Trang Bạn Đọc dùng đăng tải những bài viết của bạn đọc gởi về cho chúng tôi. Vietlist chấp nhận mọi thể loại mọi đề tài, từ khoa học, kỹ thuật cho tới văn thơ, nữ công, gia chánh... Chúng tôi sẽ đăng tải nếu bài viết thích hợp với lập trường của người Việt Quốc Gia. Xin quý vị gởi bài cho chúng tôi qua email: vietlist09@yahoo.com. Kính chúc quý đọc giả vui khỏe.
Sơn Tùng
source: email from a reader.
Trong một bài viết nhan đề “Phía trước một con đường” ngày 16.2.2010, Nhà báo Lữ Giang đã nêu ra một vấn đề được bàn cãi đã nhiều và đã lâu: Dân trí hay Tự do, cái nào trước cái nào sau cần cho cuộc đấu tranh để đưa dân tộc Việt Nam ra khỏi đêm đen của áp bức, nghèo khổ, chậm tiến?
Ông Lữ Giang đã dựa vào câu chuyện của người dân trong cái xã nghèo An Thới Đông ở miền Nam Việt Nam để dẫn chứng rằng từ thời Pháp thuộc tới Việt Nam Cộng Hòa, tới Xã Hội Chủ Nghĩa ngày nay, đời sống của người dân tại đây “vẫn vậy, gần như chẳng có gì thay đổi” và tác giả nhận định: “Họ chẳng hề nghĩ đến tự do, dân chủ hay nhân quyền, và cũng chẳng bao giờ đòi ‘giải phóng quê hương’, họ chỉ lo miếng ăn”.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, An Thới Đông thuộc tỉnh Phước Tuy, rồi chuyển sang tỉnh Biên Hòa vào năm 1960. Thời Cộng Sản, An Thới Đông thuộc tỉnh Gia Định, rồi được đưa qua tỉnh Đồng Nai, hiện nay nằm trong huyện Cần Giờ thuộc thành phố HCM (Sài-gòn). Theo Ông Lữ Giang, huyện Cần Giờ có tổng sản lượng (GDP) thấp nhất trong các huyện của thành phố.
Ngày 3.2.2010 vừa qua, lễ khánh thành con đường trải đá dẫn vào xã nghèo An Thới Đông có cờ, có hoa, có cả đoàn múa lân tưng bừng, và khi “đoàn xe của các vị lãnh đạo đã qua, những hạt bụi mịt mờ đã tan biến nhưng vẫn để lại nhiều và nhiều mảng đời bữa no bữa đói”, như lời anh Tư Cua, tác giả bài “Phía trước một con đường” mà Ông Lữ Giang đã trích đăng và dùng làm tựa đề cho bài của mình.
Cảnh nghèo của dân xã An Thới Đông do anh Tư Cua kể trong bài cũng đã được Ông Lữ Giang dùng để so sánh với cái nghèo ở nhiều vùng đất khác trên thế giới như tại Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Napal, Pakistan, Srilanca..., những miền đất bất hạnh nằm trong mục tiêu phát triển của Liên Hiệp Quốc trong kế hoạch “Millennium Development Goals” từ năm 2000, và tác giả kết luận như sau:
“Như chúng tôi đã nói ở trên, trong tình trạng khốn cùng, người dân An Thới Đông ở Sài Gòn, người Dalit ở Ấn Độ, người nghèo ở Haiti hay vùng Sahara của Phi Châu... chẳng hề nghĩ đến tự do, dân chủ hay nhân quyền, và cũng chẳng bao giờ đòi ‘giải phóng quê hương’, họ chỉ lo miếng ăn. Tuy nhiên, nếu chúng ta nâng cao cuộc sống và trình độ kiến thức của họ lên, họ sẽ từ từ ý thức được những quyền của con người và của người dân, và đòi hỏi phải tôn trọng những quyền đó, đồng thời họ cũng sẽ tự tìm ra một lối thoát cho cuộc sống của chính họ.
“Giáo hội Công Giáo cũng chủ trương như vậy, nên khi đến Ấn Độ, đến sa mạc Sahara ở Phi Châu hay đến với đồng bào sắc tộc ở cao nguyên Trung Phần... Giáo Hội đều nỗ lực nâng cao mức sống và nhất là trình độ kiến thức của những người kém may mắn lên.
“Vào tháng 6 năm 2006, một tân giáo xứ An Thới Đông đã được thành lập với một thánh đường rộng khoảng 500 mét vuông. Thánh đường được đặt tên là Gioan Tẩy Giả. Năm 1993, Linh mục Chân Tín bị lưu đày đến đây, cũng đã truyền giáo và có một nhóm giáo dân là 12 người. Nay số giáo dân đã lên 483.
“Sứ mạng đặc biệt của giáo xứ An Thới Đông là chăm sóc những trẻ khuyết tật và những người nghèo khó cần được trợ giúp. Hiện giáo xứ đã có một trung tâm để nuôi dưỡng khoảng 40 trẻ em khuyết tật. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã nói với phóng viên của hãng thông tấn Asia News: ‘Giáo xứ đạt được mục tiêu như ngày hôm nay là do nhiều giáo dân tích cực tham gia công tác. Đây là một dấu chỉ cho thấy tín hữu tại Sài-gòn đã thay đổi tâm thức về tự do tôn giáo. Họ muốn ngày càng có nhiều tự do hơn nữa’.
“Chúng tôi rất mừng khi thấy nhiều cá nhân và đoàn thể của người Việt hải ngoại đang đi theo Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc để làm cho đất nước ngày càng tươi sáng hơn. Anh Tư Cua An Thới Đông ở trong nước, bốn bề bị che kín mà cũng đã nhận ra rằng ‘chỉ có một con đường duy nhất là nâng cao dân trí và nhận thức cho xã nghèo’!” (ngưng trích).
Trên đây là câu kết luận bài “Phía trước một con đường” của Ông Lữ Giang để chấm hết như một khẳng định. Nhưng, có nên coi nhận định của một người “bốn bề bị che kín” như anh Tư Cua xã An Thới Đông là chân lý hay không?
Chắc hẳn là không. Nâng cao dân trí và nhận thức cho người dân trong một xã nghèo là một con đường, nhưng không phải là “con đường duy nhất”.
Ngoài xã An Thới Đông, có rất nhiều thôn xã nghèo, rất nghèo, và dân trí thấp kém tại nước Việt Nam đắm chìm trong nghèo đói, áp bức, chậm tiến, khổ đau. Và từ hàng trăm năm nay đã có những người đi tìm “một con đường” để đưa dân tộc Việt Nam cùng tiến lên với các dân tộc đi trước.
Từ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đến Phạm Quỳnh, và đến các đảng phái được thành lập trong suốt Thế kỷ 20 cho tới ngày nay, cùng với hai cuộc chiến kéo dài 30 năm mà cuối cùng là một chế độ độc tài, độc đảng, tước đoạt mọi quyền tự do của người dân.
Chế độ ấy được dựng lên không phải do dân nghèo, hay do dân trí thấp kém. Những Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp... không phải là những người nghèo, và không phải là những người không có học. Và dĩ nhiên những “trí thức” được cộng sản chiêu dụ lại càng không phải là những người dốt. Hiển nhiên Đảng Cộng Sản đã lợi dụng sự nghèo khổ và sự hiểu biết thấp kém của dân quê Việt Nam để tuyên truyền, nhưng đã nắm được chính quyền và duy trì được chế độ là do bạo lực.
Chế độ ấy mang chiêu bài “độc lập, tự do, hạnh phúc” đã nắm quyền cai trị miền Bắc VN từ năm 1955 và luôn cả miền Nam VN từ năm 1975, cho đến nay Việt Nam về căn bản vẫn là một xã hội nông nghiệp với những thôn xóm nghèo như An Thới Đông, trong lúc những “quan cách mạng” có hàng tỉ đô-la, sống đế vương hơn bất cứ giai cấp phong kiến, “tư bản bóc lột” nào trong quá khứ bị họ kết tội, coi là kẻ thù giai cấp và tiêu diệt.
Với một chế độ như vậy, muốn thay đổi đời sống tăm tối của thôn xóm nghèo như An Thới Đông không thể chỉ “nâng cao cuộc sống và trình độ kiến thức của họ lên, họ sẽ từ từ ý thức được những quyền của con người và của người dân, và đòi hỏi phải tôn trọng những quyền đó, đồng thời họ cũng sẽ tự tìm ra một lối thoát cho cuộc sống của chính họ”.
Chưa nói nâng cao cuộc sống và kiến thức của người dân là trách nhiệm của chính quyền, những việc làm có tính cách xã hội hay nhân đạo của những tổ chức tư nhân, kể cả các tôn giáo, không thể được coi là “con đường duy nhất” để giải thoát dân tộc Việt Nam khỏi đời sống mất tự do, thiếu hạnh phúc, không độc lập.
Những hoạt động nhân đạo và xã hội của Giáo hội Ki-tô giáo tại xã An Thới Đông cũng như tại những nơi khác trên thế giới là đáng ca ngợi, nhưng không đủ “để làm cho đất nước ngày càng tươi sáng hơn” như lời ông Lữ Giang.
Muốn làm cho đất nước Việt Nam tươi sáng hơn, cần có những trí thức chính danh có đủ sự minh triết, có trí, có tâm, và có dũng đứng lên phất cờ, đi đầu lãnh đạo cuộc đấu tranh của toàn dân để đòi lại tự do, nhân quyền đã bị một thiểu số của Đảng Cộng sản VN cướp đoạt. Những trí thức ấy đã và đang đứng lên ngày một nhiều tại Việt Nam để mở ra một con đường đưa đất nước và dân tộc Việt Nam ra khỏi đêm đen.
Trình độ kiến thức cần cho mọi người dân, nhưng không phải cứ có học là (như lời Ông Lữ Giang) “sẽ từ từ ý thức được những quyền của con người và của người dân, và đòi hỏi phải tôn trọng những quyền đó, đồng thời họ cũng sẽ tự tìm ra một lối thoát cho cuộc sống của chính họ”.
Chưa kể tiến trình nâng cao kiến thức người dân sẽ kéo dài không biết tới bao giờ (do Cụ Phan Chu Trinh khởi xướng từ năm 1904), như đã nói ở trên, kiến thức không bảo đảm giải trừ được tội ác. Lê-nin, Xit-ta-lin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Pôn-pốt, Iêng-xa-ri... đều là những kẻ có kiến thức. Osama bin Laden và những tên khủng bố Hồi giáo cực đoan ngày nay cũng đều là những kẻ có học, kể cả bằng đại học, và có nhiều tiền của.
Vì có định kiến với “những người chống cộng ở hải ngoại” nên Ông Lữ Giang chống luôn cả sự yểm trợ cần thiết của người Việt hải ngoại cho cuộc đấu tranh vì tự do đang diễn ra tại Việt Nam khi ông viết:
“Người Việt hải ngoại có rất nhiều ‘chính trị gia lão thành’. Họ đã từng chiến đấu hay làm việc với Mỹ ở Việt Nam 20 năm, nhưng lại không biết Mỹ và Cộng sản làm gì nên đã để mất miền Nam. Có người đã từng ở tù Cộng sản trên 10 năm, tự xưng là ‘đi guốc trong bụng Cộng sản’, định qua Mỹ dạy cho Mỹ chống cộng. Nhưng khi ra hải ngoại, mặc dầu đã sống với chính trường Mỹ 10 năm, 15 năm, hay 20 năm, họ cũng không biết Mỹ và Việt Cộng đang toan tính gì. Mỹ đã vạch ra ‘con đường chiến tranh lạnh’ cách đây 65 năm và người Việt chống cộng đã bám chặt vào con đường này với hy vọng sẽ đánh bại cộng sản. Khi tình thế thay đổi, Mỹ đã bỏ con đường đó và đưa ra ‘con đường diễn biến hòa bình’, người Việt chống cộng trở thành những con nai vàng ngơ ngác, cứ theo con đường cũ mà đi và thường bị sập bẫy của Việt Cộng!” (ngưng trích)
Ông Lữ Giang thường muốn tỏ ra là một “người biết quá nhiều”, cả về người Mỹ lẫn Việt Cộng (dù những nguồn tin của ông ít khi có xuất xứ xác định) và muốn nói lên lập trường “chống cộng”, nhưng những bài viết của ông lại thường không đóng góp vào việc chấm dứt bạo quyền cộng sản tại Việt Nam – như bài “Phía trước một con đường”.
Sơn Tùng
22.02.2010