tittle

bottom

Vietnam

Vietnam

Vietnam

Vietnam

Vietnam

Vietnam

Vietnam

Trang Thơ - Văn - Ảnh Bạn Đọc dùng để đăng những bài thơ, bài văn hay, những bức ảnh của bạn đọc gởi về. Nếu các bạn chụp được những tấm ảnh hay, lạ, đẹp và muốn chia xẻ cùng bạn đọc, xin vui lòng email cho chúng tôi ở "vietlist09@yahoo.com". Nếu các bạn có ảnh cháu bé dể thương và muốn chia xẻ, cũng xin gởi cho chúng tôi. Nếu quý bạn cho tên bức ảnh, miêu tả nội dung và tên nhiếp ảnh viên thì càng tốt -Cảm ơn quý bạn đọc và chúc quý bạn chụp được nhiều tấm ảnh đẹp.

-------oo0oo-------

BẮC CẦU CHO CON

Thúy Sơn

Thịnh lái xe vào trong đường hẻm, và kiếm một gốc cây nào đó, để đậu cho mát. Nhưng khi đã tắt máy rồi, anh còn lưỡng lự không biết có nên vào hay không? Bởi cái tính lừng khừng cố hữu của anh hình như là bẩm sinh từ nhỏ đến giờ. Thịnh năm nay đã hai mươi mấy tuổi. Ngày xuống tầu Trường Sơn, anh còn nằm trong bụng mẹ. Thấm thoát mà đã hơn hai chục năm. Giờ anh đã là một thanh niên cường tráng, có học thức, có công ăn việc làm, có xe cộ, có nhà có cửa. Chỉ có mỗi một cái là anh chưa có. Đó là vợ con! Cha mẹ anh cứ giục giã anh, nhưng anh cứ lừng khừng, lần lữa mãi. Các chị, các em anh thì đã xong xuôi hết cả. Người nào cũng có nơi ăn chốn ở cả. Duy chỉ có anh là ở giữa lưng chừng, lại là con trai, nên ông bố anh cứ nhắc nhở:

- Cậu bây giờ chẳng già, cũng lấy làm già. Người ta bảo thất thập cổ lai hi, cậu đã hơn 70 tuổi đầu, mà chưa có đứa cháu nội nào. Người ta cười chết!

Mấy người chị của Thịnh, thì trong những bữa ăn cuối tuần ở nhà, họ đem chuyện vợ con ra khuyên bảo, thì anh chỉ cười trừ. Một cô chị pha trò:

- Hay là thằng này có “lại cái”, nên không thích đàn bà, con gái?

Ấy câu chuyện vợ con của thằng em, cứ đến đây là kể như bế tắc. Nhưng mà có một dịp may hãn hữu đã đến. Hôm đám cưới cô con gái út, trong bữa tiệc cưới ở nhà hàng, ông Thân đã gặp được đối tượng.

Khi người xướng ngôn giới thiệu đến cha mẹ cô dâu, lên chào hai họ, thì ở dưới bàn tiệc, có một bà sồn sồn cứ nhìn lên ông bố cô dâu. Nét mặt bà trở nên rạng rỡ vui tươi, như hòa nhịp với những tiếng vỗ tay hân hoan của những người trong cuộc. Một người bạn ngồi bên cạnh vỗ vai bà ta nói:

- Kìa! Chị Thủy! Làm gì mà ngẩn người ra thế? Mê bố cô dâu hả?

Bà đấm vào vai người bạn một cái:

- Mày chỉ nói bậy! Tao nhớ hình như có quen ông Thân thì phải. Mà chưa nhớ ra.

- Khó gì! Lát nữa hỏi thằng rể là biết ngay.

Thế là cái bà sồn sồn đó cứ thắc mắc mãi về ông bố vợ của chú rể. Rõ ràng mình đã gặp ở đâu, quen lắm thì phải? Mà lâu ngày chưa nhớ ra.

Sau màn giới thiệu cô dâu, chú rể, quan viên hai họ, rồi mới đến màn nâng chén, cụng ly. Khi đang thưởng thức bốn món ăn chơi, thì ông Thân thấy hai bàn tay đặt lên vai mình. Ông quay đầu lại, toan đứng lên chào. Người đàn bà ấn vai ông xuống, nói:

- Thật là tình cờ! Đã gần ba mươi năm nay, mới lại được gặp.

Người đàn bà đổi giọng:

- Anh Thân còn nhớ em không? Chắc là quên rồi chớ gì? Bích Thủy đây mà! Bạn học ở hội Việt Mỹ Saigon hồi xưa. Quên rồi sao? Anh nhặt được cái kính của em ở cửa trường đó, nhớ không?

Thân nhớ lại hồi còn làm công chức ở Saigon, anh bỏ thì giờ đi học Anh ngữ vào buổi tối ở hội Việt Mỹ cho vui. Một hôm ra về, lúc xuống thang lầu mới ra đến cửa trường thì anh thấy một vật gì long lanh dưới đất, ngay gần chỗ đậu xe. Anh cúi xuống nhặt, thì ra một cặp kính trắng gọng vàng của phụ nữ. Anh định đem vào văn phòng trao cho họ, nhưng lúc đó là giờ đóng cửa văn phòng, nên anh bỏ luôn vào cặp, để sáng hôm sau trả. Anh còn nghĩ chưa biết chừng cặp kính này là của cô bạn ngồi kế bên mình cũng nên. Buổi học tối hôm sau, anh đem ra khoe với Bích Thủy. Cô mừng rỡ quá. Vì đúng là kính của cô. Tuy kính chỉ mới có một độ thôi, nhưng mất kính cũng là cả một vấn đề trở ngại cho thị giác. Cô cám ơn rối rít, và cuộc ... tình... bắt đầu nẩy nở.

Ngồi bên nhau từ lớp 10 đến lớp 12 ở hội Việt Mỹ, tối nào cũng chỉ có trò chuyện xã giao, và những câu đưa đẩy. Như trái banh cứ thẩy ra đụng vào đối tượng như đụng vào chân tường, lại dội ngược lại. Qua đi, qua lại đến một lúc nào đó. Nhưng được cái tính nết người con gái miền Nam mới lớn lên, cũng dễ chịu lắm hồn nhiên, vui vẻ và cởi mở. Thỉnh thoảng cũng cũng ban cho một ân huệ.

- Mai Chủ nhật, anh có đi đâu không? Hay mình đi Lái Thiêu mua trái cây ăn...

Thế là Chủ Nhật nào cũng được cái vinh dự chở người đẹp đi chơi. Cứ 8 giờ sáng, đến đón ở cửa cư xá sỹ quan Chí Hòa, chừng 15 phút sau là người đẹp lững thững đi ra. Từ đó cái màn làm tài xế không công cho nàng đi khắp bốn vùng chiến thuật. Hết Biên Hòa, Hố Nai, Lái Thiêu, Thủ Đức rối sang đến cả Nhà Bè... Còn ciné thì không có rạp nào ở Saigon là không có vết chân. Rạp Đại Đồng thì hơi khai một tí, nhưng nhiều phim hay đáo để.

Có điều họ đã giao hẹn. Đi đâu cũng chỉ đến trưa thôi, vì anh về còn có vợ con ở nhà, còn em thì có ông bố nghiêm khắc lắm đó, đi chơi mà lạng quạng, không có lý do chính đáng, hay mục đích gì, là về bị ăn đòn ... nát đít.

Thịnh xuống xe, sửa lại quần áo, rồi nhất định bước đến trước cửa. Một căn nhà có giậu sắt sơn đen kịt, mấy cây tường vi, và bông hoa giấy màu tim tím phất phơ theo chiều gió. Ánh nắng chói chang của một buổi sáng hè làm rực rỡ cả khu vườn hoa trước cửa. Bích Thủy đang ngồi đọc báo ở ngoài hiên, thấy Thịnh lò dò đi tới thì chạy ra đon đả:

- Cháu đã đến hả? Vào trong nhà chơi! Bà gọi với vào trong nhà:

- Lan ơi! Có anh Thịnh đến chơi này!

Nghe tiếng mẹ gọi. Bích Lan đang ở trong phòng tắm chạy vội ra, hãy còn mặc chiếc áo ngủ màu xanh da trời, rộng thùng thình. Thấy Thịnh, nàng hơi ngượng nói:

- Xin lỗi anh nhé! Anh ngồi chơi. Em vào thay đồ đã.

Nói rồi cô chạy tuốt vào trong phòng thay quần áo rồi ra ngồi tiếp khách. Cô để ấm nước và hỏi:

- Anh uống cà phê, hay uống trà?

- Nước gì cũng được! Nhưng thôi bày vẽ làm gì? Ngồi xuống đây nói chuyện cho vui.

Lúc còn ngồi ngoài xe, thì anh đã sắp đặt nhiều câu chuyện để nói lắm, nhưng giờ vào đến đây anh lại quên mẹ nó đi hết cả. Chỉ còn nước đưa mắt ngắm nhìn người đẹp, mà anh cho là lý tưởng nhất trần ai. Ngay từ hôm gặp ở bữa tiệc cưới, là anh đã mê ngay. Về nhà ông Thân lại còn nhắc đến Bích Thủy và con gái bà ta. Ông còn pha thêm:

- Ngày xưa bố không lấy được mẹ, thì bây giờ ta lấy con cho con. Cho nó gọn ghẽ, đẹp đẽ...

Rồi ông bắc nhịp cầu cho hai đứa quen nhau. Hai nhà thân thiện trở lại. Nhất là tạo điều kiện cho hai đứa có cơ hôi gặp nhau, để tìm hiểu. Ông nhớ có lần ông đi lễ ở ngôi nhà thờ gần đường Trần Quốc Toản, nghe ông Cha chủ tế giảng rằng: “Cha mẹ cũng phải lựa chọn vợ chồng cho con cái mình. Nếu nơi nào thấy xứng đôi vừa ý, thì mình phải tạo điều kiện cho chúng gặp gỡ nhau. Nói nôm na là cha mẹ phải bắc cầu cho con cái.” Nghe lời vị Linh mục già đó, giờ ông giở bổn cũ ra soạn lại. Có điều thằng con ông, tuy lớn đầu mà hãy còn khờ lắm, chẳng biết tán tỉnh gì. Đến nhà con gái cứ ngồi đực ra. Coi hết TV lại đến sách vở, chẳng biết chuyện trò gì như cóc hầm hơi. Vậy mà còn được bà mẹ cô nàng khen:

- Nó coi vậy, nhưng được cái đứng đắn, tế nhị y như ông bố ngày trước. Bà định nói toạc ra cho con gái nghe mối tình của bà với ông bố Thịnh những ngày ở Saigon. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, bà lại thôi. Nghe ấm nước sôi, bà chạy vào bếp pha cho hai đứa hai ly cà phê. Bà bảo:

- Lan ơi! Con đem cà phê ra này. Rồi hai đứa ngồi chơi, mẹ chạy ra chợ mua cái gì về ăn nhé!

Trưa hôm đó cu Thịnh nhà ta mới tập đi làm rể đó. Khi bà Bích Thủy đi chợ về, thì hai người cùng xuống bếp làm phụ. Lan hỏi mẹ:

- Hôm nay mẹ định cho ăn món gì đây?

- Con muốn ăn bún chả, hay bánh canh giò heo? Cái gì cũng có sẵn cả đấy!

Vừa nói bà vừa lấy trong túi xách ra những vỉ sườn, vỉ chân heo, và rau thơm đủ loại. Lan vừa nhặt rau vừa quay lại hỏi Thịnh:

- Anh thích ăn gì? Bún chả nhé? Hay cả hai thứ?

Thịnh trả lời lấp lửng:

- Ăn gì cũng được. Có tay em nhúng vào là ngon rồi.

Bà Bích Thủy liếc nhìn con gái:

- Mày cứ bảo nó hiền đấy!

Thịnh lên tiếng:

- Thì con cũng mới học ăn, học nói đây thôi. Chớ trước ngày con chẳng biết gì. Các chị con cứ chọc ghẹo cơn là thằng “lại cái”, không biết ăn nói. Thấy mấy cô bạn của các chị đến nhà là chạy vào trong phòng trốn biệt.

- Vậy mà giờ em huấn luyện, anh đã biết nói chuyện rồi đấy. Chịu khó học theo em, mai này làm xướng ngôn viên cho đài phát thanh, hay làm MC cũng được đó.

Người ta bảo ở đời này cái gì rồi cũng trước lạ sau quen. Cái chân lý đó không ngoại lệ với Thịnh. Khi đã chịu đèn rồi là anh cứ lết đến nhà em hoài à!

Một hôm anh vừa đi chơi về đến nhà, gặp lúc mấy chị đang xúm nhau làm cơm chiều. Cô chị hỏi:

- Ê! Cái thằng này mày đi đâu, giờ này mới về?

Một chị nói:

- Còn phải hỏi nữa? Lại đi chơi với ... cái đinh chứ gì?

- Cái gì mà cái đinh? Người đẹp Bích Liên của người ta chớ?

- Chị không nhớ bài hát gì, ở trong cái đĩa hát của ông già hồi xưa có câu: “Một hôm ông già cũng vớ được... cái đinh... Là rinh... tùng rinh... Rồi cô cứ nhại cái giọng người ca sĩ đó ngân dài mãi ra...

Ông Thân ngồi nghe mấy đứa con đối thoại, dính dáng đến thằng con trai ông, nên ông lên tiếng:

- Thôi! Các cô ơi! Đừng có nói ra nói vào nữa? Sợ nó lại rã đám ra thì khổ tôi đấy! Bao nhiêu đám rồi cứ tưởng là kết quả đến nơi, mà rút cuộc chẳng đi đến đâu. Đám này thì tôi kết lắm đấy. Mà xem ra cu cậu cũng chịu rồi. Các cô hỏi nó xem, để mình chuẩn bị làm đám cưới là vừa.

Trong bữa cơm tối, cả nhà vừa ăn, vừa đem truyện hôn nhân của Thịnh ra thảo luận. Người thì bàn làm đơn giản cho tiện. Người thì nói: Đời người mới có một lần. Phải làm cho ra vẻ một tí. Ông bố thì già đời, rút nhiều kinh nghiệm, nên ông phán:

- Người ta bảo: Ma chê, cưới trách. Nghĩa là ở đời này có hai cái “đại sự” quan trọng này là khó tránh khỏi những sự chê trách... Thí dụ, như một đám cưới, nếu mình không mời thì thế nào cũng có người trách móc. Mà mời thì rất ư là phiền toái. Tiệc cưới thường là 7 giờ ăn. Trong giấy mời đã phải trừ hao, mời đến 6 giờ. Vậy mà 8 giờ cũng chưa được khai mạc, còn phải chờ mấy vị khách quý, thường là đến trễ. Có khi người ta bắt đầu ăn rồi mới khệnh khạng đến. Trong giấy báo thì đi 2 người. Nhưng lúc đi, cao hứng lại dắt theo thằng con, mà cậu quý tử đã lớn đầu rồi, nhưng không chịu ngồi riêng với đám thanh niên, lại cứ thích nấp bóng mẹ. Thật là kẹt cho chủ nhân. Cho nên những đám cưới hỏi, hay hội họp bây giờ, trong giấy mời, người ta thường ghi thêm một câu rất lịch sự là: “Xin đi đúng giờ”

Còn vấn đề nhà hàng mới là nhiêu khê nữa. Nếu muốn nhà hàng sang trọng, lịch sự, thực đơn phong phú, lại có chỗ đậu xe rộng rãi, thì phải tìm kiếm và đặt cọc giữ chỗ trước cả năm trời. Chớ năm, bẩy tháng thì không tài nào kiếm ra. Chỉ có đưa nhau lên Oakland thì họa may.

Một cô chị phát biểu:

- Con nghĩ vụ này mình phải thảo luận với bà sui gia cho hòa hợp. Chớ mình đã làm nhà gái nhiều lần. Đã hành hạ nhà trai đủ tội, mình biết. Bây giờ mình cũng nên để người ta hành hạ lại cho công bằng chớ.

- Vụ đó để tôi lo cho. Ông định nói tính nết bà ấy thì tôi rành sáu câu rồi. Nhưng ông lại thôi, vì biết đâu xa cách gần ba chục năm, tính nết con người cũng đổi khác thì sao? Núi sông còn thay đổi huống chi là con người. Tuy vậy cũng phải chờ một ngày nào đẹp trời, rồi hai bên thông gia thảo luận với nhau, cho con cái nó đẹp mặt, đẹp lòng...

Thế là lại có dịp ông sui đi gặp bà sui. Vào một buổi sáng thu rất là đẹp trời, có nắng vàng rạng rỡ trời xanh, cũng có mây hồng lơ lửng bay về nơi nao... ông sui xách xe đến gặp bà sui. Mới bước vào trong nhà ông đã ôm lấy bà sui để gỡ gạc. Bích Thủy đẩy tay ông ra:

- Đừng! Đừng làm trò nham nhở đó. Mấy đứa trẻ nó trông thấy nó cười chết!

- Làm gì mà cười! Người ta bảo: Nhập gia tùy tục mà! Sống ở đất Mỹ, cũng phải theo phong tục của người Mỹ chớ! Không nó lạc hậu chết! Lại mau già người đi!

Ông cố moi móc những lý lẽ mà ông đã học được ở đâu đem ra áp dụng hầu khuynh đảo cơn tim người quả phụ đã xế chiều ngả bóng. Mối tình thầm kín đó ông đã ấp ủ bao nhiêu năm dài nhớ nhung. Giờ ông nghĩ còn hối tiếc quãng đời thanh xuân đó. Còn lòng bà quả phụ thì rạo rực, như đống tro tàn giờ lại có người khơi lên, lại bùng cháy như lửa ngút ngàn. Bà cố đè nén tâm hồn, cố ráng làm ra người thờ ơ lãnh đạm. Những đêm dài thao thức, hết coi TV, lại đọc truyện, mong cho thời gian trôi qua, mà nào có được. Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh “anh sui” lại hiện ra. Những kỷ niệm xa xưa lại trải dài ra, bàng bạc trong không gian như trước mắt.

Những ngày vui thuở nào: tay trong tay trên con đường Duy Tân cây cao bóng ngả, những ly nước dừa ngọt lịm bờ môi, ngồi nghe gió chiều vi vu hòa với tiếng lòng thổn thức. Nhiều phen tưởng chừng như muốn sa ngã, nhưng họ đã gượng dậy được. Đứng lên, cùng nhau đoan quyết cố giữ cho mối tình trong sạch sáng ngời, để mãi mãi vun trồng cho hai chữ “cao thượng”. Bích Ngọc mỉm cười: Ôi! Cao thượng! Sao mà vất vả cuộc đời thế?

Nàng nói:

- Anh còn nhớ không? Mình đã giao hẹn với nhau ngày xưa, những gì?

- Nhớ chứ? Nhưng hồi đó lâu rồi. Đã gần một phần ba thế kỷ. Vả lại hồi đó anh còn nhát, lại khờ nữa mới theo lời em mà ước hẹn. Chớ bây giờ khác rồi. Em đã là một bà “giá” rồi. Phải văn minh lên một tí, cho theo kịp đà tiến bộ của nhân loại. Rồi ông kéo tay bà sui ngồi xuống ghế nói:

- Thôi! Bây giờ đừng nói gì nữa. Hãy bàn chuyện đám cưới của tụi nó cho xong đi.

Ông tiếp:

- Bà sui có muốn ăn uống gì thì nói đi, để tôi còn lo liệu.

- Thì em đã nói rồi. Chúng mình quen biết nhau quá mà! Anh thì con cái còn nhiều. Chớ em thì chỉ có một mình nó thôi. Họ hàng bên em ở đây chẳng có ai. Có mấy chú bác nó thì ở bên Úc. Em chỉ gửi giấy báo hỉ thôi. Còn tiệc tùng thì em “khoán trắng” cho anh đó, muốn làm sao thì làm.

- Bà thông... da này cũng dễ chịu đấy chứ?

- Lại ... nham nhở nữa rồi!

Thúy Sơn
Tháng Bảy 2003

-------oo0oo-------

comau
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.

 

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam Bắc California

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

 


bottom