Home Page Vietlist.us

Trang Bạn Đọc dùng đăng tải những bài viết của bạn đọc gởi về cho chúng tôi. Vietlist chấp nhận mọi thể loại mọi đề tài, từ khoa học, kỹ thuật cho tới văn thơ, nữ công, gia chánh... Chúng tôi sẽ đăng tải nếu bài viết thích hợp với lập trường của người Việt Quốc Gia. Xin quý vị gởi bài cho chúng tôi qua email: vietlist09@yahoo.com. Kính chúc quý đọc giả vui khỏe.

Trang Bạn Đọc - Vietlist.us




Đức Đạt Lai Lạt Ma Gặp Obama  

 

Việt Báo Thứ Sáu, 2/19/2010, 12:00:00 AM
datlai
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với báo chí bên ngoài Bạch Ốc sau khi Ngài họp với TT Barack Obama hôm Thứ Năm 18-2-2010 tại Washington DC. Ngài nói rằng TT Obama bày tỏ ủng hộ trong buổi họp mặt. Trước đó, khi bước tới gần báo chí, Ngài cúi xuống bốc một nắm tuyết, ném nhẹ về phía báo chí, nói rằng xin đừng hỏi “những câu hỏi tức cười.” Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao TC Ma Zhaoxu đưa ra bản văn vào sáng sớm Thứ Sáu nói là TC “thất vọng mạnh mẽ” về buổi họp giữa Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma, và hy vọng Mỹ sẽ có các bước tiến ngoại giao lành mạnh hơn. (Photo AFP/Getty Images)


Bất chấp Trung Cộng lớn tiếng phản đối, TT Obama không chỉ tiếp Đức Dalai Lama, mà còn tuyên bố ủng hộ Tây Tạng…
Trần Vũ theo AP, Feb 18, 2010

datlai

Tuy 75 tuổi, nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma
hoạt động khắp thế giới, một cách bận rộn
và minh mẫn như một tráng niên.
Cảnh họp báo ngoài toà Bạch Ốc.
Photo courtesy: AP


  Cali Today News - Thứ năm 18/2, TT Obama có cuộc hội kiến với Đức Dalai Lama tại Tòa Bạch Ốc và điều này chắc chắn sẽ làm Trung Cộng tức giận thêm và khiến cho mối giao hão giữa hai cường quốc càng thêm căng thẳng.

  Nhưng các nhà quan sát cho là việc tiếp kiến này sẽ không ảnh hưởng đến tổng giá trị mậu dịch song phương lên tới 366 tỉ đô la và tiền nợ của chính phủ Mỹ đối với TC là 755 tỉ đô la.

  Yan Xuetong, Giám đốc Viện International Studies của đại học Tsinghua, nhận xét là Mỹ và TC vừa là đối thủ, vừa là đối tác: “Cả hai thường tự nhận là bạn với nhau, thật ra không phải như thế”.

  Các căng thẳng gần đây đã gia tăng khi Mỹ bán vũ khí trị giá 6.4 tỉ đô la cho Đài Loan, công ty Google hăm dọa rút khỏi TC và TC gia tăng thuế đánh vào gà nhập cảng từ Mỹ.

Ngoài ra hai siêu cường còn có những quan điểm khác nhau về vấn đề ô nhiễm môi trường và về vấn đề tham vọng nguyên tử của hai quốc gia bướng bỉnh là Bắc Hàn và Iran.

  Tuy nhiên theo Orville Schell, một chuyên gia về TC thì các xung khắc đó không thể gây ảnh hưởng tới quan hệ song phương, vốn là loại quan hệ “quan trọng nhất thế giới” về mặt chính trị và kinh tế.

  Một dấu hiệu tích cực khác là hàng không mẫu hạm USS Nimitz và 4 tàu chiến của Mỹ hôm qua đã ghé vào Hồng Kông và hơn 5,000 thủy thủ được dịp lên bờ nghỉ ngơi giải trí.

Đức Dalai Lama bao giờ cũng là cái gai trong mắt Bắc Kinh, đặc biệt khi Ngài đến thăm Hoa Kỳ. Từ thời TT Bush (cha) năm 1991 đến nay, Ngài đã diện kiến với từng TT Mỹ sau đó.

  Mới đây sau một cuộc đàm phán, nhà cầm quyền ở Bắc Kinh đã bác bỏ tất cả yêu cầu về quyền tự trị của người Tây Tạng do Đức Dalai Lama đưa ra. 

  Theo Douglas Paal, Phó Chủ Tịch hiệp hội Carnegie Endowment for International Peace thì có thể “lý do làm TC lên cơn giận dữ là TC e ngại ảnh hưỏng của cuộc gặp gỡ này đối với dân chúng TC hơn”.

Trong cuộc gặp gỡ 45 phút giữa hai nhà đoạt giải Nobel Hòa Bình, là Đức Đạt Lai Lạt Ma và TT Obama, TT Obama đã lên tiếng ủng hộ Tây Tạng về nhân quyền và bản sắc của dân tộc này. Theo Tùy viên báo chí tòa Bạch Ốc là ông Robert Gibbs thì “tổng thống đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc giữ gìn bản sắc tôn giáo, ngôn ngữ và văn hoá đặc thù của người Tây tạng và bảo vệ nhân quyền của người Tây tạng trong khuôn khổ của Trung Cộng.”

Ngay lập tức, Trung Cộng lên án Đức Đạt Lai Lạt Ma và cho rằng vị lãnh tụ Phật giáo này không thành thật, thu hút tín đồ qua những bài giáo pháp với mục đích chia rẽ nước Trung Hoa.

  Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Cộng là Ma Zhaoxu còn lên án Hoa Kỳ là Mỹ đã hành xử trên những nhận thức cũ kỹ, không tôn trọng và vi phạm “những tiêu chuẩn căn bản và nguyên tắc nền tảng trong bang giao quốc tế, và không tôn trọng chủ quyền của Trung hoa.” Ông ta còn lên án tiếp là cuộc họp đã “đi ngược lại sự thừa nhận của Mỹ được lập lại nhiều lần là Tây Tạng là một phần của Trung Cộng và Mỹ sẽ không ủng hộ Tây Tạng giành độc lập.”

  Về phiá Đức Đạt Lai Lạt Ma, sau phiên họp, đã bước ra ngoài tòa Bạch Ốc, gặp gỡ ký giả, và nói rằng ông rất “hạnh phúc” có được sự ủng hộ của TT Obama, và sau đó còn nghịch tuyết với ký giả.

TT Hoa Kỳ ca ngợi quan điểm và thái độ “trung đạo” của Đức Đạt Lai Lạt Ma: Đó là sự quyết tâm chống lại thái độ bạo động và tìm kiếm cách đối thoại với Bắc Kinh. Trong lúc đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma thì bày tỏ thích thú ông TT Obama cao nghều và rất năng nổ.

  Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định rằng ông chấp nhận sự cai trị của Trung Cộng, nhưng chỉ đòi quyền tự trị và nhân quyền rộng rãi hơn, vì theo Ngài, thái độ này là vì lợi ích của Tây Tạng, một đất nước rất, rất lạc hậu, nghèo nàn, ở một địa thế bị cô lập.

Trong lúc cuộc họp diễn ra, Đức Đạt Lai Lạt Ma còn gặp gỡ Ngoại trưởng Hillary Clinton và được hàng trăm người Tây tạng hoan nghênh chào đón, vẫy cờ và hò reo” Đức Đạt Lai Lạt Ma vạn tuế” và “Cám ơn TT Obama.”

Kể từ khi Tây Tạng bị chiếm đóng và Đức Đạt Lai Lạt Ma sống lưu vong, đã 50 năm trôi qua, vị lãnh tụ tinh thần và chính quyền của Tây tạng, ngày càng tạo ra sự ảnh hưởng đáng kể đối với Phương Tây trên phương diện tôn giáo cũng như chính trị.

Trần Vũ theo AP

Page 1 of 1

http://www.calitoday.com/news/view_article.html?article_id=c0bfd848044b964e5dd160ec871c105d

 

Tổng thống Mỹ tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng
Tú Anh; 19/02/2010

datlai

Trong quan hệ Mỹ Trung, Tây Tạng là một trong ba hồ sơ nhạy cảm nhất bên cạnh Đài Loan và thương mại mà Hoa Kỳ gọi là 3 chữ T: Tibet, Taiwan và Trade.

Bắc Kinh thất bại trong việc gây sức ép với Washington. Mặc dù bị Trung
Cộng liên tục cảnh báo trong nhiều tuần qua, tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng. Ngoại trưởng Mỹ cũng tiếp lãnh đạo tinh thần Tây Tạng tại bộ ngoại giao trong bối cảnh xung khắc mỗi ngày mỗi nhiều trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.

Tháng 10 năm ngoái, vài tuần trước khi công du Trung
Cộng lần đầu tiên, tổng thống Mỹ Obama đã từ chối hội kiến Đức Đạt Lạt Ma. Nhưng hôm nay (18/2), lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong được tiếp đón tại Nhà Trắng và bộ ngoại giao Mỹ mặc dù liên tiếp trong những tuần qua, chính quyền Bắc Kinh nhiều lần cảnh báo.

Đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, Đức Đạt Lai Lạt Ma là thủ lĩnh một phong trào ly khai, âm mưu chia cắt Tây Tạng ra khỏi “tổ quốc”. Bắc Kinh đe dọa là sự kiện tổng thống Mỹ tiếp Đức Đạt Lai sẽ gây “tác hại” đến quan hệ song phương.

Về phía Tây Tạng, cuộc gặp gỡ này là cơ hội để Đức Đạt Lai Lạt Ma trình bày với lãnh đạo Hoa Kỳ những nguyện vọng thiết yếu của người dân Tây Tạng đang bị Trung
Cộng thống trị bằng một chính sách hán hóa cũng như kêu gọi siêu cường số một giúp đỡ tìm một giải pháp cứu nguy Tây Tạng.

Phát ngôn viên của Đức Đạt Lai Lạt Ma xem cuộc hội kiến tại Nhà Trắng là một “tín hiệu mạnh mẽ” gởi đến chính quyền Trung
Cộng.

Trưởng đoàn thương thuyết của Tây Tạng, Lodi Gyari cho biết thêm là Đức Đạt Lat Lạt Ma sẽ kêu gọi tổng thống Mỹ giúp tìm một giải pháp “có lợi cho hai dân tộc Tây Tạng và Trung Hoa”.

Mặc dù Trung
Cộng nhiều lần chỉ trích và đe dọa nhưng áp lực này bị thất bại. Theo AFP, Washington không những không hủy bỏ chương trình tiếp đón mà còn thông báo là “ngoại trưởng Hillary Clinton cũng sẽ hội kiến với Đức Đạt lai Lạt Ma và sẽ thảo luận về cơ hội gặp gỡ thêm trong tương lai”.

Trong quan hệ Mỹ Trung, Tây Tạng là một trong ba hồ sơ nhạy cảm nhất bên cạnh Đài Loan và thương mại mà Hoa Kỳ gọi là 3 chữ T: Tibet, Taiwan và Trade.

Tiêu hủy uy tín xây dựng suốt 10 năm

Theo nhiều nhà phân tích thì dù Trung
Cộng có đe dọa thì thực tế cũng sẽ không dám thi hành đến nơi đến chốn.

Cụ thể là khi Hoa Kỳ thông báo bán vũ khí tối tân cho Đài Loan, phản ứng của Trung
Cộng cũng chỉ là tạm ngưng “quan hệ quân sự chiến lược” nhưng lại không cấm hàng không mẫu hạm Nimitz cập bến cảng Hong Kong.

Một lý do nữa là giới lãnh đạo Trung
Cộng có lẽ đã ý thức được hình ảnh của họ đã bị xấu đi rất nhiều trên trường quốc tế. Báo chí Hoa lục đã phổ biến rộng rãi nhận định của nhật báo Anh Financial Times khẳng định : chỉ trong vòng hai tuần lễ cuối năm 2009, Bắc Kinh đã tự tiêu hủy uy tín được xây dựng suất một thập niên. Qua thái độ tiêu cực tại hội nghị môi trường Copenhagen, bản án tù đối với nhà trí thức dân chủ Lưu Hiểu Ba, tác giả Hiến chương 08, và qua việc xử tử một công dân Anh.

Về phía Mỹ, chính quyền Obama đã thấy rõ thái độ thiếu hợp tác của Trung
Cộng trong chuyên công du hồi cuối tháng 11, có dịp chứng kiến thêm một lần nữa thái độ trịch thượng của một viên chức cấp thấp của Bắc Kinh tại bàn đàm phán Copenhagen.

Tiếp theo đó là vụ Trung
Cộng kiểm duyệt công ty dịch vụ Google cho thấy bàn tay kiểm soát thông tin của Bắc Kinh cũng như những khó khăn áp đặt lên các công ty ngoại quốc hoạt động tại Trung Cộng mà gần đây nhất là vụ tập đoàn khoáng sản Anh Úc Rio Tinto.

Tóm lại, theo giới phân tích, đã đến lúc các nước Tây phương phải có một sách lược chung buộc Trung
Cộng phải hành xử như một cường quốc đúng nghĩa, với bổn phận và trách nhiệm trên trường quốc tế .

Áp lực của thành phần cử tri tiến bộ tại Mỹ

Vì những nguyên nhân sâu xa nào : nội tình chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế thúc đẩy mà tổng thống Hoa Kỳ phớt lờ những đe dọa của Bắc Kinh ?

Mời quý thính giả theo dõi phân tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia Trung
Cộng, đại học Maine- Hoa Kỳ :

http://www.rfi.fr/player/telecharger.aspxancien=False&fichier=http://telechargement.rfi.fr.edgesuite.net/rfi/vietnamien/audio/modules/actuvi/R122/ ITWNGOVINHLONG_180210.mp3


Đức Đạt Lai Lạt Ma là con tin trong cuộc mặc cả Mỹ-Trung ?

Đức Tâm,

Ngày hôm nay, 18/02/2010, tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng, bất chấp những lời cảnh báo của Trung Quốc là cuộc gặp này sẽ làm tổn hại đến quan hệ song phương.

Trước chuyến công du Trung
Cộng hồi tháng 11 năm ngoái, tổng thống Mỹ đã hủy bỏ cuộc gặp với lãnh đạo tinh thần Tây Tạng vì không muốn làm phật lòng Bắc Kinh. Tuy nhiên, sự nhượng bộ này của ông Obama đã càng làm cho Trung Cộng lấn tới.

Cuộc gặp giữa tổng thống Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma diễn ra trong bối cảnh bang giao Mỹ-Trung đã tồi tệ đi một cách nhanh chóng. Mới đây thôi, vào cuối tháng chín năm ngoái, trong hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nước – G20, ở Pittsburgh, Pennsylvania, cả hai nước còn nêu ra ý tưởng là Hoa Kỳ và Trung
Cộng sẽ thành lập nhóm G2, với tham vọng lãnh đạo thế giới.

Thế nhưng, giờ đây, Trung
Cộng coi giai đoạn hồ hởi nói trên như là thuộc về quá khứ xa xôi. Ngày 12 tháng hai, xã luận tờ China Daily tố cáo tổng thống Mỹ vẫn níu giữ những suy nghĩ theo kiểu thời chiến tranh lạnh trong tiềm thức. Trong khi đó, Hoa Kỳ cho rằng Trung Cộng hành xử ngày càng « ngạo mạn ».

Theo ông Evan Feigenbaum, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc thuộc Hội Đồng Đối Ngoại Hoa Kỳ, được báo Le Monde, số ra ngày hôm nay trích dẫn, thì chính quyền Bắc Kinh nhận định rằng cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu vừa qua chứng tỏ là Mỹ đang đi vào giai đoạn thoái trào, rằng Bắc Kinh sẽ ngày càng cứng rắn hơn còn Washington thì sẽ không có phương tiện để thực hiện chính sách ngoại giao của mình. Còn trong nhãn quan của chính quyền Obama, Trung
Cộng vẫn chưa hành xử như một cường quốc có ý thức về những vấn đề lớn của quốc tế. Bắc Kinh chỉ quan tâm đến việc bảo vệ « những quyền lợi hẹp hòi ». Bằng chứng rõ ràng nhất là thái độ của Trung Cộng tại hội nghị về biến đổi khí hậu Copenhagen hồi tháng 12 năm ngoái.

Về mặt chính thức, bộ Ngoại giao Mỹ cố gắng giải thích rằng lợi ích của hai nước tương hợp với nhau trên nhiều lĩnh vực nhưng đôi khi cũng mâu thuẫn trên một vài vấn đề. Theo giới phân tích, một vài bất đồng đó lại không hề nhỏ. Đó là vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ và thâm hụt thương mại của Mỹ. Trung
Cộng tìm cách cản trở phương Tây gây sức ép với Iran và Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân. Vừa qua, tập đoàn Google tố cáo những vụ tấn công tin học đến từ Trung Cộng … Về phần mình, Bắc Kinh đã nổi giận khi bộ Quốc phòng Mỹ chấp thuận bán hơn 6 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan và đe dọa tẩy chay một số công ty Hoa Kỳ tham gia vào vụ này.

Có 2 câu hỏi được đặt ra đằng sau cuộc khẩu chiến ác liệt Mỹ- Trung : Trước, hết, phải chăng đây là cuộc gặp mặc cả Mỹ - Trung ? Theo ông Kenneth Dewoskin, nguyên trưởng ban Trung
Cộng - Bắc Á, đại học Michigan thì đúng như vậy. Vụ cãi cọ về tỷ giá đồng nhân dân tệ chỉ là bề mặt. Trong thời gian từ 2006 đến 2008, Trung Cộng đã nâng 21% giá trị đồng tiền quốc gia, nhưng điều này không hề làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trong quan hệ với Trung Cộng, thậm chí ngược lại. Thực ra, Hoa Kỳ có hai mối quân tâm chính là Trung Cộng phải mở cửa thị trường hơn nữa cho các doanh nghiệp Mỹ và vấn đề sở hữu trí tuệ.

Thế nhưng, đây không phải là ý kiến của chuyên gia Feigenbaum. Theo ông, kể từ thời chính quyền Richard Nixon, chính sách của Mỹ là nhằm lôi kéo Trung
Cộng hội nhập vào quan hệ quốc tế theo các điều kiện của Washington, do vậy mà bang giao song phương luôn trải qua các bước thăng trầm.

Câu hỏi thứ hai liên quan đến mức độ rủi ro trong quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung. Các nhà phân tích có cùng nhận định là giới lãnh đạo hai nước kiểm soát được tình hình nhưng mức độ căng thẳng lại tùy thuộc vào những yếu tố đối nội. Theo chuyên gia Feigenbaum, thì tại Mỹ, dân chúng ngày càng có thái độ thù ghét Trung
Cộng. Tình hình cũng tương tự tại Trung Cộng.

Về phần mình, ông Dewoskin lại cho rằng so với thời kỳ chính quyền George Bush, quan hệ Mỹ-Trung hiện nay lành mạnh hơn. Việc công khai hóa các bất đồng song phương càng thúc đẩy hai bên tìm kiếm thỏa hiệp. Ông nhấn mạnh, giới lãnh đạo hai nước sẽ phải đối đầu với những thách thức chính trị nội bộ khó khăn. Một trong những mối đe dọa lớn tại Trung
Cộng là sự trỗi dậy của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi. Còn tại Hoa Kỳ, nếu hồ sơ công ăn việc làm không được cải thiện nhanh chóng thì không loại trừ nguy cơ trỗi dậy của làn sóng bảo hộ mậu dịch. Và đó là những rủi ro đe dọa thực sự quan hệ Mỹ-Trung.


http://www.congdongnguoiviet.fr/ThoiSuNQ/1002TTMyTiepDLLMh.htm



Home Page Vietlist.us