tittle


bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

Vietnam

covang

Trở Về Trang Gốc Thơ - Văn - Ảnh Bạn Đọc 

  Trở Về Trang Gốc Vietlist.us

Trang Thơ - Văn - Ảnh Bạn Đọc dùng để đăng những bài thơ, bài văn hay, những bức ảnh của bạn đọc gởi về. Nếu các bạn chụp được những tấm ảnh hay, lạ, đẹp và muốn chia xẻ cùng bạn đọc, xin vui lòng email cho chúng tôi ở "vietlist09@yahoo.com". Nếu các bạn có ảnh cháu bé dể thương và muốn chia xẻ, cũng xin gởi cho chúng tôi. Nếu quý bạn cho tên bức ảnh, miêu tả nội dung và tên nhiếp ảnh viên thì càng tốt -Cảm ơn quý bạn đọc và chúc quý bạn chụp được nhiều tấm ảnh đẹp.

-------oo0oo-------

KEO SƠN NGHĨA NẶNG

DTDB

Ngoài trời gió rít mạnh, những nhánh cây cam, cây táo… ở hiên nhà sau chạm vào vách, vào cửa sổ nghe rột rẹt. Nước mưa chảy từ trên mái, theo máng xối âm thanh nghe nhè nhẹ đều đều lon ton, lon ton rồi xuống mặt đất loang đi. Mùa đông ở đây lúc nào bầu trời cũng có màu xám, âm u, ủ dột, không một hạt nắng dù là những tia yếu ớt. Và mưa cứ rì rầm lác đác khi lớn, khi nhỏ, rồi phai phái suốt mấy ngày nay. May là ở miền Nam của nước Mỹ chớ phải miền Bắc Mỹ thì tuyết rơi trắng ngập cả lối đi, và xe cào tuyết đổ những đống cao như những ngọn đồi thấp dọc hai bên đường.

Mới 8 giờ sáng mà chuông điện thoại đã reo vang từng chập. Hiền uể oải ngồi dậy, bước đến nhấc ống nghe:
- Helo, helo…

Giọng sũng buồn, Hường lên tiếng:
- Cô Hiền đó hả, thức chưa? Gọi sớm quá làm phá giấc ngủ của cô dượng. Nhưng trước khi mấy đứa nhỏ chở đưa đi thăm ba nó, tôi lật đật gọi cho cô, sợ một hồi nữa trở về, cô bận rộn chợ búa, hoặc đi đó đi đây vào ngày cuối của tuần thì lại không gặp.

Hiền cười, trả lời chị dâu mình:
- Tôi có ngủ cũng bị bà đánh thức rồi. Nói chơi với chị chớ trưa trờ trưa trật còn ngủ nghê gì nữa chị ơi? Ông xã tôi đã chở đưa cháu nội đi học chữ Việt từ sáng sớm, nên không có phiền gì hết ráo. Ổng bữa nay ra sao rồi, chết chưa? Tôi muốn hỏi anh Hai đó!

Gia đình anh Hùng và chị Hường (anh và chị dâu) của Hiền ở tiểu bang Michigan. Chị Hường đang ở đầu dây điện thoại bên kia, bên đầu dây nầy Hiền nói chuyện viễn liên với chị dâu mình. Họ ở cách xa nhau phải hơn 4 giờ đường máy bay. Bởi con đường dài tận mù xa ngoài 3.000 mile (khoảng hơn 4.800 cây số). Phải, thật là xa lắc xa lơ, xa quá là xa, xa tí tè!

Hiền không biết khi nghe cô hỏi anh mình như vậy, thì bà chị dâu sẽ nghĩ thế nào? Nhưng cô chắc chắn rằng, mặt bả sẽ nhăn nhó như con khỉ ăn nhầm phải ớt cay. Đó là cố tật của chị Hường vợ ông anh Hai của cô, mỗi khi nghe ai nói, hay ai hỏi gì mà chị không hài lòng, không vừa ý. Tiếng càm ràm của chị Hường bên kia đầu dây nổi lên liền:
- Cô ăn nói gì bậy bạ, xui xẻo, trù ẻo không hà! Đừng nói vậy nữa nghe không, anh Hai biết được sẽ buồn lắm. Hồi sanh thời, cô là đứa em mà anh Hai cưng chiều nhứt nhà đó.

Hiền làm thinh không trả lời bà chị dâu. Cô cũng không sợ ông anh mình buồn, mà nỗi buồn đang lan dần âm ấp lòng cô! Làm cô không nhịn được cái thở dài phiền muộn, khi nhớ đến thời đã qua.

Vợ chồng ông giáo Hiển có 4 người con, 1 trai 3 gái. Người con trai lớn tên là Hùng, rồi cô Ba Hằng, cô Tư Hạnh và Hiền là con gái út. Cha làm thầy giáo mà cả 4 đứa con không có đứa nào theo nghề ông. Anh Hùng học ngành Cán Sự Điều Dưỡng, về làm Trưởng Chi Y Tế ở quận Hòa Đồng thuộc tỉnh Mỹ Tho. Sau nầy tách rời, Hoà Đồng thuộc về tỉnh Gò Công.

Cô Ba Hạnh học hết năm Đệ tứ, thi rớt bằng Trung học Đệ nhứt cấp thì ở nhà, được cha mẹ gả cho con trai lớn của ông chủ nhà máy chà lúa Mỹ Thành ở Chợ Bưng, thuộc huyện Châu Thành (My Tho) giàu có nổi tiếng.

Còn cô Tư Hằng đẹp nhứt trong 3 người con gái của ông bà giáo Hiển. Cô nầy từ nhỏ không chịu học hành mà lại thích thêu thùa may vá, làm bánh, làm mứt, nấu ăn rất khéo léo. Ông bà giáo Hiển cũng không ép con, cô học xong bậc Tiểu học thì được cha mẹ cho ở nhà, và toại nguyện để cô học những gì cô thích. Năm cô Tư Hằng mười bốn tuổi, đã có người mai mối xin bỏ trầu cau. Thấy con còn nhỏ, quá sớm trong việc dựng vợ gả chồng, nên ông bà giáo Hiển đã từ chối khéo mấy đám.

Trong những đám gắm ghé coi mắt cô Tư Hằng đó, có con của ông Ban Dậu (cha Tàu, mẹ Việt) giàu có tiền bạc nứt đố vách, nổi tiếng cả một vùng. Nhà ông Ban Dậu có chành mua bán lúa gạo từ các tỉnh miền Hậu Giang, chạy dài đến Tiền Giang như là Mỹ Tho, Bến Tre, Long An, Sài Gòn… Ông còn có cả chành bán đồ gốm từ miệt Tân Châu, Lái Thiêu chở đến. Đám của gia đình ông Ban Dậu cứ bám theo cô Tư Hằng sát nút. Họ nhứt định phải cưới cho bằng được cô gái công dung ngôn hạnh nầy cho con trai mình. Đến năm cô Hằng 16 tuổi, thì được cha mẹ gả về làm vợ cậu Ba Tứ con trai lớn của vợ chồng ông Ban Dậu.

Đến năm 21 tuổi cô Hằng sanh đặng 4 cậu con trai. Ông bà Ban Dậu đã có 4 đứa cháu nội lấy vốn rồi. Từ ngày cưới cô Hằng về làm dâu thì công việc làm ăn, buôn bán bên họ nhà chồng càng ngày càng phát đạt hẳn lên. Ông Ban lại là người Việt lai Tàu nên rất là tin tưởng nhiều ở vận số hên xui. Cho nên cô Hằng được chồng cưng yêu như trứng mỏng, và cha mẹ chồng quý mến vô cùng.

Cô Út Hiền thấy chị mình còn trẻ mà làm mẹ của 4 đứa con trai phải săn sóc từ miếng ăn, giấc ngủ và chúng phá phách không ai chịu nổi. Mặc dù trong nhà chị mình có kẻ làm người ở, tiền bạc dồi dào, phủ phê. Nhưng lo cho con, chị cũng mệt nhọc ứ hơi rồi. Cô Hiền sợ giống chị, có chồng con cái đùm đề và chưa chắc tốt số có tiền của như chị, nên thỏ thẻ với cha mẹ:
- Thấy cảnh chị Tư Hằng cực nhọc với mấy cháu mà con phát ớn, ba má phải để cho con học đến nơi đến chốn rồi con sẽ học một cái nghề theo ý muốn. Khi nào có công ăn việc làm vững chắc, thì con mới lập gia đình như anh Hai Hùng của con vậy.

Mẹ cô nhìn con âu yếm, bảo:
- Bậy nà, học xong như con muốn thì già háp ai thèm cưới, sẽ chịu cảnh lỡ thời ở vá đó con.

Cô Hiền dẫy nẩy:
- Má coi trên thế gian nầy có được bao nhiêu phụ nữ sống độc thân cho đến già bao giờ đâu? Duyên số trời định cả mà! Không phải ba má thường nói với chúng con như vậy sao?

Ông bà giáo Hiền thấy con gái út mình chăm chỉ học hành, thi đâu đậu đó, tánh tình điềm đạm, nết na nhu mì nên cũng yên lòng chiều theo ý. Mặc dù hai đứa con gái lớn là Hạnh và Hằng luôn nhắc nhở cha mẹ về cô em út đi học ăn ở trọ xa nhà. Thị thành có nhiều cạm bẫy quyến rủ, trẻ tuổi dễ bị lung lạc. Một phút yếu lòng lầm lỡ thì sẽ khổ cả cuộc đời.

Được cha mẹ chiều ý muốn tiến thân theo sở thích của mình. Cô Hiền cố gắng học hành, năm đó thi đậu bằng Trung học Đệ nhứt cấp. Lên học năm Đệ tam thì cô có quen với nam sinh cùng trường. Anh chàng nầy học hơn cô 2 lớp, người ở miền ngoài vào. Hai người thề non hẹn biển, hứa hẹn đậu Tú tài đôi xong thì sẽ học nghề. Khi có nghề nghiệp vững chắc họ sẽ cưới nhau.

Ôi với cô Út Hiền lúc bấy giờ nhìn đời bằng màu hồng thắm và tình yêu đẹp như gấm thêu hoa.

Cô Hiền thật lòng tin tưởng ở người yêu mình. Vì anh ta là người hiền lành, chân chất có hoàn cảnh giống như cô. Anh ở miệt vườn “Miền Trung khổ lắm ai ơi/ Mùa đông thiếu áo/ Hè thời thiếu ăn”. Được cha mẹ chắt chiu cho vào thành thị đi học để tìm đường lập nghiệp, tiến thân…
Thế rồi, hết mùa hè năm đó, cô không thấy người yêu trở lại trường vào niên học mới. Cô Hiền héo hắt chờ mong, cho đến một hôm không dằn lòng được, cô đến tận nhà anh ở trọ. Cô mới vỡ lẽ là anh ta đã đi cưới vợ giàu rồi.

Giận đời, tức mình ngu dại tin lời người ta! May mà cô còn giữ được gia phong lễ giáo. Nếu không thì chắc có nước cô tự tử chết phứt đi cho rồi. Mang nỗi đau tình phụ, Hiền bắt đầu chán nản học hành.

Cuối năm đó anh trai cô Hiền đi cưới vợ là cô Hường. Cô Hường nhỏ hơn chồng những 7 tuổi. Vợ anh Hùng là cháu ngoại út của ông Cả Tám, và ba chị Hường là ông giáo già đồng liêu với ba của Hiền. Cho nên hai ông rất là tương đắc.

Chị Hường 18 tuổi, nết na, hiền lành. Vóc dáng cao ráo, mảnh khảnh, nước da trắng, mái tóc dài đen mượt. Mắt chị tròn to và đen lay láy, mũi thẳng. Chị có duyên nhứt là khi cười má lúm đồng tiền, và lộ ra cái răng khểnh ở hàm trên bên phải, trông dễ thương làm sao. Ông bà giáo Hiển mừng thầm mình cưới được con dâu, mà ông bà ta thường khen về tướng mạo của người phụ nữ: “Những người thắt đáy lưng ong. Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”.

“Cuối năm trời làm gió đông, 15 hôm nghỉ phép là ta in thiệp hồng”. Thật vào cuối mùa đông năm sau Hiền cũng nghỉ học về làm vợ người ta. Cô kết hôn với Tùng bạn học của anh cả mình, mà ngày xưa có đôi lần anh đến chơi nhà hai người đã gặp gỡ.

Tùng đang là một quân nhân công tác về ngành Công Binh ở Sài Gòn. Nhân dịp anh đến dự đám cưới Hùng nên gặp lại Hiền. Tùng không ngờ cô em út của bạn mình ngày xưa bé tí teo, hay chạy theo anh đòi bánh, đòi kẹo mà bây giờ lớn và xinh xắn dễ nhìn như vậy.

Thời gian lặng lẽ êm đềm trôi qua với gia đình các con ông bà giáo Hiển. Cô Út Hiền sau khi thành hôn, thì vợ chồng cô sống với ba má chồng như lúc chàng còn độc thân.

Hai người đàn bà, ngồi nhà không làm gì chỉ chờ chồng đi làm về. Họ ở nhà chung một công việc nấu ăn, giặt giũ, làm vệ sinh trong nhà, và nhứt là chung một cái bếp thật là vướng tay vướng chân vô cùng. Trong bữa cơm chiều thường lệ, Hiền thưa với cha mẹ chồng:
- Thưa ba má, con muốn xin ba má cho con nộp đơn vào các hãng xưởng ra ngoài làm việc. Ở nhà mình ngoài việc lặt vặt trong nhà ra con cảm thấy nhiều thời gian nhàn rỗi quá.

Ba chồng Hiền liếc vợ như dò ý, ông nói:
- Nhà nầy ba với thằng Tùng làm việc dư sống rồi, con ở nhà phụ giúp công việc với má con, đi làm việc bên ngoài cực lắm, mai mốt có con cái sẽ bận rộn chớ rỗi rảnh hoài đâu. Nếu muốn thì con ghi tên đi học gì đó đi cho thời giờ qua mau. Thôi hãy bỏ ý định ra ngoài làm việc đi con.

Hiền liếc chồng cầu cứu. Nhưng cô bảo:
- Thưa ba, công việc ở nhà má giành làm hết rồi. Ba cho con đi làm, chừng nào con có cháu sẽ nghỉ ở nhà.

Tùng nheo mắt, đưa chén cho vợ bới thêm cơm, anh cười cười nói:
- Ba à, ba cho vợ con đi làm đi. Đàn bà ở không dễ sanh tật lười biếng lắm. Bên kho hàng quân tiếp vụ đang cần nhân viên thư ký. Cái nghề không cần phải có trường dạy nầy con chắc Hiền sẽ làm được. Chỗ làm đó nằm trên đường con đi và về mỗi ngày. Nếu xin được thì tiện lắm.

Ông già còn ngần ngừ chưa dứt khoát, thì má chồng cô xen vào đỡ lời con trai mình. Bà nói giúp cho dâu:
- Ờ, ông à nghe thằng Tùng nói như vậy tôi thấy cũng tiện. Vợ nó cứ lủi thủi ở nhà hoài cũng tội nghiệp, còn trẻ phải cầu tiến chớ, thôi thì ông cứ để cho con dâu đi làm đi. Mấy chục năm nay, tôi làm hỏa đầu quân quen rồi, nó ở nhà giành hết, không chuyện gì làm, ở không tôi sẽ bị bịnh đó.

Thế là 3 tuần lễ sau Hiền đi làm. Và hai năm sau ngày cưới cô nàng song sanh được hai đứa bé trai. Ông bà già chồng mừng còn hơn ai cho vàng, cho bạc vì họ chỉ có mình Tùng là đứa con độc nhứt. Vả lại nhà đã vắng tiếng trẻ thơ từ mấy chục năm rồi. Từ đó nguồn hạnh phúc gia đình họ dồi dào đậm đà hơn nhờ có mấy đứa cháu nói cười đỏ đẻ tối ngày trong cái thị thành đông người, ồn ào náo nhiệt.

Và cũng bắt đầu từ đó, ở ven đô trong những đêm trời không trăng, mưa dại gió may, nửa đêm về sáng người ta nghe được những tiếng súng rì rầm, tiếng đại bác, tiếng pháo kích khi xa, lúc gần cày bừa tan tác quê hương. Gây biết bao nhiêu cảnh phế tật, thương vong, nhà tan, cửa nát, lầm than cho dân lành.

Mầm móng giặc khơi lửa chiến tranh đã gây ra bao cảnh tang thương. Những chàng trai trẻ dù biết dầu dãi, hiểm nguy, họ vẫn tình nguyện nhập ngũ, tùng chinh. Họ không nề hà gian khổ vượt núi thẳm, rừng sâu bôn ba đầu ghềnh, cuối bãi đi làm bổn phận người trai trong thời ly loạn, góp bàn tay trong cuộc chiến chống cộng của toàn dân.

Và dù là con trai một trong gia đình, có nghề được ưu tiên hoãn dịch. Nhưng trước tiếng gọi của quê hương, anh Hai Hùng của Hiền tình nguyện nhập ngũ tùng chinh. Sau khi được huấn luyện quân sự, anh được chuyển qua ngành chuyên môn. Từ đó, anh theo đoàn Quân y ngược xuôi trên Bốn Vùng Chiến Thuật

Lòng trời, vận nước, sức người có hạn! Để rồi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, quê hương của Hiền hoàn toàn rơi vào tay Cộng sản và tay sai. Anh cả, và chồng cô Hiền cũng như bao nhiêu quân, dân, cán, chánh khác của Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, đều bị giặc bắt đày đi cải tạo. Lúc đó Hiền có 3 đứa con, và anh chị Hai cô có 5 đứa. Các con và cháu của cô Hiền là những đứa trẻ trong lứa từ 3 tháng đến lớn nhứt là 9 tuổi. Ở cái tuổi ăn và đi học, hơn làm việc, dù là lặt vặt những việc trong nhà.

Khi gặp khốn khố mới thấy chân tình. Nhà cửa của anh Hùng bị giặc chiếm hữu, các con đến tuổi không được vào trường vì liên lụy tội của cha. Chị Hường bị kiểm soát mọi hành động của mình vì ảnh hưởng tội của chồng. Gia đình mẹ con chị Hường lâm vào hoàn cảnh khốn khổ nầy, bởi «chồng chị là tên lính ngụy theo Mỹ đánh thuê. Tội nặng nhứt là có nghề nghiệp cứu người». Thật là chua chát và phi lý, chỉ có Cộng Sản mới nghĩ ra được lý do để đày đọa người ta như vậy thôi.

Lời người xưa vẫn đúng: «Khi đói đầu gối cũng phải bò», chị Hường xông xáo ra ngoài học buôn gánh, bán bưng để nuôi chồng trong tù ngục, nuôi bầy con 5 đứa dưới gông kềm của giặc. Đó là thảm cảnh chung của người dần miền Nam không theo giặc! Gia đình chị Hường lâm vào cảnh khốn đốn, khổ sở đến tột cùng!

Mười ba năm sau, anh Hùng mới được bọn giặc ác ôn đó thả về. Anh đã bị nhồi sọ, đọa đày suốt mười mấy năm trong tù ngục. Anh Hùng trở về mang nhiều chứng bịnh từ trại tẩy não của Cộng Sản. Trong nhiều chứng bịnh, có bệnh mặc cảm đau buồn trầm trọng, nên anh Hùng luôn chán nản không muốn làm việc gì hết.

Chồng đã về, với chị Hường cũng như lúc anh còn bị kẹt trong tù. Một mình chị lam lũ, gồng gánh mọi việc lớn nhỏ từ trong ra ngoài cho gia đình, mà không nửa lời than oán. Và chị vẫn một lòng thủy chung thương yêu, lo thuốc men, ăn uống đầy đủ cho chồng.

Chị khóc thầm, khóc lén xót xa cho hoàn cảnh hiện tại của chồng. Chị không hề nghĩ đến thân mình, cơm có bữa thiếu bữa đủ, áo không đủ ấm vì phải nhường cho chồng, cho con. Cò anh Hùng, tối ngày không giúp gì cho vợ cho con, mà còn cằn nhằn gắt gỏng, quát tháo ầm ĩ, chửi vợ, mắng con ỏm tỏi. Chị Hường không oán trách chồng lấy nửa lời mà lặng lẽ làm lụng để lo việc sinh nhai cho cả gia đình. Khi vắng chồng, chị thường nhỏ to với các con rằng: «Ngày xưa ba các con là một người hữu ích cho xã hội, là một người con hiếu thảo, là người chồng tốt, là một người cha thương yêu con. Ba các con có nghề nghiệp, có người phụ giúp trong việc làm. Ba các con đã gồng gánh nuôi cả gia đình mình. Nay ổng thất thế, bị lũ người đày đọa để trả thù, nên sanh tật buồn đời, hận người… Các con phải hiểu, phải thông cảm, phải thương kính ba nhiều hơn… Bởi ổng đã bị mất hết rồi! Bây giờ chỉ còn mẹ con chúng ta là người an ủi duy nhứt và hiểu ổng mà thôi. Khi ba nổi giận, nóng nảy la mắng, rầy rà thì các con cố chịu đựng làm thinh rồi đâu sẽ vào đó. Đừng có hờn giận ba, đừng làm cho ba buồn lòng nghen… Và các con phải hãnh diện là ba của các con là người tù chánh trị, cho nên bất cứ ở vào hoàn cảnh nào gia đình mình cũng không thẹn với lương tâm…»

Gia đình Hiền đi Mỹ theo diện H.O, định cư ở California năm trước. Thì năm sau, gia đình anh chị Hùng cũng theo diện H.O qua tiểu bang Michigan (giáp ranh với nước Canada). Chị Hường biết lo lường, biết tằn tiện, không đua đòi. Các con của anh chị ngoan hiền và hiếu thảo nghe lời cha mẹ, chăm chỉ làm ăn. Vì các cháu đến Mỹ đã lỡ chợ lỡ quê, không phải còn ở lứa tuổi để chuyên tâm học hành nữa. Vả lại tuổi thơ của chúng, đã bất hạnh sống trong Xã Hội Chủ Nghĩa. Trong một hoàn cảnh xã hội chỉ có thù hận, kiếm cơm từng bữa, bất công, lường gạt, mánh mung, chôm chỉa như Việt Nam… Thì làm sao chúng yên tâm mà học chữ được!

Mấy đứa nhỏ con anh chị Hùng, qua đây chỉ đi học sinh ngữ chừng 6 tháng hoặc 1 năm thôi. Con trai thì học nghề sơn, nghề sửa xe hơi. Cái nghề tay chân luôn lấm nước sơn, dính dầu nhớt nhưng tiền bạc âm ỉ vào đều đều khá lắm và ít ai để ý. Mấy cô con gái thì đi làm móng tay (nail). Nên họ sớm có đời sống ổn định và ngày càng khấm khá hơn.

Anh chị mua được nhà để các con có chỗ ăn ở đàng hoàng, mua xe mới để chúng không gặp nhiều trở ngại như là xe không nổ máy, xe bể ống dẫn nước vì đông thành đá… Bởi vùng gia đình anh chị sống về mùa đông giá rét lạnh lùng, tuyết rơi 3, 4 tháng trong năm.

Năm đó anh Hùng đã 68, và chị Hường cũng 61 tuổi. Ở cái tuổi đã là người cao niên rồi. Tuổi nầy mà ở nước nghèo đói như Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì già cúp bình thiết rồi. Ở đây 70 tuổi mới là cao niên thôi chớ chưa phải là già (nhiều người bảo như vậy). Năm đứa con của họ đã thành gia thất. Chúng có nhà riêng ở quanh trong vùng gần nhà cha mẹ. Anh chị sống êm đềm an hưởng tuổi già, giữ 3 đứa cháu nội và 2 cháu ngoại. Mỗi ngày anh đưa rước mấy cháu lớn đi học, mà sáng cha mẹ chúng đưa đến, chiều rước về. Anh cũng phụ giữ cháu nhỏ, để chị còn lo cơm nước cho các con có khi chúng ghé qua ăn trưa, ăn chiều...

Hiền mặc dù ở xa, nhưng biết được nếp sống của đại gia đình anh chị mình đề huề sung túc thì mừng lắm. Ở hải ngoại bây giờ Hiền chỉ có anh chị Hùng và các cháu là ruột thịt máu mủ thôi. Nên mỗi năm ngày giỗ cha mẹ họ đều gặp nhau khi thì ở nhà Hiền, khi thì ở nhà anh chị mình. Hiền quên đi Hường là chị dâu và Hường ngược lại cũng vậy quên Hiền là em chồng. Họ thương yêu tâm tình, chung vui, xẻ buồn với nhau như chị em ruột cùng cha mẹ chớ không phải là chị dâu, em chồng như những gia đình khác.

Vùng ngoại ô California, có một sáng lành lạnh còn dầy đặc sương mù. Chị Hường khóc sướt mướt trong điện thoại, bảo:
- Cô Hiền phải qua nhà chị gấp, vì anh Hai bệnh nặng!

Làm thân chùm gởi ở xứ lạ quê người chỉ có gia đình hai anh em thôi. Cho nên bao nhiêu công việc cô Hiền dồn lại hết. Chồng cô lật đật mua giấy máy bay cấp tốc, rồi đưa vợ ra phi trường đi qua thăm ông anh vợ, và cũng là bạn thân lúc thời niên thiếu của Tùng.

Hiền đến nhà anh chị rồi, nhưng không điện thoại về nhà. Làm chồng nàng ngóng trông hết sức. Anh mòn mỏi đợi tin vợ, mặc dù anh đã điện thoại qua mấy lần nhà anh vợ, cho đến nhà mấy cháu không ai bắt điện thoại chỉ có máy nhắn thôi.

Ba ngày sau khi vợ đi thăm anh ở xa, vào giờ ăn trưa trong sở, Tùng được điện thoại, Hiền cho biết đã về đến phi trường bảo chàng ra rước. Anh giựt mình, sao vợ về gấp quá vậy? Anh vội xin nghỉ nửa ngày để đi rước vợ.

Thấy vợ chuyến đi xa nầy về mặt mày bí xị, không vui như những lần trước. Tùng nghĩ là tại anh Hùng bệnh nên vợ mình buồn lo… Trên xe về nhà chàng khẽ hỏi:
- Anh Hai bịnh gì, đã đỡ nhiều chưa? Bộ không đủ ngủ sao coi em bèo nhèo quá vậy?

Cô Hiền không trả lời chồng, bởi khi xe chuyển bánh là mắt cô nhắm nghiền. Tùng cẩn thận lái xe về đến nhà, chàng xách va-li để vào góc phòng cho vợ. Rồi xuống bếp bắc nước nấu tách trà nóng. Đó là thói quen của vợ chàng. Đi đâu về, bước vào nhà là Hiền đi tắm, tắm xong uống nước trà rồi mới làm chuyện khác.

Vợ chồng sống chung với nhau đã mấy mươi năm. Từ lúc còn trẻ cho đến bây giờ tóc hai người đã bạc trắng, và đã thành ông bà ngoại, ông bà nội rồi. Những chuyện hàng ngày, nỗi buồn, vui, cá tánh đặc biệt nào mà vợ chồng không biết của nhau.

Hiền trong nhà tắm bước ra, tóc chải vẻn vang, mát mẻ trong bộ quần áo màu kem mặc ở nhà giặt sạch, còn phảng phất mùi thơm của giấy xấy khô. Nên trông cô tươi tỉnh hơn, Hiền ngồi sà xuống ghế, thổi pho pho cho nước trong tách đỡ nóng. Cô hớp từng ngụm nước, rồi thở dài thườn thượt:
- Anh Hai có bịnh hoạn gì đâu! Không ai có thể ngờ được! Trời ơi, gần 70 tuổi rồi chớ phải trai tráng chi đó. Rõ ràng là sanh tật chết mà, ảnh đã bị ma nhập, quỉ ám rồi ! Thật là cái thứ trời đánh thánh đâm! Sao lúc đó ảnh không chết gục xương trong tù để cho người nhà còn thương tiếc. Để cái thứ bạc nghĩa bạc tình như vậy sống làm chi cho chật đất…

Tùng nghe vợ rủa xả không biết ất giáp gì cả. Anh mở to mắt nhìn, vì vợ nói không có đầu có đuôi chi hết. Hiền hớp thêm ngụm nước nữa, nghẹn ngào kể:
- Anh Hùng muốn ly dị với chị Hường! Chị gọi nói anh Hai bịnh là để em qua khuyên ảnh, coi ảnh có nghĩ tình anh em khuyên nhủ mà thay đổi ý định không? Anh Hai em bây giờ bị tẩu hỏa nhập ma hết thuốc chữa rồi. Em khuyên thì bị ảnh chửi mắng đuổi về, ảnh nói: «Mỗi người đều đã lớn và có gia đình riêng. Đèn nhà ai nấy sáng. Tao đã lo cho gia đình nầy hơn nửa cuộc đời rồi, nay tao muốn sống tự do theo ý thích của mình. Tao muốn về bên nhà có chết cũng được chôn gần mồ mả ba má. Bây hãy về lo gia đình và giữ chồng bây đi, đừng có qua đây léo nhéo lộn xộn…» Đó là cái cớ thôi, ảnh muốn ly dị chia của để đem tiền về bển xây «chung mộ» với bà khác. Anh nghĩ coi, ảnh hết xí quách rồi còn xây tổ uyên ương cái con khỉ khô gì nữa! Chắc là ảnh đã bị mấy con mẹ bên đó cho uống bùa mê thuốc lú rồi. Nên chúng nó nói cái gì ảnh cũng nghe theo. Thiệt là gia môn bất hạnh mà!

Tùng chới với, anh há hốc miệng thảng thốt hỏi vợ:
- Trời ơi, em nói thiệt hả?

Hiền nhăn mặt:
- Hỏi gì có duyên quá vậy? Bộ chuyện nầy vui lắm sao, mà em đặt ra để nói chơi?

Tùng vẫn chưa thật sự tin, chàng yên lặng một hồi, hỏi:
- Chị Hai và mấy đứa nhỏ tính thế nào?

- Còn tính thế nào nữa? Ổng muốn «freedom» thì cho ổng ly dị! Vợ chồng đầu ấp tay gối, đã chịu cực chịu khổ sống với nhau gầy dựng gia đình mấy chục năm, con cái đã thành nhân, có cái buồn, vui, khổ sở nào mà không chia xẻ với nhau? Nếu già chán nhau không còn tình thì còn có nghĩa, còn có con cái nữa chi? Thiệt là cái thứ thần sầu quỉ khóc, thầy chạy nhà thờ chê hết chỗ nói mà!

Tiếng Hường hỏi lớn ở bên kia đầu dây:
- Cô còn đó không ? Đang nghĩ gì mà làm thinh vậy cô Hiền?

Hiền giật mình, dòng tư tưởng bị cắt ngng làm cô quay về thực tại, nhưng cô không nói dối:
- Ảnh đã bỏ chị trước. Bây giờ ảnh nằm đó như một khúc cây, có còn biết gì nữa đâu? Sao đến nước nầy rồi mà chị còn lo còn sợ ảnh buồn vậy? Ảnh có lo sợ chị buồn không? Gặp em ở vào hoàn cảnh chị, thì em cho ảnh đi tàu suốt. Em để chánh phủ đẩy ảnh vào nhà dưỡng lão chết lạnh trong đó cho rồi. Ảnh là anh ruột của em, nên em cũng muốn binh ảnh lắm. Nhưng khổ nỗi, em không tìm được lý do nào chính đáng để binh ảnh hết!

Bên kia đầu dây Hường chắc lưỡi hít hà:
- Thôi cô ơi, đừng giận hờn nói bậy mang khẩu nghiệp. Chuyện qua rồi bỏ đi, cô cũng là bà ngoại bà nội rồi mà tánh tình sao vẫn còn nóng nảy quá vậy? Sao cô không hỏi tại sao tôi gọi sớm quá? Tôi cho cô hay, anh Hai trở bệnh nặng, đưa vào bịnh viện 2 ngày rồi. Cô có qua thăm ảnh không? Tôi thật là lo buồn! Tội nghiệp ảnh lóng rày yếu lắm. Chuyến nầy không biết ảnh có trở về nhà nỗi nữa không đây!
Nói xong, chị Hường thút thít khóc. Hiền thật là ứa gan và bực bội, hễ cô nhớ đến đâu là ghét anh mình đến đó. Nên cô chỉ hỏi thăm chị dâu ba điều, bốn chuyện lạt lẽo rồi cúp điện thoại.

Bên ngoài trời âm u, gió mưa vẫn còn rào rạt. Lâu lâu có tia chớp vội sấm nổ vang và gầm gừ một hồi mới dứt. Hiền thở dài, lầm bầm một mình: Thiệt là thấu trời ! Anh Hùng đã già cúp bình thiếc, trở gió trái trời thì bị ho, bị cảm mà còn ham của lạ! Con cái khóc lóc, khuyên lơn cách chi cũng không sao cản nổi, ông anh bất nghĩa vô tình của Hiền, đành đoạn nhứt quyết ly dị với người vợ tào khang của mình! Chắc chắn là ảnh đã bị bùa mê thuốc lú nên mê mẩn con lành, con lủng nào đó ở bên quê nhà, trong những lần ảnh về viếng thăm.

Hùng ly dị vợ chia ra mỗi người được mười mấy ngàn đô la tiền mặt. Nhà không bán được vì của các con mua cho cha mẹ ở và chúng đứng tên. Hường cho chồng luôn số tiền lẻ, chỉ lấy 10 ngàn chẵn thôi. Chị thật thà, nói với em chồng:
- Cô nghĩ coi, chỗ ăn ở của tôi có mấy đứa nhỏ lo khỏi phải tốn, mỗi tháng tôi còn lãnh được mấy trăm tiền hưu trí non. Nên tiền không sao tôi xài cho hết. Thì có lấy tiền nhiều tôi cũng chỉ gói để đó chớ có làm gì đâu? Ổng đang cần, nên tôi cho ổng thêm...

Hiền nghe Hường nói mà phát tức! Cô nghĩ chị dâu mình hiền quá rồi hóa đần độn, hóa ngu. Cô nguýt dài, bảo:
- Thiệt hết nói nỗi, bộ tiền thúi sao? Chị không phải người khờ, cũng không phải người ngu ! Chị lấy tiền đem cho người thiếu thốn, bệnh tật còn tốt hơn để cho cái thứ phản bội, bạc nghĩa, bạc tình như anh Hai ! Chị thiệt là, là… Ai đời chị lại giúp ảnh đem tiền về nuôi mấy con ngựa bò trời đó.

Hường thở dài, mắt buồn áo nảo, làm thinh không trả lời cô em chồng!

Riêng Hùng, sau khi ly dị vợ, cảm thấy được rảnh rang khỏe khoắn trong lòng lắm! Ông gom góp tiền bạc bằng cách đem bán đổ bán tháo những gì ông có như là xe gắn máy. Chiếc xe hơi của mấy đứa con mua cho để dành làm chân đi đâu, hoặc chở bà đi chợ búa, chở cháu đi học, ông cũng bán luôn. Ôm số tiền được hơn 20 ngàn,

Ôi, ông Hùng sướng mê, sướng mệt! Ông ngồi nhìn trời hiu quạnh rung đùi, nghĩ đến tương lai cuối đời đầy hứa hẹn của mình mỉm cười đắc ý!
Sáng hôm đó, ông đi mua giấy máy bay, chuẩn bị trở về quê hương sẽ cưới người vợ mới. Sống cho hết cuộc đời còn lại...

Bởi Việt Nam bây giờ rất thích hợp với tánh tình bất nhất của ông. Sau khi ông bị bọn giặc Cộng tẩy não cải tạo suốt những năm dài của một kiếp con người! Về sống ở nước Xã Hội Chú Nghĩa Việt Nam hiện nay, ông sẽ thích ứng với những nghịch lý mà người dân trong xứ ai cũng đều biết! Họ thường nói chuyền miệng với nhau trong những câu chuyện kể, để pha trò, hoặc nói tiếu lâm. Mới nghe, tưởng họ nói chơi, nhưng lại là thật đó:

« Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
Ai cũng không làm việc, nhưng ai cũng có lương.
Ai cũng có lương, nhưng không ai đủ sống.
Ai cũng không đủ sống, nhưng ai cũng sống nhăn.
Ai cũng sống nhăn, nhưng không ai bằng lòng.
Ai cũng không bằng lòng, nhưng khi đi họp
ai cũng vẫn phát biểu hồ hởi, nhất trí».

Thiệt tình! Nhưng «Trời bất dung nhân đản»! Trước mấy ngày lên máy bay về nước, Hùng đi chợ mua quà về cho người ông sắp cưới làm vợ, thì ông bị té xỉu ở trạm xe đò (bus)! Cảnh sát đưa ông vào nhà thương. Và sau đó, ông bị bán thân bất toại!

Mấy đứa con ông đều biết. Nhưng chúng giấu biệt, không cho mẹ hay về người cha bạc tình nhân nầy! Cho đến hơn một tháng sau, Hường mới biết. Chị lật đật gọi điện thoại khóc lóc kể lể với Hiền, hỏi cô tính sao? Hiền giận anh, không thèm qua thăm mà nói với chị dâu mình rằng:
- Tôi là em ruột nhưng đã không ưa ảnh từ khi ảnh ly dị vợ. Ảnh đã dứt tình, dứt nghĩa với chị rồi. Bây giờ chị không còn có trách nhiệm gì với ảnh nữa cả! Không tính gì hết, chị hãy để chánh phủ bỏ ảnh vào viện dưỡng lão, nhà thương điên, hay nhà thương cùi gì mặc xác ảnh. Mắc mớ gì chị? Chị đừng lo tới làm chi cho mệt. Và cũng đừng gọi tôi nói mấy chuyện tào lao của ảnh nữa. Tôi không có thì giờ rảnh và cũng không muốn tốn tiền điện thoại, uổng lắm!

Chị Hường mếu máo:
- Cô cháu thật giống nhau. Mấy đứa nhỏ cũng cằn nhằn tôi, và nói với tôi y như cô vừa mới nói vậy. Cô ơi, ổng bất nghĩa nhưng tôi không thể bất nhơn được. Vì dù sao cũng tình nghĩa vợ chồng có mấy mặt con rồi cô à. Tôi đã rầy và bảo với mấy đứa con là: «Chúng bây làm con phải hiếu thảo với cha bây để mà làm gương cho con cái. Nếu thương tao thì hãy đem ổng về nhà cho tao lo săn sóc. Chớ nằm ở dưỡng lão, ổng sẽ chết sớm đó! Dầu sao ổng cũng là cha của tụi bây. Ổng có lỗi, là có lỗi với tao, còn tụi bây phải biết bổn phận làm con của mình…»

Quỉ thần thiên địa ơi! Vào thời buổi nầy, ở cái xứ giàu bạc tiền, nhưng tình nghĩa trắng như vôi mà còn người đàn bà có tấm lòng như vậy sao? Thật không thể nào tin được! Nếu ai đó thuật lại cho Hiền nghe, mà không phải chính cô thấy và đương sự lại là vợ của anh ruột mình! Trên thế gian nầy những người đàn bà có tấm lòng của biển như vậy đã tuyệt giống hết rồi! Không, còn có Hường! Người đàn bà keo sơn nghĩa nặng! Hiền giận anh mình vô tình bạc nghĩa, tức tối trong lòng nói với chị dâu như vậy. Nhưng khi được tin anh sắp qua đời, cô cùng chồng bươn bả đi thăm, để được thấy mặt anh mình lần cuối.

Hôm nay sắp vào Tết Nguyên Đán, nhìn bàn thờ cha mẹ, nghi ngút khói hương Hiền nhớ đến anh mình, dù anh Hùng đã vĩnh viễn lìa xa nhân thế! Hiền cảm thấy lòng thương kính cảm phục bà chị dâu mình nhiều hơn!

Trong ba năm trời, phải suốt 3 năm dài chị Hường đã vất vả nuôi nấng, săn sóc cho một người bị bán thân bất toại, tâm trí không bình thường của người chồng đã xé rồi tờ hôn thú!

Anh đã xé tờ giá thú có chữ ký của vợ chồng, của cha mẹ hai bên, của Chánh quyền. Nhưng không ai có thể xé được lòng thủy chung và tình sâu nghĩa nặng của chị dâu mình. Tình nghĩa đối với chồng của chị Hường thật đáng cho Hiền kính phục, và ơn của chị đối với anh mình đáng để cô khắc cốt ghi tâm.

Tệ xá Diễm Diễm Khánh An
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
Tuyển tập
« NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG
TÔI ĐÃ ĐI QUA »
ĐT : 530- 822-5622
Email : dtdbuon@hotmail.com


-------------oo0oo---------------

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

Covang

Covang

Covang

Home Page Vietlist.us

 


bottom