Home Page Vietlist.us

Trang Bạn Đọc dùng đăng tải những bài viết của bạn đọc gởi về cho chúng tôi. Vietlist chấp nhận mọi thể loại mọi đề tài, từ khoa học, kỹ thuật cho tới văn thơ, nữ công, gia chánh... Chúng tôi sẽ đăng tải nếu bài viết thích hợp với lập trường của người Việt Quốc Gia. Xin quý vị gởi bài cho chúng tôi qua email: vietlist09@yahoo.com. Kính chúc quý đọc giả vui khỏe.

Trang Bạn Đọc - Vietlist.us




BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT

*** Đoan Phương ***
Source: Email từ độc giả


banhchung


Đậu vàng, nếp trắng, lá dong xanh,
Thịt mỡ, hành tiêu ngát ý tình,
Đượm nét quê hương, hồn dân tộc,
Banh chưng ngày tết mãi lưu danh

Bánh chưng là món ăn tiêu biểu cho ngày Tết của dân tộc Việt. Người dân VN dù giàu, nghèo, sang, hèn đều cố có tấm bánh chưng trong ngày Tết, trước là cúng kiếng ông bà, sau để thưởng xuân . Bánh chưng là món ăn quốc hồn quốc túy của người miền Bắc, còn miền Nam thì biến thể thành bánh tét, trong dịp tết. Đặc biệt đối với gia đình tôi nếu không gói bánh chưng là kể như không có ăn tết.

Chuyện kể rằng tết năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung cho binh sĩ gói bánh chưng để ăn Tết sớm rồi tiến quân nhanh chóng từ đèo Tam điệp ra đánh giặc Thanh đang chiếm đóng Thăng Long. Các đồn tiền tiêu của lính Tầu bị thanh toán gọn, không tên nào chạy thoát. Ngày đầu năm, quân ta đánh Hà Hồi, Ngọc Hồi và gò Đống Đa ngoại thành Thăng Long. Bọn giặc trở tay không kịp phải toán quy hàng, toán chạy dài về nước. Ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, vua Quang Trung vào thành Thăng Long, ghi lại một chiến tích oai hùng, phá đại quân Thanh trong vòng vài ngày tết.

banhchung


Năm 1968, gia đình tôi cũng ăn Tết cổ truyền như mọi năm. Ngày rằm tháng chạp, mẹ tôi và u gìà đi chợ mua nếp, đậu xanh, lá dong, và ống giang để sửa soạn gói bánh chưng. Tới ngày 26 Tết thì chúng tôi phải lấy ống giang cạo hết vò ngoài rồi chẻ thành những sợi lạt thực mỏng dùng để buộc bánh chưng. Chẻ xong, bó thành từng bó rồi đem ngâm nước cho mềm. Lá dong thì rửa nước 3 lần cho thực sach, lau cho khô, và dọc bớt sống lá cho dễ gói.


Ngày 28 Tết, u già đem đậu xanh ngâm nước rồi đãi hết vỏ, xóc muối. Sau đó cho vào chõ hấp cho nhừ rồi giã nhuyễn, nắm thành từng nắm. Thịt ba dọi, cắt thành từng miếng lớn, ướp muối, tiêu, hành, để qua đêm. Gạo nếp được vo kỹ rồi ngâm khoảng 6 tới 8 tiếng cho nở rồi để ráo nước và xóc muối.


Sáng 29 Tết, cả nhà dậy sớm để cùng phụ mẹ tôi gói bánh chưng. Mẹ tôi dùng khuôn gỗ, xếp lá dong vào trong khuôn. U già đổ vào khuôn lá dong một lớp nếp khoảng 200 gr, rồi tới 1 lớp đậu 150 gr, một lớp thịt chừng 150 gr. Sau đó lại 1 lớp đậu 150 gr, và cuối cùng là 1 lớp nếp 200 gr. Mẹ tôi dàn đậu và nếp đều ra 4 góc, rồi ấn xuống và gói lại. Chị tôi buộc bánh chưng bằng 4 sợi lạt, 2 cái theo chiều dọc, và 2 cái theo chiều ngang. Thế là một cái bánh chưng được hoàn tất. Khi rút khuôn ra, chúng tôi có 1 cái bánh chưng vuông vức, 8 góc đều đặn.

banhchung


Mỗi năm, mẹ tôi gói chừng 20 cái, để dành ăn hết tháng Giêng. Gói xong bánh thì đã tới trưa. U già đem ra một cái nồi lớn, xếp 20 cái bánh chưng thẳng đứng vào nồi, đổ nước khoảng 5 cm ngâp trên mặt bánh, rồi bắt đầu nhóm lửa nấu. Một nồi bánh chừng 20 cái cần nấu khoảng 10 tiếng.


Khi bánh chín, chúng tôi vớt ra, xếp 2 bánh chồng lên nhau, phủ một miếng ván lên trên, vá đặt cái nồi vừa luộc bánh lên trên miếng ván để ép hết nước trong bánh ra. Ép qua 1 đêm là đủ cho các hạt gạo trong bánh quyện vào nhau, làm cho bánh không nhão, mà lúc ăn vào tạo cảm giác bánh dền, thích thú.


Đêm giao thừa, mẹ tôi bóc 2 cái bánh bày lên bàn thờ để cúng gia tiên. Trong khói hương nghi ngút, ba tôi khăn đóng, áo dài lâm râm khấn vái. Cái hình ảnh đầm ấm của gia đình trong phút giao mùa thực là vô cùng thiêng liêng !

banhchung


Tuy nhiên, mùa xuân năm Mậu Thân quả thực vô cùng ngắn ngủi !.


Khoảng 2 giờ sáng ngày mùng 2 Tết, khi mọi người còn đang say sưa giấc điệp, thì tiếng súng bỗng nhiên nổ ran từ khắp bốn phía. Không ai bảo ai, chúng tôi đều hốt hoảng chạy vào phòng khách của gia đình. Ba tôi nhanh tay vặn chiếc radio để trên đầu tủ. Tin tức cho biết bọn đặc công VC đã tấn công nhiều chỗ ngay trong thành phố Saigon và ven đô . Ở ngoài Trung, chúng đã làm chủ được vùng tả ngạn sông Hương, và đang ra sức tấn công để lấn chiếm thêm đất. Tình hình thực nguy ngập. Mẹ tôi tới bàn thờ Phật, thắp mấy cây nhang và lâm râm đọc kinh cầu an. Trong không khí căng thẳng, tiếng súng vẫn nổ như bắp rang từ tứ phía.

banhchung


Bỗng nhiên, chúng tôi nghe có tiếng gõ cửa. Mọi người nhìn nhau hoảng sợ. Tiếng gõ cửa ngày càng cấp bách hơn. Ba tôi mạnh dạn bước ra mở cửa. Một quân nhân, mặc bộ đồ rằn ri bước nhanh vào nhà. Anh ta lễ phép nói với ba tôi: “Thưa bác, cháu xin bác cho chúng cháu mượn đỡ căn nhà của bác để đóng chốt. Bọn VC đã tràn ngập xung quanh khu này. Nhà của bác ở góc đường, lại có ban công ngó sang 3 mặt, nếu để tụi VC làm chủ được vị trí này thì thực là bất lợi cho chúng cháu." Ba tôi nhiệt tình: ”chúng tôi sẵn lòng, xin các anh cứ làm bất cứ điều gì cần thiết, miễn là đẩy lui được bon đặc công CS.” Anh quân nhân nói thêm: “khu vực này sẽ có giao tranh lớn, cháu sẽ cho 1 xe dân sự di chuyển gia đình bác tới khu an toàn, xin mọi người sửa soạn dời nơi đây ngay lập tức.” Chúng tôi được lệnh khẩn cấp dời nhà, mỗi người chỉ được đem theo 2 bộ quần áo. Trước khi ra xe, ba tôi ân cần dẫn anh quân nhân tới cái phản ở góc phòng ăn, trên phản còn xếp đầy 18 cái bánh chưng chưa kịp để vào tủ lạnh, lại thêm mấy cái giò thủ vùa gói, còn nguyên nẹp gỗ. Ba tôi ân cần nói: “mấy cháu ở nhà bác đánh giặc, thì bác cũng tặng cho đơn vị cháu xấp bánh chưng và mấy cái giò thủ để vừa ăn Tết vừa đánh giặc. Bác chúc các cháu thành công nhanh chóng như vua Quang Trung khi xưa.” Thấy anh quân nhân ngần ngại, ba tôi nói thêm: “ Bác thành tâm, cháu đừng ngại.”

banhchung


Hai tuần sau, các chiến sĩ VNCH đánh bật được bọn đặc công CS ra khỏi vùng. Chúng tôi vui mừng trở về nhà. Căn nhà của chúng tôi lỗ chỗ đầy những vết đạn. Trong nhà, bánh chưng và giò thủ không còn nữa. Trên mặt bàn, một lá thư viết tay, lời lẽ chân thành cám ơn của ông đại đội trưởng. Ba tôi đọc thơ, miệng cười rạng rỡ.


Khi đó, mặc dầu đã gần qua tết, nhưng ba má tôi quyết định gói bánh chưng lần nữa để ăn mừng: mừng đất nước thoát khỏi bàn tay CS, và mừng cho gia đình được bình yên.

banhchung


Tết Mậu Thân là một cái Tết hãi hùng, khó quên. Những ai đã trải qua Tết Mậu Thân đều phải nghiêng mình trước tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội VNCH. Riêng với gia đình tôi, gói bánh chưng 2 lần ăn tết cũng là một kỷ niệm đáng ghi nhớ.

Đoan Phương

10-Jan



Click vào để nghe



Home Page Vietlist.us