Trang Thời Sự dùng đăng tải những bài viết những tin tức có tính cách thời sự. Chúng tôi sẽ đăng tải nếu bài viết thích hợp với lập trường của người Việt Quốc Gia. Xin quý vị gởi bài cho chúng tôi qua email: vietlist09@yahoo.com. Kính chúc quý độc giả vui khỏe.
Trang Thời Sự - Vietlist.us
-------------oo0oo---------------
Tổng Thống George W. Bush và Chuyến Công Du Châu Á.
Ls. Hoàng Duy Hùng.
Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1990, các nhà quan sát thời sự đã đoán trước Trung Quốc sẽ là quốc gia thay thế Liên Xô để cạnh tranh với Hoa Kỳ cả về chính trị và kinh tế. Điều đó ngày càng hiển nhiên nên chúng ta không lấy làm lạ khi lãnh đạo quốc gia này tuyên bố một điều gì đó, lãnh đạo quốc gia bên kia cũng sẽ tuyên bố một điều khác để đáp lễ. Thí dụ, gần đây những lời tuyên bố của Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld đã bị phản pháo lại bởi những lời tuyên bố có tính hiếu chiến của các vị tướng tá ở bên Trung Cộng. Và, khi lãnh đạo bên này hành động một điều gì đó, lãnh đạo bên kia cũng làm một hành động tương tự như một hình thức trả lời lại bên kia. Thí dụ, tháng 9, 2005, Chủ Tịch Hồ Cầm Đào đến New York tham dự phiên họp của Liên Hiệp Quốc và phái đoàn gặp gỡ nội các của Tổng Thống George W. Bush, lập tức, tháng 10, 2005, Ngoại Trưởng Condoleeza Rice qua thăm Bắc Kinh, tiếp theo là chuyến công du của Tổng Thống Bush đến Trung Quốc.
Cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2005, Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào viếng thăm các nước nam Châu Á và chặn đường cuối là Việt Nam. Trước khi về lại Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào đến viếng thăm phố Hội An, một phố cổ của người Minh Hương ở Đà Nẳng, như một nhắn nhủ cho mọi người và Hoa Kỳ hiểu Trung Quốc “nắm vững” Việt Nam. Các quan sát viên quốc tế tin rằng CSVN sẽ phải nhường cho Trung Quốc thuê vịnh Cam Ranh (49 hoặc 99 năm) để Trung Quốc đặt nền móng hải quân nơi đây ngõ hầu dễ dàng kiểm soát Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Sự có mặt của Hồ Cẩm Đào tại Việt Nam vào đầu tháng 11, 2005, là để thúc đẩy nhanh chóng hoàn tất việc CSVN, dưới thời của Lê Khả Phiêu 2000 &2001, đã cắt đất dâng biển cho Trung Quốc, tăng thêm sức mạnh cho phe thân Trung Quốc, đàn áp thế lực phe thân Hoa Kỳ, chuẩn bị các nhân sự một cách kỹ lưỡng hơn trong Đại Hội X của ĐCSVN mà đương nhiên là phe thân Trung Quốc phải ở thế thượng phong. Ai cũng dự trù sau khi Hồ Cẩm Đào về lại Bắc Kinh, CSVN sẽ đàn áp các tôn giáo và những tiếng nói đấu tranh cho dân chủ một cách gay gắt hơn.
Điển hình, tháng 9, 2001, ông Hoàng Minh Chính “được” đi Hoa Kỳ chữa bệnh, thuyết trình tại Đại Học Harvard, gặp các vị dân biểu Hoa Kỳ, v.v., vận động Hoa Kỳ yểm trợ cho một chế độ dân chủ tại Việt Nam, nhưng khi về nước, sau khi Hồ Cẩm Đào đã viếng thăm Việt Nam, những “đặc quyền” mà ông Hoàng Minh Chính và nhóm dân chủ đã được ĐCSVN “chấp thuận” trước đây, lập tức bị rút lại. Gia đình ông Hoàng Minh Chính bị quấy nhiễu thường xuyên, con gái ông Hoàng Minh Chính bị khủng bố, v.v., là những tín hiệu cho thấy phe CSVN thân Hoa Kỳ đã phải nhượng bộ cho CSVN thân Trung Quốc, để cho phe thân Trung Quốc muốn làm gì thì làm, cánh cửa “ban phát tranh đấu cho dân chủ” của ĐCSVN mà Hoa Kỳ hỗ trợ cách tích cực ở đàng sau bị khép lại, và phải khép lại cho thật chặt để phe thân Trung Quốc “hoàn thành” công tác cắt đất dâng biển cho Trung Quốc một cách thuận lợi, không gặp chống đối và trắc trở. Với chiều hướng này, chắc chắn trong những ngày tới CSVN sẽ kiểm soát hệ thống mạng lưới toàn cầu một cách gắt gao hơn, đàn áp các tôn giáo, nhất là các giáo phái Tin Lành, vì cho rằng họ là những hệ thống núp dưới bóng tôn giáo làm tình báo cho Hoa Kỳ!! Riêng hai giáo hội Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, vì hai tôn giáo này do nguời Việt Nam sáng lập vào thế kỷ 20, nên CSVN khó ăn nói là PGHH làm tình báo cho ngoại bang, họ sẽ đổ lỗi tôn giáo này cấu kết với các phần tử nước ngoài, tức là người Việt hải ngoại, âm mưu lật đổ nhà nước. Họ cũng sẽ có luận điệu như vậy đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do Tăng Thống đại lão hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ lãnh đạo.
Khi vừa nhậm chức Tổng Thống năm 2001 (chưa có vụ khủng bố 9/11), ông Bush tuyên bố không giống như nội các của Tổng Thống tiền nhiềm Bill Clinton coi Trung Quốc là “hợp tác kinh tế” (economic partnership ), nội các của ông Bush sẽ coi Trung Quốc là một “đối tác chiến lược” (strategic competitor# ). Sau vài tháng nhậm chức, khủng bố 9/11/2001 xảy ra, nội các của ông Bush “lùi” một bước, liên minh với Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố, không nhắc lại câu “đối tác chiến lược” nữa. Nhưng, sau khi đã tấn chiếm Afghanistan và Iraq, một phần nào đó giải tỏa được nạn khủng bố có địa bàn ở Trung Đông, và trong lúc Hoa Kỳ đang quan tâm đến Trung Đông, Trung Quốc bành trướng thế lực ở Châu Á, và nội các của Tổng Thống Bush xem việc bành trướng này với một ánh nhìn khó chịu cũng như cảm thấy bị “đe dọa”. Cũng chính cảm giác này nên không nhịn được nữa, tháng 6 năm 2005, tại Singapore, Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld “ngứa miệng” tuyên bố những câu nói mà người ta cho rằng khai hỏa chiến tranh lạnh với Trung Quốc.
Hoa Kỳ không thể ngồi yên để cho Trung Quốc bành trướng thế lực, do đó, đáp lễ lại chuyến công du nam Châu Á của Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, Tổng Thống Bush công du bắc Châu Á.
Ngày 15/11/2005, Tổng Thống Bush đến Tokyo, Nhật Bản, gặp Thủ Tướng Junichiro Koizumi để xiết chặt hơn thế liên minh Mỹ-Nhật. Sau Đệ Nhị Thế Chiến 1945, Nhật khôn ngoan chọn lựa đi với Hoa Kỳ, một cựu thù, nhờ đó phát triển trở thành siêu cường kinh tế. Liên minh Mỹ-Nhật nhiều lần gặp sóng gió, nhưng vì quyền lợi của hai nước, liên minh này càng ngày càng chặt chẽ. Ai cũng biết chuyện này, Trung Quốc không quan tâm chuyến đi của Tổng Thống Bush đến Nhật, và ngay cả người dân Nhật, họ cũng không quan tâm cho lắm. Truyền hình Nhật không nhắc đến chuyến công du này đúng với tầm quan trọng của nó, trong khi đó, họ đưa tin tức ngày đêm, chiếm lĩnh trang báo hàng đầu chuyện công chúa Nhật lấy một người dân thường, từ nay trở về thứ dân, sống một cuộc đời ẩn dật làm một người mẹ và một người nội trợ!!!
Sau đó, ngày 17 tháng 11, Tổng Thống Bush bay đến Seoul nước Nam Hàn, đến hội kiến riêng Tổng Thống Roh Moo-Hyun ở thành phố Gyeonju. Tổng Thống Roh Moo-Hyun đã nhiều lần làm cho nội các của Tổng Thống Bush phải cau mày khó chịu vì thái độ thiếu hợp tác của ông với Hoa Kỳ. Nhớ lại chuyến đi của Tổng Thống Roh đến Hoa Kỳ vào năm 2004, tại Los Angeles, ông Roh tuyên bố học bài học Tây và Đông Đức, Nam Hàn không muốn cho Bắc Hàn sụp đổ vì Nam Hàn không có đủ khả năng tài chánh để giúp Bắc Hàn kiến thiết lại như Tây Đức đã giúp Đông Đức, không khéo, cả hai cùng sụp đổ. Năm 1989, Đông Đức sụp đổ, hàng năm Tây Đức giúp cho Đông Đức khoảng 100 tỷ Mỹ Kim (khoảng 7 ngàn Mỹ Kim một đầu người), thế mà, tới nay đã gần 2 thập niên, Đông Đức vẫn ì ạch, không tiến lên nổi, càng lúc càng trở thành gánh nặng cho Tây Đức, dần dà, người Tây Đức rất bực mình và gọi dân Đông Đức là những kẻ lười biếng. Dân Tây Đức bây giờ muốn hủy bỏ thuế 2% tổng số lợi tức yểm trợ “người anh em Đông Đức” vì họ thấy càng yểm trợ “người anh em Đông Đức” thì “người anh em” này càng lười biếng hơn.
Ai cũng biết người dân Nam Hàn đã mang nợ với Hoa Kỳ, nếu không có Hoa Kỳ giúp bảo vệ trước sự tấn công của Bắc Hàn và Trung Cộng năm 1950-1953 thì coi như Nam Hàn đã ở trong vòng tay kềm tỏa của Cộng Sản. Ai cũng biết nếu không có quân đội của Hoa Kỳ trấn đóng tại Nam Hàn trong hơn 50 năm qua, chắc Nam Hàn đã không có ngày bình yên và họ đã bị Cộng Sản nuốt trửng rồi. Thế nhưng, hành vi không thân thiện mấy với Hoa Kỳ trong vòng vài năm qua của dân Nam Hàn, nhất là Tổng Thống Roh, nhiều người cho rằng Nam Hàn “ăn cháo đái bát” không biết lễ nghĩa phải trái là gì hết, thật vậy hay không? Nói đến đây phải ôn lại bài học Việt Nam, chính Hoa Kỳ yểm trợ cho Nam Việt Nam, nhưng cũng chính Hoa Kỳ đâm sau lưng chiến sĩ VNCH, bán đứng Nam Việt Nam cho Cộng Sản.
Cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cố vấn Ngô Đình Nhu năm 1963, Hiệp Định Paris năm 1973, sự sụp đổ Việt Nam Cộng Hòa năm 1975, v.v., còn sờ sờ ra đó, và các lãnh đạo các quốc gia khác, nhất là Nam Hàn cùng dân chúng nơi đây, họ biết và họ hiểu lịch sử rồi, họ chống Hoa Kỳ không phải vì Hoa Kỳ đã giúp đỡ họ, ngược lại, họ mang ơn là khác, nhưng họ chống là chống bộ mặt giả nhân giả nghĩa, họ chống sự đi đêm, họ chống sự xoay chiều âm thầm và đâm sau lưng chiến sĩ. Điều họ mong chính là sự trung tín, đừng vì quyền lợi mà bỏ rơi đồng minh và bè bạn, kẻo không lâu, chính đồng minh và bè bạn sẽ là kẻ thù không đội trời chung của Hoa Kỳ.
Gặp Tổng Thống Roh, ông Bush đưa ra nhiều kế hoạch. Ông Bush mong ông Roh yểm trợ làm áp lực để Bắc Hàn tuân thủ theo những kế hoạch của Hoa kỳ về các lò vũ khí hạt nhân. Báo chí cho biết ông Bush và ông Roh cùng tuyên bố không thể nhân nhượng được vấn đề Bắc Hàn chế tạo vũ khí hạt nhân. Chuyện đó là chuyện của báo chí, chuyện ở bên trong, chưa chắc đã là vậy. Nếu có vũ khí hạt nhân, Bắc Hàn cũng chẳng dám bỏ những trái bom này ở Nam Hàn giết hại anh chị em bà con ruột thịt của mình!!! Nếu không bỏ bom nguyên tử ở Nam Hàn, thì bỏ ở đâu? Bài học Chiến Tranh Việt Nam cho ta hiểu Hoa Kỳ muốn gì, bề ngoài Hoa Kỳ chống Bắc Việt, bề trong đi đêm và nuôi Bắc Việt, sử dụng chiêu gậy ông đập lưng ông, vận động và lôi kéo Việt Cộng về phe Hoa Kỳ, dùng chính Việt Cộng để đánh lại Trung Quốc và đàn em Cộng Sản Pol Pot. Bề ngoài, Hoa Kỳ làm áp lực Bắc Hàn tuân thủ các chương trình hạt nhân, bề trong, nuôi dưỡng giúp đỡ Bắc Hàn, vận động Bắc Hàn ngã theo Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc, dùng lò vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn để bắn vào Trung Quốc khi hữu sự, nên Hoa Kỳ lúc nào cũng tương nhượng với các đòi hỏi của Bắc Hàn.
Tổng Thống Bush đến tham dự 2 ngày 18 &19 tháng 11 cuộc họp thượng đỉnh lần thức 13 của khối APEC ở tại một tỉnh lẻ Busan. Tổng Thống Bush vận động hành lang để các lãnh đạo trong vùng ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ. Chủ Tịch Hồ C ẩm Đào cũng đến tham dự cuộc họp thượng đỉnh APEC. Trong khi các vị nguyên thủ quốc gia tham dự cuộc họp thượng đỉnh APEC, người dân Nam Hàn đổ ra đường hàng vạn người biểu tình chống toàn cầu hóa và phá vỡ biên cương mậu dịch. Cảnh sát đã phải dùng vòi ròng và lựu đạn cay để giải tỏa những cuộc biểu tình. Người dân Nam Hàn e ngại không cạnh tranh nổi với hàng của Trung Quốc vì giá nhân công của Trung Quốc quá rẻ nên làm cho giá thành của các hàng hóa quá thấp, các hãng của Nam Hàn phải đóng cửa.
Tại cuộc họp thượng đỉnh APEC ở Busan, Tổng Thống Bush gặp lại ông Vladimir Putin, Tổng Thống nước Nga. Cách đây vài tháng, ông Bush có thăm châu Âu, có gặp ông Putin, và trong cuộc gặp gỡ đó, ông Bush kêu gọi ông Putin hãy tuân thủ cách nghiêm chỉnh hơn với các nguyên tắc dân chủ. Lời kêu gọi này của Tổng Thống Bush bị các báo chí Âu Châu chế diễu. Các báo chí Âu Châu đưa ra việc Hoa Kỳ giam giữ các tù nhân “khủng bố” một cách tàn bạo ở trại tù Guantanamo Bay, không cho họ hưởng quy chế tù nhân chiến tranh theo Hiệp Định Geneve vì nội các Tổng Thống Bush cho rằng các quân nhân Taliban là “khủng bố” thì quy chế tù nhân chiến tranh không áp dụng cho họ, vụ xì-căng-đan tiết lộ tình báo Valerie Prime, v.v., và họ hỏi Tổng Thống Bush đó là trong khi Tổng Thống Bush không thi hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc dân chủ thì làm sao yêu cầu một nguyên thủ quốc gia khác tuân thủ được?!! Bên Châu Âu, phong trào “chống Mỹ và Bush để cứu nước” ngày càng lan mạnh.
Tổng Thống Bush đi công du Châu Á, thế nhưng, chiến sự ở Iraq và lý do khơi mào cuộc chiến này cũng đã không tha cho ông, bám sát theo ông suốt cả hành trình. Để cho thế giới chú ý, trong khi Tổng Thống Bush công du bắc Châu Á, nhóm Hồi Giáo quá khích Sunni ở Iraq mở một loạt tấn công và tự sát, phá tan hoang một ngôi đền của nhóm Hồi Giáo Shiit Shiite tại Kurdistan, giết hại hàng trăm tín đồ Shiite và người dân lành. Ở nhà, Phó Tổng Thống Dick Cheny họp Đảng Cộng Hòa, tấn công các lãnh tụ Đảng Dân Chủ là xoay chiều đổi hướng trong quyết định tấn công Iraq năm 2001. Rồi xi-căng-đan vụ án xì tin tình báo của bà Valerie Prime bùng nổ ra, dư luận quần chúng cho rằng đây là một đòn trả thù của nội các Tổng Thống Bush đối với ông Đại Sứ Wilson đã báo cáo Saddam Hussein không hề mua bán bánh vàng (yellow cake tức hóa chất urnanium chế tạo bom nguyên tử) với Nigeria, v.v. Người ta lại đặt các vấn đề này với Tổng Thống Bush ở Busan, và có lẽ quá bực dọc, Tổng Thống Bush trả lời không được đẹp cho lắm, đổ lỗi cho các lãnh đạo Đảng Dân Chủ là “thay đổi lập trường,” “thừa nước đục thả câu,” “thiếu trách nhiệm” v.v. Các báo chí Hoa Kỳ bình luận cho rằng ông Bush bị ngoại công nội kích, nóng nảy, như thế bất lợi cho Đảng Cộng Hòa nói chung và cho nội các của ông nói riêng.
Sau cuộc họp thượng đỉnh APEC tại Busan, ngày 19 tháng 11, Tổng Thống Bush đến Bắc Kinh và gặp Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào. Chuyến viếng thăm của Tổng Thống Bush không có ồn ào, an ninh tăng cường tối đa. Tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân (Great Hall of the People), có lẽ chưa học được bài học với Tổng Thống Vladimir Putin của nước Nga, một lần nữa, Tổng Thống Bush đọc bài diễn văn kêu gọi Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào và các lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc hãy để cho dân chúng có tự do và dân chủ hơn. Phát động chiến dịch dân chủ hóa là điều tốt, là một lý tưởng cao đẹp, nhưng trong lúc bản thân và nội các có những tì vết xâm phạm đến dân chủ và chà đạp quyền con người, thì việc phát động công khai như vậy bị phản tác dụng hơn là có hiệu quả. Chính vì điều này nên ông Hồ Cẩm Đào chỉ mỉm cười, ông rất mềm mỏng trong việc trả lời Tổng Thống Bush. Nhưng, Hoa Tấn Xã dùng chiêu mượn sức người, trích lại các bài bình luận ở Châu Âu đã tấn công Tổng Thống Bush và “cái gọi là dân chủ mà Tổng Thống Bush đang vận động.” Tại Hoa Kỳ, nghe những bài bình luận đó, các dân biểu và nghị sĩ, như nghị sĩ John McCain, đã phải chau mày, và vận động Quốc Hội để thông qua đạo luật hủy bỏ sự áp đặt “tù khủng bố” cho trại tù Guantanamo Bay.
Cũng tại Bắc Kinh, người ta nhắc lại câu “đối tác chiến lược” của Tổng Thống Bush trước đây, bà Ngoại Trưởng Condoleeza Rice lập tức bác bỏ và khẳng định nội các Tổng Thống Bush “chưa hề bao giờ muốn một Trung Hoa yếu kém.” Người ta cũng hỏi Hoa Kỳ có muốn một Đài Loan độc lập hay không. Bà Rice cũng trả lời rõ ràng chính sách của Hoa Kỳ là chỉ có một nước Trung Hoa. Nhắc lại, sau khi Tưởng Giới Thạch bỏ chạy ra Đài Loan năm 1949, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc coi Đài Loan là một quốc gia độc lập, Đài Loan có chân trong Liên Hiệp Quốc. Sau này Trung Cộng mạnh quá, thập niên 1970, Hoa Kỳ ủng hộ cho Trung Cộng, và Đài Loan mất chân trong Liên Hiệp Quốc. Hành vi xoay gió đổi chiều như chong chóng của Hoa Kỳ chỉ vì đặt tiêu chuẩn trên quyền lợi làm cho nhiều người, càng lúc càng hiểu rõ Hoa Kỳ, tỏ ra bất mãn, thất vọng, và có những những trường hợp đưa đến coi nhau như kẻ thù không đội trời chung như vụ Tổng Thống Chavez ở Venezuela, Nam Mỹ.
Tuy nhiên, người ta phải khen Tổng Thống Bush là người có lập trường và can đảm. Tại Bắc Kinh dầu biết lãnh đạo CSTQ không ưa, ông và phu nhân công khai đi nhà thờ, khuyến khích tự do hành đạo. Dầu biết lạnh đạo CSTQ bực mình, ông vẫn kêu gọi tăng giá trị đồng nhân-dân-tệ (Yuan) để cho hàng hóa của Trung Quốc không quá rẻ cạnh tranh tiêu diệt các hàng hóa của các quốc gia khác. Dầu biết sự kêu gọi không đi về đâu, Tổng Thống Bush vẫn nhấn mạnh đến quyền sở hữu trí tuệ, và sang băng lậu, phim ảnh lậu, v.v. là hình thức “hải tặc trí tuệ” ( intellectual piracy ) vi phạm công ước quốc tế. Trung Quốc hứa nhưng không bảo đảm sẽ cộng tác với Hoa Kỳ ngăn chận nạn “hải tặc trí tuệ” này. Đó là một điều đáng khen dành cho ông Bush trong chuyến công du Trung Quốc.
Để kết thúc chuyến đi bắc Á Châu, ngày 21 tháng 11, Tổng Thống Bush đến Ulan Bator nước Mông Cổ và gặp Tổng Thống Nambaryn Enkhbayar. Để hiểu tại sao Tổng Thống Bush lại kết thúc chuyến công du bắc Á Châu tại Mông Cổ, chúng ta cần ôn lại lịch sử của Mông Cổ.
Ai cũng biết con cháu Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ oai hùng chiếm lĩnh Trung Quốc vào thế kỷ thứ 13 lập ra nhà Nguyên. Năm 1368, Chu Nguyên Chương đánh quân Mông Cổ chạy khỏi Trung Quốc và lập nên nhà Minh. Người Mông Cổ từ lúc đó bị thế giới quên lãng. Năm 1604, dưới sự lãnh đạo của Ligdan Khan, một số bộ tộc Mông Cổ đoàn kết lại, họ liên minh với nhà người Mãn Châu tấn công Trung Quốc. Năm 1634, ông Ligdan Khan qua đời ở Tây Tạng. Vì người Mông Cổ không phục quyền người Mãn Châu, nhân cơ hội cái chết của Lighdan Khan, người Mãn Châu xua quân chiếm lấy một phần đất lớn miền nam của Mông Cổ, biến lấy phần đất này làm phần đất của mình, và gọi đây là Nội Mông. Phần đất còn lại mà người Mãn Châu không chiếm đóng năm 1634 được gọi là Ngoại Mông. Năm 1644, Mãn Châu chiếm lấy Trung Quốc, thành lập nhà Thanh, trị vị tới năm 1911. Khi cai trị Trung Quốc, nhà Thanh cai trị luôn cả Nội và Ngoại Mông.
Năm 1911, sau khi nhà Thanh sụp đổ, dưới sự lãnh đạo của Jabtsandamba Khutagt, dân chúng Ngoại Mông nổi dậy tranh đấu độc lập. Khi ấy, Nga Hoàng yểm trợ cho ông Jabtsandamba Khutagt. Năm 1912, ông Jabtsandamba Khutagt tuyên bố Ngoại Mông độc lập. Năm 1917, Lenin và Đảng Cộng Sản Bolsheviks cướp chính quyền, Nga Hoàng bị sát hại. Năm 1920, Lenin đưa 5000 hồng quân gốc người Nga vào Mông Cổ, yểm trợ cho ông Damdiny Subaatar (1893-1924) thành lập Đảng Cách Mạng Nhân Dân Mông Cổ, tiếng Anh viết là Mongolian People’s Revolutionary Party, viết tắt là MPRP, hay được gọi là Đảng Cộng Sản Mông Cổ. Thấy Nga đem quân vào Ngoại Mông, các sứ quân Trung Quốc cũng đem quân vào chiếm lấy vùng đất này. Cuộc chiến Quốc – Cộng giữa ông Jabtsandamba Khutagt khai diễn, nhưng không khốc liệt, ông Jabtsandamba Khutagt lưỡng đầu thọ địch. Ông thất thế, rút vào kháng chiến và các sứ quân Trung Quốc chiếm lấy Ngoại Mông. Ông Jabsandamba Khutagt qua đời năm 1924. Với sự yểm trợ của Hồng Quân Nga, ngày 11 tháng 7 năm 1921, ông Damdiny Suhbaatar và Đảng Cộng Sản Mông Cổ đánh đuổi quân đội của các sứ quân Trung Quốc ra khỏi Ngoại Mông, đem lại quyền kiểm soát Ngoại Mông vào trong tay Đảng Cộng Sản. Năm 1924, ông Damdiny Suhbaatar qua đời. Ông Damdiny Suhbaatar qua đời, không có ai sáng giá để thay thế ông, nhưng vì Đảng Cộng Sản đã hoàn toàn kiểm soát Ngoại Mông, họ không khó khăn gì để tổ chức ăn mừng độc lập. Ngày 26 tháng 11 năm 1924, một lần nữa Ngoại Mông tuyên bố độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, và từ đây người ta gọi Ngoại Mông là nước Mông Cổ. Nội Mông không thoát khỏi vòng kềm tỏa của các quân phiệt Trung Quốc, và ngày hôm nay là một tỉnh của Trung Quốc. Năm 1961, Mông Cổ là một thành viên của Liên Hiệp Quốc.
Từ thập niên 1930 đến năm 1990, Liên Xô và Trung Cộng có những căng thẳng và xích mích, Mông Cổ luôn ngã về phía Liên Xô. Năm 1986, Gorbachev là Tổng Bí Thư, đưa ra 2 chính sách „Glasnost (cởi mở) và Perestroika“ ! (tái cấu trúc), Tổng Bí Thư ĐCS Mông Cổ Jambyn Batmonh ngã theo khuynh hướng này, mở cửa cho dân chúng. Người Mông Cổ được cơ hội, thành lập các tổ chức chống đối, tổ chức các cuộc biểu tình. Lúc đầu, sự chống đối còn yếu ớt, sau này, ngày càng một mạnh thêm. Năm 1990, bắt chước Đông Âu, các đảng phái dân chủ tổ chức một cuộc biểu tình vĩ đại ở thủ đô Ulan Bator, còn được gọi là Ulaanbaatar. Tháng 3 năm 1990, Đảng Cộng Sản Mông Cổ đồng ý với phe đối lập tổ chức tổng tuyển cử. Tổng tuyển cử được tổ chức vào tháng 7 năm 1990, phe Cộng Sản đại thắng, các đảng phái dân chủ chỉ có 4% số phiếu. Sự chia rẽ đã làm cho phe dân chủ thất bại. Sau khi cái nôi cách mạng cộng sản sụp ở Liên Xô, các phe phái dân chủ ở Mông Cổ liên hiệp lại với nhau, gom lại thành hai đảng: The Mongolian National Democratic Party và The Mongolian Social-Democratic Party. The Mongolian National Democratic Party có khuynh hướng quốc gia, còn The Mongolian Social-Democratic Party có khuynh hướng xã hội như các Đảng Xã Hội ở Châu Âu, tức là, có mùi vị của Đệ Nhị Quốc Tế Cộng Sản. Ngày 12 tháng 2 năm 1992, Hiến Pháp mới được tuyên bố. Năm sau, ứng cử viên phe đối lập là ông Punsalmaagiyn Ochirbat được bầu làm Tổng Thống. Phe Cộng Sản vẫn còn mạnh, nhưng những kỳ bầu cử sau, phe Cộng Sản cứ tuột dốc dần, cuối cùng, họ không còn ảnh hưởng bao nhiêu.
Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bầu cử ở Mông Cổ. Họ đã cho các băng nhạc Rock qua bên đó trình diễn văn nghệ, trong các buổi này, hàng vài chục ngàn người tham dự, các nghệ sĩ vận động cho phe dân chủ, đó là lý do tại sao phe dân chủ về sau thắng thế cách nhanh chóng và mạnh mẽ như vậy. Hoa Kỳ biết là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên phe dân chủ thua, nhưng họ vẫn hỗ trợ, vì họ muốn dùng đây là một đòn bẩy, nạy cánh cửa dân chủ ra từ từ. Họ biết cuộc bầu cử đầu tiên phe dân chủ thua, Hiến Pháp, Cờ, và Quốc Ca của cộng sản vẫn còn, làm cho nhiều người bực mình, nhưng, Hoa Kỳ vẫn yểm trợ, vì họ tin rằng sau khi đã có thế lực, họ sẽ lật lại ván cờ. Suy tính này của Hoa Kỳ đã đúng ở Mông Cổ, sau này Hiến Pháp, Cờ, và Quốc Ca của Cộng Sản cũng bị vất vào thùng rác luôn.
Nhân chuyến viếng thăm Ulan Bator, Tổng Thống Bush viện trợ kỹ thuật quân sự cho Mông Cổ 20 triệu Mỹ Kim. Ông Khasbazar Boldbat, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mông Cổ, tuyên bố: “Chúng tôi sống trong một khu vực phức tạp. Người Mỹ bây giờ trở nên đồng minh rất quan trọng cho chúng tôi để cân bằng thế lực trong vùng.” Tưởng cũng xin nhắc lại, năm 2001, Mông Cổ gởi 150 binh lính sang Iraq tham dự cuộc chiến nơi này như một hình thức ủng hộ Tổng Thống Bush và hiện nay vẫn còn khoảng 130 lính Mông Cổ ở vùng chiến sự đó. Tổng Thống Nambaryn Enkhbayar và dân chúng Mông Cổ đón tiếp Tổng Thống Bush một cách rất long trọng. Đường phố thủ đô Ulan Bator náo nhiệt, dân chúng tràn ra đường hoan hô ông Bush. Trong biển người ủng hộ ông Bush, lạc lỏng có 4 người ngồi bên vệ đường cầm bảng biểu tình yêu cầu ông Bush rút quân ra khỏi Iraq. Tổng Thống Nambaryn Enkhbayar cho thao dợt quân đội, 9000 binh lính tuần hành, 11 chiếc phản lực cơ chiến đấu, như một hình thức dàn chào Tổng Thống Bush. Vinh dự này, từ trước tới nay, chưa một nguyên thủ nào được. Hành động đó của Tổng Thống Nambaryn Enkhbayar là muốn nhắn gởi với Trung Quốc đó là Mông Cổ đã có một người bạn “thân tín” ở xa, không còn dễ dàng gì cho Trung Quốc làm áp lực đâu. Tới Ulan Bator, Tổng Thống Bush đáp lễ chuyến viếng thăm Việt Nam của Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, và sự đón tiếp long trọng này chính là một nhắn nhủ cho biết Hoa Kỳ “nắm vững” Mông Cổ, giúp cho Mông Cổ tiền bạc và công sức để kiến thiết quốc gia, chớ không phải như Trung Quốc đến Việt Nam, làm áp lực Việt Nam cắt đất dâng biển!!!
Tổng Thống Bush kết thúc chuyến công du bắc Á là muốn nhắn gởi cho Trung Quốc đó là dân chủ tất yếu sẽ đến. Trung quốc lấy Việt Nam ở phía nam Trung Quốc làm địa bàn vận động ảnh hưởng, và đối lại, Hoa Kỳ lấy Mông Cổ ở phía bắc Trung Quốc cho công việc vận động của mình. Việt Nam còn nằm trong vòng kềm tỏa của cộng sản, Mông Cổ đã thoát ra khỏi vòng kềm tỏa này. Hoa Kỳ cũng muốn nhắn gởi cho các lãnh đạo CSVN biết rằng Mông Cổ có ân oán lịch sử với Trung Quốc, Mông Cổ khôn khéo ngã về Nga, Hoa Kỳ, hay Tây Phương để còn tìm đường sống còn, còn Việt Nam, dại thì cứ loay hoay với “thiên triều” đi, cả nước chỉ có đói khổ mà thôi, nhất là, dại mà cho Trung Quốc thuê vịnh Cam Ranh, sau này sẽ hối hận không kịp.
Lời Kết :
Chuyến công du của hai vị nguyên thủ hai siêu cường tại Châu Á cho mọi người nhìn thấy đó là Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ráo riết tìm cách tạo ảnh hưởng ở vùng đất này. Lãnh đạo quốc gia nào khôn thì dân chúng được nhờ, lãnh đạo quốc gia nào dại thì dân chúng sẽ khổ. Có lẽ vì cảm thông nỗi khổ của dân Việt Nam trong những ngày tháng tới nên mới đây tượng Đức Mẹ ở Sài Gòn đã khóc, tượng Đức Mẹ của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Sacramento, thủ phủ bang California, đã ứa lệ máu, và tượng Đức Mẹ La Vang ở Xóm Chiéu Sài Gòn cũng ứa lệ như vậy!! Điềm gì đây? Năm ngoái, vào dịp Lễ Giáng Sinh, cơn sóng thần (tsunami ) đã làm cho nhiều quốc gia Châu Á điêu linh, năm nay, Lễ Giáng Sinh tới, các tượng Đức Mẹ đã ứa lệ máu, dân Việt Nam sẽ chứng kiến cảnh tượng gì đây? Dân Việt đã quá đau khổ rồi, mong Thượng Đế hãy giơ tay chúc phúc bình an chớ không phải giận dữ giơ tay giáng họa./.
Houston ngày 27/11/05.
-------oo0oo-------
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.
Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội
Thác Bản Giốc đẹp đẽ của đất nước Việt Nam yêu dấu.