Bắt cá tôm ở đồng bằng sông Cửu Long.
Phần 4
Chài cá trên sông
Chài cá trên sông
- Thằng cu đâu, về bơi chài.
Tôi đang chơi u với các bạn lối xóm thì ba tôi kêu về.
- Con đi móc đất sét nắn mồi cho ba.
Cha tôi ít khi đi câu nhưng thường hay chài. Ba tôi ở trần, bắp thịt cuồn cuộn quăng chài bắt cá. Chài là một miếng lưới hình tròn như một cái nón lá khổng lồ. Phía dưới là những túi nhỏ có cột dây chì cho nặng, phía chóp nhọn là một sợi dây dài mà người đi chài cột dính vào cườm tay. Người chài đứng trước mũi xuồng, dùng tay và đầu gối, sắp xếp cái chài trong tay theo một cách thức nhất định gọi là bắt chài. Bắt chài đúng, khi vãi ra nó phải xòe như một cái nón lá to chụp xuống nước, bắt không đúng vãi ra nó không bung cũng tương tự như dù không bọc vậy. Những cộng dây chì, dây lòi tói ở đáy chài làm cho chài chìm xuống nước bao phủ một vòng tròn đường kính chừng 5 mét. Những con cá hay tôm trong khu vực đó sẽ bị dính trong chài.
Đi chài cần một chiếc xuồng nhỏ và một người ngồi phía sau để bơi chài. Người ngồi sau phải bơi khéo léo, không khua dầm lộp cộp làm cá sợ chạy đi, nhất là phải ăn ý với người chài đứng ở phía trước. Khi người chài quăng chài ra, vì đứng trên một chiếc xuồng nhỏ mũi xuồng sẽ lệch ngang làm người chài dễ mất thăng bằng té xuống nước. Người bơi ngay lúc đó phải nại lái xuồng một cái nhẹ để xuồng lấy lại thăng bằng. Ba tôi và mấy đứa em trai tôi quăng chài rất giỏi. Tôi thử vài lần nhưng lần nào cũng bị té xuống nước, còn chài thì vãi không bung, chẳng bắt được gì. Mổi lần thấy tôi đi chài mấy cô gái lối xóm gọi nhau:
- Tụi bây ơi, ra coi anh hai vãi chài. Chuẩn bị vỗ tay nghe.
Họ đứng sẳn ở bờ sông, đợi tôi té một cái đùng xuống nước vỗ tay cười chơi. Từ đó tôi mắc cở, không tập nữa, chỉ làm người bơi chài thôi!
Chài cá đối biển
Chài thường có hai loại: “chài mồi” và “chài không”. Chài không là đợi khi nước cạn, chảy xiết, những con cá nhỏ tập trung theo những đuôi đóng chà để tránh dòng nước. Chài đã bắt xong, xuồng chài bơi nhẹ nhàng đến vãi chụp những điểm tụ đó để bắt cá.
Chài mồi là chài khi nước lớn. Chúng tôi dùng cám rang cho thơm nắn vào những cục đất sét như vắt xôi, quăng xuống những địa điểm có cá tập họp. Một lúc sau trở lại vãi chài. Trong khi “chài không” thường chỉ bắt được cá nhỏ như cá linh, cá lòng tong, cá he, “chài mồi” thường bắt được tôm càng xanh và các loại cá lớn như cá mè vinh, cá he vàng, cá lăng, cá ét...Chài cá đối biển
Chài Nòng
- Cu Tèo, cá ăn nhiều lắm, kêu ba mày đi chài nòng đi.
Cậu Năm xóm dưới kêu tôi. Tôi đi chặt và lột cho ba tôi một mớ bẹ chuối từ những cây chuối đã đốn lấy buờng xong. Bẹ chuối hình như một cái máng xối hứng nước mưa, dài hơn xải tay . Ba tôi róc bẹ chuối thành 3 mảnh, mỗi mảnh bề ngang độ 6 cm, dài hơn xải tay, cột lại thành một cái phao tròn đừng kính độ 1,5m gọi là cái nòng. Cắm một cây đài sậy giữ cái nòng không trôi, ba tôi thả vào đó một nắm cám rang. Cái nòng bằng bẹ chuối làm bằng vật liệu có sẵn, không tốn kém gì, chỉ dùng để giữ cám bên trong không trôi.
Cá lòng tong
Cám thơm nổi trong nòng quyến rũ một bầy cá lòng tong, cá he, cá mại đến ăn và vài ba con cá ngựa bơi lảng vảng (loại cá lớn thích theo táp cá nhỏ). Cha con tôi đợi cá đến nhiều, bơi xuồng nhẹ nhàng đến vãi chài. Phải khéo léo không gây tiếng động làm cá sợ chạy mất . Có khi cá nhiều vô kể, dính trắng xóa cả chài, gỡ không kip. Khi đó chỉ 2 chài là đủ ăn cho cả nhà . Cá lòng tong đem về kho tiêu, nấu canh chua, nhúng dấm cuộn rau thơm và rau cải trời, món nào cũng ngon cả !
Bủa lưới trên sông
Giăng lưới cá
Năm 1970, tôi ra tỉnh Sa Đéc học, sự nghiệp cá mắm của tôi bị dở dang. Một hôm về thăm nhà, thằng em trai chạy ra mừng tôi:
- Đi thăm lưới chơi anh hai. Tui đương giăng lưới cá rô đó.
Tôi ngạc nhiên đi theo thằng em 9 tuổi, học lớp 4 tay đang xách cái thùng, vì chưa nghe nói lưới cá rô bao giờ. Ra miếng ruộng sau nhà, nước ngập mênh mông, gió mát rười rượi, từng đàn cò trắng phau bay lượn đó đây. Hai anh em lội xuống ruộng, một đường lưới gân ngắn dạo giăng thẳng tắp giữa hai cây đài bằng sậy, vài con rô đồng dính lưới đang giẫy giụa. Anh em tôi vui mừng gỡ cá bỏ vào thùng. Thì ra năm ấy cá rô từ đâu lên ruộng rất nhiều. Ba tôi mua một tay lưới cá rô dài chừng 50 mét cho anh em tôi giăng cá. Chiều hôm đó chúng tôi ăn cá rô chiên tươi dầm nước mắm với cá rô nấu canh chua thơm đậm mùi ngò om, ngò gai.
Mấy hôm sau đi học, tôi xin ba tôi một khúc lưới chừng 3 mét đem theo. Tôi đang ở trọ học, giữ một miếng vườn nhỏ cho thầy tôi. Trước khi đi học tôi thả lưới ngang mương vườn, chiều về dở lên bắt được vài con cá rô, cá sặt, chiên hay kho ăn ngon lắm. Học trò nghèo thường chỉ ăn rau luộc chấm nước tương, nay có được cá ăn, thì tuyệt, không gì bằng !
Lưới giăng sông cũng dùng hai cây đài bằng tre cột lưới vào giữa, giăng ngang hay dọc bờ sông. Cá lội qua lại vướng vào lưới. Người giăng lưới chỉ ngồi trên xuồng, ca nghêu ngao vài câu vọng cổ đợi gỡ cá. Tuy nhiên, lưới sông thì dùng lưới cao dạo, mắt to để bắt cá mè vinh, cá he, cá ngựa, cá ét, cá đỏ mang là những con cá sông khá lớn. Trên ruộng dùng lưới ngắn dạo và mắt lưới nhỏ hơn để bắt cá rô, cá sặt, cá lóc, cá trê…những loại cá nhỏ hơn.
Bủa lưới trên sông
Thả lưới trên sông
Sông Hậu Giang là nhánh lớn của sông Cửu Long có rất nhiều cá tôm:
“Chiều chiều quạ nói với diều,
Ngã ba sông Hậu có nhiều cá tôm.”
Trong thời gian sống ở Cần thơ, tôi đã được chứng kiến cảnh thả lưới trên sông Hậu giang trong mùa cá. Từng đoàn thuyền nhỏ khởi hành từ miệt Ô Môn, Săng Trắng, Thơm Rơm cách Cần Thơ khoảng 15 cây số, thả những đường lưới ny lông dài độ 30 mét với những chiếc thuyền nhỏ trôi theo dòng nước về phía thị xã Cần Thơ. Lưới ni lông nhẹ, mắt thưa khoảng 3 ngón tay, giăng theo bề ngang sông. Những phao nhỏ giữ một cạnh lưới nổi trên mặt nước, phía dưới gắn chì giữ đáy lưới chìm thẳng đứng. Cá mè vinh, cá đỏ mang lội tung tăng kiếm ăn, dính vào lưới.
Khi gần tới ngã ba Trà Nóc, họ kéo lưới lên gỡ độ vài ba ký cá mè vinh ghé chợ Trà Nóc bán. Bán xong, họ tiếp tục thả lưới theo dòng nước. Khi đến chợ Bình Thủy cách đó chừng 5 cây số họ lại thâu hoạch một mẻ lưới khác rồi lên bán ở chợ Bình Thủy. Xong lại thả tiếp xuống bán ở chợ Cần Thơ. Cứ thả được một bận như vậy người chài lưới có tiền rủng rỉnh về nhà nghỉ ngơi . Tôi cũng đã may mắn được thưởng thức những con cá mè vinh thơm ngon trong mùa cá đó. Cá mè vinh là một loại cá ngọt thịt, béo và hơi nhiều xương. Cá chiên tươi dầm nước mắm chanh tỏi, hay kho lạt với hành, thôi thì ngon không kể hết !
Còn một loại lưới mà anh em tôi hay xử dụng là “lưới mé”. Chúng tôi lựa một bãi sông hứa hẹn có nhiều cá, cắm nhiều cây đài tre dọc bờ sông, móc sẳn lưới trên cao, đợi chờ. Khi nước cạn chúng tôi thẩy nhiều mồi cám nắn trong đất sét như những nắm xôi để nhử cá vào trong khu vực thả lưới . Đợi khi nước lớn lên cao, cá tôm vào nhiều chúng tôi hạ lưới chặn đường rút lui.
Xong chúng tôi đi ngủ, đợi khi nước rút cạn, đi dọc theo đường lưới là bắt nhiều cá tôm. Các loại thu hoạch được thường là cá lòng tong, cá he, cá ét, cá mè vinh, cá lăng, cá trê, cá vảnh, cá rằm, cá ngựa, cá trèn, cá lưỡi trâu, tôm, tép.
Bủa lưới trên sông
Hai Rạch Dừa
-------------oo0oo---------------
Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam
Vinh Danh Cờ Vàng của Dân Tộc Việt Nam
Vinh Danh Cờ Vàng của Dân Tộc Việt Nam