tittle

bottom

Vietnam

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

Trong Dong

Trong Dong

Trong Dong

Trong Dong

Trong Dong

Trong Dong

Trong Dong

Trong Dong

Trở Về Trang Gốc Lịch Sử Việt Nam    Trở Về Trang Gốc Vietlist.us

Trận An Lộc 1972 - Phần 2

Trận An Lộc 1972: Phần 1    Phần 2    Phần 3

Tài liệu: http://www.vlink.com/nlvnch/jennifer/anloc1.html

Written by an unknown author, provided by Kim Nguyen, this article is published in memory of general Le Van Hung and all South Vietnamese soldiers and civilian defenders of An Loc in 1972.

-------------------

Pháo tập dọn đường cho trận đánh quyết liệt:

Đến giờ phút này, ngày 10/5/72, cả 3 mặt trận An Lộc, Kontum và Trị Thiên đều đang ở trong tình thế gây cấn. Bên kia Thái Bình Dương, TT Richard Nixon công bố những biện pháp mạnh đối với CSBV. Tại Saigon, TT Thiệu tuyên bố "Tổ quốc lâm nguy". Lịnh Thiết Quân Luật được ban hành trên toàn quốc từ 0 giờ ngày 11/5/72. Chính vào giờ này, BCH cao cấp của CSBV tại mặt trận Bình Long muốn "dứt điểm" An Lộc, bắt sống Tướng Lê Văn Hưng.

Kể từ trưa hôm trước, tất cả các khẩu pháo của CSBV đã bắn trái khói lai rai cầm chừng để điều chỉnh tọa độ những địa điểm mà chúng định sẵn sẽ tấn công.

Đúng 12 giờ đêm, giờ khởi đầu của tình trạng thiết quân luật trên toàn lãnh thổ VNCH, Cộng quân bắt đầu cuộc "pháo tập" khốc liệt và tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh Đông Dương vào An Lộc.

Đến 4 giờ sáng, CSBV bắt đầu "chuyển pháo". Kinh nghiệm và khả năng tác chiến cao đã giúp cho binh sĩ trú phòng biết ngay địch muốn làm gì khi chuyển pháo đi nơi khác. Sau khi chịu đợt "tiền pháo", tất cả đều vọt ra khỏi hầm ghìm súng chờ đợi "hậu xung".

Quả nhiên, ngay sau đó, chiến xa ì ì kéo tới. Từ 4 giờ sáng, Cộng quân xỉa 3 mũi dùi từ hướng chính Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc với quân số mỗi cánh cấp trung đoàn có chiến xa dẫn đầu đánh ập xuống nửa thị xã phía trên.

Ở ngã Đông Bắc, Cộng quân đột nhập vào khu Chợ Mới, sát phòng tuyến VNCH.

Trận giao tranh tại đây càng lúc càng đẫm máu, kéo dài mãi đến 8 giờ 30 sáng. Mặt Bắc thành phố là mặt bị uy hiếp nặng nhất ngay từ đầu cuộc chiến.

Các cánh quân CSBV ẩn phục trong đồn điền cao su Quản Lợi và từ quốc lộ 13 kéo xuống như vũ bão.

Mặt chính Bắc và Tây Bắc, Cộng quân huy động 1 lực lượng hùng hậu có chiến xa dẫn đầu để tiến công. Chiến xa CS dẫn đầu đã chọc thủng phòng tuyến Tây Bắc của lực lượng trú phòng. Theo sau là 2 trung đoàn bộ chiến CSBV. Vì sợ hỏa tiễn chống chiến xa, nên đoàn xe tăng của CS phóng quá nhanh, quân bộ chiến theo không kịp. Chiến xa tách rời bộ binh, liền lập tức bị quân trú phòng dùng hỏa tiễn M72, XM202 và cả B40 (tịch thu của CS) hạ luôn 1 hơi 8 chiếc. Những chiếc còn lại hoảng sợ bỏ chạy. Tuy nhiên, quân bộ chiến của chúng tràn đến kịp dùng chiến thuật biển người (human wave tactic) áp đảo quân trú phòng.

Dường như tiên đoán được cuộc tấn công qui mô quyết định này, Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lịnh Quân khu 3 đã xin từ trước hỏa lực yểm trợ của B52 dội vào khu vực phía Bắc. Mãi đến 10 tiếng đồng hồ sau, nghĩa là đúng lúc 2 trung doàn CSBV từ mạn Tây Bắc tràn vào thành phố, liền bị hàng loạt bom B52 thả trúng, cách bìa thành phố chỉ 1 km. Riêng trong ngày này, Bộ tư lịnh Hoa Kỳ tại VN đã dành cho chiến trường An Lộc 20 phi vụ B52 với 2000 tấn bom đủ loạị Theo sự ước tính tại chỗ, có ít nhất 1 trung đoàn địch bị tiêu diệt. Cuộc tấn công lập tức bị chặn lại.

VietSu
Quân lực VNCH đang chống giặc giữ nước

Một cánh quân thứ tư ước độ 1 trung đoàn CSBV, có 10 chiến xa dẫn đầu đánh thốc từ dưới lên trên, theo ngã Tây Nam vào lúc 6 giờ 30 sáng. Lực lượng trú phòng giữ mặt này chống trả mãnh liệt nên mũi dùi chính không thể tiến thêm được. Tuy nhiên, ở cả 2 mặt Bắc lẫn Nam, 1 số đơn vị CSBV đã xâm nhập được vào thành phố và chia thành nhiều tổ chiến đấu nhỏ, gây hỗn loạn trong thành phố.

Suốt ngày 12/5/72, quân trú phòng cố sức đánh cận chiến để trục các toán CSBV ra ngoài. Mãi cho đến tối, chiến trường mới tạm lắng dịu tiếng súng giao tranh, nhưng pháo binh CS lại nã liên hồi bất tận vào bên trong An Lộc. Sau 4 giờ để pháo binh tác xạ, đồng thời xếp đặt lại đội ngũ, CSBV lại lợi dụng thời tiết xấu với những cơn mưa như trút tấn công vào, từ 3 mặt Đông Bắc, Tây và Nam. Như vậy, Cộng quân đã liên tục tấn công vào 6 mặt chung quanh An Lộc trong 3 ngày liên tiếp.

Mặc dù phải liên tiếp chiến đấu trong 3 ngày ròng rã, trong sự thiếu thốn cả lương thực lẫn đạn dược, nhưng với sự yểm trợ của Không quân VNCH lẫn Hoa Kỳ với B52 lẫn các phi cơ khu trục, trực thăng võ trang, phản lực...quân trú phòng vẫn cầm cự được, và lần hồi bẻ gãy các mũi dùi tấn công, đánh bật quân CSBV ra ngoài rìa thành phố.

Trong 3 ngày giao tranh, có đến 600 binh sĩ của đôi bên chết ngổn ngang trên đường phố, chưa kể số tổn thất của CSBV vì B52. Mùi tử khí bắt đầu xông lên nồng nặc vì không ai có thời giơ kịp chôn cất. Có chăng là các binh sĩ đồn trú để dành thì giờ nghỉ ngơi chôn cất các bạn đồng đội, đánh dấu để sau này thân nhân có thể tìm ra.

Đáng kể nhất là các chiến sĩ Biệt Cách Dù. Họ đã quen sống trong lòng địch, đơn độc nhiều ngày, nên An Lộc đối với họ cũng khá dễ chịu. Bởi thế, họ vẫn bình thản tạo dựng được 1 nghĩa địa khá tươm tất để chôn cất các bạn đồng đội không may ngả gục trên chiến trường. Nghĩa địa Biệt Cách Dù nằm sát ngôi chợ Bình Long và được ghi dấu 2 câu thơ mộc mạc trên 1 tấm bia mộ chung sau đây:

An Lộc địa, sử ghi chiến tích.
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.

Quân trú phòng tuy phải bị 1 phen xấc bấc xang bang, nhưng sau trận này, sau khi chịu đựng nổi cuộc tấn công quyết định mà CSBV dồn toàn lực vào quyết dứt điểm An Lộc, họ đã thoát được những giờ phút nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, mối đe dọa vẫn còn, vẫn thường trực chờ ở bên mình. Bên nào cũng ngất ngư.

Gần 40 ngày đã trôi qua. Lực lượng tấn công dù có chuẩn bị kỹ càng đến đâu, cũng khó lòng tích trữ 1 số lương thực và đạn dược cho 1 trận chiến quá lâu dài với 1 cường độ khốc liệt như vậỵ Bom đạn hàng ngày tàn phá các vị trí tiếp liệu, đánh phá các đường tiếp tế. Vũ khí, đạn dược mỗi ngày một hao mòn. Trên 50 chiến xa bị bắn cháy. Binh sĩ lớp chết, lớp bị thương phải lo di tản... Bao nhiêu sự khó khăn dồn dập trong lúc hậu phương lại quá xa.

Mỗi ngày qua đi là gánh nặng càng thêm chồng chất.

Hàng này, quân CSBV phải chia nhau đi lượm dù tiếp tế do phi cơ thả lạc ra ngoài. Quân trú phòng VNCH cũng chẳng hơn gì. Hàng trăm thương binh không được di tản từ 40 ngày qua. Họ nằm dài chung quanh các phi trường để mỏi mòn chờ đợi trực thăng. Nhưng sân bay nào cũng là mục tiêu chọn sẵn của pháo binh địch. Vừa thấy bóng trực thăng thấp thoáng ở đâu là pháo binh CS câu ngay đến đó.


Một cảnh di tản người bị thương trong thời chiến

Tuy vậy, thỉnh thoảng 1 vài phi công trẻ tuổi gan lỳ cũng đáp xuống được, di chuyển được 1 số binh sĩ. Biết bao thảm cảnh xảy ra bên này cũng như bên kia, ai còn tinh thần chiến đấu, bên đó sẽ thắng. Bao nhiêu ngày không được tắm rửa ? Nước không có đủ để uống lấy gì mà tắm giặt ? Lò mò ra suối tìm nước là 1 việc mạo hiểm vì không biết "nó" pháo lúc nào.

Cơm sấy chỉ đủ ăn cầm hơi. Dù tiếp tế 10 cái, rơi ra ngoài hết 8. Suốt mấy tháng trời ăn ngủ dưới hầm, giấc ngủ chập chờn, ám ảnh. Xác chết ngổn ngang, thương binh nằm oằn oại trước mắt. Nếu không phải là sống trong 1 tập thể chặt chẽ, nếu không tin vào 1 cái gì đó tốt đẹp hơn, chắc chắn khó có ai chịu đựng nổi mấy tháng trời liên tục như thế.

Càng nóng lòng tiến đến An Lộc, đoàn quân giải tỏa càng bị thiệt hại nặng. Tướng Tư lịnh mặt trận Nguyễn Văn Minh đành thay đổi chiến thuật : Đặt trọng tâm vào việc càn quét những đơn vị chung quanh An Lộc và dọc theo quốc lộ 13 trước đã, để dọn đường cho Bộ Binh tiến vào An Lộc.

Toàn bộ sư đoàn 21 BB và các lực lượng tăng phái gồm trung đoàn 9, Biệt Đông Quân biên phòng, Thiết Giáp, Nhảy Dù quyết thu ngắn khoảng cách.

Pháo đài bay B52, phản lực cơ, khu trục oanh tạc cơ dữ dội dọn đường. Quân giải tỏa ào ạt tiến lên, vượt suối Tàu Ô, qua Tân Khai, Xa Cát, Xa Trạch.

Đến trưa 16/5/72, đoàn quân này chỉ còn cách An Lộc có 3 km thì bị khựng lại.

Các đơn vị của VNCH thi đua nhau tiến vào An Lộc. Tuy nhiên, CSBV ẩn nấp trong đồn điền cao su Xa Cam, cửa ngỏ tử thần đi vào An Lộc, với 1 địa thế vô cùng hiểm trở, sẵn sàng chặn đứng mọi cuộc tiến quân xuyên qua yết hầu này.

Ngày 19/5/72 là ngày mà CSBV thường năm vẫn gây đỗ máu khắp nơi tại miền Nam để mừng sinh nhật HCM. Theo tin tức của 1 tù binh cao cấp CSBV bị bắt tại An Lộc thì Bộ Tham mưu Cao cấp CSBV sẽ cử hành lễ này trước đó 3 ngày, để rồi cố gắng đánh 1 trận nữa vào An Lộc, may ra có thể khích động tinh thần cán binh lần chót quyết chiếm thị trấn này vào ngày 19/5/72, gọi là để mừng sinh nhật "Bác Hồ" dù ông ta đã chết.

Nhưng kế hoạch này đã bị bại lộ. 1 toán Biệt Kích được tung vào vùng tình nghi, 16 km Tây Nam Bình Long. Nhận đúng tọa độ, toán Biệt Kích gọi về BCH hành quân. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, 6 phi vụ B52 liên tiếp dội bom xuống vùng này. Nguồn tin này cho hay, 80% nhân mạng chung quanh Bộ Tham mưu này của CSBV đã bị chôn vùi trong hố bom. Nhờ cuộc không tập này, quân CSBV đã không thể mở nổi trận đánh vào ngày 19/5/72 như chúng đã dự định.

Tuy nhiên, đến ngày 23/5/72, từ rạng sớm cho đến xé chiều, Cộng quân lại mở liên tiếp 4 đợt tấn công bằng chiến xa vào các đơn vị VNCH tại khu vực Nam và Tây Nam An Lộc, cách thị trấn này từ 1-5 km, nhưng đều bị đẩy lui. Kết thúc trận đánh này, có thêm 13 chiến xa CSBV bị hạ gồm 5 chiếc T54 và 8 PT76.

Lực lượng giải tỏa vẫn chập chờn tại đồn điền Xa Cam. Quốc lộ 13 vẫn bị quấy rối bằng pháo, và các ổ phục kích. 2 trung đoàn BB VNCH vẫn tiếp tục lục soát, tảo thanh chung quanh vòng đai phía Nam An Lộc.

Qua máy truyền tinh, các lực lượng tử thủ An Lộc biết được quân tiếp viện còn cách họ không xa. Cũng qua máy điện thoại siêu tầng số, Tướng Lê Văn Hưng cho các phóng viên biết rằng, tinh thần binh sĩ của ông vẫn cao, vẫn sẵn sàng đánh nữa, và đã có thể ra khỏi hầm để tắm suối, sau 50 ngày "tắm khô" vì mức độ pháo kích của CSBV đã giảm. Họ cũng đã quá quen với nhịp độ 1,000 trái pháo mỗi ngày.

Không quân chiến thuật yểm trợ quân VNCH tại vùng Nam An Lộc, trong lúc không quân chiến lược (B52) liên tiếp không tập vùng Bắc thị trấn, phá vỡ các kho vũ khí, đạn dược vừa được CSBV chuyển tới.

Một tài liệu tối mật bắt được ngoài mặt trận cho thấy, Trung ương cục R (Trung ương cục Miền Nam) của CS khẩn báo về Trung ương Đảng bộ CS ngoài Bắc về sự thiệt hại nặng nề của các đơn vị CS tham chiến tại An Lộc.

Bản báo cáo này nêu rõ trường hợp điển hình là Trung đoàn 209, sau 1 thời gian trấn giữ Bàu Bàng và Tàu Ô đã tan nát. Mỗi đại đội còn không đầy 30 lính, mỗi tiểu đoàn chỉ còn độ 90 so với quân số lúc đầu là 350 ngườị Cục R cũng than phiền khả năng chiến đấu của sư đoàn Bình Long quá yếu kém, vì phân nửa sư đoàn này là lính Khmer Đỏ, tỏ ra hoảng hốt mỗi khi nghe tiếng phi cơ dội bom.

Theo sự tiết lộ của các giới chức quân sự Quân khu 3 của VNCH, Trung ương Đảng CSBV đã chỉ thị các đơn vị CS tham chiến tại Bình Long phải cố gắng kéo dài trận chiến thêm 3 tháng nữa để phù hợp với tình hình và đem lại lợi thế cho họ trong 1 giải pháp chính trị trong tương lai.

Trong tình thế này, quân lực VNCH tại mặt trận An Lộc dần dần chuyển thủ ra công, chuyển từ thế hạ phong sang thượng phong, để rồi giải tỏa được vòng vây lửa của 4 sư đoàn CSBV.

Tướng Nguyễn Văn Minh, khi tiếp xúc với báo chí tại Lai Khê ngày 31/5/72 đã mô tả trận chiến này là trận đánh khó khăn nhất và dài nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Ông thừa nhận, CSBV đã đạt được 1 lợi thế ngay từ đầu với quân số đông gấp 4 lần, và quân VNCH đã phải chấp nhận khá nhiều tổn thất. Tuy hiên, sau 54 ngày giao tranh, Cộng quân đã thiệt hại ít nhất là 30,000 quân trong tổng số 4 sư đoàn của chúng. Mưu đồ của CSBV mong tiến đánh thủ đô Saigon đã hoàn toàn bị chặn đứng tại An Lộc. Điều ước muốn nhất của ông là sớm thoát cảnh tù túng, không khác 1 địa ngục trần gian.

Cũng vào ngày cuối tháng 5/72, TT Nguyễn Văn Thiệu đã bay thị sát 2 mặt trận Kontum và Thừa Thiên -- 2 mặt trận đều đang đắm chìm trong lửa đạn, đồng thời phát động chiến dịch 18 ngày thi đua giết giặc mừng ngày quân lực 19/6. Chiến dịch đã thu đạt được kết quả mỹ mãn : giải tỏa Kontum, khắc phục quốc lộ 13, mở đường tiếp viện cho An Lộc, 1 tuần sau đó.

Trong những ngày đầu tháng 6/72, đoàn quân có nhiệm vụ giải tỏa quốc lộ 13 tích cực hoạt động. Hai trung đoàn 33/21 và 15/9 cùng tiểu đoàn Dù cùng song song tiến lên, khởi từ Xa Trạch. Tiểu đoàn 6 Dù bị tan nát từ ngày 21/4/72 tại vùng Đồi Gió, đã được tái bổ sung. Chỉ trong vòng 1 thang trời, với nỗ lực huấn luyện ngay tại chỗ của các sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn, đơn vị này đã trở lại chiến trường quyết trả mối hận Đồi Gió. Với sự hỗ trợ của 2 trung đoàn bạn, tiểu doàn 6 Dù lướt đi như gió, càn quét các đơn vị CSBV cản đường như 1 con hổ dữ, không hổ danh là những thiên thần mũ đỏ.

Chiều tối ngày 8/6/72, đại dội 62 của tiểu đoàn 6 Dù bắt tay được với 1 đại đội của tiểu đoàn 8 Dù trấn giữ vùng Nam An Lộc từ ngày 17/4/72. Hai tiểu đoàn này cùng được đổ xuống ấp Srok Ton Cui ngày 15/4, nhưng lạc nhau kể từ đó. Đến nay lại gặp nhau trên cửa ngõ An Lộc. Làm sao kể xiết nỗi vui mừng của cả 2 bên. 2 đoàn quân đến ôm chầm lấy nhau, siết chặt tay nhau, mừng mừng, tủi tủi. Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu, Tư lịnh sư đoàn 21 BB, chỉ huy lực lượng giải tỏa quốc lộ 13, thở phào nhẹ nhõm. Nhiệm vụ của ông vừa được hoàn tất.

Tướng Hồ Trung Hậu cho hay, tiểu đoàn 6 Dù đã làm ngạc nhiên tất cả các đơn vị bạn trong những trận đánh cuối cùng trước khi bắt tay quân phòng thủ An Lộc. Trung đoàn 15/9 và 33/21, những đơn vị kềm chặt Cộng quân để tiểu đoàn Dù tiến lên, cũng cử những đơn vị đại diện đến bắt tay với lực lượng bên trong.

Sở dĩ cuộc bắt tay này được coi là những diễn biến quan trọng, bởi nếu thực hiện được, vòng đai bảo vệ thị trấn An Lộc mới được mở rộng, trực thăng mới có thể đáp an toàn để tải thương, đồng thời tiếp viện và tiếp tế cho chiến trường. Hàng chục ngàn binh sĩ được đổ vào An Lộc với đầy đủ lương thực, để thay thế bớt cho những binh sĩ đã kiệt sức, hoặc quá mệt mỏi. Tuy nhiên, phần lớn lực lượng của sư đoàn 21 BB vẫn ở ngoài thị trấn, vì Tướng Hậu không muốn quân của ông biến thành mục tiêu bất động cho pháo binh địch.

Vấn đề được đặt ra sau cuộc giao tiếp đối với cánh quân giải tỏa quốc lộ 13 là dồn mọi nỗ lực để tiêu diệt địch chung quanh An Lộc, nhất là những ổ phòng không và đại pháo của CSBV.

Ngày 9/6/72, lần đầu tiên kể từ 2 tháng qua, 1 đoàn trực thăng 23 chiếc hạ cánh an toàn xuống An Lộc, vừa tiếp tế, vừa đổ quân, để rồi bốc thương binh ra. Quân trú phòng phấn khởi, tiến lên chiếm lại những vị trí của Cộng quân cố thủ tại phía Bắc An Lộc. Những tổ kháng cự bên trong thị trấn cũng lần lượt bị tiêu diệt. Cuộc di tản thương binh và thường dân vẫn được tiếp diễn đều đặn.


Quân lực VNCH đang đổ quân chống giặc giữ nước

Ngày Chủ nhật 11/6/72, TT Thiệu đã gởi cho Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH, yêu cầu chuyển lời khen ngợi nồng nhiệt của ông đến Trung tướng Tư lịnh Quân khu III, Chuẩn tướng Tư lịnh sư doàn 5 BB, Chuẩn tướng Tư lịnh sư đoàn 21 BB, tất cả các đơn vị trưởng cùng toàn thể các chiến sĩ thuộc mọi quân binh chủng đã anh dũng chiến đấu bảo vệ thị xã An Lộc và khai thông quốc lộ 13.

Trong lúc đó thì liên đoàn Biệt Cách Dù và liên đoàn 3 Biệt Động Quân cùng song song tiến lên mặt Bắc An Lộc.

Tiểu đoàn 36 Biệt Động Quân đã cắm ngọn cờ vàng 3 sọc đỏ đầu tiên tại trại gia binh pháo binh ngày 12/6/72. Kế đó, tiểu đoàn 52 Biệt Động Quân đánh lên mặt Tây Bắc, sát sân bay và cạnh đồi Đồng Long. Tiểu đoàn này đã chế ngự 1 cao điểm sát đồi Đồng Long để yểm trợ cho Biệt Cách Dù tấn công lấy luôn đồi Đồng Long, cắm cờ trên ngọn đồi nàỵ Ngọ đồi này cao 128 m, và là nơi CSBV đặt pháo binh bắn vào An Lộc từ mấy tháng qua.

Sau cái bắt tay giữa 2 tiểu đoàn Dù ngày 8/6 lực lượng trú phòng được tiê^'p tế thật đầy đủ dò dẫm tiến lên mạn Bắc quốc lộ 13 và nới rộng thêm vòng đai phòng thủ.

Ngày 12/6/72 khi cờ VN phất phới bay trên đỉnh đồi Đồng Long, Tướng Lê Văn Hưng tuyên bố với phái viên VTVN: "Thành phố An Lộc được hoàn toàn giải toả".

Bên Lề Cuộc Chiến:

Mưa Pha'o: Để duy trì áp lực trên thành phố An Lộc, hoặc ngay cả trước khi mở cuộc "hậu xung", CSBV đã dành cho thành phố bé nhỏ này những trận pháo kinh thiên động địa mà các giới quan sát chiến trường lúc bấy giờ nhận xét là họ chưa từng thấy cuộc pháo kích nào như thế cả trong lịch sử chiến cuộc thế giới. Nghĩa là không còn danh từ nào tượng hình hơn danh từ "Mưa Pháo" mà người dân tại An Lộc cũng như chiến sĩ ở đây đã gọi như thế. 1 sĩ quan cao cấp, Đại tá Mạch Văn Trường, đã ví những trận pháo kích của CSBV như 1 chiêu thức võ hiệp "Mãn thiên hoa vũ" (mưa hoa bay đầy trời).

Diện tích thị trấn An Lộc chỉ chừng vài km2, thế mà trong 2 tháng trời đã lãnh đủ mọi thứ đạn của CSBV, có lúc đến gần 8,000 đủ mọi thứ đạn trong 1 ngày, như ngày 11/5/72. Tính chung, hơn 2 tháng trời bị pháo liên tục thì trung bình thành phố An Lộc đã chịu đựng hơn 200,000 quả đạn đủ loại.

Ít người được dịp chứng kiến tận mắt thành phố An Lộc hoang tàn sau những cơn mưa pháo bất tận, nhưng ai ai cũng có thể hình dung những đổ nát của thị trấn nhỏ bé này với 1 chút tưởng tượng rằng cứ chừng 20 m2 thì bị tàn phá bởi 1 quả đạn pháo kích của CSBV.

Với "mật độ" này, không có 1 vật gì ở thị trấn An Lộc không ghi nhận dấu vết tàn phá của đạn pháo kích. Từ cột điện, cây cối cho đến chiếc lon sữa bò vứt ngoài đường phố cũng ít nhất bị trúng miểng pháo, đừng nói gì đến nhà cửa...

An Lộc còn có những chuyện bi thảm mà thế giới văn minh không ai có thể tin là sự thật. Dưới trận mưa pháo kinh hoàng của đoàn quân xâm lược, thật ít người được chết chỉ 1 lần. Vắng tiếng pháo, người sống vội vã lo cho người chết, đào tạm cái hố, gom vội thi hài để người chết được 1 nơi yên giấc và cũng để tránh cảnh xác người sình thối trước mắt người sống. Thế nhưng giấc ngủ của kẻ chết cũng không yên dưới tay giặc Cộng. Mộ mới "đắp" được vài phút, đạn pháo kích của Cộng quân lại rơi vàọ Xác người chết vốn không còn nguyên vẹn lại bị giết 1 lần nữa bởi sự vô lý của mộng xâm lăng hầu chụp lên đầu dân miền Nam chủ thuyết CS.


Một cảnh Huynh đệ chi binh, dìu bạn bị thương.

Người dân còn kẹt lại An Lộc, người lính quyết tâm tử thủ bảo vệ thành phố này, đã cố gắng chịu đựng đến tột cùng của sự cố gắng trước cái kinh hoàng của "mưa pháo" để thành phố không thất thủ. Những tiếng nổ khủng khiếp liên hồi hàng chục ngày rồi cũng trở thành những âm thanh dịu vợi vì quá quen thuộc. Cái kinh hoàng bây giờ không còn phải ở 2 tai mà ở đôi mắt khi nhìn thấy những người đi thu lượm chấp nối đầu, rồi tay, rồi chân hay thân mình của thân nhân hay bạn hữu cho đầy đủ trước khi vùi sâu dưới lòng đất lạnh.

Ngày 15/4/72, hơn 10,000 dân An Lộc chạy vô khu nhà thờ và nhà thương An Lộc. hy vọng Cộng quân không tấn công 2 địa điểm này, bởi nếu còn 1 chút lòng người không 1 cấp chỉ huy quân sự nào có thể ra lịnh bắn vào nhà thương và nhà thờ. Chính vì 2 chữ "thương" và "thờ" với sự tượng hình đặc thù của nó, tự đã nói lên tất cả ý nghĩa của sự việc dân chúng tìm 2 nơi này lánh nạn. Tuy nhiên, CSBV vẫn tập trung hỏa lực để pháo kích vào 2 nơi này.

Gần 2 tháng sau, khi kể lại vụ nhà thờ ngày 15/4/72 cho chúng tôi, 1 người lính tử thủ tại An Lộc vẫn còn kinh hoàng và lòng kinh tởm cho dã tâm của CSBV. Anh nói: "Cả chục ngàn người đang ở khu vực nhà thờ, họ cùng các vị lãnh đạo tinh thần chỉ còn biết cầu xin đấng duy linh tối thượng, thương xót cho 1 đám dân lạc loài qua khỏi cảnh đao binh. Không ai có thể hình dung được cảnh hỗn loạn, thảm khốc khi hơn 10,000 người đạp lên nhau chạy thoát khỏi khu nhà thờ. Số thương vong không biết sao kể siết."

Một thành phố nhỏ như An Lộc dễ dàng trở thành mục tiêu tốt cho bất cứ pháo thủ nào chỉnh súng để pháo vào đó, bởi vậy An Lộc đã chẳng còn gì sau hơn 60 ngày bị pháo kích. Điều may mắn còn lại cho những người tử thủ là đạn rơi trúng hầm thì mới chết chứ cách hầm vài thước thì ăn thua gì. Loại đầu đạn phá hầm ghê sợ nhất là loại nổ chậm "Delay"; đầu đạn này không phát nổ khi chạm đất mà còn xuyên thủng khoảng 10 m rồi mới nổ. Với loại đạn này sự tàn phá vô cùng khủng khiếp. Rất may là CSBV không có nhiều loại đạn này.

Kể cả căn hầm của Tướng Hưng, ở An Lộc hầu như không có 1 công sự nào chịu nổi 1 phát 103 ly hay hỏa tiển 122, có điều Thượng đế "còn ngó lại" nên phần trên căn nhà của Tướng Hưng chỉ bị mấy trái cối 82. Đạn cối 82 không xuyên phá, khi nổ văng nhiều mảnh nhưng chỉ có thể làm sập mái nhà mà thôi. 1 vài trái hỏa tiển 122, 107 và cả đạn "Delay" đã rơi chung quanh Bộ chỉ huy của Tướng Hưng, rất may mắn không có trái nào trúng hầm và chỉ làm hư hại phần ngoài của khu vực mà thôi. Đã nói tới pháo kích tức nhiên phải nghĩ tới những tàn phá và thảm cảnh, những điều này mới chính là biểu trưng vĩ đại nhất cho sự chịu đựng và tinh thần kiên quyết của đoàn người tử thủ cho dù đó là quân nhân hay những thường dân hoàn toàn không có vũ trang.

Với khoảng 200,000 trái đạn trong hơn 2 tháng, Cộng quân đã làm cho An Lộc sụp đổ toàn diện. 4,000 binh sĩ và thường dân tử thương bên trong thị trấn. Nhưng tại sao thành phố nhỏ xíu này vẫn đứng vững và trở thành biểu tượng cho tinh thần chiến đấu của người dân miền Nam không thích chế độ CS ? Đó không phải là 1 biểu tượng cho 1 dân tộc không muốn sống dưới chế độ CS hay sao ?

Một sĩ quan tử thủ Bình Long đã ghi lại trong nhật ký:

"Sự sụp đổ của một thành phố không có nghĩa là mang theo sự sụp đổ tinh thần chiến đấu của những người đang còn muốn tiếp tục bảo vệ nó và bảo vệ chính bản thân mình."

(Trích trong "Mùa Hè Đỏ Lửa", bút ký chiến trường của Phan Nhật Nam)

Chị Nguyễn Thị Hàng, giáo viên ở Nghệ An viết gửi anh Lê Văn Hưu địa chỉ là 27100 3TB04 Trung đoàn 203 Thiết giáp CSBV:

"Anh Hưu thương,

"Thế nào, 2 chủ nhật trôi qua có nhơ lắm không ? Có thể nói từ khi anh và em cùng nhau bắt tay xây dựng vợ chồng thì 2 chủ nhật này là 2 chủ nhật khó khăn và nặng nề vượt qua lắm anh hè. Em biết lắm rồi, trong những giờ phút đó anh muốn thét lên lên thật to để làm sao em nghe những lời nói của anh, rồi cùng anh nói chuyện, rồi em cũng biết lắm những bước chân đi trong những giờ phút đó, nó như 1 con người không tri giác mà những bước đi đó không hề biết đến, không hề nhớ đến, đầu óc sẽ triền miên suy nghĩ, những cái gì gọi là kỷ niệm ở đời sẽ hiện ra và bắt đầu như diễn kịch trước mắt. Thật đúng tâm trạng của anh lúc đó em sẽ đoán được, vì sao em lại biết tài như thế ? Vì em đã nằm giữa trái tim anh, dòng máu của anh đã cùng chảy theo nhịp thở của em, cho nên dù sao, dù ở phương trời nào em đều đoán được.

"Thế nào rồi đó, chân sưng to không, bằng cái "cột đình" chưa ? Vai đã lột những lớp da bên ngoài gọi là "không đáng kể" để đổi lấy lớp thịt "hồng hà" chưa ? Có đau lắm không anh ? Có hỏi họ để tìm lám, dầu ngoại khoa mà bóp chưn, nhức lắm anh hè. Anh Hưu ơi, em biết đi đường vất vả lắm rồi đó, ăn uống khô khan như vậy có mua gì cải thiện đến không ? Trên đường đi có xảy ra đau ốm gì không ? Nghĩ đến đó em tê buốt cả người càng thêm nhớ nhung suy nghĩ, có sinh ra cái mụt nào để làm thêm đau đớn bản thân không. Vì mùa này là mùa mụt của "đồng chí" đấy phải không Thủ trưởng. 2 chữ Thủ trưởng nói cho vui vậy thôi, chứ không phải em mơ ước như vậy đâu nhé. Thật ra tâm trạng của em chỉ mơ ước rằng sao cho 3 năm nghĩa vụ xong anh được an toàn cùng về với em, em muốn nhắm măt làm sao thời gian sẽ trôi nhanh đi và nhanh đi nữa để anh và em được về sống trong 1 ngôi nhà nhỏ hẹp để cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau hưởng những hạnh phúc đẹp đẽ. Những hạnh phúc đẹp đẽ, những cái đó em nuôi 1 mơ ước, 1 mộng đẹp, chứa đựng nó trong 1 khối óc, trái tim đầy tình chung thủy của tình nghĩa vợ chồng đã nhen nhúm từ lúc đầụ Anh ơi, xa anh đi, em nhớ lắm, em thương anh lắm, anh nói, anh cười, anh trìu mến thương, anh em làm sao quên được. Có ai hiểu thấu tâm trạng của em trong những lúc nhìn vật của anh, từ nét chữ của anh viết cho em, rồi đến cái nhìn nữạ.. Chao ơi, em muốn bấu lấy mà nhìn, nhìn mãi, nhìn vui nào cho chán được. Anh Hựu ạ, nói mãi, cũng không hết nhớ nhung của em lúc này đối với anh, thôi em nói chuyện khác anh nhé..."

Trên đây là 2 trang đầu tiên của chị Nguyễn Thị Hàng, giáo viên ở Nghệ An viết gửi anh Lê Văn Hưu địa chỉ là 27100 3TB04 Trung đoàn 203 Thiết giáp, không biết rõ anh ở đơn vị nào. Thư viết 4 trang được ghi lại 2 trang đầu không sửa 1 nét, không thêm 1 dấu. Lê Văn Hưu đã chết ngay trận đầu tiên sau 6 tháng vượt Trường Sơn vào Nam. Cái chết của Hưu không phải lỗi của chúng tôi vì chúng tôi phải tự vệ để sống còn, cũng không phải của anh Hưu. Hưu cũng muốn ở lại bên chị Hàng để "cười rúc rích với nhau", để được ăn ngô, "vườn ngô trước nhà đã được mùa".. Tội ác này là của chúng nó, lũ đồ tể tay không dính máu, tâm hồn chúng cứng ngắt bởi tin vào chủ thuyết thật tàn độc. Đó là lỗi của lũ ngạ quỷ trầm luân mang danh người và chiêu bà i cách mạng giải phóng. Chính chúng nó, thứ thiên tài chết ngập đầy oan khiên, đem chết chóc cho thế nhân...

TD 6 Dù - Đồi Gió Đổi Tên

21:00g của ngày 19 được đánh dấu bởi quyết định của "Lê Lợi" : Tiểu đoàn 6 không còn nhiệm vụ giữ pháo nữa, chỉ còn nhiệm vụ giữ cao địa. Tiểu đoàn trưởng toàn quyền quyết định. Pháo còn nữa đâu để giữ, chưa đầy 48 giờ đã mất 6 khẩu pháp với ngàn quả đạn, bây giờ ở đây làm gì ? Dọt, Đỉnh dẫn 62 xuống đôi hướng về phía ấp Srok, nơi đang có 61 lập vị trí, để lại đồi 2 đại đội 63 và 64 cho Tiểu đoàn phó Phạm Kim Bằng trấn giữ.

Vinh còn ào xuống như núi lở, Cộng quân bung ra khép lạị Vinh tiếp tục lấn...chân đồi Gió và ấp Srok lại kẹt thêm cái suối Rộ Vinh cựa quậy khó khăn dưới đám lau -- sậy ruộng sũng nước.

- Nó bâu tôi như đỉa, dứt không nổi anh Năm. Vinh hét với Đỉnh trong máy... Tối quá chỉ có sờ ngực áo mà đánh lưỡi lê thôi...quên sờ nón sắt mà nhận bạn.

Nhưng dù Cộng quân cố chận bằng mấy lớp hàng rào người, 11 giờ đêm Vinh cũng rờ được cái ấp...nơi đại đội 61 đang trông chờ từ lúc trời chập tối. 400 m từ chân đồi đến người lính gác của đại đội 61, thành phần của tiểu đoàn 6 đi mất 3 giờ, 3 giờ thêm 1 số thương binh vì lưỡi lê và mảnh lựu đạn của 400 m cận chiến!

Bây giờ là 0 giờ của ngày 19 bước qua 20, Cộng quân không phải chỉ 1 thành phần, 1 cánh quân, nhưng là 1 lũ người, 1 lớp sóng người chen vai thích cánh, lố nhố đầy chân Đồi Gió, chân đồi phía Tây lẫn chân đồi phía Đông... Cộng quân tràn ngập đường 245 như trẩy hội, Cộng quân bao quanh ấp Srok Ton Cui như đám người đói vây quanh vị trí phát chẩn.

Không phải là 1 cuộc điều quân để chuẩn bị tác chiến, nhưng là 1 chợ người, lộn xộn ồn ào, la hét tìm đơn vị, chuyển lệnh.

- Ngày hôm nay máy bay "ngụy" nhiều quá !

- Sao mày không bắn !

- Tao chỉ có AK.

- AK thì AK bắn cho "ngụy" sợ.

Ở trong này, Đỉnh thì thầm liên lạc với các đại đội trưởng 61, 62 và 60: các toa dặn lính đừng bắn, tụi nó đi đâu cho tụi nó đi, chỉ bắn khi nào nó tấn công mình thôi. "- Chúng tôi nhận hiểu." Cả 3 đại đội trưởng đều thở dài, lấy gì bắn nữa !! Nhưng dù vô trật tự tới đâu, Cộng quân cũng tập họp lại được hàng ngũ. 3 giờ sáng tiếng kèn thúc quân vang lên lồng lộng... Xong rồi tụi nó dứt mình.

Tiếng kèn thúc quân xoáy trong dêm, vang dọc theo đường 245. Bỏ mẹ, nó bố quân cả 3 km đường dài. Đỉnh run tay khi nghe hiệu lịnh từ đầu đến cuối hàng quân, đồng thời từ phía Bắc đầu đường 245 có tiếng động cơ máy nổ, ánh sáng đèn pha quét ngang dọc bóng đêm, tăng T54. Cộng quân "dứt điểm" Tiểu đoàn 6 Dù không nương tay. 3 giờ đúng, Đồi Gió bị tấn công trước, Tiểu đoàn phó Phạm Kim Bằng, mặt sắt đen sì, con người quá khổ, chậm rãi điềm tĩnh và hùng tráng như 1 hiệp sĩ thời cổ đứng ra khỏi hầm điều khiển 2 đại đội 63, 64 phản công. 63 của Hoàng và 64 của Tuấn, 2 đại đội đã thử lửa với CSBV từ ngày 17, 2 đại đội trưởng "tới" quá mức, dũng cảm như những thiên thần tung hoành trên đầu lũ quỷ say máu.

Tất cả đều ở tuyến chiến đấu, không còn khinh binh Tổ trưởng, Trung đội trưởng, Tiểu đoàn phó... Chỉ còn 1 hàng ngang theo giao thông hào, điểm phân biệt người chỉ huy là tay nói máy chuyển lệnh, tay ném lựu đạn. 2 đại đội chỉ trừ những người chết hoặc bị thương mê man, thương binh chỉ tạm băng sơ qua vết hương, đứng hoặc dựa lưng vào thành giao thông hào để chiến đấu. 4 giờ trong bóng tối ngã màu tím của ngày sắp đến. 4 chiếc T54 chia từ 2 hướng Đông và Đông Bắc bắt đầu lên đồi, lính tùng thiết CSBV chạy lố nhố theo sau để tính bề diệt gọn.

Trăng thượng tuần gần sáng dọi ánh sáng trắng lạnh xuống sường đồi vằng vặc, khối sắt đen lóng lánh tiến dần vào cùng động cơ vang ầm ỉ, ngọn đèn vẫn giữ nguyên độ sáng ở vị thế "pha", luồng sáng dọi thẳng lên đồi hỗn xược thách thức... 2 chiếc T54 đầu tiên bò lần lần từng thước đồi dựng đứng.

"- Để tao thanh toán nó." Tuấn đứng thẳng khỏi giao thông hào, kéo chiếc ống M72 cơ hữu (trên nguyên tắc chỉ khinh binh mới có M72). Rút hết các chốt an toàn... Tách ! Sợi giây an toàn cũng đã bị đứt, Tuấn đưa chiếc hỏa tiển lên vai nheo mắt...100 thước, còn xa, 80 thước, hơi xa, 50 thước, đủ!

Tuấn bị lóa bởi 2 ngọn đèn dọi thẳng mặt... Ầm ! Quả hỏa tiển đập thẳng vaò giữa 2 điểm sáng, hơi chếch cao 1 chút, trúng ngay pháo tháp...

VietSu
Xe tăng Việt cộng bị bắn cháy trong một thành phố miền Nam.

Chiếc thứ hai tăng tốc độ hú tiếng lớn nhấc 1 cái lên tuyến phòng thủ, hạ sĩ Nhu, tiểu đội trưởng can trường không kém đại dội trưởng, nhảy vội lên pháo tháp, quả lựu đạn phát nổ sau khi Nhu vừa kịp nhảy xuống. 2 chiếc T54 của phía Đông thì do chính Hoàng và 1 binh sĩ khác hạ... Cộng quân dạt lui xuống chân đồi để đại pháo rưới thêm 1 lớp, lớp thứ 6 kể từ lúc khởi đầu trận đánh. Ngày tới với ánh sáng cùng cơn mưa pháo thứ 7, đỉnh đồi bây giờ tan hoang, điêu tàn và bốc khói, khói của đạn địch và khói của đạn ta cháy dở..."Hột lạc" dài 300 m ngang 70 m, hứng khoảng 2000 quả đạn trong 1 đêm với vị trí dã chiến, ngày chiếu ánh nắng rọi rõ cảnh vật tan nát...

Tiểu đoàn phó Bằng bị "tung" 1 mắt. Tuấn hứng 1 quả 75 ly, quả đạn nổ ngay trên thân thể người sĩ quan trẻ mới 23 tuổi -- số tuổi quá nhỏ đem so với chiến trường nặng độ. Đồi Gió kể từ đó mang tên mới: Đồi "Quốc Tuấn," danh hiệu truyền tin của Tuấn, Cao Quốc Tuấn.

Với 1 con mắt đẫm máu, Bằng nghiến răng, nhướng mắt còn lại giữ vững đồi cho đến lượt tấn công thứ 16. 12 giờ trưa ngày 20, Bằng kiệt lực xuôi tay bỏ rơi chiếc combiné, gọi Hoàng đến: "Thay moa đem 2 đại đội về 169 (Tây Nam Đồi Quốc Tuấn với 1 cái "yên ngựa" chập chùng trên 2 km đường rừng rậm). Nhớ đem hết thương binh, kẻ chết phải chôn lại...

An Lộc - chiến trườg thách đố của phóng viên

Sau đây, dưới hình thức ký sự của 1 phái viên VTVN đã đặt chân hơn 1 lần vào An Lộc trong những ngày còn lửa đạn, người đọc sẽ được dẫn dắt vào thành phố đổ nát An Lộc, sống vài giây phút với những người dân, người lính đã cố thủ An Lộc.

Công việc của 1 phóng viên là trung thực ghi nhận mọi sự kiện xảy ra trong đời sống thời sự. Trên 1 khía cạnh nào đó người phóng viên như 1 chứng nhân dự phần vào những diễn biến luôn luôn làm cho thế giới biến đổi không ngừng.

Với tư cách của 1 phái viên Vô Tuyến Việt Nam, tôi tới An Lộc ngày 13/6/72 khi thị trấn này bước vào ngay tử thủ thứ 68. Nhiệm vụ của tôi, tương tự như các phái viên VTVN ở các mặt trận khác, là tường trình qua hệ thống liên lạc siêu tần số, những sự thật đã và đang diễn ra tại các địa điểm mà chúng tôi có mặt.

Tôi đặc trách mặt trận Bình Long và chiến trường An Lộc, thực sự như 1 thách đố đối với cá nhân tôi cũng như nhiều người khác đã từng tìm cách vào An Lộc. Chuyến đi của tôi khởi sự vào trung tuần tháng 4/72 và tôi đã chỉ có thể hoàn tất 2 tháng sau đó, tức vào ngày 13/6/72. Trong 2 tháng trời ròng rã này, mỗi lần khởi hành đều kéo theo 1 thất bại cho riêng tôi và cả các anh em khác đi cùng. Có những người bị thương, có những kỷ niệm chua sót nhưng đau đơn hơn là cả cái chết của cố phóng viên điện ảnh, thiếu úy Nguyễn Ngọc Bình.

Một tuần lễ chờ đợi, lên trực thăng rồi lại xuống trực thăng, ăn chực nằm chờ dưới những cơn lốc cát nóng bỏng ở phi trường Lai Khê, Bình Dương, ngày 29/4/72, chúng tôi khởi sự cuộc hành trình phiêu lưu vào An Lộc, thời gian này An Lộc bước vào ngày tử thủ thứ 22, áp lực địch đang lúc mạnh và quân CSBV tạo được 1 lưới lửa phòng không suốt dọc phi trình vào thành phố anh hùng này.

Trong ngày này chúng tôi không tới được mục tiêu, trực thăng chở chúng tôi bị bắn như mưa cho khi tới đồn điền Xa Cam. Tại đây địch quân pháo kích hàng loạt vào bãi đáp, các phi công quyết định bay trở về. Trên cao độ hơn ngọn cây ở Xa Cam, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm thương bình đang chờ đợi được di tản về Lai Khê, có những người nằm trên băng ca, có những người chạy tán loạn dưới những tiếng nổ chát chúa cát bụi mịt mờ của đạn pháo kích. Họ chạy theo hướng trực thăng đến như muốn bấu víu vào những hy vọng cuối cùng của sự sống.

Chúng tôi cảm thông tình cảnh này vì chính mắt tôi trông thấy những thương binh ở Lai Khê, những người còn đi lại được; những vết thương đã có dòi và những ký sinh trùng ghê tởm này đã rớt vương vãi khi anh em từ trên trực thăng tản thương bước xuống.

Đợt trực thăng hôm đó, không có 1 thương binh nào về tới Lai Khê vì các phi công không thể hạ tàu giữa cơn mưa pháo kích của địch quân. Trên đường về, địch cũng bắn rát như khi chúng tôi tới, 1 trong các loạt đạn của địch đã khiến chiếc trực thăng chở chúng tôi không còn điều khiển được và phi công đã hạ khẩn cấp xuống 1 bãi trống chính giữa 1 khu rừng rậm ở phía Nam đồn điền Xa Cam. Trong những khoảnh khắc kinh hoàng, 1 trực thăng Gunship yểm trợ đã đáp xuống khu đất này để cứu sống tất cả chúng tôi gồm 4 nhân viên phì hành và 4 phóng viên chiến trường.

Ngày 1/5/72, trong 1 chuyến đi tương tự, điện ảnh viên Nguyễn Ngọc Bình đã giã từ ống kính khi trực thăng chở anh nổ tung vì đạn B40 của Cộng quân. Vào khoảng thời gian này, dày đặc trong các khu rừng cao su, Cộng quân trí các ổ đại bác phòng không bắn bằng radar, các hỏa tiển địa không phóng tay cũng như các ổ đại liên khạc đạn không ngừng. Bởi vậy, các phi công ta đã phải liều lĩnh bay sát trên đầu ngọn cây để vô hiệu hóa khả năng phòng không địch điều khiển bằng "mắt thần", tuy nhiên khi bay thấp, phi cơ ta phải chấp nhận đạn súng nhỏ và ngay cả đạn chống chiến xa B40 của địch, bắn từ những tên Cộng quân bị cột người trên các ngọn câỵ Sau đây là 1 lời tường thuật của 1 người đã có mặt tại vùng này:

"Theo tôi biết thì Phòng 3 và Phòng 5/Bộ Tư Lệnh QK3 trước 75 có những tấm hình này vì anh em trong Phòng 5/SĐ5/BB có chụp. Chẳng những lính xe tăng bị xiềng chân mà cả những tên đặc công bắn sẻ cũng bị xiềng chân trên các nhánh cây cao su vì, theo lời khai các tên đặc công -- đa số là người miền Nam -- đã bị QLVNCH bắt thì, nếu không bị xiềng chân, chẳng có bao nhiêu tên đặc công VC dám ăn dầm nằm dề trên những nhánh cây cao su để theo dõi và bắn sẻ theo lệnh của bọn cán bộ BV. Lính của Tiểu đoàn 33 thuộc Liên đoàn Dù của tôi đã bắn chết một tên đặc công VC trên cây cao su. Hắn chết treo tòn teng, phải bắt thang lên hạ xác hắn xuống. Tui được gọi ra Tiểu đoàn Dù 33 trên Đồi Gió chụp hình. Hồi đó, chụp xong rửa hình là giao cho Trưởn Phòng 5 (Chiến tranh Chánh trị) hết. Đâu có dè có ngày mình cần nó mà giữ lại vì... nhiều tấm hình mà tôi đã chụp được tại An Lộc nhìn qua rợn người".

(Xin xem Phần 3)

Trận An Lộc 1972: Phần 1    Phần 2    Phần 3

Trở Về Trang Gốc Lịch Sử Việt Nam    Trở Về Trang Gốc Vietlist.us


bottom