ngô Đình Diệm đối với cuộc chiến Việt Nam thì chúng ta phải xét các lời phát biểu do chính ông và ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã nói gì về chiến trường Việt Nam 1954-1963:

 

1- Trong thời gian 9 năm điều hành đất nước (1954-1963), Tổng Thống Ngô Đình Diệm chủ trương “Đả Thực, Bài Phong, Tiểu Trừ Cộng Phỉ “, tức là đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi nước ta, bảo vệ Độc Lập nước nhà, bài trừ Phong Kiến triều Nguyễn, đem Tự Do Dân Chủ cho toàn dân, dẹp tan lũ giặc cướp Cộng Sản để mọi người no ấm, thương yêu lẫn nhau. Ông Ngô Đình Diệm luôn luôn giữ vững lập trường Quốc Gia chân chính: Bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lãnh thổ, không chấp nhận sự can thiệp của ngoại bang vào VN dù CSVN lúc đó tìm mọi cách xâm nhập bộ đội chính quy từ Bắc vào Nam ngày càng nhiều hơn. Bởi vì ông hiểu rõ: chấp nhận sự có mặt của Hoa Kỳ vào Miền Nam sẽ làm mất đi chính nghĩa cuộc chiến đấu tự vệ chống CS xâm lược và tạo cớ cho CSBV chống Mỹ cứu nước. 

CS xâm lược và tạo cớ cho CSBV chống Mỹ cứu nước.

 

2- Cuộc chiến Việt Nam 1954-1963 là Cuộc Chiến Tự Vệ vì hoàn toàn không có hành động quân sự nào của Miền Nam tấn công ra Bắc! Ngược lại, Miền Bắc đã vượt vĩ tuyến 17, xâm nhập và tấn công Miền Nam theo lệnh của Cộng Sản Quốc Tế. Dù vậy, với tấm lòng nhân ái, không muốn một cuộc chiến Huynh Đệ Tương Tàn, Ông Ngô Đình Diệm một mặt lo chống đỡ, đồng thời tiến hành những cuộc thương thảo với Miền Bắc để đi đến Hiệp Thương, tránh đổ máu giữa người Việt với nhau .

Trong cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu có trích dẫn bức thư của ông Võ Như Nguyện. Cuối thư, có đoạn thuật lại lời ông Diệm tâm sự với ông Nguyện như sau:

“… Vả tôi với chú Nhu có ý dù hai miền Quốc Cộng tranh chấp nhưng đều là máu mủ, ruột thịt, phải có biện pháp anh em giải quyết lấy chiến tranh, đỡ tốn hao sinh mạng, tài sản . Rồi bên nào kéo dài, chung quy sẽ bị lệ thuộc vào một cường quốc và đất nước chia rẽ, vì các cường quốc có ý định chia rẽ cả….” Như vậy, người ta thấy ông Diệm muốn tránh đổ máu chừng nào tốt chừng đó và không muốn để các cường quốc đắc lợi trong cuộc tranh chấp nội bộ, một cuộc Nội Chiến tại Việt Nam do CS chủ xướng .

 

3- Trong Nguyên Sa Hồi Ký (ấn hành năm 1998), giáo sư Trần Bích Lan, đã thuật lại chuyện ông và hai giáo sư Nguyễn Văn Phú và Nguyễn Xuân Nghiên đã có dịp nghe Tổng Thống Diệm trả lời một trong ba câu hỏi của các ông. Câu hỏi là: Tại sao ta không dồn lực lượng đánh một vài trận lớn để giải quyết chiến tranh mau chóng mà cứ đánh cầm chừng nhì nhằng như thế này?

Ông Diệm đã nói: “Bản chất cái chiến tranh này nó như thế. Mở rộng chỉ chết thêm lính và dân, mà cũng chẳng giải quyết được gì.” Ba mươi lăm năm sau, nhìn lại, nhà giáo và nhà thơ của chúng ta đã thấy câu trả lời của ông Diệm không phải ngụy biện như các ông nghĩ lúc trước, mà là những lời tiên đoán thời cuộc rất chính xác.

 

4- Những gì ông Ngô Đình Nhu nói trong một Lễ Bế Mạc lớp học tập về Ấp Chiến Lược Khóa XII, ngày 22/6/1963… cũng tương tự như thế:

“Chúng ta là một nước nhỏ bé đứng giữa hai khối. Nếu bên thế giới tự do tăng cường viện trợ cho ta thì thế giới cộng sản cũng sẽ tăng viện trợ cho phía họ. Hai bên cứ tăng cường như vậy sẽ đưa cái mức chiến tranh càng ngày càng lên cao. Và số phận chúng ta rồi mai đây sẽ ra sao?”

 

5- Ngô Đình Diệm là người theo chủ nghĩa Dân Tộc và chống Cộng kiên quyết, chống lại sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Việt Nam nên lập trường của ông rất dứt khoát.

(x. nguoitinhuu.com/htvd/cottngodinhdiem)

Trong cuộc viếng thăm chính thức Việt Nam ngày 9 tháng 5 năm 1961, Phó Tổng Thống Mỹ Johnson đã đề nghị việc gửi Quân Đội Mỹ sang tham chiến tại Việt Nam. Tổng Thống Diệm đã bày tỏ quan điểm là chính phủ Việt Nam rất biết ơn sự viện trợ quân sự và cố vấn Mỹ. Nhưng, với việc gửi Quân Đội Mỹ đến Việt Nam, ông đã cương quyết từ chối và nói:

"Nếu quý vị mang Quân đội Mỹ vào Việt Nam, tôi phải giải thích thế nào đây với dân tộc tôi? Với người dân Việt, hình ảnh hãi hùng của Quân đội Viễn chinh Pháp còn hằn sâu trong tâm trí họ. Sự can thiệp của bất cứ quân đội ngoại quốc nào vào Việt Nam cũng đem lại sự bất lợi cho Việt Nam."

 

6- Sự vĩnh viễn ra đi của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã gây xúc động sâu xa và niềm thương cảm lớn lao nơi các lãnh tụ Á Châu thời đó. Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc, Tưởng Giới Thạch, đã than thở: "Người Mỹ có trách nhiệm nặng nề vụ ám sát xấu xa này. Trung Hoa Dân Quốc mất đi một đồng chí tâm đầu ý hợp. Tôi khâm phục ông Diệm. Ông xứng đáng là một lãnh tụ lớn của Á Châu. Việt Nam có lẽ phải mất 100 năm nữa mới tìm được một nhà lãnh tụ cao qúy như vậy. "

 

7- Hơn nữa, cái chết của Cố Tổng Thống Diệm cũng đã làm cho các lãnh tụ Á Châu, đồng minh của Mỹ phải giật mình và đặt vấn đề. Chính Tổng Thống Hồi Quốc, Ayub Khan, đã nói thẳng với Tổng Thống Nixon: "Cuộc thảm sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã khiến các lãnh tụ Á Châu chúng tôi rút ra được một bài học khá chua chát: Đồng Minh với Mỹ thật nguy hiểm! Có lợi hơn nên đứng thế trung lập. Và có lẽ hưu ích hơn nữa khi là kẻ thù của Hoa Kỳ "

(vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4_%C4%90%C3%ACnh_Di%E1%BB%87)

 

Lập trường của ông Ngô Đình Diệm rỏ ràng là vì Quốc Gia, Dân Tộc không muốn làm “tiền đồn” cho ai cả vì sẽ phải lệ thuộc quá nhiều vào viện trợ Mỹ, và sẽ làm cớ cho Liên Xô và Trung Cộng nhảy vào xâu xé Việt Nam mà thôi.

 

Trong quyển "Chính Đề Việt Nam", Ông Ngô Đình Nhu đã nhận định hiểm họa Trung Cộng là to tát và là một mối họa truyền kiếp cần phải đề phòng và muốn chống họa xâm lược đó chỉ có một chính thể tự do mới có đủ khả năng chống lại hoạ mất nước. (Tác giả mong sẽ có dịp bình luận toàn bộ quyển luận án chính trị nổi tiếng nầy vào dịp thuận tiện.)

(x. chinhdevietnam.blogspot.com/2009/11/chinh-e-viet-nam-luan-chinh-tri-cua-ong)

 

Trang Blog cua Long Điền trọn bộ "Chính Đề Việt Nam" của ông Ngô Đình Nhu 198 trang và longdientimhieu.blogspot Nhận định về cuộc chiến VN từ 1945-1963 Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Nhận định cuộc chiến của ông cố vấn Ngô Đình Nhu.)

"Chúng ta đã biết chính sách xâm lăng của Trung Hoa đối với Việt Nam là một chính sách liên tục và bất biến của tất cả các chế độ của Trung Hoa vì nó phát sinh từ một nhu cầu đất đai cần thiết cho sự phát triển của Trung Hoa. Mang phương pháp độc tài Đảng trị của Cộng Sản, cũng như phương pháp độc tài nào khác để lãnh đạo quần chúng, thì theo một cơ thức mà chúng ta đã biết, quần chúng sẽ phản ứng bằng cách hướng về bất cứ cá nhân hay tập thể nào phất cờ giải phóng để che đậy thâm ý xâm lăng của mình. Trong điều kiện đó, các nhà lãnh đạo Cộng Sản áp dụng phương pháp độc tài đảng trị ở Việt Nam, sẽ đương nhiên tạo hoàn cảnh thuận lợi cho Trung Cộng xâm chiếm Việt Nam lúc thời cơ đưa đến.

Nói một cách khác, phương pháp lãnh đạo độc tài Đảng trị sẽ suy nhược hóa sức đề kháng của dân tộc đối với kẻ xâm lăng." (trang 142, ấn bản điện tử.)

Nhận định của ông Ngô Đình Nhu về sự lệ thuộc của đảng CSVN với Nga và Tàu như sau:

"Nhưng, họ chỉ có thể thoát ra ngoài vòng ảnh hưởng của hai khối để lãnh đạo công cuộc phát triển của dân tộc, như chúng ta nêu lên trong câu hỏi đầu mục này, nếu các điều kiện sau đây được họ nhận thức rõ rệt:

 

1. Bản chất thực tế của cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương.

 

2. Thâm ý chiến lược của Nga Sô

 

3. Cuộc đồng minh với Nga Sô, đã hết hiệu lực đối với Nga Sô, khi mục đích phát triển của Nga Sô đã đạt.

 

4. Lý thuyết Các-mác Lê-nin là một phương tiện tranh đấu và phát triển của Nga trước đây, cũng như là một phương tiện tranh đấu và phát triển của Trung Cộng ngày nay.

 

5. Sự đồng minh với Cộng Sản phải được chấm dứt kịp thời khi nó không còn hiệu lực đối với dân tộc.

 

6. Đối với dân tộc Việt Nam, Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cũng như Trung Hoa của các triều đại Nguyên, Tống, Minh, Thanh là một đe dọa truyền kiếp."(trang 109 ấn bản điện tử)

Nhưng khốn nỗi phe CSVN thời đó không suy nghĩ ra vấn đề mà họ chỉ tuân hành các chỉ thị của Cộng Sản Quốc Tế mà thôi.

 

"Chúng ta chưa có một tài liệu hay một triệu chứng nào chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo miền Bắc hiện nay đã nhận thức các điều kiện trên. Ngược lại, các thơ loại chính trị của miền Bắc còn đang ca tụng như là những chân lý những giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn mà Nga Sô đã bỏ. Như thế thì có lẽ dân tộc chúng ta còn phải bất hạnh mục kích các nhà lãnh đạo miền Bắc của chúng ta tôn thờ như một chân lý, một lý thuyết mà Nga Sô và Trung Cộng chỉ dùng làm một phương tiện tranh đấu và Nga Sô bắt đầu sa thải khi mục đích phát triển đã đạt."

Sự phân chia đất nước theo Hiệp định Genève 1954 là do các nh à lãnh đạo Miền Bắc chạy theo chủ nghĩa CS. Muốn chấm dứt chiến tranh thì giới lãnh đạo Miền Bắc phải độc lập, phải thấu đáo nguyện vọng của cộng đồng dân Việt và sau cùng là phải thấu đạt các ý đồ của các cường quốc tham chiến. (trang 109)

"Trong hoàn cảnh mà cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương chi phối nặng nề hành động chính trị của các quốc gia nhỏ, lập trường Cộng Sản, lệ thuộc Trung Cộng, của các nhà lãnh đạo miền Bắc, đương nhiên gây phản ứng của Tây phương và sự phân chia lãnh thổ cũng không tránh được.

Như vậy, tư cách Cộng Sản của các nhà lãnh đạo miền Bắc là một điều kiện thuận lợi giúp cho người Pháp thi hành những toan tính chính trị của họ ở Việt Nam. Và lập trường Cộng Sản lệ thuộc Nga Sô và Trung Cộng là một nguyên nhân của sự phân chia lãnh thổ Việt Nam, trong khung cảnh chính trị của thế giới, sau Đại chiến thứ hai, do sự tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương chi phối."

 

 

II. Dự án hiệp thương có phải là phản bội đồng minh (Mỹ) hay đâm sau lưng chiến sĩ như lập luận của một số người có ác cảm với gia đình họ Ngô.

 

Đây là một sự kiện lịch sử cần được xem xét cẩn thận, không nên vội lên gân và kết tội một cách vội vã là anh em ông Diêm muốn hiệp thương (thoả hiệp) với cộng sản hay là đâm sau lưng chiến sỹ. Bởi vì, xét cho cùng thì, năm 1972, tại sao Hoa Kỳ thương lượng với Trung Cộng thì được, còn hai miền của Việt Nam gánh chịu bao đau thương do chiến tranh thì không được thương lượng với nhau trong tình Dân Tộc? (Khác với tình thế hiện nay, 2009 CSVN quyết tâm cai trị dân VN bằng đường lối độc tài sắt máu, không chấp nhận đối thoại và đối lập thì lại có một số người định chạy theo đường lối Hòa Hợp, Hòa Giải bịp bợm của chúng!)

 

Ông Minh Võ và nhà khảo cứu lịch sử đã viết về ông Ngô Đình Diệm như sau:

“Dưới ánh sáng của những sự kiện lịch sử vừa nêu, nhìn lại dĩ vãng, chúng tôi thấy sách lược đấu tranh mà hai anh em ông Diệm toan tính áp dụng tại Việt Nam trước khi các ông bị giết rất có cơ sở, và đáng lý nó đã phải thành công. Và nếu nó thành công thì miền Nam Việt Nam với danh xưng Việt Nam Cộng Hòa sẽ tồn tại trong một thời gian khá lâu: hoặc có thể thống nhất một cách vinh quang như nước Đức. Bằng không thì tối thiểu cũng tồn tại trong phú cường giống như Nam Hàn hay Đài Loan.”

 

“Còn thời 1962–1963 thanh thế của ông Diệm hơn hẳn ông Hồ. Nếu ông Diệm chịu liên hiệp là liên hiệp trong thế mạnh. Hãy tạm lấy một ví dụ đơn giản là hòa tan dung dịch có hai màu đối chọi; xanh đậm (Diệm) với hồng lạt (Hồ). Màu nào đậm hơn sẽ lấn át và thắng màu lợt. Dĩ nhiên thực tế chính trị phức tạp hơn, vì còn mưu sâu của con cáo nổi danh hơn người. Nhưng về điểm này ông Diệm đã có kinh nghiệm từ những bài học lịch sử nói trên với cộng sản. Hơn nữa ông Diệm không phải là một chính khách non nớt, không biết rõ đối phương như người ta tưởng.”

“Vì những lý do trên, theo ý kiến chủ quan của tôi, nếu, vâng, nếu, một chữ nếu không có trong lịch sử! nếu anh em ông Diệm không bị chết, và việc hiêp thương giữa hai miền Nam Bắc được thể hiện vào thập niên 60 thế kỷ trước, thì chẳng những Hoa Kỳ đã không phải đổ 2 triệu quân vào Việt Nam khiến hơn 58 ngàn lính Mỹ chết mà Việt Nam cũng tránh được một cuộc chiến tương tàn làm trên 3 triệu tử vong.”

 

Có nhiều ý kiến của người Việt Quốc Gia chưa đồng ý với nhận định của Minh Võ một cách hoàn toàn:

a- Họ chưa đồng ý là khi đưa ra đề nghị “Hiệp Thương” chưa chắc là ông Diệm ở vào thế mạnh hơn so với CSBV vì CSQT thì yểm trợ cho miền Bắc hết mình, còn Hoa Kỳ vừa viện trợ, vừa o ép miền Nam đi theo ý họ, đề nghị Hiệp Thương đưa ra quá sớm, dể gây cú sốc cho đồng minh Hoa Kỳ vốn rất cứng ngắc , độc đoán không bao giờ nghe lời đề nghị của bất cứ ai mà họ chỉ làm theo quyền lợi Mỹ theo từng giai đoạn thời cuộc.

 

b- Nên nhớ cuộc thương lượng về một giải pháp Hiệp Thương thời điểm đó chỉ mới bắt đầu, hiện không còn tài liệu nào được công bố nên chưa hiểu rõ nội dung, ý muốn của mỗi bên ra sao, nên cũng không thể nói “Mèo nào cắn mĩu nào” vì cả hai bên đều có kinh nghiệm già dặn không dễ gì ông Diệm chịu Hiệp Thương mà chịu phần thua thiệt đâu. Vã lại, thái độ cứng rắn, uy dũng của ông Diệm ngay cả khi bị CS bắt năm 1945, mà cũng không chịu khuất phục thì làm sao với thế ngang ngửa ông Diệm lại chịu thua thiệt. Không nên đem thành bại mà luận anh hùng! Dù sao thì sự can đảm của ông Diệm dám xem xét vấn đề Hiệp Thương dù không có sự đồng ý của Mỹ quả là một hành động đáng khâm phục hơn là chê trách. Vả lại, trong thời điểm 1972, khi Hoa Kỳ thương lượng với Trung Cộng để mưu tìm hòa bình cho cuộc chiến thì không thể nào nói TT Nixon là phản quốc (Hoa Kỳ)! Vậy tại sao ta lại vội vã lên án ông Ngô Đình Diệm có ý phản bội quốc gia?

 

c- Có người cả nghi thì cho rằng Hồ là con cáo già trong khi hai bên thảo luận mà tung tin ra ngoài, lập mưu nầy để mượn tay Mỹ hãm hại ông Diệm. Vì vậy mà Mỹ bật đèn xanh cho các tướng lãnh giết ông Diệm vì không theo đúng đường lối của Mỹ. Xin thưa đó là lập luận của CS, muốn đánh bóng Hồ và hạ uy tín của ông Diệm mà thôi. Ông Diệm đã nhờ Trưởng Đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến là Mieczyslaw Maneli và còn có đại sứ Ý Giovanni d’Orlandi và đại diện của Vatican tại Việt Nam là Đức Cha Salvatore D’Asta cùng nhiều người khác nữa để làm trung gian thương lượng. Đồng thời, Ông Diệm, Ông Nhu cũng đã công bố một cách bán chính thức, bán công khai cuộc Hiệp Thương nầy thì rõ ràng hai ông đã lượng định kỹ càng và không quá ấu trĩ về chính trị như một số người lầm tưởng. Hoa Kỳ thì có nhiều kinh nghiệm trận địa chiến, nhưng với chiến tranh du kích thì họ hoàn toàn mới mẻ. Vì thế, thoạt đầu khi vào VN,  các tướng lãnh HK nghĩ rằng có thể dễ dàng thắng cuộc chiến tại VN. Nhưng, sau đó, họ đã nghĩ khác khi đã tổn hao 58,000 binh sĩ thì họ mới đi tìm một giải pháp thương lượng. Còn ông Diệm và ông Nhu thì biết rất rõ thực chất cuộc chiến là Cộng Sản Bắc Việt chỉ là kẻ thừa hành cho Cộng Sản Quốc Tế cần phải lôi kéo họ về với Dân Tộc. Chỉ tiếc là đề nghị Hiệp Thương nầy có lẽ quá sớm vì sau đó năm 1968-1972 thì Hoa Kỳ mới cố công tìm kiếm sự thương lượng giữa HK và Trung Cộng để mưu tìm một giải pháp ổn định Đông Nam Á mà không tổn hao sinh mạng đôi bên.

 

d- Ngày nay (2009), vị thế Quốc Cộng khác hẳn năm 1961: CSVN đang cầm quyền trên toàn cõi Việt Nam bằng biện pháp ngoan cố, vá víu Xã Hội Chủ Nghĩa thì dĩ nhiên áp dụng hòa hợp hòa giải với CSVN là đầu hàng, là trở cờ thì đáng bị lên án. Chừng nào CSVN chịu từ bỏ CNXH, bãi bỏ toàn bộ Hiến Pháp, chấp nhận “Trưng cầu Dân ý” một cách thành khẩn thì ngày đó mới hết đấu tranh đòi hỏi Dân Chủ cho VN.

Với những ai vẫn còn quan niệm rằng thời thập kỷ 1960 ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu không nên thương lượng chấm dứt chiến tranh với Miền Bắc, xin trả lời các câu hỏi sau đây thì sẽ làm sáng tỏ vấn đề:

 

1- Phía đồng minh Hoa Kỳ có viện trợ liên tục và vô thời hạn cho chính thể VNCH (Ngô Đình Diệm và sau ông Diệm) để chống CS Quốc Tế mãi mãi hay không? Hay Hoa Kỳ sẽ chấm dứt cuộc chiến khi họ đạt được ý định chiến lược là làm suy yếu tiềm lực CSQT (tức là gây chia rẽ khối CSQT gồm 2 cường quốc Liên Xô và Trung Cộng) không còn khả năng đe dọa Hoa Kỳ mà thôi.

 

2- Nếu cả hai miền Nam, Bắc đều nhận được viện trợ dồi dào của cả hai khối siêu cường thì chiến tranh sẽ kéo dài đến đâu và kết quả dân tộc Việt Nam được gì, mất gì? (Xin hãy nhớ cuộc chiến lịch sử đẩm máu ở Triều Tiên, sau đó đất nước Triều Tiên ra sao?)

3- Hoa Kỳ viện trợ cuộc chiến VN. Vậy chỉ có Hoa Kỳ và Nga Tàu có quyền chấm dứt cuộc chiến VN, còn Miền Bắc và Miền Nam hoàn toàn không có quyền bàn đến? (Đông Đức và Tây Đức đã liên lạc, thảo luận và thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa bình mà không cần quyết định nào của Mỹ và Liên Xô.)

 

4- Hòa bình đạt được giữa thập niên 1960 và 1975 có gì khác nhau? Sau khi cuộc chiến chấm dứt, toàn dân VN được gì và mất mát những gì? (Nếu cuộc chiến chấm dứt trước thập niên 1960 thì không phải hy sinh 2 triệu binh sĩ và 3 triệu thường dân hai bên Nam, Bắc Việt Nam và 58.000 binh sĩ Hoa Kỳ!)

 

5- Nếu nói ý đồ của CSQT là phải thôn tính Miền Nam VN bằng mọi giá và Hồ cũng như đảng CSVN phải bắt buộc thi hành, vậy thương lượng với CSVN là vô ích. (Vậy giả dụ Hồ và đảng CSVN quyết tâm đình chỉ cuộc chiến vì hao tổn quá mức chịu đựng. Vậy chẳng lẽ Liên Xô và Trung Cộng sẽ tự đem quân qua Việt Nam để giải quyết chiến trường hay chăng? Hay một giả thuyết thứ hai là tiềm năng của Liên Xô và Trung Cộng là trường cữu và vô tận hay sao? Hay là một ngày nào đó sẽ kiệt quệ và không còn khả năng giúp CS Bắc Việt nữa?)

 

Cho đến hiện thời, chưa có tài liệu nào cụ thể đưa ra về các điểm thảo luận và mục tiêu thảo luận giữa đôi bên. Có vài sử gia tên tuổi lập luận lên án cuộc thảo luận chấm dứt chiến tranh của cố tổng thống Ngô Đình Diệm là ve vản kẻ thù, là đâm sau lưng chiến sĩ. Nhưng bản thân họ thì vận động, chạy chọt để khỏi ra tác chiến và ngày nay cứ mãi cường điệu lên án những người có lòng nhân ái muốn chấm dứt cuộc chiến bĩ ổi nầy thì người ấy nói năng có hợp lý chăng? Theo tôi, kéo dài cuộc chiến chỉ có lợi cho các cường quốc ngoại nhân và một nhóm nhỏ chính trị hoạt đầu nội địa nhằm cũng cố địa vị và cắt xén viện trợ bỏ túi mà thôi. Tại sao cứ mãi tôn thờ quyết định của ngoại bang mà bỏ quên quyền quyết định của Dân Tộc Việt Nam? Theo họ thì Miền Nam Việt Nam phải mãi mãi là tiền đồn chống cộng. (Họ mau quên điều này: Một khi Mỹ đạt được ý đồ chiến lược thì Mỹ không cần tiền đồn và sẵn sàng bỏ rơi Đồng Minh.)

 

Lối lập luận nô lệ ngoại bang, xem thường ý nguyện sống thanh bình của 86 triệu đồng bào Việt Nam ngày nay đã lỗi thời và không còn mua chuộc được ai nghe theo! Dù đứng bên nầy chiến tuyến, nhưng cách suy nghĩ của họ y hệt những cái đầu ở Bắc Bộ Phủ chỉ biết quỳ mọp trước Trung Cộng mà bỏ quên nguyện vọng Độc Lập Tự Chủ của toàn dân Việt.

 

Suy tư trước vận mệnh đất nước lâm nguy qua kẻ thù truyền kiếp Bắc phương, tức giận trước cung cách hèn hạ của kẻ cầm quyền Hà Nội hiện nay, duyệt xét lại lịch sử cận đại, thấy rằng người lãnh đạo xứng danh Ngô Đình Diệm luôn lắng nghe nguyện vọng của toàn dân muốn no cơm ấm áo, muốn an bình tái thiết quê hương sau mấy chục năm khói lửa chiến tranh (1930-1954) ông Diệm độc lập với đồng minh, luôn tìm mọi cách chấm dứt chiến tranh dù trái với ý đồ của cường quốc, khác xa với Hồ Chí Minh là người luôn mang ý định chủ chiến, luôn cúc cung tuân thủ theo lệnh quan thầy Liên Xô và Tàu Cộng.

 

Những nỗ lực mưu tìm một nền Hòa Bình cho Việt Nam vào giai đoạn 1960 tuy chưa thành công vì ông Diệm và Nhu đã hy sinh cho đại nghĩa quá sớm! Nếu vận nước không suy vi thì với khả năng lãnh đạo sáng suốt của ông, biết đâu Việt Nam sẽ được giải quyết như Đông và Tây Đức hiện thời.

 

Đừng đem thành bại mà luận anh hùng. Tấm lòng nhân ái thương dân với những đức tính cần thiết của người lãnh đạo bao gồm: Nhân, Dũng, Lược, Trí sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền Quốc Gia Dân Tộc như ông Ngô Đình Diệm thì xét trong lịch sử Việt Nam thử hỏi có được mấy người!

 

Long Điền

 

(Nhân kỷ niệm 46 năm ngày sụp đổ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa 1.11.2009-1.11.1963)

Tài liệu tham khảo : http://messageboards.aol.com/aol/en_us/articles.php?boardId     

=89539& articleId =68448&func=6&channel=People+Connection&filterRead

=false&filterHidden=true&filterUnhidden=false

LÝ DO CUỘC ĐẢO CHÁNH NGÀY 1-11-1963 cua Tran Gia Phung .

http://www.vietlinhweb.com/Diendan/index.php?s=324582af7bc6b8165 fee7030738eefcc& showtopic=10467&pid=17520&st=0&#entry17520

NGÔ ĐÌNH NHU NGỦ TRONG GIẤC MỘNG HÒA BÌNH .. Nguyen Duy Thanh

http://ongvove.wordpress.com/2009/11/04/quach-tong-d%E1%BB%A9c

-chin-nam-ben-c%E1%BA%A1nh-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-ngo-dinh-di%E1%BB%87m/

Quách Tòng Đức: Chín năm bên cạnh Tổng thống Ngô Đình Diệm

http://nguoitinhuu.com/htvd/cottngodinhdiem.html

-------------oo0oo---------------

VCBanNuoc

-------------oo0oo---------------

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

Covang

Covang

Covang

Home Page Vietlist.us

 


bottom