Home page Vietlist.us     Về Trang Gốc San Jose


VIETLIST.US dành Trang Cộng Đồng để đăng tải tin tức, thông báo của Cộng Đồng và các Hội Đoàn người Việt Quốc Gia hoàn toàn miễn phí . Xin vui lòng liên lạc với chúng tôi tại: vietlist09@yahoo.com

------------oo0oo--------------

NGƯỜI MỸ MỞ TIỆM PHỞ VIỆT NAM TRÊN ĐẤT MỸ.


VN

Joe Schumacher - một kỹ sư nhiều năm kinh nghiệm và là đồng chủ nhân một công ty xây cất ở Windsor - chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ mở một nhà hàng bán đồ ăn Việt Nam. Khi anh vừa công bố ý định này, mọi người chung quanh ai cũng tưởng anh điên. Bạn bè thắc mắc: "Nghĩ ngợi ra sao mà lại tính làm soup kitchen?". Còn ông anh ruột của anh thì nói thẳng: "Dẹp cái ý định đó đi".

Thế nhưng, kinh tế suy thoái và tình bạn thân thiết với một linh mục gốc Việt là hai yếu tố đã làm thay đổi số phận của Schumacher. Giờ đây anh cùng các cộng sự viên ở công ty xây cất GLH Construction Inc. đã trở thành chủ nhân một trong những nhà hàng mới nhất ở thành phố Greeley của tiểu bang Colorado: tiệm "Phở Duy", chuyên bán món phở truyền thống của Việt Nam, một món ăn hiếm thấy trong vùng.

Schumacher thừa nhận: "Đúng là một sự thay đổi lớn. Nhưng thấy tình hình kinh tế eo xèo quá, tôi nghĩ chẳng còn thời điểm nào tốt hơn để mở nhà hàng nữa".

Thế là anh quyết định "thử thời vận", và coi bộ quyết định mạo hiểm này đã mang lại thành công cho anh. Phở Duy khai trương hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái, trên đường số 23, gần thương xá Greeley Mall. Joe Schumacher và quản lý nhà hàng Đặng Hoàng rất vui mừng về sự chiếu cố nhiệt tình của các thực khách: "Chúng tôi cứ tưởng dân chúng trong vùng phải từ từ mới làm quen với món ăn này, nhưng ngay từ ngày đầu đã có khách ra vào dập dìu".

Theo lời thuật lại của chef cook Phong Phạm (từ Denver lái xe về Greeley để làm đầu bếp cho Phở Duy) thì dịp khai trương bận rộn ngoài sức tưởng tượng. Anh vừa cười vừa nói: "Ngày đầu tiên thật là hỗn loạn. Chúng tôi phải thay phiên nhau chạy tới chạy lui để phục vụ khách hàng".

Phở (hầu hết người Mỹ bây giờ đều biết phát âm "fuh") là món xúp truyền thống của Việt Nam, thường gồm bánh phở, hành và những lát thịt bò chín hoặc tái. Tại Phở Duy, thực khách được thưởng thức đầy đủ hành tây, ớt xanh, giá sống, rau ngò, húng quế, chưa kể còn có ớt tỏi Sriracha và tương đen Hoisin. Trên thực đơn của nhà hàng cũng có phở gà, lá sách, chả giò, và cả shrimp cocktail để khai vị.

Ở Việt Nam, từ các quán bên đường cho đến những nhà hàng sang trọng chỗ nào cũng có bán phở. Người ta ăn phở cả 3 bữa - sáng, trưa, tối - vì phở chẳng những dễ ăn mà còn rất rẻ và no bụng.

Joe Schumacher biết đến phở lần đầu tiên qua sự giới thiệu của Đức Ông Peter Quang Nguyễn, một linh mục người Việt, vừa là bạn của anh vừa là cha xứ ở nhà thờ St. Mary của thành phố Greeley suốt hơn 10 năm trước khi chuyển về Denver. "Cha Quang" (dân trong vùng vẫn gọi cha như thế) thường hay mời anh dùng thử phở và các món ăn khác của Việt Nam. Schumacher cho biết: "Riết rồi mỗi cuối tuần tôi phải lái xe lên tuốt Denver để ăn phở. Sáng thứ Bảy các con tôi vừa ngủ dậy là gọi nheo nhéo "Dad, tụi con muốn ăn phở". Tôi bảo: "Muốn ăn thì đi cùng với daddy", thế là tụi nó leo lên xe đi Denver với tôi".

Schumacher kể tiếp, có lần tình cờ Cha Quang đưa ý kiến là anh nên mở nhà hàng bán gỏi cuốn chả giò Việt Nam. Nhưng anh lại nghĩ mở tiệm phở có vẻ hay hơn. Anh liền cùng với mấy cộng sự viên đi thăm dò địa điểm, và cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của Cha Quang cùng gia đình, anh lấy được một nhà hàng cũ (Ron’s 19th Hole) ở địa điểm này. Anh mất 8 tháng trời để sửa sang, tân trang, chuẩn bị cho Phở Duy ra đời. Quan trọng nhất là thiết trí hệ thống bếp và lò gas để có thể nấu một lúc 20 gallons nước dùng. Quản lý Đặng Hoàng cho biết ngày nào họ cũng phải bỏ ra 5 tiếng đồng hồ cho công việc này.

Một tô phở ở nhà hàng của Schumacher bán với giá 6 đô-la rưỡi. Anh cho biết sẽ duy trì mức giá thấp như vậy, vì như anh nói: "Mục đích của chúng tôi không phải là làm giàu. Chúng tôi muốn giới thiệu một món ăn ngon và lành mạnh với giá phải chăng".

Quản lý Hoàng cho biết Phở Duy đã bắt đầu có nhiều khách quen trở lại ăn nhiều lần. Có một phụ nữ tới ăn phở cả sáng, trưa và tối, đã hỏi anh là có phát hành thẻ bấm lỗ (punch card) cho khách quen của nhà hàng không.

Theo Joe Schumacher thì anh bắt đầu thấy dấu hiệu kinh doanh thành công kể từ khi cô tiếp tân nói với anh là có một thực khách muốn gặp anh. Anh bước ra và gặp một thanh niên Việt Nam, là sinh viên Đại học Northern Colorado, đang ngồi ăn phở. Schumacher kể lại: "Anh ấy nói: "Tôi ở đây đã ba năm và tô phở này giống hệt như tô phở mẹ tôi nấu". Nghe câu đó, thật tình tôi cảm động muốn khóc".

Schumacher thừa nhận công việc kinh doanh mới mẻ này quả là một thử thách. Hiện nay anh vẫn đi làm ở công ty xây cất, và sau cả ngày làm việc, anh tới nhà hàng vào mỗi buổi chiều tối và những ngày cuối tuần để giải quyết giấy tờ và học thêm kinh nghiệm. Nhưng tuy bận rộn, anh không hề than phiền. Anh vừa cười vừa nói: "Tôi chả thấy gì là vất vả, mà chỉ vui thôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hạnh phúc như lúc này".

Nguồn: Email từ độc giả - HL post.

------------oo0oo--------------



Về Trang Gốc Vietlist     Về Trang Quốc Nội


Vinh Danh Cờ Vàng của Dân Tộc Việt Nam


Vinh Danh Cờ Vàng của Dân Tộc Việt Nam