tittle

bottom

Vietnam

EVC

EVC

EVC

EVC

EVC

EVC

EVC

EVC

<

Trang Thơ - Văn - Ảnh Bạn Đọc dùng để đăng những bài thơ, bài văn hay, những bức ảnh của bạn đọc gởi về. Nếu các bạn chụp được những tấm ảnh hay, lạ, đẹp và muốn chia xẻ cùng bạn đọc, xin vui lòng email cho chúng tôi ở "vietlist09@yahoo.com".

-------oo0oo-------

 

Bên dòng sông Trà Lý.

 

 

Thúy Sơn

 

Tôi cầm bút mà không biết khởi sự như thế nào. Câu truyên bắt đầu từ đâu, vì theo lời bạn bè và thâm tâm tôi muốn viết một tập truyên về quê hương của tôi gọi là... để đời. Nghĩa là để lại cho thế hệ mai sau, hay ít ra là cho các con, cháu tôi biết qua về cái nơi gọi là “chôn nhau, cắt rốn” của tôi trên tám mươi năm nay, mà tôi phải rời bỏ. Giờ đây ngồi nghĩ lại. Thật là xa xôi vời vợi, dài dằng dặc, làm tôi chợt nghĩ đến câu thơ của cụ Nguyễn Du, trong truyện Kiều: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà ghê!” Thật đúng là đường xa, nghĩ nỗi sau này mà ghê!

 

Cuộc đời thăng trầm khổ ải của tôi đã ba lần thay đổi. Hơn ba mươi năm, sống trên miền bắc nước Việt xa xôi. Rồi di cư vào Saigon sống gần ba mươi năm nữa. Cuối cùng cũng phải “bật rễ” lên mà chạy sang Cali gần ba chục năm rồi. Mỗi lần phải chạy như vậy, tôi cứ ví mình như một gốc “đại thụ”. Trồng vừa mới yên gốc, bén rễ, đã phải “bứng” lên trồng lại. Khi tôi than thở, thì có người lại an ủi tôi:

 

- Chẳng qua là thời cuộc mà! Chiến tranh là như vậy! Nhiều người cùng chung số phận long đong như thế. Chớ có riêng một ai đâu mà than với thở.

 

- Vâng! Đúng là như vậy! Nếu không có cuộc “Cách mạng bùng mùa thu”, như trong bài ca “Bắc Sơn”, của Văn Cao, mà mùa thu năm 45 dân nước tôi đã từng hứng khởi ca rao bài đó:

 

“Dân quân du kích cách mạng bùng mùa Thu...Sao vương bóng cờ bay trên chiên khu...Bắc Sơn! Đây ánh trăng mùa thu....”Cứ thế mà ca! mà hò! mà reo!...

 

Vào một buổi sáng mùa Thu, mà mùa Thu ở đất Bắc, thì dĩ nhiên là đẹp rồi. Trời cao xanh, có mây hồng lơ lửng. Chẳng thế mà có nhà văn nào đó đã nói: “Mối tình đẹp như mây thu. Buồn như liễu rủ. Đau thương như chiếc lá lìa cành. Sôi trào như sóng đại dương...” Mấy câu sau thì tôi không được nằm trong cái “diện” đó, nên không biết. Chỉ có câu đầu thì tôi công nhận là đúng.

 

Nhưng trên trời thì đẹp đẽ, rực rỡ, huy hoàng thật đấy. Mà dưới đất thì xấu xa, thê lương, ảm đạm. Nhân dân tôi đang khổ sở vì nạn hồng thủy đe dọa. Mực nước sông Trà Lý đã dâng lên mấp mé mặt đê. Nước phù sa cuồn cuộn chảy, chỉ chờ một cơ hội có nơi nào sung yếu là tràn vào. Dân làng hai bên sông, nhất là thanh niên trai tráng phải luân phiên canh gác ngày đêm, hầu đề phòng thủy họa. Trong thời gian này, ở thôn quê dường như không còn được đọc một tờ báo nào. Những tin tức nhận được chỉ bằng truyền khẩu. Nơi này nói đã có Việt Minh xuất hiện. Nơi kia nói có Việt Minh về làng. Những thằng học trò tôi ngớ ngẩn hỏi:

 

- Thưa thầy, Con Việt Minh nó thế nào hả thầy?

 

Tôi cười, chỉ dám trả lời qua loa cho xong chuyện, chớ không dám giải thích chi tiết lôi thôi. Tuy mấy hôm trước xuống tỉnh chơi, gặp những thằng bạn cũ. Chúng đã tuyên truyền và cho đọc những tờ báo Cứu Quốc, xuất bản từ chiến khu. Phải gọi là những tờ truyền đơn của đảng Việt Minh mới đúng. Việt Minh, hay VM là tên gọi tắt của đảng Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội. Cũng như Việt Nam Cách Mạng Đồng Chí Hội thì gọi tắt là Việc Cách. Hay Việt Nam Quốc Dân Đảng thì gọi tắt là Việt Quốc.... Tờ báo in bằng giấy màu xanh lạt, và khuôn khổ chỉ lớn bằng hai tờ giấy học sinh. Chữ in rất nhỏ, mà phải giấu giếm, chuyền tay nhau mà đọc. Ngồi trên gác nhà bạn, nhìn xuống con đường phố chính Thái Bình. Một vài toán lính Nhật có võ trang, kiếm trường lủng lẳng đi qua. Mấy đứa bạn tôi trông thấy vỗ tay kêu: “Hoan hô! Hoan hô!” Làm tôi sợ toát mồ hôi, phải mau mau từ giã các anh, đạp xe về nhà một nước. Không dám bén mảng đến mấy ông bạn “cách mạng” đó nữa.

 

Mấy tháng sau, khi cách mạng thành công rồi. Một buổi sáng đẹp trời, tôi lại xuống Thái Bình chơi, để xem bà con ta có thay đổi gì không? Trời tuy cuối đông, nhưng không đến nỗi tệ lắm. Có nắng vàng ấm áp. Có mây chì lãng đãng, gió heo may rì rào trên ngọn cỏ lá cây. Nhưng cũng không làm giảm bớt bầu nhiệt huyết trong lòng những chàng trai trẻ lúc đó, đang hăng hái lên đường cứu quốc. Trên đường đi qua những làng mạc xa xôi, nơi nào cũng thấy cờ đỏ sao vàng chói lọi. Những chiếc thuyên nan lờ lững xuôi ngược trên dòng Trà Lý. Thuyền nào cũng có một lá cờ đỏ sao vàng phấp phới, trông cũng đẹp mắt ra gì.

 

Tôi đang đạp xe rảo rảo trên đường phố, thì nghe tiếng gọi trong một căn nhà ở gần ngã tư cuối nhà thờ chính toà. Nhìn vào thấy đó là trụ sở cùa phòng thông tin. Có cái bảng nền vàng chữ đỏ chót, đề: “Phòng Thông Tin Tỉnh Ngô Duy Phớn”. Tôi vào, trong nhà có một đám thanh niên đang sửa soạn bàn ghế và trang hoàng cho một cuộc họp sắp tới. Thằng Nhã, bạn tôi giới thiệu tôi với mấy người bạn ở đó. Tôi thấy ngoài những bạn học cũ, còn có một vài người lớn tuổi hơn tôi. Có anh có cặp lông mày rậm rạp, mắt to và trắng dã trông có vẻ “cô hồn” lắm. Nên tôi không dám nói giỡn cợt, mày tao, mà xưng hô rất lễ phép như dân nông thôn cày cấy.

 

Một anh quay lại hỏi tôi:

 

- Anh ở làng đã tham gia công tác gì chưa? Hay xuống đây gia nhập đoàn tuyên truyền với chúng tôi cho vui.

 

Tôi trả lời:

 

- Các anh ở thành thị, tham gia cách mạng. Còn tôi ở nhà quê, làm ruộng, tăng gia sản xuất, cũng là đóng góp cho cách mạng.

 

Thằng Nhã nói móc tôi:

 

- Nhà anh ấy giàu mà! Ở nhà đếm tiền là đủ.

 

Rồi như là nói năng hơi quá. Anh ta giả tảng bằng cách kể lể những người bạn cũ giờ đã tham gia cách mạng. Anh thì làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh lâm thời huyện Vũ Tiên, anh thì Bí Thư huyện Kiến Xương Tiền Hải gì đó. Có anh tham gia Ủy Ban Hành Chánh Tỉnh.... Tôi nghe bọn họ khoe tài, khoe đức một hồi, thấy chán tai. Tôi làm bộ trông đồng hồ đã chỉ hơn ba giờ, nên cáo từ ra về.

 

Nhã đưa chân tôi một quãng đường. Tôi vào một tiệm tạp hóa, mua mấy gói bánh đậu xanh về cho ông cụ, để thỉnh thoảng ông nhâm nhi với nước trà đặc. Nhã mân mê gói thuốc Phi-lip. Tôi bảo: “Anh lấy một gói đi!”

 

- Anh không mua hả?

 

- Không! Tôi chỉ mua mấy gói bánh kẹo này thôi. Ở nhà quê không có hút thuốc lá. Họ chỉ ưa có “Ba trái đào” Thái Lai thôi.

 

- Cái gì mà ba trái đào? Nhã hỏi.

 

- Ba trái đào, nghĩa là hiệu thuốc lào có in hình ba trái đào là ngon nhất. Hơn hiệu 2 hay 1 trái đào.

 

Trả tiền xong, chúng tôi vừa ra đến cửa thì gặp Hạnh, em gái Nhã, đang ngoe nguẩy cái đuôi tóc từ phía cầu Bo đi lại. Nhã hỏi:

 

- Mày đi đâu đây?

 

Rồi anh ta hỏi:

 

- Hạnh còn nhớ anh này không? Hồi xưa trọ học nhà mình đó?

 

- Nhớ chứ sao không? Anh “Thúi” dạo này trông lạ quá nhỉ? Nghe nói anh về lấy vợ, rồi làm ông Lý... Nàng định nói lý toét, nhưng sợ tôi giận, nên chỉ nói bỏ lửng, và quay sang Nhã nàng nói:

 

- Mợ bảo đi tìm anh về, đi mua đồ cho mợ làm giỗ cậu.

 

Giờ tôi mới để ý, nhìn kỹ lại cô gái đứng bên cạnh. Tóc để dài tới ngang lưng, kẹp lại bằng cái kẹp nhựa hình con bướm. Mặc áo cộc trắng bằng vải phin nõn, có hàng cúc trai từ cổ xuống, để lộ cặp “sú chiêng” hồng hồng có rua chung quanh. Mặc quần sa tanh đen, đi guốc Mỹ Sinh cao gót. Tôi nhớ lại, hồi năm, sáu năm về trước, khi còn học trường Kỳ Giang, có ở trọ nhà cô. Cha cô là một cựu chiến binh được thưởng hàm Thất Phẩm Quân Công. Nhưng đã qua đời khi cô mới lên 5. Vì vậy người ta gọi mẹ cô là Bà Thất. Hồi đó nhà cô còn ở cạnh chùa Kỳ Bá.

 

Bà Thất người mảnh mai. Tuy bóng chiều đã xế. Nhưng lúc nào bà cũng ăn mặc chải chuốt, tươm tất. Bà rất hòa nhã, vui vẻ. Nhà có ba mẹ con. Hạnh là con gái độc nhất, sau Nhã. Anh này hồi đó cùng học một lớp với anh em tôi, nên rủ chúng tôi về trọ học cho vui. Bà Thất là người mộ đạo, nên những ngày tư, ngày rằm, hay 30, mùng một, bà thường làm cỗ chay đem sang chùa. Trưa về ăn cơm bà hỏi:

 

- Các cậu ăn cơm, có biết là món gì không?

 

Thằng Thiệu em họ tôi nói nhỏ: “Chắc không phải là thịt.”

 

Chúng tôi chẳng để ý gì hết. Nào là chả rán, miến nấu, hành khoai xào. Món nào ăn cũng như thịt cả. Những miếng chả giò, mà ngưới Bắc gọi là “chả Kinh” cuộn bằng bánh tráng mỏng, chiên dòn lên, trông cũng giống như những miếng chả giò trong các tiệm ăn vậy. Bà bảo: “Những thứ này làm toàn bằng đậu phụ đấy.”

 

Trong mâm cơm chỉ có Hạnh là con gái, lại bé nhất, nên tụi con trai hay ăn hiếp cô. Bắt ngồi ngoài để xới cơm, lại phải ăn nhanh, không thì hết thức ăn. Chúng cứ la: “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu.” Có hôm thằng Thiệu lấy một nắm lá thị xát xuống góc giường, chỗ cô thường ngồi. Rồi cười khúc khích với nhau. Tôi không hiểu, hỏi:

 

- Mày xát lá thị xuống chỗ Hạnh ngồi làm gì?

 

Nó trả lời:

 

- Anh không biết hay sao? Người ta bảo: “Ai ngồi vào chỗ xát lá thị một lát là đánh rắm mệt nghỉ.” Tụi tôi cười bò ra. Mắng nó.

 

Tôi thấy trời chiều hãy còn sáng rực, nhìn vào chiếc đồng hồ treo trong tiệm tạp hóa mới chỉ có 4 giờ 30. Tôi đề nghị:

 

- Bây giờ còn sớm chán, hay là mình kiếm hàng phở nào ngồi ăn rồi nói chuyện. Đã lâu mình không gặp nhau. Tôi thêm: “Ngàn năm một thuở “ mà!

 

Hạnh liếc nhìn tôi, ra chiều quyến luyến. Nhưng cũng nói một câu cho có lệ:

 

- Thôi để anh về. Không rồi ở nhà chị lại mong.

 

Tôi giơ tay lên định cốc đầu Hạnh, nàng né tránh. Tôi nắm cánh tay Nhã kéo đi về phiá đầu phố. Tôi bảo ở đây có tiệm phở “Phơn” ngon lắm. Hồi trước tôi hay ăn ở đây. Ba đứa dắt tay nhau đi ngang vào con đường phố nhỏ, ăn thông ra chợ Bo. Hàng “Phở Phơn” ở gần ngay ngã tư đó, có mấy bực thềm cao. Trong kê ba bốn bộ bàn ghế gỗ tạp cũ kỹ. Phía trong là quày hàng có chăng lưới ruồi và bếp lò. Thấy chúng tôi vào anh Phơn chạy ra hỏi:

 

- Các cậu ăn gì?

 

- Anh cho ba bát phở.

 

Phở lúc này đồng hạng. Chỉ có phở gánh mới có hai giá: 5 xu hay 1 hào.

 

Anh Phơn là người làng Thọ Cao, gần chợ Cống Vực. Anh xuống tỉnh mở hàng phở đã lâu. Phở anh nấu cũng có “căn” lắm. Hàng phở anh là một trong hai hàng phở có tiếng. Nhất là phở của anh và một hàng nữa không có tên hiệu. Nhưng trước cửa có để một cái bình phong màu tím, nên chúng tôi cứ gọi là hàng phở “Contre-vent Tím” (màn tím).

 

Phở miền Bắc hồi đó không có tái, gầu, nạm, gân, sách gì lôi thôi cả. Chỉ có một loại chín. Mấy năm sau có thêm phở tái, nhưng cũng chỉ có buổi sáng, còn chiều thì không bao giờ có. Vì lúc đó làm gì đã có máy lạnh, máy nóng. Phở cũng chỉ có “tam vị”: Bánh, thịt, và nước dùng. Người Bắc gọi là nước “dùng”, chớ không gọi là nước “lèo”. Bát phở cũng chẳng có chanh ớt, hành, ngò lôi thôi. Về sau này vào những thập niên 30-40, các hàng phở mới thêm thắt dần dần.. Nào là lọ hạt tiêu, chai nước mắm, chai dấm... Rồi thêm chanh, ớt, hành tây, hành nhúng nước sôi, rau thơm, hành lá thái nhỏ, rau ngò, rau húng...

 

Có điều ở miền Nam, hàng phở cứ đem ra thứ húng cây, người Bắc gọi là húng quế. Thứ húng này ở miền Bắc chỉ dùng để ăn thịt “cầy tơ”. Gọi nôm na là thịt chó. Vì người ta muốn tránh chữ “chó”, nên đặt ra những danh từ mỹ miều là: “Cờ Tây”, nói lái là Cầy Tơ. Cũng có nơi gọi là “Nai Đồng Quê”. Phải công nhận rằng người Bắc, nhất là người miền đồng quê, thích ăn thịt chó. Không phải vì nó rẻ hay bổ béo gì. Nhưng nó tiện, dễ làm, và có thể ngả làm nhiều món. Ăn lại không ngán như thịt lợn. Muốn giết một con lợn thì ầm ĩ cả làng, cả xóm biết. Còn làm thịt một con chó chỉ cần cho một gia đình họ hàng chừng mươi người là đã có thể thanh toán một mạng rồi.

 

Có điều ăn thịt chó, thì không lịch sự bằng ăn thịt lợn. Vì thế, nên những dám cưới hỏi, khao vọng ở làng xã, chẳng ai dám đãi nhau bằng thịt chó. Để mang tiếng mỉa mai:

 

- Ấy! Ông Lý chó, hay ông Phó chó...

 

Khi chúng tôi ra đến cửa hàng phở, thì một luồng gió heo may ùa vào, làm tôi cảm thấy lành lạnh. Tôi định chia tay với anh em Nhã dắt xe xuống đường. Nhưng anh ta bảo:

 

- Để tôi đưa anh một quãng. Nhà tôi ở gần cửa đình Bồ mà!

 

Đi đến bờ sông Trà Lý. Tôi thấy cảnh vật có vẻ tiêu điều xơ xác, chớ không tấp nập như trước. Một vài người đàn ông cởi trần đang ngồi trên bờ gạch ở mé sông sửa soạn xuống tắm. Mấy đứa trẻ chơi cầu lông, chơi banh, hay chạy lăng xăng ngoài phố. Qua gần tới cửa đình, tôi thấy mấy căn nhà của ông Hàn Thùy cửa đóng, then cài. Tôi hỏi thăm, Nhã bảo:

 

- Hồi mới giải phóng, tụi thanh niên sục sạo tìm bắt ông Thùy, mà không được. Chúng phá tan đồ đạc trong nhà. Chiếc xe hơi của ông chúng đẩy xuống chân cầu kia. Anh trông còn nằm chỏng gọng lên đó. Tôi ngậm ngùi thở dài. Muốn lẩn tránh hiện thực, tôi nói:

 

 

- Thôi! Anh em về đi! Tôi phải về, không muộn rồi.

 

Tôi giơ tay bắt tay Nhã. Hạnh cũng chìa tay ra. Tôi bóp thật chặt tay nàng, và lấy ngón tay trỏ cào cào vào lòng bàn tay cô. Hạnh giựt mạnh tay ra, và đấm vào lưng tôi mấy cái. Tôi leo mải lên xe đạp chạy theo gió rì rào của buổi chiều đông âm u. Vừa đi vừa nghĩ đến cách mạng, đến tương lai của tuổi trẻ sau này.

 

Bên bờ sông Trà Lý, những ruộng ngô lá xanh rì, mượt mà, điểm những bông hoa màu hung hung nghiêng ngả theo chiều gió. Thỉnh thoảng một vài con le, con két vụt bay lên cao rồi lại đáp xuống lủi vào những luống ngô rậm rạp. Bên phía trong bờ đê là những cánh đồng lúa sắp đơm bông, của những làng mạc xa xa, như Nhân Thành, Đồng Thanh, Đoan Túc thẳng tắp đến tận chân trời thăm thẳm.

 

Vừa đi, vừa nghĩ lại những ngày còn trọ học ở nhà bà Thất. Hồi đó Hạnh mới 13 tuổi, học lớp Nhì trường Monguillot. Cô học môn nào cũng khá cả, chỉ có mỗi môn toán là hơi bết bát một tí. Nhiều tối đang học bài, cô cứ sà vào lòng tôi, rồi chìa tập toán ra, bắt giải nghĩa. Ý chừng anh nàng trông thấy chướng con mắt, nên la cô:

 

- Mày không để anh học bài, cứ bắt tội anh thế?

 

Hạnh lại bá lấy cổ tôi rồi cãi lại:

 

- Anh vui lòng làm việc thiện mà! Phải không anh? Chớ đâu có như anh, chẳng bao giờ thèm chỉ cho em.

 

Nàng lại kéo đầu tôi xuống hỏi:

 

- Phải không anh?

 

Hơi bồ kếp từ mái tóc còn ướt của Hạnh tỏa ra, làm khứu giác của tôi cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Nhẹ nhàng như hơi hướm của tình yêu đầu đời.

 

Tôi đến bến đò Thọ Vực, thì vừa gặp một chuyến phà sắp sang ngang. Bờ đê bên này chỉ có một vài hàng quán lơ thơ bán nước trà tươi, hay bánh kẹo. Nhưng sang bên tả ngạn thì là một phố chợ đông đúc phồn thịnh. Nhiều hàng quán hai bên lối đi. Kế bến đò là một ngôi chợ nhỏ. Có quán ngói, quán tre, bán đủ mọi thứ hàng: Rau cỏ, thịt thà, cá mú. Đặc biệt là giò chả. Giò lụa chợ Cống Vực ngon có tiếng. Ba hào một ký, ăn hết chê. Làm đồ lễ cũng gọn ghẽ tươm tất lắm, chẳng ai nỡ từ chối.

 

Ngay dốc bến đò, có một vài hàng cơm, hàng nước, để khách bộ hành chờ xe chờ đò có thể nghỉ ngơi ăn uống. Người ta gọi đây là trên bến, dưới thuyền. Bên cạnh chợ, dưới sông san sát những thuyền bè đậu chen chúc. Trên những con đò dọc, có cô lái mỹ miều, yểu điệu khua mái chèo lờ lững trên sông để chờ đón khách. Còn có những thương thuyền đậu bên cạnh, để bốc hàng lên hay rỡ hàng xuống. Đồ sành, đồ sứ, và các đồ vật dụng trong nhà như nồi niêu, bát đĩa. Có cả những hàng nặng nề như cối đá, chày đá từ Dưỡng Thiện bên Ninh Bình chở ra. Nhờ địa thế và địa lợi như vậy, nên chợ Cống Vực được nhiều người biết đến.

 

Gọi là chợ Cống Vực, hay gọi tắt là chợ Cống. Vì ở đây có một cái cống của con sông đào dẫn nước qua các làng Thọ Cao, Phú Vinh đến tận các làng mạc xa xôi như Kim Bôi, Cao Mỗ... nối tiếp vào con sông Tiên Hưng để tuôn ra Thái Bình Dương...

ts
Dòng sông năm xưa nước vẫn chảy ...

 

Thường thường thì tôi cứ đạp xe từ chợ Cống đi ngược theo bờ sông Trà Lý, qua cửa đình Thọ Vực, qua xóm Lập Trại, tới dốc đê An Lập là về tới nhà chừng 5 cây số. Nhưng hôm nay cao hứng, tôi muốn đi lối tắt qua cánh đồng về nhà. Tôi từ từ cho xe xuống dốc ngay trước cửa đình Thọ Vực, rồi xuống bờ ruộng. Ngay trước cửa đình, trên cánh đồng có hai cái gồ rất lớn như hai ngọn đồi nho nhỏ ở ngay bên đường. Một cái gọi là “Gồ Sang”, cái kia lớn hơn gọi là “Gồ Con Voi”. Gồ này cao chừng vài chục thước tây, rộng độ một sào ruộng. Trên hai gồ đều cỏ mọc xanh rì, và vài cây già cằn cỗi như đa, đề, bàng, ruối, có thể làm nơi tránh nắng trú mưa cho những người làm ruộng lúc nghỉ ngơi, hay ăn cơm uống nước.

 

Đứng trên gồ Con Voi, có thể nhìn xa tứ phía. Những bờ tre cao ngất, rậm rạp đen sì của Thôn Liêm, như một vòng cung ôm lấy khu làng Rèm. Ẩn hiện một ngọn tháp chuông của ngôi giáo đường họ Tiền Môn ngất ngưởng trên lũy tre trường thành. Ở đó có một con chim cắt lớn thường trú, không biết từ thuở nào. Những hôm đẹp trời anh ta lại làm một vòng lả lướt, qua những cánh đồng lân cận chung quanh. Làm cho những chú gà con thất đảm kinh hồn.

 

Trên ngọn tháp cao ngất, hơn ba chục thước tây, vượt hẳn lên trên lũy tre xanh như khoe khoang với xóm làng nhỏ bé. Trên ngọn tháp người ta làm một cột thu lôi giả bằng gỗ lim cao gần hai thước tây, sơn hắc ín. Vào những ngày lễ lớn, thường buộc ở cột thu lôi một lá cờ “tam tài”, bằng nửa chiếc chiếu. Đứng xa hàng mươi lăm cây số cũng có thể nhìn thấy. Trong tháp cũng treo một quả chuông ta lớn, đường kính độ một thước tây.

 

Những người làm ruộng ngoài đồng áng, thường nghe tiếng chuông cầm canh trên ngọn tháp mà biết được giờ giấc, chẳng cần phải đồng hồ. Cứ đến trưa mà nghe thấy 12 tiếng chuông ngân nga, là biết đã... đứt đôi ngày ra rồi. Và khi hoàng hôn đổ xuống. Sau giờ kinh tối, người ta lại nghe thấy tiếng chuông buồn bã, gõ từng tiếng chậm chạp trong suốt một kinh “Vực Sâu”. Dân làng đã biết giờ đó là đã khuya lắm rồi. Những bà mẹ thấy con gái đi chơi giờ này mà chưa về đã hốt hoảng than:

 

- Không biết con Tý, con Tèo nhà mình đi đâu, mà chuông vực sâu rồi cũng chưa thấy về?

 

Tiếng chuông trên ngọn tháp nhà thờ Tiền Môn còn là một biểu hiệu bày tỏ lòng thương xót của các giáo hữu trong họ, trong làng. Mỗi khi có người ly trần thì người ta lại nghe thấy 15 tiếng chuông báo hiệu. Người công giáo bất cứ đang làm công việc gì, dù ở nhà hay ngoài đồng ruộng. Khi nghe tiếng chuông sầu thảm là ngừng ngay công việc lại. Đứng lên, quay về phía nhà thờ. Làm dấu Thánh Giá, đọc một kinh “Vực Sâu” để cầu cho linh hồn người quá cố được siêu thăng về nước Chúa.

 

Thúy Sơn



Posted by Hoàng Lan

comau
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam Bắc California

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

 


bottom