Cộng sản chiếm đất nước Việt Nam, đè đầu cưỡi cổ dân tộc Việt Nam không phải do cộng sản mạnh mà do dân chưa thấu hiểu được hiểm họa cộng sản !
-------------oo0oo--------------
Trang Việt Sử
--------o0o--------
MƯỜI NĂM Ở BẠC LIÊU - NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH.
MƯỜI NĂM Ở BẠC LIÊU [3]
*
Bạc Liêu được chính quyền trung ương quyết định sát nhập với Cà Mau thành ra tỉnh Minh hải. Minh hải nổi tiếng đất rộng người thưa bao đời truyền miệng. Ngoài hai trung tâm thương mại, với chợ nhà lồng ở thị xã Bạc Liêu, Cà Mau ra, mười huyện còn lại của Minh hải thuần nông lâm ngư nghiệp.
Lúc tôi ở đó, Minh hải có 12 nông lâm ngư trường quốc doanh do tỉnh quản lý. Dân gian gọi nôm na chúng là nông trường. Nông trường được thành lập bằng ý chí, quy ngang, quay dọc, chiều rộng, chiều dài sao cho đủ diện tích bạt ngàn rồi bao đê ngăn cách, làm ranh giới và cho dân vào định cư, sản xuất. Thổ dân ít ai chịu vào. Họ quen chim trời cá nước ai bắt lấy ăn. Quen với lối sống tự do phóng túng, trọng nghĩa khinh tài. Chẳng ai thích gò bó suy nghĩ và tay chân, vào luồn ra cúi.
Nhưng dân nhập cư tứ xứ kéo về miền đất hứa như dân Hà Nam Ninh, tiếng là kết nghĩa anh em với Minh hải thì không hẳn như thế. Họ được chính quyền đưa đón và cho vào các nông trường. Đang là nông dân chân đất mắt toét, không có một chút gì lợi danh với cái mác nhà nước, nay bỗng chốc thành cán bộ công nhân viên nông lâm ngư trường quốc doanh. Oách! Nhưng rồi, niềm vui chẳng tày gang, bao cấp không được đáng bao nhiêu mà công lao khó nhọc vẫn như ngày nào...
Cái đói cái nghèo với thời tiết khí hậu, thổ địa chưa quen làm lòng người ngao ngán. Với cung cách làm ăn cha chung không ai khóc y như kiểu hợp tác xã toàn xã nông dân, nông thôn, nông nghiệp ngoài bắc, tất cả 12 nông lâm ngư trường của Minh hải đều đứng trên bờ vực phá sản hoặc phá sản, chỉ không tuyên bố mà thôi.
Tỉnh ủy, ủy Ban nhân dân tỉnh cay cú đưa cả nguyên phó chủ tịch tỉnh - ông Nguyễn Bỉnh Nguyệt (tức 5 Dũng) về làm giám đốc một nông trường, nhằm thí điểm, quyết tâm vực dậy một mô hình, coi nó ưu việt ra sao.
Nhưng rồi, cái nông trường có ông giám đốc toàn tâm, toàn lực, toàn ý, toàn quyền quyết định ấy cũng lần lượt cho trâu Mura, bò Ấn Độ, Vịt Tiệp Khắc, cây dừa, cây bông vải... đi ra sông ra biển! - Đó là nông trường điển hình về duy ý chí.
Di sản nông trường mang tên Đông Hải của ông 5 Dũng và tỉnh Minh Hải để lại một núi nợ không bao giờ trả nổi và khôi hài là một tập đơn thư khẩn cấp đánh máy, đề nghị hay yêu cầu từ tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh tới Trung ương đảng, ủy ban thường vụ Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ không được giải thể nông trường!?
Tôi nhớ không nhầm,... Mãi về sau, may chỉ có duy nhất một nông trường cho khoán gọn (thực chất là khoán trắng - phát canh thu tô, khoán chui, phá rào) đất tới tay nông trường viên, kiểu âm thầm, lén lút (sau được khen là táo bạo làm thử, thí điểm) là có lãi. Đấy là nông trường Vĩnh Hậu. Giám đốc nông trường ấy là ông Hai Chính rất có cảm tình với giới truyền thông đang trong xu thế khao khát canh tân!
Kỳ lạ là, dù 11/12 nông trường làm ăn thất bại, nông trường viên đói rách, kêu ca oán thán, nhưng chiều thứ 7 hay chủ nhật, nhất là khi có khách từ cán bộ các cấp, các ban ngành tỉnh, huyện về là rượu quốc lủi, gà lá chanh, thịt chó, mắm tôm, tiết canh vịt, tiết canh ngan, tiết canh chó, tiết canh heo cùng đèn măng-sông sáng thâu đêm, có khi còn đánh chắn hay chơi bài 120 quân (tổ tôm) chờ (cơ hội) ù bát vạn!
Thế nên, đổ hết thất bại cho cơ chế tuy không sai nhưng căn cơ tận cùng phải tính đến cái danh, cái lợi của cá nhân mỗi người nói riêng và loài người nói chung nữa. Cái cơ chế đôi khi chỉ là cái cớ để cái tôi thủ danh, thủ lợi. Dù cái danh, cái lợi xấu xí và nhỏ bé xiết bao (?!)
...
Nông Trường Quốc Doanh.
Fb Chiêm Lưu Huy
-------oo0oo-------