tittle


bottom

Trang Tôn Giáo của Vietlist.us dùng đăng tải những bài nghiên cứu, thuyết giảng về tôn giáo. Chúng tôi chấp nhận cả những bài phê phán tôn giáo với điều kiện bài viết phải có ngôn từ đứng đắn và có lý luận rõ ràng. Xin lưu ý là các bài viết không nhất thiết phản ảnh lập trường của nhóm Vietlist. Xin gởi bài viết cho chúng tôi tại vietlist09@yahoo.com.

--------o0o--------

ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICTÔ XVI THOÁI NHIỆM

Hoàng Duy Hùng

Sáng Thứ Hai 11/2/2013, trong Công Nghị Hồng Y, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tuyên bố thoái vị.  Đây là nguyên văn thoái vị của ngài bằng tiếng Latin, sau đó được chuyển dịch sang nhiều thứ tiếng:

========

Các Hiền Huynh thân mến,

Tôi đã triệu tập các Hiền Huynh đến Công Nghị này, không chỉ để bàn về ba án phong Thánh nhưng còn là để trao đổi với các Hiền Huynh một quyết định rất quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội. Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng. Tôi biết rằng sứ vụ này, do bản tính siêu nhiên của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, nhưng phải đi kèm với không ít những lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình. Vì lý do này, và cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động này, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được giao phó cho tôi bởi các Hồng Y ngày 19 Tháng Tư năm 2005. Như thế, kể từ 20 giờ ngày 28 Tháng Hai năm 2013, Ngai Tòa Thánh Phêrô, sẽ được bỏ trống và một Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập để bầu vị Giáo Hoàng bởi những vị có thẩm quyền.

Các Hiền Huynh thân mến,

Tôi chân thành cảm ơn tất cả anh em vì tình yêu và những công việc mà anh em đã ủng hộ tôi trong sứ vụ của mình và xin tha thứ cho tất cả các khiếm khuyết của tôi. Và bây giờ, chúng ta hãy ủy thác Giáo Hội cho sự chăm sóc của vị Mục Tử tối cao của chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô, và khẩn cầu Mẹ Maria chí thánh của Ngài trợ giúp các Hồng Y Giáo Phụ với lòng ưu ái từ mẫu của Mẹ trong việc bầu Đức Tân Giáo Hoàng. Liên quan đến bản thân mình, tôi cũng muốn tận tụy phục vụ Giáo Hội Thánh của Thiên Chúa trong tương lai thông qua một cuộc sống tận hiến cho việc chuyên tâm cầu nguyện.
Từ Vatican, ngày 10 tháng 2 năm 2013

+ BENEDICTUS PP XVI

========

  • Đức Giáo Hoàng Từ Chức Có Hợp Với Giáo Luật?: Theo bộ Giáo Luật Năm 1983, Quyển II: Dân Chúa, Phần II: Cơ Cấu Phẩm Trật Của Giáo Hội, Tiết 1: Quyền Tối Cao Của Giáo Hội, trong chương I: Ðức Thánh Cha Và Tập Ðoàn Giám Mục, mục I bàn về Đức Giáo Hoàng, Ðiều 332 # 2 viết “Nếu xảy ra trường hợp Ðức Giáo Hoàng từ chức, thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận.” 

    Như thế, để sự từ chức của Đức Giáo Hoàng có hiệu lực cần hai yếu tố: “tự do” và “bày tỏ cách hợp thức”. Về yếu tố “tự do” thì Đức Giáo Hoàng đã nói rõ là ngài tự muốn từ chức, và về yều tố “bày tỏ cách hợp thức” thì ngài đã bày tỏ trong Công Nghị Hồng Y và đã loan bố cho toàn thể thế giới biết. Do đó, phần thủ tục theo Giáo Luật thì sự từ nhiệm này của Đức Giáo Hoàng có hiệu lực.

 

Linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa thánh, cho biết sau khi Đức Giáo Hoàng từ chức có hiệu lực lúc 20 giờ ngày 28/02 thì ngôi Giáo Hoàng được bỏ trống cho tới khi vị Giáo Hoàng kế nhiệm được bầu ra bởi Hồng Y Đoàn.  Theo vị phát ngôn nhân, các vị hồng y dưới 80 tuổi sẽ trở về Roma, dự trù khoảng 115 hồng y, trong tháng 3 năm 2013 và sẽ bầu ra tân Giáo Hoàng trước Tuần Thánh để Giáo Hội có vị thủ lãnh trong dịp lễ Chúa Phục Sinh.

Ngày 28/2/2013, Đức Benedicto XVI đã long trọng dâng thánh lễ cuối cùng với tư cách là Giáo Hoàng. Có tất cả 144 vị Hồng Y đã về tham dự, và phát biểu trước các vị Hồng Y, Đức Benedictô XVI cho biết ngài sẽ tiếp tục phục vụ Giáo Hội trong hy sinh hãm mình và lời cầu nguyện nhưng ngài sẽ không can dự bất kỳ công việc điều hành nào của Giáo Hội hay xuất hiện trước công chúng. Ngài cũng cho biết ngài sẽ giữ Đức Vâng Lời tuân mệnh những chỉ thị của vị Giáo Hoàng kế nhiệm.
Tại Công Trường Thánh Phêrô, người ta ước lượng có khoảng vài trăm ngàn người tham dự để vẫy tay chào Đức Benedictô XVI lần cuối cùng với cương vị là Giáo Hoàng. Nhiều triệu người trên thế giới theo dõi trên truyền hình xúc động ứa lệ và cho rằng ngài là một vị rất khiêm như và thánh thiện. Sau khi từ nhiệm, Đức Benedictô XVI được gọi là Giáo Hoàng Ameritus, hay cũng được gọi là Giáo Hoàng danh dự hoặc Giáo Hoàng hưu trí. Lúc 7 giờ tối ngày 28/2, Đội quân mặc sắc phục Thụy Sĩ của Đức Benedictô XVI được dẹp để thay thế cảnh sát thường của Vatican. Nhẫn và ấn tín của ngài được đập nát vụn cất trong một cái bình để sau này khi ngài qua đời thì sẽ được chôn chung. Nhẫn và ấn tin là tượng trưng cho uy quyền Giáo Hoàng của ngài, nếu lỡ bị kẻ xấu đánh cắp thì có thể gây ra nhiều phiền toái cho Giáo Hội. Vatican cũng cho biết sau khi Đức Benedictô XVI từ nhiệm Giáo Hoàng, vì lý do an ninh, ngài sẽ được lưu lại ở Vatican để dưỡng lão. Tối 28/2, trực thăng đưa ngài bay tới lâu đài nghỉ mát ở trong Roma để ngài tạm thời ở đây 2 tháng trong lúc họ sửa chữa lại nơi cư ngụ của ngài ở Vatican.

Sau nghi thức từ chức này, cả thế giới hồi hộp theo dõi xem ai sẽ là người kế vị Đức Benedictô XVI, và trong lúc chờ đợi thì có nhiều dư luận làm cho nhiều người rất hoang mang.

II.        Những Vị Giáo Hoàng Từ Nhiệm Trong Lịch Sử:  Nhiều người nghĩ rằng chức vụ Giáo Hoàng là thay thế Thánh Phêrô ở trên trần gian điều hành Giáo Hội của Chúa Giêsu thì chức vụ này chỉ thi hành cho đến khi chết chớ không thể từ nhiệm được. Đó là sự thông thường nhưng thật ra Đức Benedictô XVI không phải là người từ nhiệm Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội. Trước ngài đã có những vị khác, và mỗi vị từ nhiệm trong một bối cảnh cá biệt.
1. Đức Pontian (230-235)

Có rất ít tài liệu viết về tiểu sử Giáo Hoàng Pontian.  Người ta chỉ biết ngài lên ngôi Giáo Hoàng ngày 21 tháng 7 năm 230. Lúc đó Đế Quốc Roma đang trong quyền điều hành của Severus Alexander (208-235, cai trị từ năm 222-235).
Thời gian này linh mục Hippolytus dấy lên một phong trào chống đối Giáo Hoàng vì những ân sủng và dễ dãi ban cho những người ngoài giáo để họ dễ dàng gia nhập Giáo Hội.  Người ta gọi linh mục Hippolytus là người đầu tiên chống Giáo Hoàng (antipope).
Dưới triều Severus Alexander, Giáo Hội Công Giáo Rôma được hưởng nhiều sự dễ dãi.  Năm 235, Tướng Maximus Thrax nổi dậy và giết chết vua trẻ Severus Alexander và mẫu hậu của ông ở Mainz rồi Tướng Maximus Thrax lên nắm quyền cai quản Đế Quốc Roma.  Maximus Thrax có chính sách thù nghịch với Giáo Hội Công Giáo Rôma nên lưu đày Giáo Hoàng Pontian và linh mục Hippolytus làm lao động khổ sai trong các hầm mỏ ở Sardina.  Trong lúc bị lưu đày, Đức Pontian thoái vị Giáo Hoàng và là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong Giáo Hội tự thoái vị. Đức Giáo Hoàng Anterus lên kế nhiệm (21 tháng 11 năm 235 đến 3 tháng 1 năm 236) nhưng chỉ được vài tháng thì tử đạo do sự truy bách của Maximus Thrax. Tại Sardina, Đức Pontian và linh mục Hippolytus làm hòa với nhau và sau này cả hai đều chết khổ cực trong lúc lưu đày nên được phong phúc tử đạo.

2. Đức Celestine V (1215-1296. Lên ngôi năm 1294 và từ nhiệm sau 5 tháng 8 ngày: Thánh Celestine sinh ra ở thị trấn Molise nước Ý và là một tu sĩ khổ hạnh sáng lập Dòng Celestine.  Khi mới sinh, cha mẹ ngài đặt tên cho ngài là Piettro.  Năm 17 tuổi, ngài gia nhập Dòng Benedictô sống khổ hạnh tại Faifoli.  Năm 1239, ngài tu khắc khổ (asceticism) giống như Thánh Gioan Tẩy Giả ở trong Núi Maiella ở miền trung nước Ý. Năm 1244, ngài sáng lập Dòng Tu Celestine sống theo lối khắc khổ và tịnh mịch và dòng tu này vẫn tồn tại cho đến hôm nay.
Tháng 4 năm 1292, Đức Giáo Hoàng Nicholas IV từ trần và hơn hai năm Hồng Y Đoàn không thể bầu ra được vị kế nhiệm.  Cuối cùng, vì nghe thanh danh và sự đạo đức của tu sĩ khổ hạnh Piettro di Morrone, (tức Đức Giáo Hoàng Celistine sau này), ngày 5 tháng 7 năm 1294, họ bầu ngài làm Giáo Hoàng, lúc đó ngài đã 79 tuổi.  Vì không ở trong Hồng Y Đoàn nên khi nghe tin mình được bầu làm Giáo Hoàng, tu sĩ Piettro di Morrone đã tìm cách bỏ trốn. Ngài sống rất đạo đức và khiêm nhu không muốn cho những lo âu của ngôi vị Giáo Hoàng làm sao lãng đời sống tu trì của ngài. Nhiều vị hồng y cũng như vương tước và những tu sĩ khác đến khuyên răn ngài hãy ra vác thánh giá của Chúa Giêsu để lo cho Giáo Hội được thống nhất nên cuối cùng ngài nhận lời.
Ngày 29/8/1294, ngài đăng quang Giáo Hoàng ở Thành Phố Aquilla.  Sau 5 tháng ở ngôi Giáo Hoàng, ngài cảm thấy ngôi vị này không thích hợp với cuộc sống tu trì của ngài, ngài bàn chuyện với Hồng Y Benedetto Caetani về vấn đề từ nhiệm. Với sự khuyến khích của Hồng Y Benedetto Caetani, cuối năm 1294, Đức Celestine V từ ngôi Giáo Hoàng để trở về cuộc sống tu trì khắc khổ của mình.
Hồng Y Benedetto Caetani lên ngôi Giáo Hoàng lấy danh hiệu là Boniface VIII (1235-1303, lên ngai Giáo hoàng 1294-1303). Dẫu Đức Celestine V đã từ nhiệm Giáo Hoàng, nhiều người vẫn không chịu và họ không phục cũng như ra mặt chống đối Đức Giáo Hoàng Boniface VIII. E ngại có thể có sự rạn nứt trong Giáo Hội và có nạn bè phái chống Giáo Hoàng nên Đức Boniface VIII ra lệnh cho tu sĩ Piettro di Morrone (tức Đức Giáo Hoàng Celestine V) phải được bắt đem trở về Roma. Tu sĩ Piettro di Morrone tìm cách bỏ trốn nhưng rồi cũng bị bắt và bị tống giam vào ngục ở Fumone. Sau 10 tháng bị giam cầm, ngài qua đời.  Năm 1313, Đức Giáo Hoàng Clement V phong thánh cho Đức Celestine V.

3. Đức Gregory XII (1326 – 1417. Ở ngô Giáo Hoàng 1406 - 1417)

Đức Gregorory XII sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Venice nước ý với tên gọi là Angelo Correr hoặc cũng được gọi là Corraro.  Ngài làm Giám Mục Thành Castello, sau làm Giáo Phụ Thành Constantinople, rồi lên Hồng Y của San Marcos.

Thời gian này, Giáo Hội Công Giáo Rôma có 2 Giáo Hoàng, một vị là Đức Giáo Hoàng Benedictô XIII cai trị ở Avignon nước Pháp và Đức Giáo Hoàng Innocent VII ở Rome.  Hai vị Giáo Hoàng đã ra vạ tuyệt thông cho nhau.

Năm 1406, Đức Giáo Hoàng Innocent VII ở Rome qua đời.  Hồng Y Đoàn gồm 15 Hồng Y đã họp mật và khẩn cấp bầu Angelo Correr lên làm Giáo Hoàng với điều kiện ở bên Avignon tuyên bố từ chức Giáo Hoàng thì ở bên Rome cũng phải tuyên bố thoái nhiệm như vậy ngõ hầu Giáo Hội có thể hợp nhất nên một.

Có rất nhiều xáo trộn trong thời gian hơn 10 năm cai trị của Đức Gregory XII, nhiều lúc sự thoả thuận của hai Giáo Hoàng đi vào bế tắc như trường hợp năm 1409, các Hồng Y họp ở Pisa và tuyên bố cả hai Giáo Hoàng đều là giả tạo và không xứng đáng nên họ lại bầu một Giáo Hoàng khác lấy danh hiệu là Alexander V (1409-1410).  Nhưng cuối cùng một sự thỏa hiệp của mọi phe phái đã đến sự đồng thuận, ngày 4/7/1415, Công Đồng Constance đã được triệu tập với sự tham dự của tất cả các Hồng Y của các phe phái. Đức Giáo Hoàng Gregory XII ủy nhiệm cho 2 vị Hồng Y thay mặt và bỏ phiếu cho mình đó là Hồng Y Carlo Malatesta và Giovanni Dominici. Trong Công Đồng này, thay mặt cho Đức Gregory XII, Đức Hồng Y Carlo Malatesta trình thư từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng và Công Đồng chấp thuận sự từ nhiệm này. Công Đồng chỉ định cho Đức Gregory XII làm Giám Mục Thành Frascati và là Chủ Tịch Hồng Y Đoàn.

Ngôi Giáo Hoàng được bỏ trống cho tới khi Đức Gregory XII qua đời năm 1417 thì Hồng Y Đoàn bầu Giáo Hoàng kế nhiệm là Đức Martin V (1368-1431. Làm Giáo Hoàng từ 1417-1431). Việc lên ngôi của Giáo Hoàng Martin V chính thức chấm dứt sự phân hóa nghiêm trọng của Giáo Hội Công Giáo Rôma trong nhiều năm trời để rồi chỉ còn có một chủ chăn tối cao đặt ngai tại Thành Phố Rome.

Đức Benedict XVI (1927 - ? Ở ngôi Giáo Hoàng 2005 - 2013): Đức Benedict XVI là vị Giáo Hoàng thứ 267 của Giáo Hội Công Giáo Rôma.  Ngài sinh ngày 16/4/1927 với tên gọi là Joseph Aloysius Ratzinger ở thị trấn Marktl, Bavaria, nước Đức.  Ngài là người con thứ ba và là người con út của hai ông bà Joseph và Maria Ratzinger. Thân phụ của ngài, ông Joseph Ratzinger là một cảnh sát viên.

Anh của ngài, George Ratzinger, lớn hơn ngài 3 tuổi, là một linh mục, điều khiển dàn nhạc Regensburger Domspatzen và hiện vẫn còn sống. Chị của ngài, bà Maria Ratzinger, sống độc thân và lo chăm sóc bếp núc cho ngài khi ngài còn làm Hồng Y và bà qua đời năm 1991.

Khi còn thơ ấu, ngài đi học ở Ashau amm Inn và trường này năm 2009 đã lấy tên của ngài để đặt tên cho trường như một hình thức vinh danh ngài. 

Lúc đó Hitler và Đức Quốc Xã nắm quyền ở Đức và đang dấy động Đệ Nhị Thế Chiến khắp Âu Châu. Năm 1941, theo luật buộc của Đức Quốc Xã, ngài và anh ngài phải tham gia vô Thanh Thiếu Niên Đức Quốc Xã. Năm 1942, anh ngài, George Ratzinger bị động binh ra chiến trường và năm 1944, trong trận chiến ở Ý, George Ratzinger bị thương. Năm 1943, Joseph Ratzinger bị bắt vào đội ngũ phòng không (anticraft) ở Luftwaffenhelfer, rồi sau đó bị điều động vào bộ binh. Năm 1945, khi quân Đồng Minh đang tiến vào nước Đức, tiểu đội của ngài tan rã, ngài bỏ trốn về Traunstein. George Ratzinger bị giam vài tháng ở Naples và tháng 7 năm 1945 được trả tự do. Joseph Ratzinger cũng bị quân Đồng Minh nhốt giam vài tháng và sau đó được trả tự do.

Sau khi được trả tự do, tháng 11 năm 1945, hai anh em George và Joseph Ratzinger gia nhập chủng viện ở Traunstein. Ngày 29/5/1951, cả hai anh em đều thụ phong chức linh mục do Đức Hồng Y Michael von Faulhaber ở Munich chủ lễ. Joseph Ratzinger tiếp tục học lên và năm 1959, ngài trở thành giảng sư Triết và Thần học ở Đại Học Bonn. Năm 1962, Joseph Ratzinger tham dự Công Đồng Vatican với tư cách là Thần Học Gia cố vấn cho Đức Hồng Y Frings thuộc Địa Phận Cologne.  Năm 1963, ngài được thuyên chuyển về dạy ở Đại Học Munster. Năm 1966, ngài được chỉ định làm Viện Trưởng Viện Thần Học ở Đại Học Tubingen và nơi đây ngài làm thân cũng như bị ảnh hưởng rất nhiều những tư tưởng của Thần Học Gia Hans Kung.

Ngày 24/3/1977, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm Joseph Ratzinger làm Tổng Giám Mục Điạ Phận Munich và vào tháng 6 năm đó ngài được vinh thăng lên Hồng Y. Năm 1978, Joseph Ratzinger là một trong những Hồng Y trẻ nhất trong Hồng Y Đoàn để bầu chọn Giáo Hoàng. Ngày 25/11/1981, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn Hồng Y Joseph Ratzinger làm Bộ Trưởng Bộ Tín Lý của Vatican, một bộ rất quan trọng và có thế lực trong Giáo Triều Roma.  Năm 1998, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger là Phó Chủ Tịch của Hồng Y Đoàn và năm 2002 ngài lên làm Chủ Tịch Hồng Y Đoàn. Hồng y Joseph Ratzinger đã nhiều lần xin Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho nghỉ hưu nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ưng thuận. Năm 2005, Đức Gioan Phaolô II băng hà, ngày 19/4/2005, Hồng Y Đoàn bầu ngài lên kế nhiệm với danh hiệu Benedictô XVI.

Trong thời gian gần 8 năm ở ngôi Giáo Hoàng, đức Benedictô XVI cố gắng tiếp tục công trình do vị tiền nhiệm là Đức Gioan Phaolô II để lại.  Ngài không đi công du mục vụ nhiều như Đức Gioan Phaolô II, nhưng ngài cũng đã đi đến một số quốc gia đông đảo giáo dân Công Giáo mà ngài cho rằng có tầm ảnh hưởng trong tương lai đối với Giáo Hội như những quốc gia ở Trung Mỹ và Nam Mỹ.  Ngài cũng cổ suý cho lập trường “đối thoại” đối với tất cả các tín ngưỡng khác biệt cũng như đối với những nhà cầm quyền thù nghịch với Giáo Hội như Cuba và Việt Nam.  Ngày 25/1/2007, ngài đã tiếp đón Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng. Ngày11 tháng 12 năm 2009, ngài tiếp đón Chủ Tịch CSVN Nguyễn Minh Triết. Và ngày 22/1/2013, vài tuần trước khi ngài tuyên bố từ nhiệm, ngài tiếp đón phái đoàn của Tổng Bí Thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng. Trong tất cả các cuộc hội kiến ngày, Vatican cho biết sự đối thoại giữa Vatican và Việt Nam ngày càng cởi mở hơn để hai bên có thể đi đến nhiều đồng thuận. 

III.       Có Phải Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI Từ Nhiệm Vì Lý Do Sức Khỏe?: Sự kiện Giáo Hoàng từ nhiệm là một chấn động lớn trên toàn thế giới và nhiều người không tin rằng Đức Benedictô XVI từ nhiệm vì lý do sức khỏe mà họ lại đưa ra nhiều giả thuyết cũng như suy đoán..
Ngay ngày Đức Giáo Hoàng tuyên bố từ chức thì một luồng sét đánh vào cột thiên lôi của Vatican. Ngày hôm sau lại có một luồng sét nữa đánh vào cột thiên lôi đó làm nhiều người cho rằng đây là một điềm báo cho biết có một biến động trong cung đình giáo triều.

Vatican cũng nhận được những dư luận đó nên Vatican đã đưa ra bản tin nhấn mạnh sức khỏe của Đức Giáo Hoàng xuống cấp trầm trọng không phải mới đây mà đã vài năm rồi. Thông cáo của Vatican cho biết trước khi Hồng y Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng để trở thành Đức Benedictô XVI, Hồng Y Ratzinger năm 1991 bị một “stroke” tức là tai biến mạch máu não. Lúc đó người ta chỉ nói ngài bị té và đập đầu vào máy phát nhiệt. Nhưng chuyện ngài bị tai biến mạch máu não đã tiết lộ cho các Hồng Y khi họp mật để bầu Giáo Hoàng thì các vị có mặt trong Mật Nghị Hồng Y đều biết. Tháng 5 năm 2005, Vatican có thông báo cho mọi người biết Đức Benedictô XVI bị một tai biến mạch máu não nhẹ. Sau khi Đức Benedictô XVI loan tin từ nhiệm, Vatican cho biết từ khi còn là Hồng Y thì ngài đã phải mang máy trợ tim (pacemaker). Và vị căn bệnh tim cũng như tai biến mạch máu não của ngài nên một con mắt của ngài hầu như bị mù loà.

Ngày 17/7/2009, trong lúc đi nghỉ mát ở rặng núi Alps, Đức Benedictô bị trượt té và đã phải đi nhà thương để mổ khủy tay phải bị gẫy. Tin tức cho biệt hiện nay cánh tay phải của ngài hầu như bị tê liệt không hoạt động được vì hậu quả của việc trượt té đó.

Dầu Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI đã nói rõ ngài từ nhiệm vì lý do sức khỏe và dầu có nhiều thông tin cho thấy sức khỏe ngài suy yếu rất trầm trọng, nhiều cơ quan truyền thông báo chí và nhiều bình luận gia vẫn không chịu tin, họ cho rằng chắc có một âm mưu gì ở đàng sau vì trước kia có rất nhiều Giáo Hoàng suy yếu sức khỏe nhưng vẫn không từ chức như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị bệnh Parkinson run rẩy chỉ ngồi bệch một chỗ mà cũng không từ nhiệm. 

Mấy năm gần đây, nhất là sau vụ người hầu của Đức Benedictô XVI là Paolô Gabriele bị bắt giữ vào tháng 5 năm 2012, bị cáo buộc tội đánh cắp và tiết lộ các thư từ của Đức Giáo Hoàng, Giáo Triều Vatican thành lập Ủy Ban Vatileak để đi điều tra các sự thật. Ủy Ban Vatileak gồm có 3 người: 1. Hồng Y Julián Herranz, Chủ Tịch; 2. Hồng y Salvatore De Giorgi, cựu Tổng Giám Mục Palermo; 2. và Hồng y người Slovak Jozef Tomko, người từng đứng đầu Bộ truyền giáo của Vatican. 

Ngày 22/2/2013, Nhật báo La Republica ở Ý cho biết Đức Giáo Hoàng từ nhiệm có thể có liên quan đến việc phúc trình của Ủy Ban Vatileak. Tờ Guardian ở Anh Quốc trích đăng lại bản tin của La Republica cho biết sáng hôm 12/2, trước khi công bố từ nhiệm, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI đã nhận một tập hồ sơ dày 300 trang do Ủy Ban Vatileak trình lên trong đó nói đến các vị giáo sĩ trong giáo triều Vatican đang bị điều tra về những hành vi dâm ô và đồng tính. Theo Guardian, sau khi nhận tập hồ sơ này, khuôn mặt của Giáo Hoàng tỏ ra rất ưu tư và buồn phiền. Guardian cũng cho biết tập hồ sơ đang được niêm yết cẩn thận để trao cho vị kế nhiệm để vị kế nhiệm phải giải quyết. Phát ngôn nhân của Vatican đã không lên tiếng phản bác hay xác nhận tin này. Guardian đặt câu hỏi cỏ phải vì chuyện điều tra này cộng thêm với phong trào tố cáo các giáo sỹ ở Mỹ đã phạm tội dâm ô, nhất là dâm ô với trẻ em, để rồi rất nhiều Giáo Phận ở Hoa Kỳ đã phải bị các quan tòa phạt tiền rất nặng, nên đã làm cho Đức Giáo Hoàng mệt mã và đi đến quyết định từ nhiệm?  Ngày 25/2/2013, Đức Giáo Hoàng từ nhiệm Benedictô XVI giữ vững lập trường không tiết lộ bí mật 300 trang hồ sơ của Ủy Ban Vatileak và nói rằng người kế nhiệm của ngài sẽ xem và sẽ giải quyết. Chính quyết định này của ngài càng làm cho nhiều người tò mò và họ càng quả quyết phải có âm mưu trong việc từ nhiệm của ngài!

Còn có dư luận cho rằng Đức Benedictô XVI từ nhiệm vì ngài bị quá nhiều áp lực chính trị cũng như tranh giành quyền lực ở sau hậu trường Vatican. Nhưng tất cả những dư luận hầu như chỉ là suy đoán chớ không có một sự kiện nào cụ thể 100% để chứng minh cho những dư luận đó.

IV.       Những Lời Tiên Tri:

Dư luận còn cho rằng việc từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI là một ứng nghiệm của những vị tiên tri, nhất là tiên tri Malachy, để rồi vị Giáo Hoàng kế nhiệm là vị Giáo Hoàng sau chót của Giáo Hội.

Thánh Malachy sinh ra năm 1094 ở Armagh, nước Ái Nhĩ Lan (Ireland), với tên gọi là Ua Morgair. Ngài được rửa tội với tên thánh là Máel Máedoc và được dịch sang tiếng Anh là Malachy.  Năm 1119, ngài được thụ phong linh mục. Năm 1123, ngài được làm tu viện trưởng ở Bangor. Năm 1124, ngài làm Giám Mục của Thành Down. & Connor. Thời gian làm Giám Mục, ngài đã cải cách Giáo Hội địa phương cũng như nhiều nơi ở Âu Châu với gương lành sống đạo khổ hạnh của ngài.  Năm 1148, trong chuyến hành hương của ngài tới Rome lần thứ 2, ngài ngã bệnh và qua đời. 

Năm 1595, một tu sỹ dòng Benedictine tên là Arnold de Wynn phát hành một ấn bản tiếng Latin gồm 112 câu để nói tiên tri về các vị Giáo Hoàng.  Tu sĩ Arnold de Wynn nói rằng những lời tiên tri này là của Thánh Malachy và từ đó người ta cứ quy rằng 112 vần Latin có tính cách tiên tri kia là của Thánh Malachy.  Lời tiên tri bắt đầu từ Đức Giáo Hoàng Celestine II (làm Giáo Hoàng 1143-1144) cho đến thêm 111 vị Giáo Hoàng nữa. Đương nhiên những lời tiên tri từ Đức Giáo Hoàng Celestine II đến năm 1590 là đúng (viết sau khi sự kiện đã xảy ra!).  Nhưng người ta nghi rằng tu sĩ Arnold de Wynn bịa ra lời tiên tri của Thánh Malachy để đánh lừa dư luận quần chúng và để vận động giúp cho Hồng Y Girolamo Simoncelli được lên ngôi Giáo Hoàng cách dễ dàng và nói rằng đây là thánh ý tiền định của Thiên Chúa.  Nhưng sự vận động này đã không có thành công vì Mật Nghị Hồng Y năm 1590 đã bầu người khác lên làm Giáo Hoàng. Dầu sự kiện lịch sử minh bạch như vậy, nhưng từ đó dân gian vẫn thích tin rằng 112 câu vần kia là lời tiên tri của Thánh Malachy để thêu dệt dư luận mỗi khi Giáo Hoàng qua đời và đợi chờ chọn vị Giáo Hoàng mới.  Người ta tìm một sự kiện nào đó trong đời của vị Giáo Hoàng để bằng mọi cách gán ghép cho rằng sự kiện đó đã được tiên tri rồi. Chuyện này cũng giống y như Sấm Trạng Trình vậy, người ta cắt nghĩa một câu hay một đoạn sau khi sự việc xảy ra. Trên mạng Thanhlinh.net, Hồn Nhỏ cho biết 10 vị Giáo Hoàng chót của “lời tiên tri Malachy” như sau:
10 GIÁO HOÀNG SAU CÙNG

1. Đức Giáo Hoàng Piô X 1903-1914, biệt hiệu trong lời tiên tri Thánh Malachy "Lửa cháy bừng", tên thật là Giuseppe Melchiarre Sarto. Trong thời gian ngài làm Giáo hoàng, lục điạ Âu châu bùng cháy cuộc chiến tranh như đám lửa cháy lan từ quốc gia này tới quốc gia khác cho mãi tới năm 1914, chiến tranh đã bao phủ toàn bộ lục điạ Âu châu.

2. Đức Giáo Hoàng Benedict XV (1914-1922) biệt hiệu trong lời tiên tri Thánh Malachy "Tôn Giáo Tiêu Tàn", tên thật là Giacomo Della Chiesa. Đức Giáo Hoàng Benedict XV được biết đến là Đức Giáo Hoàng của chiến tranh, vì lửa chiến tranh bất hòa làn tràn khắp ra thế giới. Ngài đã chứng kiến chủ nghĩa cộng sản đi vào Liên Bang Sô Viết khiến đời sống tôn giáo bị tiêu huỷ, chiến tranh thế giới thứ nhất gây thương vong cho hàng triệu người Kitô giáo như trong cuộc tàn sát ở cánh đồng Flanders và ở nhiều nơi khác.

3. Đức Giáo Hoàng Piô XI (1922-1939), biệt hiệu trong lời tiên tri Thánh Malachy "Đức tin sắt son", tên thật là Achilee Ratti. Là vị Giáo hoàng chứng kiến thế giới chuẩn bị cho một hậu quả của một cuộc chiến để chấm dứt các cuộc chiến. Ngài chứng kiến phong trào phá thai ở Âu châu ra đời, và sự phát triển của chủ nghĩa vô thần được giảng dạy cho các giới trẻ trong các trường đại học và đầu độc để loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đầu óc những người công dân của một trật tự thế giới mới.

4. Đức Giáo Hoàng Piô XII (1939-1958), biệt hiệu trong lời tiên tri Thánh Malachy "Mục tử thiên thần", tên thật là Eugento Pacelli. Ngài đã dành thời giờ trong thời gian đầu làm giáo hoàng  trong lãnh vực ngoại giao của tòa thánh Vatican. Ngài là sự chọn lựa tự nhiên theo sau Đức Giáo hoàng Piô XI vì không có vị lãnh đạo giáo hội nào có đủ kinh nghiệm điều hành giáo hội, và với các lãnh đạo quốc gia trong cuộc xung đột thế giới.

5. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-1963), biệt hiệu trong lời tiên tri Thánh Malachy "Chủ chăn và thuỷ thủ", tên thật là Angelo Giuseppe Roncalli. Đức Gioan 23 là tổng Giám Mục Areoplis của Palestine trong khoảng thời gian khai sinh quốc gia Dothái, năm 1953 Đức Giáo Hoàng Piô XII phong ngài làm Hồng Y của Venice. Ngài được xem là vị Giáo hoàng được yêu mến nhất trong các Đức Giáo Hoàng cận đại. Những sử học gia tin rằng ngài được Thánh Malachy tiên tri là thuỷ thủ vì thành phố Venice là một thành phố nước. Thế nhưng cũng có thể khi ngài là tổng Giám mục của Palestine, ngài được coi là một "thuỷ thủ rao giảng" bởi vì miền đất của dân ngoại và Hồi giáo có liên quan trong lời tiên tri là "biển cả".

6. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978), biệt hiệu trong lời tiên tri Thánh Malachy "Hoa của muôn hoa" tên thật là Giovanni Battista Montini, Ngài làm Giáo hoàng trong thời gian 15 năm. Danh hiệu của ngài là là ba bông hoa Iris.

7. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I (1978-1978 - 33 ngày), biệt hiệu trong lời tiên tri Thánh Malachy"trăng bán nguyệt" (nửa vầng trăng), tên thật là Albino Buciani, là vị Giáo hoàng chăn dắt Giáo hội  trong thời gian ngắn nhất là 33 ngày. Khi ngài được bầu Giáo hoàng ngày 26/8/1978, là thời gian có trăng hình bán nguyệt. Trong thời gian ngài làm Giáo hoàng, sự nổi dậy của các nhóm Hồi giáo quá khích chống lại thế giới dân ngoại bùng nổ. Tổ chức OPEC dầu hỏa ra đời, và các quốc gia Ảrập dùng vũ khí dầu hỏa của họ để chống lại các quốc gia kỹ nghệ. Dấu hiệu của Hồi giáo là hình "trăng bán nguyệt".

8. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005), biệt hiệu trong lời tiên tri Thánh Malachy "Nhật thực" hay cũng còn có nghĩa là "Mặt trời lam lũ". Ngài là hoàng tử người Balan của Giáo hội Công giáo. Ngài là vị Giáo hoàng đã có công trong việc làm cho chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Trong suốt 25 năm làm Giáo hoàng, ngài đã tông du nước ngoài trên 100 lần và cái chết lịch sử của Ngài đã lôi kéo trên 3 triệu người tham dự tang lễ. Ngày ngài sinh ra ngày 18/5/11920 vào buổi sáng có hiện tượng nhật thực trên toàn cõi Âu châu, và ngày ngài qua đời cũng có nhật thực bán phần trên vùng trời Bắc Mỹ.

9. Đức Giáo Hoàng kế Đức Giáo Hoàng chót, biệt hiệu trong lời tiên tri Thánh Malachy "Ngành Ô-liu rực rỡ". Điều kỳ diệu là Chúa Giêsu nói lời tiên tri về thời tận cùng cũng trên núi Olive. Vị Giáo hoàng này chăn dắt Giáo hội trong thời kỳ khởi đầu sự bách hại mà Chúa Giêsu đã nói đến trong Kinh thánh. Vị Giáo hoàng này sẽ có liên quan tới cây/cành Ô-liu vẫn được xem là dấu chỉ của hòa bình, hay cũng có thể liên quan tới cây, trái ô-liu. Dòng thánh Benedict nói rằng vị Giáo hoàng này đến từ nhà dòng của họ, vì dòng còn được biết như là "những người của hòa bình". Thánh Benedict đã nói tiên tri rằng trước ngày tận cùng của trật tự thế giới, nhà dòng của ngài sẽ chiến thắng dẫn dắt Giáo hội chống lại sự dữ.

10. Đức Giáo Hoàng thứ 112 cuối cùng, biệt hiệu trong lời tiên tri Thánh Malachy "Phêrô người Rôma". Lời tiên tri viết về vị Giáo hoàng thứ 112 này: "trong thời kỳ bách hại sau cùng của Giáo hội La mã, Phêrô thành Rôma sẽ lên ngôi, người sẽ chăn dắt đoàn chiên giữa những cơn bách hại; sau khi một thành phố trên 7 đồi (Rôma) bị phá huỷ và một vị Quan Án kinh hoàng sẽ xét sử muôn dân".

Có chút vấn đề về những lời tiên tri được liệt kê trong sách “Những Lời tiên tri của Thánh Malachy” xuất bản bởi Thomas A. Nelson, một nhà sách xuất bản Công giáo thì bản nguyên thuỷ của Thánh Malachy chỉ có 111 Đức Giáo Hoàng, chứ không phải là 112 như trong bản màu nâu xuất bản sau này. Trong khoảng giữa ấn bản thứ nhất và ấn bản sau này thì vị Giáo hoàng 112 là Phêrô Thành Rôma được thêm vào trong lời tiên tri của Thánh Malachy.

Hồn Nhỏ chuyển dịch Thanhlinh.net

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI là vị Giáo Hoàng 267 của Giáo Hội nhưng là vị Giáo Hoàng thứ 111 trong cái gọi là lời tiên tri của Thánh Malachy.  Trong danh sách của cái gọi là tiên tri Malachy chỉ còn lại có 1 Giáo Hoàng, thế là người ta bàn ra tán vào cho rằng vị Giáo Hoàng sau cùng là Quỹ Satan chính hiệu len lỏi nhập vào Giáo Hội để phá hoại và cuối cùng sẽ là ngày tận thế để Chúa Giêsu tái lâm phán xét kẻ lành người dữ.

Chuyện hoang đường như thế nhưng mà nhiều người tin. Thế rồi dựa trên cái gọi là lời tiên tri Malachy, họ bàn luận và suy diễn rất động trời.

Rồi người ta lại bàn đến cho rằng Đức Giáo Hoàng từ nhiệm vì đã xem bí mật Fatima biết rằng thế giới đến ngày tận số.! Ôi, không biết bao nhiêu là dư luận.  Nhưng, tôi không thấy có vị nào nêu lên vấn đề giả thật của 112 vần tiên tri. Nếu những vần tiên tri kia là giả tạo do tu sĩ Arnold de Wynn làm ra vào năm 1595 là thật để hỗ trợ cho một âm mưu chính trị thì coi như nền tảng của 112 vần tiên tri bị sụp đổ hoàn toàn, và như vậy, không còn có một ý nghĩa gì của lời tiên tri. Bản thân tôi, tôi thấy sự cắt nghĩa cho 112 vần tiên tri kia, nhất là từ năm 1595, cho các vị Giáo Hoàng, quả thật rất gượng ép nên bản thân tôi không thấy sự giá trị của những vần tiên tri đó. Nhưng, những ai bàn bạc như một hình mua vui một trống canh thì tôi nghĩ cũng không sao, đừng vì quá tin vào chuyện này mà lại có những lo sầu mất ăn mất ngủ thì quả thật tai ương của tiên tri chưa thấy đâu mà chính mình đã tự tạo tai ương cho chính mình.

Lời Kết:

Chuyện Đức Giáo Hoàng từ nhiệm là một tin động trời có lẽ có một không hai trong đời người nên tâm lý tự nhiên của những ký giả và bình luận gia là suy diễn và thêu dệt để cho sự kiện này thêm gia vị hấp dẫn người xem. 

Chuyện hậu trường cung đình của Giáo Hội thì đã diễn ra từ lúc Giáo Hội mới được hình thành, tâm lý tự nhiên con người là có sự cạnh tranh và ganh tỵ. Hơn nữa, Giáo Hội Công Giáo không những là một cơ chế tôn giáo lớn nhất hoàn vũ mà còn là một cơ chế chính trị đầy quyền lực và rất phức tạp nên chuyện áp lực hậu trường chính trị là chuyện bình thường đã diễn ra bao nhiêu năm rồi, nhất là vào thời trung cổ khi quyền đời và quyền đạo ở Châu Âu tập trung vào ngôi Giáo Hoàng thì tôi không cho rằng vì áp lực chính trị mà Đức Giáo Hoàng từ nhiệm. 

Nói về việc phơi bày những bê bối của các tu sỹ thì mạnh nhất là khi Đức Gioan Phaolô II còn sống chớ không phải bây giờ nên cho rằng vì chuyện này mà ngài phải từ chức thì cũng không có đứng vững. 

Một số người Việt Nam cho rằng ngài tiếp đón những cán bộ cao cấp CSVN, nhất là ngài mới vừa tiếp đón phái đoàn của Tổng Bí Thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, nên ngài bị lương tâm cắn rứt là một lý luận đùa cợt với chính trường ngoại giao quốc tế. 

Cho rằng ngài từ chức vì nhìn thấy những thị kiến hoặc những bí mật Fatima thì đều vô căn cứ vì các vị Giáo Hoàng đều có những báo cáo hoặc những thị kiến như vậy.

Còn về những lời tiên tri, như tôi đã trình bày, xuất xứ của lời tiên tri Malachy không có kiểm chứng xác thực và đầy sự huyễn hoặc, nhất là những cắt nghĩa rất gượng ép nên chuyện đó chỉ là một chuyện đùa cho một trống canh hơn là một căn bản suy luận để nhận định cho việc từ chức của Đức Giáo Hoàng.  Nếu cái gọi là tiên tri của Thánh Malachy là đúng thì trong đó sao không thấy ngài nói tiên tri cho việc từ nhiệm của Đức Benedictô XVI?  Nếu trong lời tiên tri đó có câu như sau “Giáo Hoàng từ nhiệm” vì “từ nhiệm” là dấu ấn đặc biệt của Giáo Hoàng này trong lịch sử thì quả thật “lời tiên tri” đó mới là chính xác để đáng tin cậy. Người ta cũng đã bàn đến ngày tận thế vào thời điểm năm 2000. Rồi đến vụ lịch người Mayan ở Nam Mỹ, người ta cũng đã tiên đoán tận thế vào thời điểm tháng 12 năm 2012. Thế nhưng mọi chuyện qua đi không có gì xảy ra.

Sau khi dùng lý trí để phân tích những dữ kiện và dư luận, tôi cho rằng Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI từ nhiệm là vì ngài là vì lý do sức khoẻ thật sự. Ngài là người đạo đức thánh thiện không màng công danh nên ngài đã noi gương Đức Giáo Hoàng Celestine V ở thế kỷ XIII từ nhiệm để cho bản thân có nhiều thời giờ dọn mình cho sự ra đi vĩnh viễn của ngài về nước Cha Trên Trời cũng như để cho Giáo Hội có một vị chủ chăn có đủ nghị lực lãnh đạo trong một thế giới đa dạng phức tạp như ngày hôm nay./.

Houston ngày 28/2/2013, ngày Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI chính thức từ nhiệm.

Hoàng Duy Hùng

-------------oo0oo---------------

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

Covang

Covang

Covang

Home Page Vietlist.us


bottombar