tittle

bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

Home Page Vietlist.us

Trang Thơ - Văn - Ảnh Bạn Đọc dùng để đăng những bài thơ, bài văn hay, những bức ảnh của bạn đọc gởi về. Nếu các bạn chụp được những tấm ảnh hay, lạ, đẹp và muốn chia xẻ cùng bạn đọc, xin vui lòng email cho chúng tôi ở "vietlist09@yahoo.com"

-------oo0oo-------

Hội chợ California, mừng Xuân Tân Mão

__________________________________________

Dư Thị Diễm Buồn 

Mỗi năm cứ vào giữa mùa đông, sau Tết Dương lịch khoảng đầu tháng một. Các chợ Á Đông bắt đầu bày bán những gia dụng, vật dụng nấu món ăn để chuẩn bị cho những ngày lễ Tết Nguyên Đán. Bởi ngày Tết của chúng ta thường vào tuần đầu, hoặc tuần giữa của tháng hai. Nên cá, tôm, thịt, gà, vịt, heo bò… rậm rộ các nơi chở về vùng có đông dân Châu Á cư ngụ. Đó là những dân từ các nước khác, cũng lấy ngày đầu năm Âm Lịch làm ngày Tết như người Việt Nam.

Lồng vào việc mừng đón năm mới của dân Á Châu trong dịp xuân về. Cộng đồng người Việt lưu vong, các cơ quan thiện nguyện, các đoàn thể, hội đoàn, các lãnh đạo tinh thần… rộn rịp tổ chức hội chợ Tết. Các hội chợ Tết ở các thành phố đông người Việt, chia nhau tổ chức vào mỗi cuối tuần. Để dân sống quanh vùng có dịp đi dự nhiều hội chợ và thưởng xuân.

Có những tiểu bang ở thời tiết lạnh khắt nghiệt. Đông phong gió bão, tuyết đổ muôn chiều như vùng trời Chicago (Illinois). Mưa mùa lê thê ủ dột ngày này sang ngày kia như Oregon. Nắng chói chang như ở vùng sa mạc Arizona, vùng cao bồi Texas. Vùng biển đẹp hoa nở bốn mùa, nhiều cây trái lấy giống từ miền Châu Á trồng ở đây cung cấp cho cả nước Mỹ. Đó là vùng biển đẹp Florida, nơi nầy còn nẩy sinh những chuyện tình thơ mộng được đi vào nhiều tập truyện tiểu thuyết, phim của dân bản xứ…

Riêng tiểu bang California, nơi có khí hậu ôn hòa, không thua gì nắng đẹp miền Nam của chúng ta. Cho nên người Việt Nam gấp rút tùy theo khả năng của mỗi địa phương tổ chức hội chợ mừng Tết đón xuân. Để người Việt lưu vong năm nay tưng bừng đón xuân Tân Mão…

Không riêng gì ở nước Mỹ, các hội chợ mừng Tết Nguyên Đán mọc lên như nấm. Ở khắp mọi nơi trên thế giới, nơi có dân Việt Nam sinh sống thì có tổ chức hội chợ mừng xuân đón Tết.

Vùng chúng tôi đang cư ngụ thuộc về miền Bắc, của tiểu bang California. Chắc chắn là có nhiều hội chợ lắm. Chỉ tại thành phố San Jose thôi cũng có hàng chục hội chợ lớn, nhỏ đón Tết rồi. Do Cộng đồng người Việt lưu vong tổ chức, do các đoàn thể, do tư nhân tổ chức… Ngoài ra các hội đoàn, đoàn thể, các lãnh đạo tinh thần… tố chức những bữa tiệc tiễn cựu, nghinh tân (tất niên, tân niên) qui tựu ba, bốn trăm người… Từ đầu tháng một Dương lịch kéo dài đến hết tháng hai. Bởi tháng giêng là tháng ăn chơi đó mà!

Dân Việt Nam trong vùng tha hồ đi các chợ của người Á Đông mua sắm. Họ mua sắm những đặc sản như: hoa mai, hoa đào, hoa cúc… Thức ăn ngọt thì có: kẹo, mứt, chuối khô, chà là… bánh phồng, bánh tráng… rượu, trà. Trái cây, dưa hấu, mảng cầu, dừa, xoài, cam quít, bưởi… Để gia chủ mua về cúng, để trưng bày trong ba ngày Tết mâm ngũ quả “Cầu, dừa, đủ, xài…” đón rước ông bà, mừng năm mới. Sau đó các con cháu về vui hưởng lộc đầu xuân, xum họp với gia đình. Hoặc họ mua để làm quà biếu đền ơn, đáp nghĩa trong năm cùng tháng tận để đón mừng tân xuân.

Lọt vào vùng có các chợ Á Đông, chúng ta sẽ thấy ngay một bộ mặt tươi mới, mát mẻ, trẻ trung hơn ngày thường. Dọc các con đường, theo phố, các cửa tiệm, khu thương mại…cờ Mỹ, cờ vàng ba sọc đỏ phấp phới bay. Khiến lòng người thêm náo nức trong mùa đón xuân về.

Trong chợ, các dãy kệ chất đầy kẹo, bánh, mứt, trà, rượu gói giấy màu xanh đỏ tím vàng trông thật mát mắt… Hàng trái cây hoa, rau cải đặc trưng cho Tết Nguyên Đán đầy dẫy, tươi, ngon… Gia dụng, các loại cá thịt để nấu ăn như: vịt, gà, heo, tôm, cua, sò, hến, mực… còn tươi, đông lạnh hoặc phơi khô… Bông hoa bằng giấy, bằng ni-long, bằng vải… Hoa tươi, có mai, hoa đào, hoa cúc… trồng ở địa phương màu sắc rực rỡ, hoặc từ các nước Anh, Pháp, Trung quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật, Đại Hàn…

Việt Nam Cộng sản cũng chở sang hàng hóa. Nhiều thứ hàng chứa nhiều hóa chất, quá hạn, thiếu chất lượng… Được gói giấy kiếng trong, hoặc chứa trong hộp sơn phết màu mè sặc sỡ, diêm dúa… Để dụ khị một số người Việt lưu vong còn mơ hồ, cố chấp, không chịu nhận thức về rất nhiều thứ để nấu món ăn có hại nhiều hơn tốt… ở từ các nước Cộng sản nhập vào.

Ai cũng biết Mỹ và các nước ở Âu Châu sản xuất bánh, kẹo, trái cây khô (làm mứt) vừa hợp vệ sinh, vừa ngon thấu xương… Vậy mà một số người dân An Nam mình, cứ nhào vô mua các sản phẩm về thức ăn từ các nước Cộng sản.

Không phải chúng ta kỳ thị, hay ghét Cộng sản thì không ưa thì ghét luôn những gì họ làm ra. Tại những nước Cộng sản tham lam quá độ, và giả dối vô cùng… Họ chỉ muốn lời nhiều, chớ không ngó ngàng hay nghĩ đến sức khỏe của người tiêu thụ. Nên lắm khi họ làm không đúng chất lượng, không hợp vệ sinh, nhiều chất hóa học, quá hạn… và rất nhiều, rất nhiều mặt hàng giả!

Chúng ta mua về ăn vào dễ, lấy ra khó, có khi mang bệnh, có khi mất cả tính mạng. Những việc đó đã xẩy ra nhan nhản hàng ngày mà vẫn có người chưa tởn. 

Nhớ quê nhà ngày xưa, gần ngày Tết ở thôn quê ai cũng tự tráng bánh, hoặc mướn lò tráng lấy các loại bánh tráng. Bánh tráng nhúng nước (còn gọi là bánh tráng trắng) để cuốn bì, cuốn nem, cuốn gỏi cuốn…

Bánh tráng nhúng nước, đem cuốn cá lóc nướng trui với thịt ba chỉ luộc, rau thơm, giá sống, cải bẹ xanh non nhẫn vừa mới nhổ ngoài liếp vào. Rồi chấm với nước mắm chua ngọt… Mèn ơi, ăn cái bụng no muốn phát ách, mà cái miệng vẫn chưa muốn ngừng đó bà con làng nước ơi!

Bánh tráng ngọt có pha đường, nước cốt dừa, gừng giã nhuyễn, rắc thêm mè tráng thật mỏng… Bánh tráng ngọt nầy dẻo, nồng mùi gừng, mè, nước cốt dừa… Những đêm trăng sáng trưng vào rằm tháng giêng. Ở hiên nhà nằm võng đưa kẽo kẹt, vừa ngắm trăng vừa xé từng miếng bánh tráng ăn nhỏ nhẻ ngọt, thơm, béo ngấy…. rồi nhâm nhi với nước trà nóng. Ôi, thật là tuyệt vời!

Bánh tráng dừa (bánh được tráng dầy, có pha nước cốt dừa) nướng, ăn với chả đùm, ăn với gỏi. Gỏi có củ cải trắng, củ cải đỏ, trái su, dưa leo, thịt ba rọi luộc, xắt mỏng trộn với tôm càng xanh vỏ nướng xé tơi. Trên dĩa gỏi còn rắc thêm đậu phộng rang đâm nhỏ, rau húng cây, húng nhủi, rau răm xắt nhuyễn. Gỏi nầy chấm nước mắm chua ngọt ớt cay xúc bánh tráng dừa nướng… Ôi sẽ không chê vào đâu được!

Người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, còn hay kéo đường có đậu phộng rang, hoặc chuối khô ngào đường lên bánh tráng nướng. Để ăn uống nước trà, trong lúc nghỉ trưa trời nắng gắt ở ngoài đồng ruộng nữa. Hoặc buổi tối vui vẻ thông thả xum họp gia đình…

Tôi còn nhớ rất rõ, màu gạo của bánh tráng nhúng nước phơi dưới ánh nắng mặt trời khi bánh khô thì trong, và hơi đục của màu gạo chín.

Bây giờ, ông bà cô bác thử nhìn kỹ lại xem. Bánh tráng nhúng nước làm từ các nước Cộng sản Trung hoa, Việt Nam… bán ở các chợ Á Đông. Ôi nó trắng như miếng dừa nạo, trắng như tờ giấy đánh máy, trắng như vải trắng… Còn mỏng tăng như tờ giấy quyến và dai như miếng ni-lon...

Thử nghĩ lại coi, nếu không có hóa chất để vào thì bánh tráng nhúng nước làm bằng bột gạo, làm sao mà trắng như vậy, dẽo dai như vậy được, có phải không?

Có một hôm ngày gần cuối năm tôi đi chợ. Đang lây quây, nhìn lên, nhìn xuống các dãy kệ tìm hộp nước cốt dừa, để mua về làm bánh. Bỗng thấy một chị xồn xồn cũng cỡ tuổi mình. Chị ăn mặc hoa màu chải chuốt, trông cũng hợp thời trang lắm!

Cái quần của chị trên hai cái túi ở mông, và dưới hai cái ống loa gần lai có thêu, vẽ bông màu, và giát kim tuyến. Cái áo màu đỏ của mùa xuân mỏng te như lộng kiếng. Mặc dù hôm đó bên ngoài thời tiết ở khoảng 40 độ F. Thiệt lạnh thấu trời! Áo chị mặc rộng thùng tha, thùng thình trôn bầu dài gần tới đầu gối. Nơi cổ áo kết nhiều ren màu hồng, rộng trễ xuống khoe làn da ngực trắng phau phau. Sợi dây nịt bản bự gần bằng bàn tay của Mễ, nịt sát eo thon. Tóc chị đen như mực tàu Long Tể. Được cắt tỉa dài lòa xòa trên trán, lé đé trên mặt. Ôi còn làn da của chị thiệt là mịn màng, và bóng kem như được thoa một lớp dầu ăn (để chiên cá, chiên chả giò) hiệu: Pure Wesson, Mazola, hay Vegetable Oil… thường có bán ở chợ Việt, chợ Tàu, chợ của người bản xứ…

Có nhiều chỗ trên mặt như: mũi, càm, miệng… được nhân tạo tu sửa, o bế thiệt là khéo léo! Mắt chị tròn to dưới đôi chân mày xâm đen rậm. Cặp môi khêu gợi vêu ra, được trét thêm một lớp son dầy mộng đỏ. Cả khuôn mặt chị có lẽ được căng thẳng, nên không có một vết nhỏ nhăn ở đuôi mắt, hay trên vầng tráng. Nhìn tổng quát, trông chị cũng trẻ trung và ngộ lắm chớ!

Chị chợt nhìn tôi, cười tươi như hoa hồng nở vào buổi sáng. Như đã quen thân nhau từ lâu lắm rồi! Tôi cũng lịch sự mỉm cười chào lại.

Chị vui miệng hỏi:

-  Chị đang tìm gì vậy?

Tôi chưa kịp trả lời, thì chị nói tiếp:

-  Còn tôi đang tìm mua mắm, để về nấu mắm và rau. Ở đây ăn ba cái đồ Mỹ riếc rồi phát chán! Ăn đổi món quốc hồn quốc túy của quê hương coi bộ ngon miệng và dễ nuốt hơn…

Tôi chỉ chị mắm Pháp, mắm Mỹ… chứa trong hộp. Chị cười lắc đầu nguầy nguậy, có vẻ người rất rành rọt mọi thứ:

-  Không đâu, tôi muốn mua mắm Việt Nam cơ! Mắm Việt Nam ngon, và mùi vị mới đúng mứt của nó! Tôi đã thử qua các thứ để nấu ăn, chỉ có những thứ từ Việt Nam mới có chất lượng…

Mèn ơi, tôi hơi khựng và giựt mình! Chợt nhìn trong xe chứa đồ của chị tôi thấy nào: Hai keo mủ bự ba khía đưa cọng đưa que đen ngòm ngòm! Dưa cải trong bịt ni-lon lớn vàng tươi như nghệ. Nước mắm pha sẵn lợn cợn nào ớt, nào tỏi nào thứ gì nữa? Ai mà biết! Đang nhảy lên, nhảy xuống trong mấy chai. Cùng một cái nồi đất tay cầm cá rô, đã kho chín sẵn từ Việt Nam nữa!

Hơi ái ngại cho chị, nhưng tôi cũng nở nụ cười tàn nhẫn như hoa héo buổi chiều. Nhỏ giọng bảo:

-  Bộ ăn đồ từ các nước Cộng sản, chị không lo họ làm không hợp vệ sinh, quá hạn, nhiều vi trùng, lắm hóa chất sao?

Chị ta cười tòe cái miệng thiệt tươi! Tươi hơn cả những bông hoa giả bày bán trong tiệm hàng xén… Chị tĩnh bơ, lanh lẹ trả lời:

- Ối “ở dơ sống dai hơn ở sạch” Mấy chục năm sanh ra và sống ở Việt Nam quen rồi. Nước Cộng sản Tàu biến chế các thức ăn giả còn thua xa nước mình là đàng khác. “Chết trước được mồ mã/ Chết sau rả thây thi” Người ta mua ăn thiếu gì, tôi có thấy ai chết chóc chi đâu? Có “chết một con chỉ nhọn một muổi” thôi, nhầm nhò gì ba cái lẻ tẻ! Nói thiệt với chị nghe, bây giờ tôi ăn vi trùng chớ vị trùng không ăn nổi tôi đâu chị ơi…

Chị vừa nói vừa cười hí hí! Quét đôi mắt trồng đen như hột tiêu có đuôi, thật bén lên tôi rồi ngoe nguẩy bỏ đi! Tôi đứng xớ rớ nhìn theo cái tướng đi lắc lư của chị. Dù không muốn cười chút nào, nhưng tôi cũng lắc đầu nhếch mép cười như mếu. Tôi nghĩ về người đàn bà xảnh xẹ vui tánh nầy, rồi thở dài lẩm bẩm một mình:

“Bà ta nói đúng! Thiệt trên thế gian có chết một người thì nhầm nhò gì, cũng đâu có thiếu! Rõ là thầy chạy nhà thờ chê! Hết nói nổi cái mụ nầy! Hèn gì bánh mứt từ Việt Nam bày trước Tết đầy cả chợ… gần đến ngày cuối năm là bán sạch hết trơn. Ờ, có người mua thì người ta mới làm ra bán chớ. Thiệt đây không biết có phải là “Người điếc không sợ súng” không?

Tội nghiệp các đài phát thanh Việt Nam ở hải ngoại loan tin tức rang rảng biết bao nhiêu lần, còn có trên diễn đàn Internet, báo chí nhắc nhở hàng ngày phải cẩn thận những gia dụng nấu thức ăn từ các nước Cộng sản nữa. Nhưng chẳng thấm vào đâu! Họ vẫn mua sắm ào ạt những thứ có những chất độc địa đó về ăn…

Nồi ơi, ăn vô là đưa vào cơ thể những thứ nguy hiểm, lắm hóa chất, nhiều vi trùng… Chúng nằm đó đợi thời, đến khi nào cơ thể chúng ta yếu, không đủ sức kháng lại… Thì chúng thừa thắng xông lên, tha hồ xâm nhập khắp ngũ tạng lục phủ của chúng ta để hoành hành… 

Thôi thì ai giữ hồn nấy, chớ biết làm sao bây giờ? Cứ mua về ăn đi, khi mắc bịnh, vô bệnh viện nằm mới biết đá, biết vàng! Ai biết thương cho cơ thể mình thì sống khỏe, sống dai với con cháu. Ai biết mà không tránh né cứ nhào vô, thì sẽ xuôi tay bất đắc kỳ tử, hoặc mang bịnh trầm kha hành hạ cái xác phàm dài dài…

 

HỘI CHỢ SACRAMENTO (Bắc CA)

 NNNN1MMMM

Ở Sacramento thường lệ ban tổ chức hội chợ Tết có 3 ngày. Chiều thứ sáu tiệc gây quỹ. Dĩ nhiên là bán phần ăn cho khách tham dự và được nghe ca nhạc. Còn ngày thứ bảy, chủ nhật hội chợ ngoài trời…

Hội chợ Sacramento hàng năm thu tiền vào cửa. Năm nay có lẽ vì ảnh hưởng tình trạng kinh tế không mấy khả quan, ban tổ chức cho ra vào hội chợ Tân Mão tự do.

Hội chợ Sacramento nhìn chung cũng không gì mới mẻ, năm nào cũng như năm nào. Nhiều các gian hàng quảng cáo của cơ quan thương mại như:

- Ngân hàng, nhà in, chụp hình, bán băng DVD, băng nhạc, giới thiệu các Casino có ăn, có ở, có xe rước, xe đưa miễn phí.

- Rồi gian hàng của các đại diện lãnh đạo tinh thần như nhà thờ, chùa, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo… Những gian hàng nầy thường tặng, phát sách kinh… Và có gian hàng gây quỹ bằng cách bán kèm thêm bánh, trái, hoa, nước uống, thức ăn chay… cho khách du xuân thưởng Tết.

- Đến các gian hàng của hội đoàn, đoàn thể Chánh Trị. Có gian hàng của Việt Tân trưng bày những hình ảnh, sách báo hoạt động của đảng…

- Gian hàng hội Thủ Đức, năm nào đặc san xuân của Thủ Đức bài vở cũng phong phú, trình bày rất đẹp. Hội Thủ Đức còn trưng bày những hình ảnh sinh hoạt của hội trong những năm qua.

- Gian hàng hội Cựu tù nhân Chánh trị có phổ biến phù hiệu, huy hiệu các quân binh chủng Việt nam Cộng Hòa, quân trang, quốc kỳ…

- Gian hàng của cựu tù nhân chánh trị từ Stockton (thành phố sát Sacramento) Trưng bày những hình ảnh, về sinh hoạt của quý hội ở Stockton rất ý nghĩa và đẹp mắt.

- Có nhóm y tế chích ngừa cúm miễn phí…

- Có Carnival nhiều trò chơi cho trẻ em…

- Còn các gian hàng bài bạc lấy hên trong những ngày đầu năm thì khỏi nói. Được chiếu cố nhứt, lúc nào cũng rất đông và rất đông. Họ chen chút đặt: lúc lắc, bầu cua cá cọp, xì-dách, quay số, thảy vòng…

- Sang gian hàng ăn uống! Thiệt đúng với câu “Dĩ thực vi tiên” cho nên các hàng quán bán thức ăn chay, ăn mặn, hủ tíu, cà-phê, bánh canh, cháo… thịt nướng… Đầy đủ các món ăn đặc sản của ba miền: bánh bột lọc, giò thủ, chả quế, bánh chưng, bánh tét, bánh ít, bánh tổ… Cùng các loại dưa ăn kèm như là: dưa món, dưa cải, củ cải ngâm giấm, dưa kiệu, dưa gừng, dưa tỏi … Tất cả những gian hàng ăn uống rất đông… chiếm một dãy dài gần nửa hội chợ.

Sau phần diễn văn khai mạc hội chợ, và chúc Tết… có múa lân, có trình diễn văn nghệ, rất nhiều ca sĩ địa phương giúp vui. Năm nay cũng có hai nữ ca sĩ từ Nam California đến. Đó là ca sĩ Diệp Thanh Thanh và ca sĩ Thanh Trúc.

Có bà khách du xuân, bỗng dưng bà quay sang tôi vo vảnh bảo:

-  Không biết những chỗ khác, và các ca sĩ khác thì sao? Ở đây trước khi hai ca sĩ nầy hát, thì giới thiệu con cà con kê từ đời nầy qua đời khác. Như là ông bà làm gì, cha mẹ làm gì, kể cả cô chú họ hàng có dính liếu đến nghiệp ca hát nữa... Trong khi đó sao không giới thiệu các cô ngoài ca hát ra thì các cô làm gì? Hoặc như là có chồng chưa, con bao nhiêu đứa… Còn các nam nữ ca sĩ địa phương không hề nghe nhắc tới, chỉ giới thiệu lên hát thôi. Thiệt tình!

Ngày đầu hội chợ, mà trời thật ảm đạm. Mây xám giăng giăng hạ thấp. Mưa không nhiều, nhưng đủ làm ướt tà áo em bay! Gió lạnh se sắc ở khoảng 55 độ F vào buổi trưa. Dù mặc nhiều lớp, còn có áo khoác dầy, khăn vớ chống lạnh mùa đông, mà hai bàn tay bàn chân tôi vẫn lạnh cóng.

Nghe bà ngồi bên cạnh càm ràm, tôi mắc tức cười bảo:

-  Thì nghe hát được rồi. Ai bảo chị để ý đến chuyện khác làm chi, còn đòi nghe đời tư của người ta nữa! Nếu muốn thì lên góp ý đi… Thôi đủ rồi chị ơi, cằn nhằn làm chi. Bỏ đi, năm mới năm mủn mà! Nầy, nầy, chị lắng nghe cô ca sĩ mặc quần áo đẹp, hát hay quá chừng chừng kia kìa…

Ngoài phần văn nghệ giúp vui cho hội chợ Tết, còn có thi hoa hậu áo dài, thi trẻ em giỏi tiếng Việt, biểu diễn võ thuật… Và chắc mẻm, lúc nào cũng có phần bốc số lô tô xen kẻ trong chương trình văn nghệ. Để ban tổ chức gây quỹ, và quan khách thử thời vận đầu năm...

Sacramento là Thủ Phủ của tiểu bang California. Nơi đây có mấy chục ngàn người Việt sống ở quanh thành phố và các vùng phụ cận. Ngoài thông tin bằng đài phát thanh, truyền hình còn có 4 tờ báo tuần, báo tháng, đặc san… báo trên Internet (Việt ngữ). Nhiều văn nghệ sĩ đã có tác phẩm ở địa phương. Trong cộng đồng người Việt ở Sacramento có đầy đủ các bộ môn về Văn Học Nghệ Thuật, như: Hội họa, nhiếp ảnh, sách, báo, văn, thơ… Nhưng trong hội chợ Tết tìm đỏ mắt không thấy gian hàng Văn Học Nghệ Thuật của ban tổ chức, hoặc của văn nghệ sĩ nào…

Mặc dù con én không làm thành mùa xuân! Nhưng có con én, mùa xuân thêm phần ý nghĩa… Khách du xuân đến dự hội chợ Tết Nguyên Đán ở Sacramento. Tùy theo cảm nhận khách quan của mỗi người về hình thức, sắc thái, nội dung, chiều sâu… trong ý nghĩ của riêng mình, không ai giống ai! Và họ sẽ đoán được phần nào dân trí ở vùng đó.

Mỗi năm trời lập gió đông. Vùng người Việt sinh sống có tố chức hội chợ Tết Nguyên Đán cũng tốt lắm rồi! Hội chợ Tết có đơn sơ, nghèo nàn, hay thiếu sót… đâu phải do ban tổ chức muốn… Mà cần có sự hy sinh và chịu hợp tác của rất nhiều ngườI, ở nhiều thành phần nữa chớ. Bởi “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây dụm lại nên hòn núi cao” Từ thuở xa xưa, ông bà ta thường bảo vậy đó mà!

“Có còn hơn không” Phải, hội chợ Tết có còn hơn không! Để dân Việt Nam lưu vong ở địa phương, được dịp thưởng Tết du xuân trên đất khách. Và nhớ về những mùa xuân thắm tươi nơi cố quốc dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

HỘI CHỢ STOCKTON (Bắc CA)

 

Stockton là thành phố nhỏ hiền hòa khiêm nhường, nằm ở hướng Bắc San Jose, và phía Nam của Sacramento. Dân Việt Nam ở đây cũng chỉ có khoảng 12.000 người. Quá ít so với hai thành phố lớn vừa kể.

Tuy nhiên cuộc sống của họ rất đùm bọc gắn bó, và tương thân, tương ái với nhau. Mà mọi người đều nhận biết được qua các tổ chức chung của cộng đồng. Như mừng Tân niên, chúc thọ cho các cụ năm nào cũng rất đông đủ, ấm cúng như trong gia đình và con cháu…

Ngoài ra còn có những hoạt động chung có tánh cách xã hội, cũng như chánh trị… như là:

- Hội chợ mừng Tết Nguyên Đán.

- Lễ Quốc hận 30 tháng 4 mỗi năm.

- Ngày Quân lực 19 tháng 6.

- Giỗ Tổ Hùng Vương.

- Ngày Thương phế binh phối họp Mỹ Việt. Chúng ta thấy trong đoàn đoàn diễn hành đại quy mô, trên các con đường chánh ở Thủ Phủ California. Lá quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa vàng ba sọc đỏ, phấp phới bay dưới bầu trời tự do với Quốc kỳ Mỹ

- Ở Stockton thỉnh thoảng còn có những buổi gây quỹ giúp đỡ: Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa còn kẹt trong nước. Nạn nhân bão lụt… Giúp đỡ những nhà đối kháng trong nước…

Gần như tất cả các buổi tổ chức đều được thành công về nhiều mặt. Đó là nhờ ban tổ chức khéo léo và sự đoàn kết chặc chẽ, các hội đoàn, đoàn thể… và của dân Việt cư ngụ trong vùng.

Đặc biệt hội chợ Tết mừng xuân ở Stockton thường do sinh viên, học sinh đứng ra tổ chức với sự cố vấn, hỗ trợ của các đoàn thể và các bậc trưởng thượng trong vùng.

*HỘI CHỢ TẾT SAN JOSE (Bắc CA)

kkk

 

San Jose là thành phố điện tử, ở về miền Bắc của tiểu bang California. San Jose nối liền với San Francisco, nằm dọc theo bờ biển đẹp chạy dài tận miền Nam  Los Angeles, San Diego… Bao bọc những dãy núi non hùng vĩ. Gần như tất cả những gì rộn rịp, bề bộn nhứt… từ Chánh trị, Kinh tế, Khoa học, Y tế… đều nằm trong vùng địa linh nhân kiệt nầy. Một vùng thơ mộng mệnh danh là “Thung Lũng Hoa Vàng”

Thời tiết ở đây lại ôn hòa. Có những bãi biển lý tưởng quyến rủ được nhiều du khách từ các nơi và ngoại quốc như: Nhiều bãi tắm ở bờ biển Moterey, San Francisco… Có những di tích lịch sử và thắng cảnh đẹp như cầu Golden Bridge. Căn cứ Hải quân đẹp ở dọc theo bờ biển San Diego, lớn có tầm vóc thế giới. Có Las Vegas, có nhiều tình sử nổi tiếng đẹp và đoạn trường cho những người cờ bạc, sát phạt, ăn thua…

Cho nên hàng năm California thu hút cả mấy trăm ngàn du khách từ các nơi trên thế giới đến viếng thăm. Chỉ ngành du lịch ở California, cũng đem ngoại tệ về không ít để làm giàu thêm cho nước Mỹ.

Ảnh hưởng thiên thời địa lợi nhân hòa của xứ người. Người Mỹ gốc Việt lại chịu khó, cần cù, biết xoay sở làm ăn… Nên họ gần như đều thành công về mọi ngành nghề, và đôi khi còn qua mặt dân bản xứ, và những dân tộc khác đến đây từ mấy chục năm trước họ. Vì thế những người Việt lưu vong trên nước Mỹ. Theo thống kê, hàng năm họ dời qua cư ngụ ở San Jose mỗi lúc một đông hơn.

San Jose còn là cái nôi Văn Học Nghệ Thuật. Nơi đây đã quy tựu những văn nghệ sĩ có tiếng tăm đã thành danh trong nước và ra hải ngoại. Nam có cụ Hà Thượng Nhân, Giáo sư Nguyễn Văn Canh, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh… Nữ thi sĩ Trùng Quang... Và rất nhiều, rất nhiều những văn, thi nhân tài tử nổi tiếng khiêm nhường, ẩn dật… Những nhà Văn Học Nghệ Thuật có tầm vóc như Nữ Họa sĩ Thanh Trí, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh… Những nhà phê bình gia, những nhà Chánh trị học, Xã hội, Khoa học, Y tế, kinh doanh, thương mại… nhiều, còn nhiều, nhiều lắm…

Để cho dân Việt vui xuân đón Tết sống trong vùng, và những vùng phụ cận. Các hội chợ Tết Nguyên Đán chia nhau tổ chức liên tục trong mỗi cuối tuần. Thường các hội chợ do nhà thờ, chùa, các hội đoàn, tư nhân… Bắt đầu từ hai tuần trước Tết cho đến cả tháng sau...

Hội chợ mừng xuân năm Tân Mão chưa mở, thì bắt đầu gấu ó, tranh chấp về nhiều mặt trên diễn đàn…

Chú tôi nay đã tròm trèm 80 tuổi. Ông ít nói, hàng ngày nuôi chim, nuôi cá kiểng, xem sách báo, trồng ngắm hoa… để tiêu khiển thời gian. Chú sống an nhàn trong tuổi xế chiều của một quân nhân, có hơn 20 năm binh nghiệp, 11 năm tù cải tạo! Chú ít khi can dự vào những chuyện thiên hạ sự bên ngoài. Nhưng khi nghe có một hội chợ Tết, sẽ mướn MC và cho cô ta (không chồng) có trên 50 bó (tuổi), kiêm đóng vai Bà Trưng để diễn hành trong những ngày hội chợ? Thế là trên các diễn đàn ùn ùn nhiều ý kiến…

Chú tôi nở nụ cười xuân nửa miệng, ý nhị bảo với con các con cháu:

-  Để cho cô ta làm Trưng Nhị, thì ban tổ chức tìm kiếm môt người nữa chi cho mất thì giờ. Hãy về Việt Nam mời bà chủ bán phở (má cô) qua làm bà Trưng Trắc luôn cho gọn… Mẹ con họ thật giống nhau, từ tánh nết đến mặt mày, hình dáng…

Nhưng mấy ngày sau, ban tổ chức đính chánh là không có chuyện đó! Ôi làm việc ngoài cộng đồng thì lúc nào cũng vậy “Chín người mười ý” Nhưng là ý kiến xây dựng, thì thiệt là tốt quá chừng chừng đi thôi!

* Năm nay có 3 hội Xuân đượcc tổ chức ở San Jose. Hội chợ Tết nào có hình thức cũng na ná giống nhau. Cũng gian hàng buôn bán, cũng bầu cua cá cọp… cũng hát hò, cũng thi hoa hậu, cũng thi ca hát… Nhiều hội chợ vào cửa tự do.

Có hội chợ vào cửa mỗi người 10$ (10 đô-la) gởi xe 10$… Với thời buổi kinh tế eo hẹp như vậy… mà cũng có rất nhiều người thưởng Tết du xuân. Vì mỗi năm mười hai tháng dài đăng đẳng, chỉ có ba ngày Tết thôi mà!

* Năm nào ở San Jose Cộng đồng người Việt phối họp với nhiều hội đoàn, đoàn thể, Việt Mỹ, Á châu… trong vùng và phụ cận, tố chức hội chợ Tết Nguyên Đán chung nên rất là rầm rộ.

Riêng năm nay, trưởng ban tổ chức Hội Xuân Diễn Hành Downtown do ông Chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Bắc California chỉ huy. Cộng Đồng Việt Nam Bắc California sẽ phối hợp với Little Saigon San Jose Foundation và Tổ Chức VSF tổ chức hội chợ mừng xuân Tân Mão. “Vietnamese 2011 Spring Festival & Parade.  Vào ngày 20 tháng 2, tại trung tâm thành phố

Ban tổ chức được sự tài trợ, bảo trợ của các cơ sở thương mại, các hội đoàn, đoàn thể… Bà Kim Trang là một trong những nhà hảo tâm. Bà còn là đại diện công ty mỹ phẩm Façade, và Hi-tech Dental Care. Có nhiều phòng Nha khoa hiện hữu ở thành phố san Jose trên 20 năm qua…

- Trong hội chợ có những gian hàng Văn Học Nghệ Thuật: ảnh, tranh, hội họa, sách, báo xuân… cung cấp dồi dào những món ăn tinh thần cho người Việt tha hương có mùa xuân về thêm phần ý nghĩa.

- Những gian hàng trưng bày gấm, lụa… Thủ công nghệ thêu tay, làm bằng tay… Tất cả những gian hàng Văn Học Nghệ Thuật nầy, được trang trọng đặt trong những dãy nhà dài nối tiếp để tránh nắng mưa sẽ làm hư hại những tác phẩm…

- Những hàng quán giải khát, bán thức ăn suốt từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều  ngày hôm đó (20 tháng 2 năm 2011)

Tiết mục chính của Hội Xuân Diễn Hành Downtown là những đoàn diễn hành đại quy mô, đa số là những đoàn người Việt Nam: Hội phụ nữ, cựu quân nhân (Đại diện các quân binh chủng…) Cựu tù nhân Chánh trị, Luật sư đoàn, Giáo Dục, Y tế, các cơ quan truyền thông, các đài phát thanh, truyền hình, báo chí, thương gia… ở địa phương và các vùng phụ cận. Còn có thương phế binh Mỹ (từng chiến đấu ở Việt Nam) Đại diện các quân nhân Mỹ gốc Việt (về từ các chiến trường Trung Đông), Lớp người Trẻ Lên Đường, Thanh Niên Cờ Vàng, các trường Trung học, Đại học, các hội ái hửu, hàng trăm con lân của nhiều Hội Lân và các sắc dân tộc khác cùng phối hợp….

Một buổi diễn hành mừng Tết thật đại quy mô tưng bừng và trang trọng… Với lá đại kỳ Việt Nam Cộng Hòa vàng ba sọc đỏ dẫn đầu. Đoàn lân, rồng múa, và tiếp theo là những xe hoa lộng lẫy gần 20 chiếc… rừng biểu ngữ, cờ vàng ba sọc đỏ… Khách thưởng xuân ngỡ mình đang đi trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo… trong lòng phố thị Sài Gòn của thuở ngày xưa.

- Có rất nhiều ca, kịch sĩ ở địa phương và các vùng phụ cận, rầm rộ trình diễn… từ bắt đầu cho đến bế mạc…

 

HỘI CHỢ TẾT SINH VIÊN Ở WESTMINSTER (Nam CA)

 

 Hội chợ Tết Nguyên Đán của sinh viên California. Hằng năm được tổ chức ở Westminster. Là một trong những hội chợ được tổ chức đại quy mô của người Việt, trong 50 tiểu bang nước Mỹ.

Theo tôi được biết tổng hội sinh viên Việt nam ở California hiện hữu trên nước Mỹ đã 30 mươi năm. Kết hợp được hơn 30 trường Đại học, và 13 trường Trung học. Lúc ban đầu các bạn sinh viên nhờ bác, chú, cha anh… chỉ bảo, khuyến khích giúp đỡ mọi mặt… Bây giờ thì họ đã có nền tãn rất vững chắc.

Vào hội chợ Westminster. Khách viếng thăm như được đi du xuân thưởng Tết từ Bắc vô Nam. Mỗi miền có một khu rộng riêng biệt được dàng dựng đặt trưng cho Nam, Trung, Bắc ba miền rõ rệt. Từ sắc thái, nhà cửa, cảnh đồng quê, thị thành…Về kiểu cách, cái ăn, cái mặc, phong tục, tập quán trong những

ngày Tết Nguyên Đán…

 

NNNN3MMMM

 

Hoàng triều cương thổ Huế vẫn nắm phần nghi lễ cho hội chợ. Với một lực lượng người hùng hậu, nam phụ lão, ấu… Áo, quần, khăn, nón theo lối cổ truyền, quốc phục của ba miền trông thật trang nghiêm và đẹp mắt. Mỗi ngày đều có diễn hành, múa lân theo các con đường nhiều gian hàng trong khuôn viên hội chợ.

 * Khu Văn học nghệ thuật riêng biệt.

- Có chòi để các họa sĩ, sinh viên đang vẽ tranh trên lụa, trên giấy.

- Chụp hình nghệ thuật.

- Cắm hoa, thêu tay, thêu máy…

- Làm bánh, nấu ăn…

- Có đàn bầu, đàn tranh, đàn độc huyền…

- Những gian hàng sách báo: Báo ngày, báo tháng, đặc san, bán nguyệt san, nguyệt san. Cả rừng đủ các loại sách của bao nhiêu cây viết xưa đã thành danh trong nước, và những cây viết trẻ ở hải ngoại…

 

* Khu Quân đội có những gian hàng đại diện cho các binh chủng: Bộ binh, Không quân, Cảnh sát, Địa phương quân, Biệt chính, Thiếu sinh quân…

- Thiết giáp: triển lãm những chiến xa, những chiếc thiết giáp có trang bị đại pháo…

- Những quân nhân tác chiến, có chiến hào dã chiến, đại pháo, thiết giáp, công binh được phối họp với quân nhân Mỹ, dàn dựng rất chu đáo…

-  Tổng Y viện Cộng Hòa. 

- Thương phế binh… Luôn được khách viếng thăm tự động ủng hộ. Chứng tỏ người đi, vẫn luôn nhớ đến những phế binh Việt Nam Cộng hòa còn kẹt lại bên quê nhà.

- Hải quân năm nào cũng trưng bày, triển lãm những chiến hạm, tàu chiến, tàu lớn, tàu nhỏ, tiềm thủy đĩnh... Những huy hiệu, quân trang, huy chương …

Riêng ở khu Quân đội năm rồi (2010) trong hội chợ Tết Westminster. Có ban nhạc, văn nghệ lính hát lính nghe… Thu hút phỏng định có khoảng 50.000 quan khách vãng lai, thăm viếng các gian hàng triển lãm, và nghe nhạc...

Năm nay xuân Tân Mão (2011) khoảng đất dàn dựng sân khấu năm rồi. Họ lấy làm khu giả chiến dành cho lính Việt Mỹ. Bỏ hẳn phần nhạc sống của lính đi…

Nhiều người yêu lính, thích nghe lính hát. Những ca sĩ nghiệp dư như Trung/ Úy Không Quân Đào Anh Tuấn, ca sĩ nữ quân nhân Bích ngọc, những nam nữ ca sĩ các binh chủng Thủ Đức, Thiết Giáp, Hải quân, Biệt Động quân… với những bài ca lính trử tình… Và nam nữ em gái hậu phương hát cho lính nghe cũng được lên trình diễn, trong tâm hồn phơi phới reo vui, ấm lòng… Như hầu quên đi chúng ta vẫn còn hưởng mùa xuân viễn xứ…

Trong 3 ngày hội chợ Tết, đã có rất nhiều khán thính gỉa đến hỏi thăm …  Có người từ Los Angless, San Diego, và các vùng phụ cận (vài giờ lái xe…) Có người còn thắc mắc, càm ràm, rồi đề nghị:

“Các khu khác trong hội chợ có ngâm thơ, ca nhạc cổ truyền, trình diễn những vũ điệu dân tộc riêng biệt… Sao khu Quân đội không có nhạc lính hát lính nghe như năm rồi? Nhờ quý vị chuyển lời đến mấy cậu sinh viên (ban tổ chức) năm tới nhớ dành cho khu quân đội, có trình diễn văn nghệ như những năm qua… Tết nhứt mà, có hội chợ Tết nào ở Mỹ mà bị lỗ lã về tiền bạc đâu? Phải bỏ bớt chút quyền lợi… để cung ứng niềm vui (không có gì khó khăn và cũng không quá đáng…) cho khách thưởng lãm du xuân trong những ngày Tết Nguyên Đán chớ…”

Đó cũng là ý kiến, là đề nghị hợp lý của những khách du xuân! Chứng tỏ bất cứ ở chân trời góc biển, trong lòng người dân Việt Nam Cộng Hòa, vẫn luôn ưu ái, và ngưỡng mộ những người lính một thời áo trận. Những người vì dân, vì nước luôn làm tiên phong, đi trước, hứng trước, chịu những làn tên mũi đạn, những hiểm nguy ngút trời… Cho đến ngày cuối cùng quê hương bị bức bách nhuộm chìm trong làn sóng đỏ của tay sai Cộng sản. Để rồi cá nhân họ, gia đình họ gánh chịu chung cảnh tù đày thê lương!

 

* Khu bán thức ăn Việt, Mỹ, Tàu, Ấn…

* Khu thương mại buôn bán điện thoại, máy chụp hình…

* Khu Gram (chỉ thảy vòng, chọi banh, phóng tên… lấy đồ chơi cho trẻ em chớ không bầu cua cá cọp, bài bạc)

* Khu của các đảng phái Chánh trị… Các lãnh đạo tinh thần…

NNNN4MMMM

* Khu tặng quà của các hãng xưởng…

* Sân khấu lớn, các ca sĩ ca hát liên tục… khoảng 2.000 ghế dựa nhưng không bao giờ có ghế trống… Người xem trình diễn, nghe nhạc tràn ngập các lối đi chung quanh.

- Thi hoa hậu.

- Thi ca hát.

- Thi trẻ em mặc quốc phục đẹp.

- Có hai carnival lớn đặt bên ngoài. Nhiều Trẻ con phải sắp hàng chờ cả buổi mới đến phiên mình để được: đu dây, cởi ngựa, trợt nước, bắt vịt…

 

Giấy vào cửa hội chợ Tết Nguyên Đán Westmnister 5$ (5 đô-la) cho 3 ngày (thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật) từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Chỗ đậu xe không phải trả tiền!

Năm nay trời ưu đãi cho hội chợ Tết Westminter. Có 3 ngày trải nắng lụa ấm áp có trên 65 độ F. Gió mơn man dễ chịu lung linh những cụm hoa trước ngõ sau nhà tỏa hương, khoe sắc. Những hàng cây hai bên đường đâm chồi nẫy lộc, xanh lá hoa nở nụ bán khai. Ngoại cảnh chứa chan tình xuân, khiến kẻ nhàn du thưởng Tết là dân bản xứ, hay người ngoại quốc cũng không khỏi náo nức, khi bắt gặp những tà áo dài được thanh nhã biến đổi theo nhiều thời kỳ của thiếu nữ, của phu nhân… phất phơ lã lướt trong hội chợ xuân muôn hồng ngàn tía.

Ba ngày hội chợ Tết ở Westminster (theo số vé vào cửa) có hơn 200.000 người tham dự. Gồm dân Việt, Á châu, Mỹ… sống tại California, và các tiểu bang khác bay qua du xuân, thưởng Tết…

Những ngày đó, khách sạn gần khu hội chợ, chủ là người Việt không còn phòng trống, như là: Khách sạn Ramada, Litle Saigòn In… Các con đường xe chạy chung quanh khu hội chợ, 3 ngày hội chợ Tết được phong tỏa. Để tránh tai nạn có thể xẩy ra, và dành ưu tiên cho người đi bộ… quá đông!

Mỗi năm, hội chợ Tết Nguyên Đán tố chức càng lúc càng nhiều. Trên khắp các tiểu bang của Mỹ, và các nước khác trên thế giới những nơi có người Việt Nam sinh sống. Chứng tỏ dân Việt Nam lưu vong ở xứ người càng ngày càng đông, và đã có nếp sống đề huề, an ổn.

Tổ chức hội chợ Tết Nguyên Đán cho dân Việt Nam mừng xuân, đón Tết. Cũng để gợi ý người dân Việt tha hương nhớ về những mùa xuân thắm tươi nơi cố thổ, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

 

“Mỗi năm hội Tết xứ người

Chạnh lòng tôi nhớ phương trời cố hương”

 

NNNN5NNNN

NNNN6MMMM

NNNN7MMMM

NNNN8MMMM

NNNN9MMMM

NNNN10MMMM

NNNN11MMMM

Ảnh do : Loc Bui MD

California, đầu năm Tân Mão

Tệ xá Diễm Diễm Khánh An

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

ĐT: (530) 822 5622

Email: dtdbuon@hotmail.com 

********************

 

VCBanNuoc

-------------oo0oo---------------

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

Covang

Covang

Covang

Home Page Vietlist.us

 


bottom