tittle


bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

Chuyện Đồng Quê - Vietlist.us

-------------oo0oo---------------

 

Chuyện về làng thịt chuột Canh Nậu

Hiếm có ngôi làng nào món thịt chuột lại “thịnh” như đất Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội. Thịt chuột ở đây được ăn phổ biến ngang với thịt gà, thịt lợn.

BatChuot
Hai con chuột đồng trong tay

Mua nhà, tậu xe nhờ... săn chuột

Dân Canh Nậu bắt chuột quanh năm, nhưng “xôm” nhất là vào độ tháng 9 đến tháng 12 (Âm lịch). “Thời điểm này, nước sông cạn nên chuột đào hang nhiều. Đây cũng là lúc vụ mùa mới thu hoạch xong, chuột mẹ chuột con béo tròn. Bắt chuột lúc này là “trúng” hơn cả”, Anh Tuấn, “thợ săn chuột” với hơn 10 năm “kinh nghiệm” lý giải.
Chạng vạng tối cũng là thời điểm nhóm anh Tuấn chuẩn bị đi “săn”. Ba người dắt theo một con chó to cùng cơ man nào là: Cuốc, xẻng, giọng, vợt… Cầm đôi dép để gọn vào đầu hồi, anh nói tiếp: “Đi săn chuột là phải đi chân đất. Cái giống chuột này nó tinh lắm. Tiếng dép loẹt quẹt là nó chạy ngay”.

Khi vừa bước chân ra tới con mương đầu làng, tôi đã thấy hơn chục nhóm người đang đi săn. Trong đám “thợ săn”, tôi ước chừng có 5-7 chú nhóc 10, 11 tuổi, có mấy bác dễ đến ngoài 70. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Tuấn cười vang: “Dân săn chuột ở đất Canh Nậu này làm gì có tuổi. Trẻ con 5 tuổi đã theo người lớn ra đồng, cụ 70 vẫn ham cái thú bắt chuột. Cả làng này, ai cũng thạo việc bắt chuột cả”.

Cảnh bắt chuột nói vui như hội cũng không “ngoa”. Người đuổi, kẻ vồ, người tay cuốc, người tay giọng… tiếng chó sủa chuột huyên náo cả cánh đồng. Kết thúc cuộc đi săn, anh Tuấn nhìn rọ ước chừng “thu về” gần chục cân chuột. Anh Tuấn cho hay, mỗi cân thịt chuột sống anh bán được 25-30 nghìn đồng, còn chuột đã cạo sạch lông, thui vàng ươm, thơm lừng anh bán với giá khá cao 60-70 nghìn/kg.

Những “thợ săn” như anh Tuấn ở đất Canh Nậu không hiếm. Có người nhờ săn chuột tậu được xe đẹp, làm được nhà cao. Như bác Liên, chủ quán thịt chuột Nguyên Liên, đã kinh doanh món “chú Tý” được ngót 10 năm, hiện nay, bác Lâm cho biết việc kinh doanh của bác đang phất như “diều gặp gió”. “Hàng ngày, quán tôi đón hàng trăm khách nhậu “thập phương”. Người ở xã khác, người ở huyện bạn, có cả người ở Hà Nội tìm về để thưởng thức món chuột Canh Nậu. Có người gọi điện đặt trước dăm ngày. Mỗi ngày quán cũng bán được từ 20-40 kg chuột, ước chừng thu về hơn một triệu đồng tiền lãi”, bác Liên hồ hởi. Rít một hơi thuốc lào, bác Liên nói tiếp: “Cái giống anh Tý này là phá hoại ghê lắm. Nhưng nhà tôi cũng phải biết ơn nó. Cả nhà tôi sống nhờ vào cái nghề kinh doanh thịt chuột này”.

Những thực khách này phải “lặn lội” hơn 20km để thưởng thức thịt chuột Canh Nậu
Có người coi bắt chuột là “cần câu cơm” như bác Liên, anh Tuấn… nhưng có “thợ săn” bắt chuột chỉ để thỏa cái thú ham. “Có ngày bắt được dăm bảy cân chuột bán lấy mấy chục ăn quà, có hôm thì mang về cho hàng xóm, lúc cũng chẳng bắt được con nào. Nhưng cái “thú” săn chuột ăn vào… “máu” rồi, ngày nào mà không vác cuốc đi bắt chuột là chân tay ngứa ngáy”, ông Bính, 74 tuổi, “thợ săn” già nhất làng chia sẻ. Nghe ông nói chuyện, cậu bé tên Phong, chừng 12 tuổi chen vào khoe: “Em cũng biết bắt chuột đấy. Chủ nhật nào cũng “kiếm” được 5, 6 chục nghìn tiền bán chuột. Tiền đó em góp lại phụ mẹ đóng học”.

Món ngon đãi khách quý

BatChuot

Không ai ở đất Canh Nậu nhớ nổi họ đã “chuộng” món thịt chuột từ bao giờ. Chỉ biết, giờ mâm cơm nhà nào cũng có đĩa thịt chuột, không rang thì luộc hấp lá chanh… Phiên chợ chiều, thịt chuột cũng là món đắt khách hơn cả.

Mới lớp 3, nhưng Long làm thịt chuột thạo như người lớn

Cậu bé Dương Văn Long, mới học lớp 3 nhưng tay dao tay thớt, làm thịt chuột thạo như người lớn. Chép miệng vẻ thèm thuồng, Long suýt xoa: “Trời lạnh thế này có bữa chuột luộc chấm tương thì ngon phải biết”. Vừa nói cậu vừa pha nước làm thịt chuột. Long bật mí: “Nước làm thịt chuột không được để nóng quá, thân chuột lượt ra coi như vứt đi. Nếu lạnh quá chuột sẽ bị dai và khó làm lông. Nước pha bảy phần nóng ba phần lạnh là “chuẩn” nhất”. Nói rồi, Long đưa tay tuốt lông chuột, bỏ đầu bỏ chân, rồi dùng lưỡi dao nhọn rạch bụng… Chỉ vài phút, dưới bàn tay của cậu bé chưa đầy muời tuổi hơn chục chú chuột đồng đã được làm sạch sẽ.

Tôi cũng may mắn được thưởng thức món thịt chuột tại nhà bác trưởng thôn. Không giấu vẻ tự hào, bác cười hỉ hả: “Thịt chuột giờ bán nhan nhản nhưng không ở đâu thịt chuột ngon như làng Canh Nậu. Nhà nào có khách là nghĩ ngay đến món chú “Tý” ”.

Tôi đem hỏi bác thông tin: đám cưới nào ở Canh Nậu phải có đĩa thịt chuột mới gọi là sang? Bác lắc đầu nguầy nguậy: “Dân Canh Nậu mê thịt chuột nhưng không có chuyện đưa thịt chuột vào mâm cỗ cưới hay đình đám. Nói vậy là sai. Thịt chuột chỉ đem ra mời khách chứ lấy đâu hàng tạ chuột mà làm cho cả đám cưới”. Nói rồi bác nhấp ngụm rượu, đưa tay gắp miếng thịt chuột còn ngun ngút khói.

Lê Trang

+++++++++++++++++

Cả xóm xuất ngoại buôn... thịt chuột

Ở một số địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thịt chuột đồng là món ăn được yêu thích, hoặc được dùng làm thức ăn cho một số loài như trăn, rắn, cá...

Chính vì thế, chuột đồng là mặt hàng được nhiều người kinh doanh buôn bán và nhiều người cũng có công việc từ loại hàng đặc biệt này. Chuột đồng không chỉ được bắt tại Việt Nam mà còn được... nhập khẩu từ Campuchia.

Chuột sống được nhốt trong lồng tập kết lên xe chở đến các điểm sơ chế

Biên giới giữa cửa khẩu Khánh Bình (thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) và Campuchia là một con sông khá rộng. Muốn qua được bên kia biên giới thì phải đi phà, hoặc đò.

Có mặt tại cửa khẩu Khánh Bình sáng 25/7, chúng tôi chờ cho đến hơn 9 giờ sáng nhưng vẫn không thấy một phương tiện chở chuột nào xuất hiện. Giả làm người đi mua chuột, hỏi một người dân bán quán cà phê ngay cạnh cửa khẩu, ông này cho chúng tôi biết, trước đây cứ khoảng 8 giờ sáng hằng ngày sẽ có 2 - 3 xe tải cùng nhiều xe gắn máy khác xuống phà qua bên kia lấy chuột chở về. Nhưng cách đây một tuần thì phía Cơ quan Hải quan cửa khẩu Khánh Bình không cho phép chở chuột nữa, vì vậy dân buôn nhập chuột về Việt Nam qua đường khác.

Dạo một vài vòng dọc theo bờ sông, thì chúng tôi mới phát hiện các phương tiện xe tải, xe gắn máy này đang đậu gần dưới bờ sông cách cửa khẩu vài trăm mét đang chờ chuẩn bị nhập chuột bằng các con đường tiểu ngạch.

Theo tìm hiểu, chuột sau khi được phía bên Campuchia bắt và bỏ vào các lồng sẽ được chuyển đến tập trung tại gần một điểm bờ sông bên kia biên giới. Trước đây, thương lái mua cho xe trực tiếp qua để lấy về. Sau khi bị cấm thì đậu xe ở bên này, sẽ có người phía Campuchia dùng thuyền chở các lồng đựng chuột sang. Chuột được cho vào một cái lồng hình vuông dài hơn 1m, ngang khoảng 0,8m, mỗi lồng chứa khoảng 20 - 30kg chuột sống. Những người Campuchia bán cho thương lái người Việt giá khoảng 25 ngàn đồng/kg chuột sống.

Tại nơi tập kết giáp biên này, sau khi cân các lồng chuột, các thương lái Việt Nam sẽ chất những lồng này lên xe tải, hoặc buộc 2 - 3 lồng sau xe gắn máy để chở về.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ riêng tại cửa khẩu này, mỗi ngày đã có khoảng 500kg - 1 tấn chuột được nhập khẩu vào Việt Nam. Thời gian cao điểm, số lượng này có thể lên đến 3 tấn. Một thương lái cho biết: "Nguồn cung hầu như không khi nào cạn vì giống chuột đồng này đẻ nhiều và lớn rất nhanh".

Công phu thịt chuột

Huyện An Phú, tỉnh An Giang có nhiều điểm tập kết chuột. Sau khi chuột từ biên giới nước bạn Campuchia nhập vào sẽ được tập kết tại các cơ sở sơ chế rải rác khắp tỉnh.

Chỉ riêng tại ấp Bình Chánh (xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã có hơn 10 hộ gia đình chuyên sống bằng nghề kinh doanh chuột. Những hộ gia đình làm nghề này tập trung tại một khu vực trong ấp, kéo dài trên quãng đường khoảng 200m. Tại đây, chuột sẽ được làm thịt sơ chế đông lạnh để bán cho các cơ sở tiêu thụ hoặc bán chuột sống tại đây nếu ai có nhu cầu mua.

BatChuot
Vui mùa săn chuột đồng, săn chuột đủ tiền du lịch sang Mỹ


Có mặt tại khu vực vào giờ nghỉ trưa, chúng tôi nhận thấy không khí làm việc tại đây vẫn rất nhộn nhịp. Anh Tuyên, chủ một cơ sở kinh doanh cho biết: "Mỗi ngày nhập tôi nhập gần 1 tấn chuột, chủ yếu là phân phối lại cho các hộ làm chuột trong xóm".

Theo anh Tuyên, vào buổi sáng sẽ có một vài chuyến xe đi nhập chuột ở biên giới về và phân phối cho các hộ làm thịt. Từ 12h trưa cho đến 9 - 10h tối, cả xóm chỉ có mỗi việc làm thịt chuột. Các công đoạn làm thịt chuột như sau: Trước tiên có một người bắt chuột trong lồng ra, đập đầu cho chết; rồi chuyển sang cho người kế tiếp chặt đầu, chặt đuôi. Tiếp đó có người sẽ mổ một phần bụng rồi lột da. Cuối cùng là rửa sạch chuột đã sơ chế và sắp xếp chuột vào thùng đựng. Thùng đựng chuột cũng thuộc loại "chuyên dụng": trong thùng có đặt bao nilon chứa đá lạnh, chuột được đặt giữa các bao nilon này để thịt chuột được tươi lâu hơn.

Người mua thịt chuột sẽ tìm đến mua hàng tại các cơ sở sơ chế này. Chuột làm sẵn được chia làm 2 loại, loại 1 giá 50 ngàn đồng/kg, loại 2 giá 40 ngàn đồng/kg. Các cơ sở này cũng bán lại chuột còn sống giá 35 ngàn đồng/kg (loại lớn) và 28 ngàn đồng/kg (loại chuột nhỏ, chuyên cho trăn ăn).

Chuột thịt chỉ lấy nguyên con bỏ đầu, da, ruột, đuôi và chân. Tuy nhiên các phụ phẩm này sẽ được các hộ nuôi cá mua với giá từ 1 - 3 ngàn đồng/kg, còn máu chuột được dùng nấu cho heo ăn.

Thời điểm sôi động nhất ở xóm chuột là khoảng 3h chiều, vì thời gian này sẽ có 2-3 xe tải và nhiều xe máy khác tiếp tục chở chuột từ biên giới về. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở sơ chế chuột tiếp nhận khoảng trên dưới 1,5 tấn sống, trung bình mỗi hộ lột da khoảng 400 - 500 kg chuột sống/ ngày.

Khoảng 9h tối hàng ngày, thịt chuột sau khi cho vào bao có ướp nước đá sẽ được chuyển xuống thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang). Từ đây, thương lái khắp nơi từ Sài Gòn, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp... đổ về lấy thịt chuột về bán ở các chợ, các nhà hàng, kinh doanh ăn uống.

BatChuot
Vui mùa săn chuột đồng, săn chuột đủ tiền du lịch sang Mỹ

Sống nhờ chuột

Việc nhập khẩu, mua bán, sơ chế chuột ở một số khu vực thuộc huyện An Phú gần biên giới Campuchia đã tạo công việc cho nhiều lao động nông nhàn địa phương.

Đa phần người làm thịt chuột là các em gái. Mỗi nhân công sẽ được trả từ 30 - 40 ngàn đồng/buổi làm (chủ yếu là buổi chiều). Em Nguyễn Thị Bé (ngụ ấp Bình Chánh, xã Bình Long) cho biết, "Em đã làm công việc này từ hơn 1 năm nay để kiếm thêm phụ giúp cho gia đình. Chuột được các chủ hàng mua và nhập về hàng ngày nên không khi nào sợ thiếu việc".

Thấy chuột được tìm mua, nhiều người dân địa phương khi rảnh rỗi cũng đi bắt chuột kiếm thêm thu nhập. Em Nguyễn Minh Tư, 12 tuổi, đã có “thâm niên” bắt chuột 3 năm cho biết: "Thông thường, người ta dùng mồi nướng lên cho thơm, rồi đặt mồi trong rập (cái lồng) để bẫy chuột. Khoảng chiều tối đi bẫy thì mờ sáng có thể thu bẫy về. Đặt bẫy cách này thường bắt được chuột lớn cỡ 3 - 4 con/kg. Nếu vào thời điểm lúa vừa cắt xong, người ta sẽ giăng lưới trên đồng lùa chuột chạy vào. Mỗi buổi đuổi chuột như thế, sau khi bán chuột mỗi người có thể được chia từ 80 - 150 ngàn".

Bat Chuot

Một cách bẫy khác công phu hơn là: trước ngày sạ lúa, chọn vài khoảnh đất trống trồng loại lúa nếp thơm, xung quanh những khoảnh đất đó rào lại bằng mành mành. Bốn góc trổ 4 cửa và phía trong đặt 4 cái lồng làm hom. Khi lúa trổ thì nếp thơm đã chín trước, chuột nghe mùi lúa thơm tìm vào các cửa rào và mắc bẫy. Bắt cách này sẽ bẫy được cả "gia đình" nhà chuột, cũng như bảo vệ được nguyên khu ruộng còn lại.

Hết chuột ...

source: email from readers.

 

Home Page Vietlist.us

 


bottom