tittle


bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

Home Page Vietlist.us

Bắt cá tôm ở đồng bằng sông Cửu Long.

Phần 6


Chuốt tre đan lờ, bện đăng

Đăng Rạch

- Cá nhảy, cá nhảy rồi anh hai ơi!

Thằng em tôi có nhiệm vụ canh đăng kêu vang dưới bến. Tôi vội xuống xuồng đi với nó. Bơi xéo qua Rạch Dừa nơi chúng tôi đang có giàn đăng, tôi cẩn thận cột xuồng nằm ngang chỗ nước sâu giữa rạch, bên ngoài cái “ÐÓ”, xong anh em tôi ngồi chờ. Nước bắt đầu từ Rạch Dừa chảy ra. Một con cá ngựa nhảy đo đăng.

Sọat... Sọat... Bộp... bộp... bộp...

Hai con cá ngựa cùng nhảy qua đăng một lượt và rớt lên xuồng chúng tôi. Tôi và em tôi nhanh nhẹn tóm chúng bỏ vào khoang.

Soạt... Tỏm.

Một con cá mè vinh lao ra trúng vai tôi và rớt xuống sông bơi mất, làm anh em tui tiếc hùi hụi.

Chúng tôi đang đăng rạch. Dùng những tấm đăng bện bằng tre cao khoãng 2 mét chúng tôi chận ngang Rạch Dừa lúc nước lên cao. Người làm đăng chẻ tre ra chuốt từng cọng lớn hơn chiếc đủa, dài khoãng 2 mét. Xong dùng dây trại bện lại thành tấm lưới thưa có kẽ khoãng 1 cm, sao cho nước chảy qua được nhưng cá tôm bị giử lại. Cá từ sông lớn vào Rạch Dừa lên ruộng kiếm ăn. Giờ nước bắt đầu rút, cá trở ra sông lớn bị đăng chận lại. Những con cá Ngựa, cá Mè vinh bắt đầu nhảy qua đăng thóat thân. Chúng tôi đậu xuồng ở đây đón chúng. Nhưng phần lớn cá tôm sẽ chui vào trong cái đó ngay bên cạnh chúng tôi.

ĐÓ là một cái thùng chứa hình trụ cũng đan bằng tre. Dọc theo hông đó có xẻ một cửa dài với nhiều hom nhọn quay vô trong đó. Cá lội ra sông lớn, bị đăng chận lại sẽ bơi dọc theo đăng và chui vào trong cái đó. Chúng chui vào rất dễ nhưng không trở ra được vì những hom nhọn cản lại. Lát nữa đây khi nước cạn anh em tôi sẽ kéo đó lên đổ cá tôm vào khoang xuồng. Thường thì chúng tôi bắt được cá lòng tong, cá he, cá trèn, cá linh, cá rô, cá đỏ mang, tôm lớn, tép nhỏ ... Bắt cá xong, chúng tôi sẽ giặt đăng cho sạch bùn sình, cỏ rác đem về phơi khô, cuộn lại để dành cho kỳ tới .

Có câu ca dao nói về cái đăng, cái đó như sau:

Xin đừng tham đó bỏ đăng,
Có lê quên lựu, có trăng quên đèn.



Càng ngày người ta càng dùng lưới thay thế cho đăng tre để dở chà, đăng mé

Ðăng Mé

Ðăng mé tức là đăng dọc theo mé sông bắt cá . Người ta lựa một khúc bờ sông phẳng phiu, nước lớn lên ngập mé, nước ròng rút ra khỏi mé lòi bãi sình để có thể bắt cá được. Trước khi đăng độ một tuần người ta thảy lúa, cám dọc theo mé làm mồi, để cho cá tôm có thói quen vào khu vực đó kiếm ăn.

Ðăng mé có hai cách: một là dùng những tay đăng bằng tre, hai là dùng lưới cá. Ðăng tre là dùng những thanh tre lớn hơn chiếc đũa ăn cơm một chút, dài độ 2 mét, dùng dây bện lai với nhau như một chiếc chiếu thưa, có khe hở độ 1 cm giữa 2 thanh tre. Còn lưới là loại lưới dầy, mắt lưới vuông độ 1 phân. Ðăng tre chỉ thịnh hành vào thời trước 1968. Sau các năm 1967-1968 tôi thấy lưới ny lông bắt đầu rẻ và thịnh hành. Gia đình tôi có một tay lưới cao khoảng 2 mét, dài khoảng 50 mét dùng để đăng mé hay dở chà gọn và nhẹ hơn xài đăng tre.

Tới ngày đăng mé, anh em tôi đi cắm sẵn độ 30 cây đài tre dọc theo mé sông. Treo lưới lên các cây đài sẵn sàng hạ lưới khi cần thiết. Chúng tôi thảy cám, thảy lúa nhử cá. Khi nước lớn đầy, cá tôm vào trong mé sông ăn mồi, chúng tôi cẩn thận dùng xuồng bơi tới, tuyệt đối không gây tiếng động, nhẹ nhàng hạ lưới xuống dọc theo mé sông. Phía dưới dạo lưới thì nằm dưới bãi, nhưng phía trên của lưới thì vẫn còn treo trên mấy cây đài. Một đứa trong chúng tôi cởi trần nhẹ nhàng lội xuống nước dùng chân đạp nhẹ đường viền đáy cho lưới lún xuống sình chừng 5 phân giữ cá tôm trong lưới, không chui ra được.

Thường thì chúng tôi chọn con nước tối, hạ lưới khoảng 12 giờ khuya, lúc đó yên tĩnh, cá lớn dạn dĩ vào bờ. Xong, chúng tôi leo lên ghe nằm ngủ đợi nước cạn. Trời hừng sáng, nước cạn, anh em chúng tôi đốt đèn lên đi bắt cá. Không nên để nước cạn sát quá, những con chồn, mèo, chuột có thể lội xuống ăn cá, cắn rách lưới. Những cá lòng tong đâm đầu vào lưới trắng xoá phải gỡ ra. Những con cá he, cá mè vinh, cá trèn, cá cóc, cá lưỡi trâu, tôm tép… thì nằm dọc theo các vũng nước còn đọng lại.

Phải nhanh chóng bắt cá chuyển về nhà . Nếu cá ít, độ 1-2 kí lô thì đủ gia đình chúng tôi ăn một ngày. Nếu cá tôm nhiều, có khi phải đi chợ bán bớt, kiếm tiền chi dụng chuyện khác. Ðợi nước lớn lên, anh em chúng tôi giặt lưới cho sạch sình bùn, cỏ rác, phơi lưới khô rồi thu dọn về nhà, ra ruộng, ra đồng tiếp tay với Ba tôi.


Chợ cá. Từ trái qua phải: cá Chạch, cá Mè vinh và các loại cá khác

Mò Tép, Quậy Hầm

- Dính nữa nè cu.

Chú tôi đưa cho tôi một con tép trứng nhỏ bằng ngón tay. Tôi xỏ con tép vào cọng dây lạt dừa đang ngậm trong miệng rồi mò tiếp. Chú tôi xuống chơi. Nước sông ấm nồng, tôi và chú rủ nhau đi mò tép. Chúng tôi mò dọc theo những nọc cầu, những cọng rễ bần, những cây trụ chà và đã bắt được chừng hai mươi con tép lớn bằng ngón tay cái, hứa hẹn một bữa cơm chiều.

Bổng em tôi chạy đến kêu:

- Ba kêu chú với anh hai về lẹ, ba đương quậy hầm.

Quậy hầm. Hà hà, quậy hầm bắt tôm ! Tôi và chú tôi lội dọc theo bờ sông về nhà, theo đứa em tôi ra sau vườn. Ba tôi đang móc đất be bờ, thấy chúng tôi, ba nói:

- Tụi bây xuống quậy đi, tao mới đụng tôm.

Chà, nghe ba nói chúng tôi hăng lên, vội xuống nước và bắt đầu... quậy. Nước sâu tới bụng, chúng tôi dở những cây chà liệng lên rồi đi dọc theo cái hầm dài hai mươi thước, rộng hai thước, dùng tay chân quậy sình cho nước đục lên. Ngày thường đứa nào "quậy" thì bị đòn, nhưng lúc nầy mới đúng là QUẬY, quậy càng nhiều càng tốt, được khen !

Cái hầm nay ba tôi đã chuẩn bị mấy tháng trước vào mùa nước nổi, ba bỏ chà xuống làm chỗ trú ngụ cho tôm. Mùa nước nổi, tôm nhỏ từ dưới sông tràn vào ruộng kiếm ăn. Mùa nước rút, tôm từ ruộng theo nước ra sông. Đi ngang qua cái hầm nầy, thấy có chà chôm, là chỗ trú ngụ lý tưởng, một số ở lại. Sau mấy tháng chúng đã lớn gần bằng cườm tay, mổi con nặng tới 100-200 cà ram.

Con tôm thích nước trong. Chúng thở bằng mang và hệ thống thở của chúng không chịu được nước đục. Chúng tôi quậy được một lúc nước đục xình, tôm không thở được bắt đầu nổi lên. Râu tôm lác đác nổi lên trước dọc hai bên bờ. Những sợi râu đỏ, ngo ngoe, là những cần ăng-ten thăm dò. Từ từ chúng sẽ lộ cả hai mắt đỏ lên và thở trên mặt nước. Khi phản ứng thoát thân, con tôm búng mạnh thân mình giật lùi rất nhanh. Chúng tôi chỉ việc đi dọc theo bờ, chụp nhanh phía sau đuôi chúng rồi bỏ vào một cái rộng tre để phía nước trong cho chúng khỏi chết.

Những con tôm càng xanh, nặng độ hai trăm cà ram to gần bằng cườm tay tôi, đuôi nhọn, càng cứng, búng vào tay đau điếng. Nhưng khi nướng lên thì tuyệt vời. Hôm đó chúng tôi bắt được hơn hai chục kí tôm. Cơm chiều, mẹ tôi nướng tôm dọn ra hai dĩa bàn đầy ăn không hết. Số còn lại trong rộng để dành cho ngày mai. Sáng sớm mai, mẹ tôi sẽ đem tôm ra chợ bán. Tôm càng xanh bán rất có giá vì thịt tôm ngon, các nhà hàng cơm ngoài chợ mua với giá cao.


Lưới cá ven sông. Khúc sông nầy có nhiều lục bình.

Ðặt lọp tép

Sau mùa nước nổi, những con tép từ trên đồng ruộng đã lớn và trở lại sông Cửu Long, chuẩn bị chu kỳ sanh đẻ. Sống trong sông Cửu Long có 2 loại tôm tép khác nhau. Khi nói tôm, là người ta nói những con tôm càng xanh, lớn kềnh càng. Con đực lớn bằng cườm tay và có một cặp càng xanh to bằng ngón tay, càng dài chừng 3 tấc. Con cái nhỏ hơn, cặp càng cũng nhỏ hơn, bụng mang đầy trứng. Còn tép là những con nhỏ hơn con tôm nhiều, chỉ to bằng ngón tay. Tép đực là các con hơi lớn, vỏ dày sần sùi, màu đậm có cặp càng lớn, còn được gọi là tép thợ rèn. Tép cái là những con nhỏ hơn, vỏ mỏng trơn láng hơn và bụng mang nhiều trứng.

Với tôm càng người ta bắt bằng cách dở chà, câu, đặp lọp ven. Với các con tép, người ta đặt lọp tép . Lọp tép là một cái lồng hình trụ đường kính khoảng 2 tấc, dài độ 4 tấc đan bằng trúc . Ba tôi chuốt những cọng trúc nhỏ bằng cây nhang dùng dây kẽm bện lại . Miệng lọp đặt 2 tầng hom tức là các cửa vào một chiều sao cho tép chui vào được mà chui ra rất khó vì bị các hom nhọn cản trở. Hom làm bằng những cọng trúc chuốt nhọn bện thành một cái cửa hình nón.


Đặt lọp tép ven sông. Chàng nầy công tử hơn chúng tôi hồi nhỏ.

Khi tép thấy mồi đặt trong lọp, tìm cách chui vào . Chui vào khá dễ, chui ra thì lại chẳng dễ tí nào. Phía đuôi lọp có một cửa nhỏ để trút tép ra khi thu hoạch. Mồi là một con cua đồng hay một con ốc bưu, ốc lác, đập bể dập, để cho dậy mùi quyến rũ tép. Khi nước bắt đầu lớn, ba tôi đem chừng 20 cái lọp đặt dọc mé sông. Dùng một cây ghim dẹp bằng tre, dài chừng 5 tấc, ghim cái lọp xuống sình, cạnh một cây bần hay bụi cỏ. Nước lớn cao, tép từ dưới sông bơi vào bờ kiếm ăn, sẽ chui vào trong lọp và kẹt trong đó .

Khi nước ròng, ba tôi bơi xuồng đi thu hồi lọp. Ba tôi dạo rửa vài cái cho sạch bùn sình rồi chất lên xuồng. Lọp đem về, anh em tôi xúm lại, trút ra bắt tép. Phần lớn chỉ bắt được tép thợ rèn và tép trứng. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng bắt được cá bống đen, cá bống cát, cá chốt. Những lúc trúng mùa, với 20 cái lọp, mổi ngày gia đình tôi kiếm được hai ba kí lô tép, lớp nấu canh, lớp kho mặn kho lạt, ăn không hết.

Vì làm bằng những cọng trúc chuốt nhỏ, mỏng manh, lọp tép xài chỉ một mùa rồi bỏ, sang năm phải đan lọp mới. Ðặt lọp tương đối nhẹ nhàng, nhưng cũng có nỗi cực riêng. Phải chịu khó đi thụt cua hay bắt ốc làm mồi. Một nỗi phiền nữa là đặt lọp vào con nước tối và dỡ lọp vào con nước sáng sớm mới được nhiều tép. Nhưng buổi sáng sớm dưới quê, con mùi mắt nhiều lắm. Khi mình ngồi đổ lọp hay ngồi làm tép, nó nghe mùi thúi của cua ốc chết, nó bu lại cắn mình, rất ngứa.

Con mùi mắt nhỏ như đầu cây kim, tỏ mắt mới thấy được. Nhưng khi nó bu lại cắn mình hút máu, ngứa như muỗi cắn. Nếu mình gãi trầy da có mùi máu, nó càng bu lại chỗ trầy, cắn dữ dội hơn. Ai có kinh nhiệm thì chỉ xoa xoa cho nó chết. Nếu bị cắn dữ quá thì phải đốt một ít vỏ dừa khô, hun khói thì con mùi mắt sẽ bay đi . Có người bạn còn dạy tôi lấy một chùm lá cách bóp dập ra, xoa khắp chân tay, những chỗ mùi mắt hay cắn. Mùi lá cách có lẽ là thứ mà con mùi mắt không ưa, nên tôi cũng đỡ bị cắn rất nhiều.


Một tấm đăng tre ven sông, có lẽ để chận lọp ven.

Ðặt lọp ven

Khác với lọp tép hình dáng nhỏ đan bằng cây trúc, lọp ven đan bằng cọng tre lớn, chắc chắn. Lọp ven là một cái lồng hình trụ, đan bằng những cọng tre to bằng ngón tay út, bề dài khoảng 2 mét. Ðường kính của lọp khoảng 1 mét. Lọp cũng có 2 cửa hom hình nón, đan bằng tre chuốt nhọn, đặt sao cho tôm cá chui vào dễ dàng, nhưng chui ra rất khó. Sau nầy người ta còn làm lọp ven bằng lưới kẽm khung tre nhưng hình dáng cũng tương tự như trên.

Khi nước lớn, những con tôm con cá lội dọc theo bờ sông kiếm ăn. Lợi dụng đặc tính đó, người ta dùng những tay đăng bện bằng tre, cao khoảng 1 mét rưỡi, bền dài khoảng 2-3 mét chận ngang đường di chuyển của tôm cá . Phía cạnh dưới của đăng người ta khoét một cửa vuông mỗi cạnh chừng 3 tấc rồi đặt cái lọp ven quay miệng vào cái cửa vuông đó . Lọp ven được giữ ở vị trí cố định bằng 3 cây tre dài khoảng 2 mét rưỡi cắm chéo vào nhau có cột dây chỗ chéo. Hai cây cặp hai bên hông, một cây chận phía đuôi lọp, phía đầu lọp đã bị tấm đăng chận lại. Như vậy nước chảy cái lọp không trôi được.

Cá tôm lội dọc theo bờ sông kiếm mồi. Khi đi tới tấm đăng tre, nó không đi được nữa, có khuynh hướng lủi xuống đáy sông, đi dọc theo tấm đăng. Khi tới cửa vuông 3 tấc chừa sẵn, cá tôm chui vào đi tiếp. Như vậy nó đã chui vào cửa lọp.


Một cái lọp ven thật lớn, đan bằng lưới kẽm. Có đăng tre chận cho tôm cá chui vào

Chui qua 2 lần hom, cá tôm không còn thoát ra được nữa. Một chủ lọp có thể có từ 1 đến 5 cái lọp ven. mỗi ngày chủ lọp bơi xuồng thăm lọp một hoặc hai lần. Lọp ven rất thưa nên không bắt cá nhỏ, chỉ bắt cá tôm khá lớn từ 100 gram trở lên. Ngày xưa, Ba tôi chỉ đặt một cái lọp ven lớn dưới bến sông. Vậy mà chúng tôi thường xuyên bắt được cá bống Tượng, Tôm càng, cá Ngác, cá Trê... cũng đủ ăn. Có khi Ba tôi bắt được con cá bống Tượng cả kilô. Thịt cá bống Tượng ngon và mắc tiền, chưng với tương, gừng, bún, nấm mèo, củ hành ăn thiệt là ngon.

Có lần anh em chúng tôi đi vào Rạch Tre thăm dì tôi. Ðứa em con dì rủ chúng tôi đi dở lọp ven của nó . Ðó là một cái lọp bằng lưới kẽm thật lớn, nhưng nhẹ hơn lọp tre. Em tôi đứng trên xuồng kéo lọp lên. Lọp mới kéo lên được phân nửa đã nghe tiếng quậy trong đó thật là hồi hộp. Tiếp tục nâng cái lọp lên, em tôi bắt được 5-6 con cá Dồ đém, mỗi con nặng đến nửa kílô. Thiệt là vui. Bữa đó anh em tôi ăn một bữa canh chua cá Dồ, mà kỷ niệm đó suốt đời không bao giờ quên được.


Hai chị bán cá bống Tượng. Cá bên trái còn nhỏ quá. Cá bống Tượng có thể lớn đến 2kg.

Câu tép

Anh em tôi còn một thú vui nữa là câu tép. Ðầu mùa nước nổi khi nước bắt đầu ngập sát mé bờ sông, anh em tôi chuẩn bị đi câu tép. Cần câu chỉ là một cọng lá dừa chuốt nhỏ, lớn bằng cọng chân nhang, dài chừng 4 tấc. Ðầu nhỏ của cọng lá dừa quấn lại thành một vòng tròn bằng chiếc nhẫn đeo tay. Cột vào đầu “cần câu” là một sợi chỉ dài chừng 3 tấc. Không có lưỡi câu, nhưng thay vào đó là một vòng tròn dây kẽm nhỏ, luồn dọc thân một con trùng làm mồi .

Chúng tôi tự chế tạo 5-6 cái cần câu … nội hoá như vậy và bắt đầu đi câu . Cần câu được cắm dọc theo bờ sông, cách nhau chừng vài thước. mỗi khi cắm một cần câu, chúng tôi búng xuống mặt nước kêu “chụt, chụt” vài cái. Phải búng đúng cách, chỉ tạo tiếng kêu mà không làm nước văng tung tóe. Búng nghe “chụt” chúng tôi gọi là búng tôm, còn búng làm nước văng tung tóe chúng tôi gọi là búng cá, chỉ thu hút được mấy con cá mà thôi.

Con tép nghe tiếng búng sẽ tìm đến ăn mồi. Khi đeo được vào vòng mồi trùng, con tép rất say mồi. Nó đeo dính vào cục mồi và lội vòng vòng. Nó chỉ buông mồi khi mình kéo nó lên mặt nước. Ðầu cần câu nhỏ bé sẽ gục xuống hẳn, và cọng chỉ nhợ câu sẽ quay vòng vòng, vẽ trên mặt nước một cái vòng tròn đường kính độ một tấc. Mặt nước sông rộng mênh mông, lên tới mé bờ, loang loáng sáng. Gió thổi bông mận, bông bần rơi lả tả.

Ði tới đi lui thăm câu, thấy một cần gục xuống, cọng nhợ chỉ quay vòng, anh em chúng tôi mừng quá đỗi mà không dám la lớn, sợ tép bỏ mồi . Chúng tôi sẽ dùng tay trái nhẹ nhàng nâng cần câu lên cho con tép lên gần tới mặt nước. Tay phải chúng tôi cầm một cái rổ nhỏ, nhẹ nhàng xúc từ phía ngoài sông vào bờ. Khi con tép được nâng lên tới mặt nước nó sẽ buông mồi, búng mạnh một cái thoát thân ra phía ngoài sông và sẽ lọt vào trong rổ . Dỡ rổ lên, một con tép đang búng chành chạnh liên hồi và những trái tim nho nhỏ của anh em chúng tôi cũng đập thình thịch, thiệt là hào hứng !

Có khi cá cũng lại ăn mồi trùng của chúng tôi. Nhưng nhìn cách ăn câu chúng tôi biết được đó là con cá hay con tép. Con cá ăn câu thì cần câu sẽ giựt xuống rồi bật lên liên hồi. Con tép ăn câu thì cần câu gục xuống rồi giữ ở đó, còn cọng chỉ nhợ câu quây vòng vòng vẽ theo một cái hình nón. Khi mình lại dùng rổ hớt, con cá thường chạy đi, con tép thì vẫn đeo mồi.

Câu tép như vậy không nhiều, bữa nào trúng mùa lắm cũng chỉ được 10-20 con tép, mỗi con to bằng ngón tay. Nhưng chúng tôi sẽ xách rổ ra vườn hái thêm một rổ rau, nào là rau má, rau ngót, rau muống, rau lang, rau cải trời, rau dịu… Thôi thì hầm bà lằng, gặp rau gì ăn được là hái đem về cho mẹ tôi nấu một nồi canh tép, cả nhà cùng ăn. Hí ha, hí hố thiệt là vui vẻ.


Một em nhỏ đang câu tép. Cần câu chỉ là cọng lá dừa nhỏ xíu.

Hai Rạch Dừa

Xem tiếp phần 7

Home Page Chuyện Đồng Quê

Home Page Vietlist.us

-------------oo0oo---------------

 

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

Covang

Covang

Covang

Covang
Vinh Danh Cờ Vàng của Dân Tộc Việt Nam

Covang
Vinh Danh Cờ Vàng của Dân Tộc Việt Nam

Home Page Vietlist.us


bottom