Home Page Vietlist.us

Trang Bạn Đọc dùng đăng tải những bài viết của bạn đọc gởi về cho chúng tôi. Vietlist chấp nhận mọi thể loại mọi đề tài, từ khoa học, kỹ thuật cho tới văn thơ, nữ công, gia chánh... Chúng tôi sẽ đăng tải nếu bài viết thích hợp với lập trường của người Việt Quốc Gia. Xin quý vị gởi bài cho chúng tôi qua email: vietlist09@yahoo.com. Kính chúc quý đọc giả vui khỏe.

Trang Bạn Đọc - Vietlist.us




Người ngoại quốc sợ bệnh viện Việt Nam


Source: Email từ độc giả

***

Người nhà bệnh nhân tá túc tạm bợ ngay trên miệng cống trong khuôn viên bệnh viện Ung Bướu Sài Gòn.

(Hình: Tuổi Trẻ)

SÀI GÒN (TT) - Kinh nghiệm của người ngoại quốc sau khi đến bệnh viện ở Việt Nam để chữa bệnh ra sao?
Báo Tuổi Trẻ ngày 24 tháng 1 đăng bức thư của một kiều dân Hàn Quốc bầy tỏ sự kinh hoàng về những gì người này được hưởng cũng như nhìn thấy chung quanh khi đến bệnh viện ở Sài Gòn chữa bệnh.
Ông (hay bà?) Choi Jung Eun, giám đốc đại diện Myung Ga Food, viết thư nói rằng “điều tôi suy nghĩ và lo lắng nhiều nhất là tình trạng bệnh viện ở đất nước các bạn”.
Ông/bà Choi bầy tỏ kinh sợ với sự vệ sinh vô cùng tồi tệ ở những nơi đúng ra phải là vệ sinh nhất mới phải. “Vào một số bệnh viện, tôi thấy lớp lớp người nằm ngồi la liệt trên đất, tay họ chống xuống đất, rồi nhà vệ sinh thường không có nước... Ðiều này thật kinh khủng! Nhất là khi bệnh viện thường tập trung rất nhiều mầm bệnh có thể lây nhiễm dễ dàng trong không khí.”
Người Hàn Quốc này ngạc nhiên về sự hiểu biết về vệ sinh của người Việt Nam quá thấp kém khi “bàn tay người nhà vừa mới chống xuống đất rồi sau đó vuốt má, đút cháo cho bệnh nhân chẳng khác nào tiếp thêm bệnh. Hoặc cũng nên tăng cường giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu rằng việc nằm, ngồi trên đất như vậy rất mất vệ sinh, và đừng quên khuyến cáo không nên để trẻ em vào bệnh viện vì sức đề kháng của trẻ thường rất yếu.”
Người viết thư thấy giờ nghỉ của các bác sĩ ở bệnh viện Việt Nam “quá dài” và “vô cùng nguy hiểm trong trường hợp khẩn cấp”.
Người này kể cho hay “Người bạn của tôi cũng từng phải chờ đợi mòn mỏi tại một bệnh viện khi anh ta bị gãy chân do tai nạn giao thông. Có ai thấu được nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần của anh ta lúc ấy lớn đến nhường nào? Một giây lúc đó tưởng như dài cả giờ. Ở Hàn Quốc, bệnh viện không có giờ nghỉ mà thường sắp xếp theo ca kíp, người này đi nghỉ hoặc ăn trưa sẽ có người khác thay thế.” Còn sự cư xử của bác sĩ cũng như nhân viên bệnh viện thì “kiệm lời” và “tỏ ra thiếu thiện cảm với bệnh nhân, đặc biệt là khách nước ngoài thì thật là khó hiểu”.
Bên cạnh những chuyện không bình thường vụn vặt, người này nêu ra cho thấy y phí mà một người ngoại quốc buộc phải trả thật lớn trong khi người dân trong nước thì rất thấp, khác với sự đối xử giống nhau không phân biệt người dân trong nước với người ngoại quốc ở Hàn Quốc và các nước khác.
“Cụ thể như ở Hàn Quốc nếu muốn khám tổng quát tôi chỉ phải trả 3 USD mỗi lần đến bác sĩ, còn ở Việt Nam tôi phải chi ít nhất 100-150 USD,” Choi viết trong bức thư. “Có lần bị bệnh khá nặng, tôi phải bỏ ra tới 2,000 USD để chữa trị. Một con số khổng lồ và rất cách biệt so với người trong nước, trong khi chi phí này ở hầu hết quốc gia đều ngang bằng, bất kể bạn là người trong nước hay nước ngoài.”
Kết luận bức thư, người này viết rằng “Và như một luật bất thành văn, chúng tôi thường kháo nhau: ‘Nếu bị bệnh thì tốt nhất nên bay về nước để khám, vừa rẻ vừa thoải mái. Chớ dại mà lăn đùng ra bệnh tại đây.’ Chính vì thế mỗi lần nghĩ đến bệnh viện Việt Nam tôi không khỏi rùng mình!”
Phát biểu góp ý sau bức thư của Choi Jung Eun, độc giả của báo Tuổi Trẻ tên Hữu Hảo kể là “Bữa nọ tôi không may phải vào khoa tim mạch của một bệnh viện một tuần. Một ‘lương y’ cấp lãnh đạo cầm phong bì 2 triệu đồng và không thèm chào hỏi hay cảm ơn lấy một câu. Chuyện thường ngày ở bệnh viện đó thì phải? Ai cũng bấm bụng không dám kêu ca, vì không ai dám phản đối chuyện đưa phong bì. Ðến lúc lâm nguy thì ai cũng sợ bác sĩ giở mặt. Sống giữa một xã hội mà hai người thầy được trọng nhất (thầy giáo + thầy thuốc) chỉ chấp hành nghĩa vụ tử tế khi có phong bì, con người không nhẫn tâm và đốn mạt đi mới là lạ”.
Hai năm trước, nhiều báo ở Việt Nam cho hay hầu hết các bệnh viện đều xả nước thải (gồm cả máu trong các vụ giải phẫu) trực tiếp ra cống rãnh và hệ thống sông rạch mà không qua hệ thống tẩy lọc như nguyên tắc bảo đảm vệ sinh an toàn đòi hỏi. Nhiều trường hợp, tác cơ phận của con bệnh sau các cuộc giải phẫu cũng bị ném bừa bãi tại các bãi rác công cộng, thay vì phải đốt trong những lò tiêu hủy đặc biệt.
Cập nhật ( 25/01/2010 )

Home Page Vietlist.us