Home Page Vietlist.us

lacomau
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.

------------oo0oo--------------

Đấu Tranh, Bị Bắt, và Xin Khoan Hồng…
Rồi Sao Nữa?

Monday, August 31, 2009
By Vietlish

Trần Kim Anh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Công Định trên đài VTV nhận tội và xin khoan hồng.

Vào hôm 19 tháng 8 vừa qua, các đài truyền hình VTV của nhà nước Việt Nam đã truyền chiếu một đoạn phim dài khoảng 20 phút với nội dung bốn nhân vật có những góp ý về vấn đề dân chủ tại Việt Nam ngồi trong tù sau khi bị bắt và lên tiếng nhận tội cũng như xin khoan hồng. Đến nay thì gần như cả thế giới đã biết đến những lời xin khoan hồng của Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Công Định. Trong tuần qua, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và tổ chức Phóng Viên Không Biên giới đã chính thức lên tiếng phản đối hành động chiếu phim này của nhà nước Việt Nam.

Riêng trong giới người Việt, đoạn phim này đã khởi đầu một cuộc tranh luận khá lý thú về vị trí tương lai của bốn vị này trong công cuộc đấu tranh. Ở một bên là quan điểm bốn vị này đã tự làm hại uy tín của chính mình và đã gây tổn hại cho công cuộc đấu tranh khi có những phát biểu như thế, vì dù những lời ấy không chân thành, họ đã chịu thua trước sự áp lực của nhà nước.

Bà Trần Thị Huệ, em gái của ông Trần Anh Kim đã khẳng định rằng, “Chết vinh còn hơn sống nhục. Thà rẳng trẻ người non dạ, đằng nay anh ấy có còn bé dại gì nữa. Khi đã cưỡi lên lưng hổ, đã thấy việc mình làm là đúng thì dù có chết, cũng không nên làm điều như thế.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, một người đã từng ngồi trong tù mấy năm trời vì những sinh hoạt vận động dân chủ của ông đã nhận định, “Một số nhân vật tranh đấu dân chủ ở trong nước nhận định tình hình cộng cuộc đấu tranh và tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam quá dơn giản, ấu trĩ và thậm chí sơ sài nữa. Cho nên đã có những bước đi không đúng làm tổn thất lực lượng, bị bắt bớ thì không chịu được những thử thách trong lao tù và nhanh chống đầu hàng trước áp lực của bộ máy công an trong nước.”

Ở phía quan điểm ngược lại có cô Nguyễn Hoàng Lan, bạn gái và đồng chí của Nguyễn Tiến Trung. Cô Hoàng Lan có ý kiến là, “những suy nghĩ và việc làm của anh [Nguyễn Tiến Trung] là hoàn toàn đúng và anh Trung có thể thanh thản và tự hào ngẩng cao đầu.”

Cùng quan điểm với cô Hoàng Lan là ông Hoàng Cơ Định, ủy viên trung ương đảng Việt Tân. Trong một bài viết với tựa đề “Xin đừng ném cho công an của chế độ VN một thắng lợi quá dễ dàng”, ông Định đã chia xẻ: “Dĩ nhiên tôi không đồng ý với những lời Nguyễn Tiến Trung mới nói trên TV của chế độ, nhưng chẳng thế nào chỉ vì một lần phải nói điều bị ép buộc lại đủ để xóa tan 20 lần bộc bạch tâm hồn trong tự do.”

Tóm lại, dư luận người Việt về vụ này nẳm giữa một trong hai thái cực. Một là qua hành động nhận tội và xin khoan hồng trước áp lực của Việt Cộng, bốn vị này nay không còn tin cậy được nữa và không còn chổ đứng trong công cuộc đấu tranh. Hai là khi ngồi trong tù một người đấu tranh không cần nhận trách nhiệm cho hành động của mình và mình chỉ có thể đánh giá khả năng tin cậy vào họ khi xem hành động của họ sau lúc rời khỏi nhà tù. Với hai thái cực như thế thì bàn tới bàn lui cả ngày không xong. Nhưng thật ra cũng chẳng cần bàn đến, vì sự tranh luận này nằm chệch sang một bên vấn đề chính.

Vấn đề không nằm ở chổ có còn tin hay không tin được bốn vị này hay không. Vì câu hỏi này nằm trên tiền đề là sự tin tưởng của mình vào một người đấu tranh phải là “trước sau như một”. Nghiã là đã tin ai rồi thì cứ thế mà tin, dù là người đó làm bậy. Và thực tế là không thể như thế.

Công cuộc đấu tranh này là một công cuộc toàn dân, toàn diện. Đã gọi là “toàn dân” thì nó sẽ đòi hỏi sự đóng góp của tất cả mọi người Việt, trong đó có cả người trong sáng, tử tế, và kể cả những người lưu manh, không tử tế. Từ bất cứ vị trí nào trong xã hội, một ai muốn đóng góp cho công cuộc chung sẽ có thể đóng góp. Không phải vì anh có một quá khứ xấu xa mà anh không thể có một sáng kiến có lợi cho đấu tranh. Đồng thời, không phải vì cô đã có một quá trình sinh hoạt bề thế mà tất cả mọi ý kiến của cô sẽ trở thành quan điểm chỉ đạo. Hôm nay bạn nói đúng thì tôi tán thành, ngày mai bạn nói sai thì tôi sẽ chống.

Điều chính là mỗi cá nhân chúng ta có sự suy nghĩ và phán xét từng vấn đề, từng quan điểm, từng đề nghị cho chính mình để có phản ứng thích hợp. Nếu đồng ý thì ủng hộ, còn nếu không đồng ý thì xin miễn. Nhưng quan trọng là phải có sự phán xét đó. Chứ chúng ta không thể nhắm mắt lại, giao khoán việc suy nghĩ cho người khác, và thấy đám đông ở đâu là đi theo vào đó. Nói cách khác, không thể tin tưởng vào bất cứ cá nhân hay tổ chức nào một cách mù quáng.

Hiểu ra điều này thì sẽ thấy những việc bào chữa cho những cá nhân Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Công Định là chỉ mang tính chất tuyên truyền thô sơ muốn cho những người này làm lãnh tụ. Lối tuyên truyền này chỉ có kết quả hạn chế, nếu không muốn nói là vô ích, vì chỉ có thể ảnh hưởng lên một số người nhỏ có định kiến và lười suy nghĩ. Cũng xin nói thêm rằng tuy có người cảm thấy bốn vị này nay đã mất uy tín, điều này không có nghĩa họ sẽ không thể tiếp tục đóng góp cho đấu tranh. Còn đối với những người không thấy bốn vị này bị giảm uy tín thì điều này cũng không có nghĩa là những ý kiến của bốn vị này trong tương lai đều có giá trị cả. Tóm lại, những người này có thể là lãnh tụ đối với môt số người nhưng chưa thể ngay bây giờ là lãnh tụ đối với đa số quần chúng.

Trong mọi trường hợp, quần chúng sẽ còn phải lắng nghe, tìm hiểu, và đánh giá những ý kiến của bốn vị này, cũng như ý kiến của tất cả mọi người khác để có một quyết định tin hay không tin, theo hay không theo.

Cho nên vấn đề không nằm ở chổ bốn vị mới nhận tội và xin khoan hồng có còn tin được nữa hay không, mà nó nằm ở chổ mỗi chúng ta có sẳn sàng lãnh trách nhiệm để đóng một vai trò trong công cuộc chung hay không, và có chịu suy nghĩ triệt để để chọn thái độ và người đồng hành hoặc lãnh đạo mình hay không.

Tags: Dân Chủ, Hoàng Cơ Định, Lê Công Định, Nguyễn Hoàng Lan, Nguyễn Tiến Trung, Nhà Dân Chủ, Trần Anh Kim, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Huệ, Đấu Tranh

This entry was posted on Monday, August 31st, 2009 at 9:57 pm and is filed under Bình Luận, Tiếng Việt. You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed.

http://www.vietlish.org/2009/08/31/d%E1%BA%A5u-tranh-b%E1%BB%8B-b%E1%BA%AFt-va-xin-khoan-h%E1%BB%93ng%E2%80%A6-r%E1%BB%93i-sao-n%E1%BB%AFa/

------------oo0oo--------------

Đấu Tranh Bất Bạo Động và
Chế Độ Độc Tài Độc Đảng

Tuệ Vân
tamthucviet.com
2-Feb-10

Phiên tòa xét xử bốn nhà chính trị trong nước về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" đã kết thúc với các bản án 16 năm tù cho ông Trần Huỳnh Duy Thức (44 tuổi), ông Nguyễn Tiến Trung (27 tuổi) 7 năm, hai ông Lê Công Định (42 tuổi) và Lê Thăng Long (43 tuổi) cùng mức án 5 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo phải chịu sự quản thúc tại địa phương từ 3 đến 5 năm sau khi mãn hạn tù. Sự việc này cho thấy chế độ Hà nội không nương tay ngay cả với những người chỉ muốn đa nguyên đa đảng dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Trước tòa, hai ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long đã không nhận tội và cho biết những lời khai trước đây là do bị khủng bố tinh thần và bị nhục hình. Luật sư Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung thì phát biểu rằng rất ân hận và hối hận về việc đã làm.

Qua băng hình được phổ biến, ông Lê Công Định đã trình bày trước toà rằng:

“Thứ nhất xét về hành vi khách quan, luật pháp và hiến pháp của VN quy định và bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản VN đối với nhà nước và xã hộiVN, cho nên là những lời kêu gọi đa nguyên đa đảng mặc nhiên là muốn thay đổi thể chế chính trị hiện nay và những tổ chức nào chủ trương đa nguyên đa đảng thì như vậy là đương nhiên vi phạm vào điều 79, theo định nghĩa của điều 79 của Bộ Luật Hình Sự. Đảng Dân Chủ VN là một tổ chức có cương lĩnh và mục đích kêu gọi đa nguyên đa đảng như tôi đã trình bầy trong phiên xử sáng nay mà tôi thì tham gia vào tổ chức này cho nên xét về phương diện hành vi khách quan là tôi đã vi phạm vào điều 79 của Bộ Luật Hình Sự. Ông, cha, mẹ, và cô tôi là những người đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến, họ cũng đã có sự đóng góp phần nào đó vào chính quyền hiện tại, cho nên những việc làm và những hành vi của tôi rõ ràng là đi ngược với những đóng góp đó thật lòng là tôi rất là hối hận. Những việc làm của tôi xuất phát từ những nhận định chủ quan cũng như là tôi bị ảnh hưởng bởi những quan niệm về dân chủ và nhân quyền của phương Tây cũng như bị ảnh hưởng bởi những tổ chức và những cá nhân có hoạt động chống lại nhà nước VN mà tôi đã có dịp tiếp xúc. Tôi mong Hội Đồng Xét Xử xem xét những tình tiết giảm nhẹ để áp dụng cho tôi khi lượng hình, để áp dụng cho tôi một hình phạt mang tính chất răn đe giáp dục và khoan hồng hơn là mang tính chất trừng trị.”

Còn Nguyễn Tiến Trung thì nói:

“Khi mà vô trại tạm giam 134 và bộ công an thì tôi đã nhận thức lại vấn đề, và tôi thấy rằng như vậy là lật đổ đảng cộng sản VN vai trò lãnh đạo tuyệt đối của toàn dân VN của đảng cộng sản VN đối với nhân dân VN thì tôi đã nhận thức được điều đó là vi phạm vào điều luật 79 của Bộ Luật Hình Sự nước Cộng Hòa Xã Hội VN thì tôi rất là ân hận. Những việc đó của tôi còn liên quan liên lụy ảnh hưởng đến gia đình và người thân, bạn bè của tôi cho nên tôi rất là ân hận.”

Những phát biểu trên, cùng với những bài viết trước đây của hai nhà trí thức, cho thấy từ đầu đến cuối họ chỉ mong có những đóng góp ý kiến đa nguyên đa đảng, dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN. Họ cũng đã không có những kêu gọi chống đối chế độ, và như ta đã biết, NTT chỉ đã khẳng định là giúp cho đảng CSVN làm tốt hơn, hay nhắc nhở thực hiện những gì chưa làm được. Nhưng đảng cộng sản Việt Nam thì lại không muốn như vậy, không muốn có một hình thái đóng góp từ các nhóm chính trị nào khác, vì họ cho rằng là nguy hại cho vị trí độc tôn của họ. Để giữ vững độc quyền cai trị, một mặt CSVN tình nguyện làm chư hầu của đảng CS Trung Quốc để có được hậu thuẩn chính trị, một mặt khác thì chia chác quyền lợi với công an, quân đội để củng cố bè cánh. Cụ thể gần đây, thủ tướng chính phủ đã phê duyệt quyết định số 2078- 2079/QĐ-TTg, thành lập Tập đoàn Viễn thông Quân đội hoạt động theo hình thức công ty mẹ- công ty con, bao gồm các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và các doanh nghiệp đa sở hữu. Và thăng chức đồng loạt cho các tướng công an. Tưởng cũng nhắc lại rằng 9 người khác ở Hà nội và Hải phòng mới đây cũng bị kết án tổng số là 32 năm tù giam và hàng chục năm quản chế vì “Tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”, theo Điều 88 của bộ Luật Hình sự, chỉ vì những người này đã treo biểu ngữ đòi hỏi dân chủ và xác định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Sự trạng này làm người ta không khỏi nghĩ đến tính khôi hài của đường lối “đấu tranh công khai, bất bạo động”, mà những người kêu gọi và chủ trương đã đầu hàng nhanh chóng khi bị bắt, vì không có lấy một chút can đảm giữ nguyên lập trường. Đối với một chế độ trấn áp độc tài như vậy, người suy nghĩ bình thường thì phải biết rằng chỉ có cách âm thầm thấy nó hở đâu đánh đó, với khả năng và phương tiện trong tầm tay. Chỉ với những áp lực không đỡ được như thế thì mới hy vọng xẩy ra một cuộc cách mạng giải quyết tận gốc rễ vấn để để đưa đất nước đi lên.

Tuệ Vân

Ngày 2 tháng 2 năm 2010

2-Feb-10

http://www.tamthucviet.com/articleview.aspx?artId=%C5%B8E%15Z

------------oo0oo--------------

hoangsa

------------oo0oo--------------

lacomau
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.

Home Page Vietlist.us