Nước mất không phải do giặc mạnh, mà do lòng dân ly tán chưa đoàn kết đứng lên chống giặc !
-------------oo0oo--------------
Trang Việt Sử
--------o0o--------
UKRAINE VÀ VIỆT NAM CỘNG HÒA.
Khi chiến cuộc tại Ukraine bùng nổ lúc gần cuối tháng 2/2022, dư luận trong Cộng Đồng Tị Nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ, đã có lời so sánh Việt Nam Cộng Hòa thuở xưa với Ukraine ngày nay. Phần lớn đều cho là hai quốc gia này rất giống nhau về nhiều mặt. Chẳng hạn như cả hai đều là thành lũy, kiêm tiền đồn chống quân xâm lược để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Riêng Ukraine thì trở thành nạn nhân của một loại phát xít mới, do Putin - tay lãnh đạo gốc cựu đảng viên đảng Cộng Sản Nga Sô - tuyên chiến rồi xua quân xâm lăng sau khi viện dẫn những lý do rất mơ hồ. Mạc Tư Khoa cứ tưởng sẽ dễ dàng "nuốt chửng" xứ sở đã từng nằm trong Liên Bang Xô Viết. Nào ngờ Quân, Dân Ukraine đã cương quyết không đầu hàng trước sức mạnh quân sự, vốn được "quảng cáo" là rất hùng hậu của địch quân.
Vị Tổng Thống xuất thân từ giới sân khấu của Ukraine, ông Volodymyr Zelensky càng dũng cảm hơn, khi từ chối lời đề nghị di tản của Tổng Thống Mỹ Joe Biden "Cuộc chiến đang ở đây; tôi cần đạn dược, không cần phải vọt." ("The fight is here; I need ammunition, not a ride") . Cho đến hôm nay- sau 4 tháng cương quyết sánh vai cùng Quân Dân Ukraine- ông và những cộng sự viên trong chánh phủ của mình, đã nhiều lần nhận vòng nguyệt quế của thế giới tự do trao tặng trong tinh thần kính phục và ngưỡng mộ.
Chưa biết chiến cuộc còn kéo dài tới chừng nào và cho dù đã mất khoảng 20% lãnh thổ vào tay Putin; cùng với 7 triệu người ( tức 1/3 dân số ) đang tỵ nạn hoặc lưu vong khắp nơi, nhưng Ukraine vẫn đang nhận được sự ủng hộ kèm theo nguồn viện trợ ( nhân đạo, vũ khí và tài chánh ) liên tục của Hoa Kỳ và đồng minh thuộc khối Nato. Đất nước tang hoang, dân chúng tản lạc, nhưng hy vọng vẫn còn đó. Ukraine chưa bỏ cuộc.
Nhìn Ukraine rồi nhớ Việt Nam Cộng Hòa và quá khứ của một thời "an lac trong binh biến". Từ gần 50 năm qua, dư luận trong cộng đồng tỵ nạn Cộng Sản không ngớt lên án hành động "tiền, hậu bất nhất" của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khi lần hồi bỏ đất, nhượng dân, để sau cùng làm mất phần đất tự do sau 20 năm tồn tại.
Trước khi đi đến kết luận chánh phủ và Quân, Dân Việt Nam Cộng Hòa vì sao đã phải thúc thủ trước sự xâm lăng của Cộng Sản, chỉ trong vòng hai năm sau khi ký kết Hiệp Định Paris ( có hiệu lực ngày 27-01-1973 ), thiết nghĩ cũng nên xét lại những diễn biến trọng yếu lẫn then chốt, đã dẫn đến suy sụp toàn diện tại miền Nam Việt Nam vào ngày 30/04/1975.
Bởi vì:
1- Theo trình tự thời gian, thì ngay từ khi có chủ quyền cho tới ngày cáo chung, Việt Nam Cộng Hòa lúc nào cũng phải đương đầu với gian nguy, trở ngại về mọi mặt. Ngay trong thời Đệ I Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô đình Diệm, cũng đã hình thành vô vàn khó khăn cho nền Dân Chủ non trẻ của miền Nam Việt Nam. Khởi đầu là sự công khai ủng hộ ông Diệm của Mỹ sau khi Quốc Trưởng Bảo Đại chánh thức mời ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh. Việc làm này đã khiến cho những người thân Pháp, những đảng phái và thành phần nhân sĩ yêu nước từng nằm gai nếm mật để chống Pháp ở trong nước, thậm chí lãnh đạo cao cấp của Quân Đội Quốc Gia lúc đó cũng bất mãn, rồi bất cộng tác với chánh phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Bên cạnh đó là áp lực từ Chính Trị đến Quân Sự của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc toàn quyền quyết định hình thái chiến tranh tại phía nam vĩ tuyến 17. Nguy hiểm hơn hết, là sự chuẩn bị đấu tranh chính trị và quân sự, nhằm thôn tính toàn miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt; bằng cách cài, đặt đảng viên, cán bộ và cảm tình viên trong hạ tầng cơ sở của toàn cõi nông thôn, thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, ngay sau khi Hiệp Định Genève 1954 được ký kết.
2- Nền Đệ I Cộng Hòa chưa kịp ổn định về nhiều mặt, đặc biệt là nội an, thì hành động công khai đối lập chính trị (của Nhóm Cấp Tiến, aka Nhóm Caravelle 24/06/1960), cùng những lần biểu tình, xuống đường của Phật tử và Sinh viên - Học sinh, rồi đến cuộc binh biến ( 11/11/1960 ) - tuy ngắn hạn và không thành công- nhưng đủ gây rối loạn trong hàng ngũ Quân Đội. Ngần ấy sự việc đã lần hồi đưa chánh phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào thế suy yếu, nếu như không muốn nói là kiệt quệ, trong việc đối nội lẫn đối ngoại lúc bấy giờ.
Sau cùng, cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963 chính là vết dao trí mạng, đâm vào công cuộc xây dựng và duy trì một thể chế tự do, dân chủ tại miền Nam Việt Nam. Bởi từ đó cho tới khi cáo chung, chánh thể Việt Nam Cộng Hòa không có một ngày nào được yên ổn, nói chi tới việc phát triển kinh tế và xây dựng đất nước.
3- Sau cuộc đảo chánh 1963, thì có thể nói tại miền Nam không có ai "sáng giá" để chấp chánh, cũng như không ai có đủ "tầm cỡ" để đối đầu với Hồ Chí Minh và cộng sự viên kiêm đệ tử của ông ta. Chỉ nội vấn đề tìm một gương mặt đủ "bản lãnh"; được hậu thuẫn sâu rộng và có khả năng thật sự để lãnh đạo miền Nam, cũng đã làm "nhức đầu" những ai có lòng nghĩ tới tương lai của một miền Nam tự do.
Trong số những chính khách "gạo cội"- từ cụ Trần Văn Hữu, bác sĩ Phan Huy Quát, bác sĩ Lê Văn Hoạch, bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, cho đến các chính khách như các cụ Phan Khắc Sửu, Mai Thọ Truyền, Trần Văn Văn, Trần Văn Hương, Nguyễn Tường Tam, Trần Văn Tuyên...v/v...- hầu như ai cũng đều có những "hạn chế" nhất định trong khả năng và hậu thuẫn cần phải có ( nội địa cũng như thế giới, nhứt là từ phía Hoa Kỳ ). Chưa kể một số trong những vị này có khuynh hướng sinh hoạt chính trị với tính cách của một nhân sĩ ( các cụ Phan Khắc Sửu, Mai Thọ Truyền... ), hơn là một chính trị gia chuyên nghiệp. Hoặc có người còn đi xa hơn nữa, bằng cách công khai phổ biến lập trường "chung sống hòa bình" với Hà Nội ( cụ Trần Văn Hữu ).
Ngoài ra, họ không được giới quân nhân đang cầm quyền ủng hộ triệt để từ sau cuộc đảo chánh 1/11/1963. Lý do hàng đầu là vì những chính khách này không đủ cương quyết và thiếu nhạy bén khi đưa ra những quyết định liên quan tới quốc phòng và an ninh lãnh thổ, vốn là những ưu tư hàng đầu của miền Nam lúc bấy giờ. Do đó, cuộc khủng hoảng về mặt lãnh đạo, đã dẫn tới việc quyết định "quân sự hóa" chánh phủ miền Nam Việt Nam để vừa có tiềm lực chống địch, lại vừa có đủ khả năng trị an và ổn định tình hình sau cơn quốc biến cuối năm 1963.
Chỉ sơ lược qua việc đảo chánh rồi "chỉnh lý" của giới quân nhân cầm quyền trong 2 năm 1964 và 1965, cũng đủ cho người hiểu chuyện ngán ngẩm cho thời cuộc và vận mệnh ngày càng trở nên thê thảm hơn của Việt Nam Cộng Hòa. Sự "bất ổn" về mặt lãnh đạo để điều hành guồng máy quốc gia sau cuộc đảo chánh năm 1963, đã làm chính trường miền Nam ngày càng thêm rối rắm. Vì vậy, Hoa Kỳ ủng hộ, rồi tạo áp lực để giới cầm quyền gốc nhà binh đứng ra lãnh đạo nền Đệ II Cộng Hòa, là việc chẳng đặng đừng. Sau đó thì ai cũng thấy, là đã có sự nhúng tay rất sâu ( và rất rộng ) của Hoa Thịnh Đốn vào nội bộ và sinh hoạt của giới lãnh đạo miền Nam Việt Nam, thậm chí cho đến tận ngày sau cùng của cuộc chiến.
4- Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, chiêu bài chặn đứng sự bành trướng của khối cộng sản- cả bên Âu Châu lẫn Đông Nam Á Châu- là một đề tài "ăn khách" nhất, để lôi kéo cử tri của các chính khách trong những sinh hoạt chính trị, đặc biệt là tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ, vào thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước. Ngoài lý do này ra, còn một lý do khác cũng không kém phần quan trọng mà không một chính khách, đảng phái, hay ngòi bút truyền thông nào đề cập tới. Đó là việc tiêu thụ mớ vũ khí khổng lồ, thặng dư sau Đệ II Thế Chiến!
Sau khi đã "thanh toán" hết mớ vũ khí phế thải, rồi có đà " làm ăn phát đạt" nhờ sản xuất vũ khí, đạn dược, cùng những trang bị và tiếp liệu phẩm quân sự, thì con buôn kiêm tài phiệt của Mỹ đổ xô đi tìm thị trường tiêu thụ vũ khí mới. Lửa chiến tranh vì vậy mà cháy bùng lên suốt 3 thập niên 50, 60 và 70 tại các quốc gia thuộc Trung Mỹ và Châu Mỹ La Tinh ( Ba Tây, Chí Lợi, Panama...), Trung cận Đông và vùng Lưỡng Hà ( Ai Cập, Syria, Palestine, Yemen, Iraq...), Trung Phi ( Kenya, Tanzania, Uganda...) Bắc Phi ( Algeria, Nigeria, Tunisia, Sudan, Congo...) và Đông Nam Á Châu ( Đông Dương, Mã Lai, Nam Dương ).
Cùng trong thời gian đó, "Uncle Sam" không ngần ngại đổ tiền của và phương tiện vào việc đưa thêm quân ( tác chiến ) vào miền Nam Việt Nam, bắt đầu từ 3500 Thủy Quân Lục Chiến tại Đà Nẵng, tháng 3/1965. Đến cuối năm đó, con số đã lên tới 200,000 quân nhân! Những diễn tiến sau đó thì ai nấy đều đã rõ. Chiến tranh tại Việt Nam ngày càng leo thang trong 3 năm tiếp theo. Sau đó nữa, Hoa Kỳ vẫn đổ tiền vào việc tăng cường thiết bị quân sự và tiếp tục thảy đơn vị tác chiến vào miền Nam, cùng lúc với việc oanh tạc một số mục tiêu ( mà họ cho là "có tính cách chiến lược" ) ở bên kia vĩ tuyến 17.
5- Suốt từ 1955 cho tới tháng 11/1963, Đệ I Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam không ngớt đấu tranh để tự vệ và sinh tồn. Nhưng phải công nhận một điều, đó là nếu không có sự hỗ trợ triệt để của Hoa Kỳ, thì nền Đệ I Cộng Hòa này đã không thể tồn tại ngay từ khi Hoàng Đế Bảo Đại- do không đủ khả năng và cũng không màng chính sự- kêu mời cụ Diệm về nước chấp chánh. Tuy nhiên, sau đó cũng chính "bàn tay lông lá" và thế lực vô hình phía sau hậu trường sân khấu chính trị ( của Mỹ và trên thế giới ) đã cố tình khuynh loát nội tình của miền Nam Việt Nam bằng cuộc đảo chánh đẫm máu ngày 1/11/1963.
Bằng chứng hiển nhiên của sự "nhúng tay vào chính sự của miền Nam Việt Nam mà không cần phải giấu diếm", là chuyện "Uncle Sam"- mà Lucien Conein ( Pháp lai Mỹ, nhân viên CIA từ 1951 ) đại diện- đã bỏ ra số tiền $42,000, mướn "sát thủ" cao cấp trong Quân Đội miền Nam, kèm theo kịch bản đảo chánh Tổng Thống Diệm. Việc làm này, nghe nói đã làm Hà Nội, nhứt là họ Hồ và đệ tử thân tín vô cùng mừng rỡ, thậm chí ăn mừng. Không hẹn mà nên, cả Hà Nội lẫn Hoa Thịnh Đốn đều thở phào, rồi nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu, để tỏ ra cũng tiếc thương người lãnh tụ vừa bị hãm hại tại Sài Gòn.
Nếu dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, miền Nam chỉ vất vả nhiều nhứt với phong trào sinh viên-học sinh, tôn giáo và đảng phái chính trị; thì đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa lại xuất hiện thêm áp lực của nào là phản chiến ( trong nước cũng như trên thế giới ), rồi đối lập chính trị và cả tình trạng phe phái trong Quân Đội. Thêm vào đó, còn có thành phần thứ 3 ( tức nhóm chính trị gia "xôi thịt", chủ trương hòa hợp hòa giải với Việt Cộng ) thương phế binh cắm dùi, ký giả xuống đường đi ăn mày ( chống kiểm duyệt, lên án tham nhũng ), phong trào sinh viên-học sinh ( chống Mỹ và chánh quyền Sài Gòn, phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình theo kiểu của Cộng Sản ) và sự leo thang chiến tranh của Hà Nội.
Vấn đề đối ngoại và đối nội dù có làm nền Đệ II Cộng Hòa "ngất ngư" với các diễn biến dồn dập nói trên; nhưng tình thế càng gay cấn hơn và phức tạp hơn, khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải trực tiếp đương đầu với những áp lực của Hoa Kỳ trong việc chấp nhận cho đám "Mặt Trận" ngồi ngang hàng trong bàn Hội Nghị tại Paris chỉ vài tháng sau khi cuộc hội đàm bắt đầu ( vào ngày 10/05/1968, với sự tham dự tiên khởi của Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa và Bắc Việt ). Cùng lúc đó, vị nguyên thủ quốc gia của miền Nam không ngớt phản đối việc đi đêm giữa Mỹ và CS Bắc Việt nhằm giải quyết cuộc chiến theo ý của anh bạn "đồng minh" và Hà Nội.
6- Không đợi cho tới 1968, kịch bản rút lui trong danh dự của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã được tính toán rất kỹ lưỡng ngay từ sau khi Tổng Thống John F Kennedy thành công trong việc bắt buộc Nga Sô tháo gỡ giàn vũ khí có đầu đạn nguyên tử tại Cuba tháng 10/1962. Những năm tiếp theo, sau khi nắm chắc được sự rạn nứt trong nội bộ Điện Cẩm Linh ( Đảo chánh Nikita Khrushchev năm 1964 ) và biết rõ Nga Sô đã có dấu hiệu kiệt quệ, vì cố chạy đua với Hoa Kỳ trong việc trang bị võ khí nguyên tử và thám hiểm không gian; Hoa Thịnh Đốn tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Lyndon Johnson và Thủ Tướng Alexei Kosygin tại Hội Nghị thượng đỉnh Glassboro, New Jersey ( 23/6- 25/6/1967 ) để bàn về việc hạn chế sản xuất vũ khí nguyên tử. Một bước đầu khả quan để đôi bên tới gần nhau hơn!
Hoa Kỳ cũng không bỏ lỡ cơ hội khai thác sự chia rẽ trầm trọng, dẫn tới xung đột giữa hai đàn anh cao cấp nhứt trong khối Cộng Sản thế giới ( chiến tranh Nga -Hoa 1969 ), để bắt đầu "ve vãn, o bế" Trung Cộng; lập kế hoạch dứt bỏ Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian nhanh nhất có thể được, bằng cách lên kế hoạch nuôi con Cọp xám Bắc Kinh lớn mạnh, để một mặt tự lực tự cường, mặt khác ngăn chặn sự bành trướng của con Gấu trắng Mạc Tư Khoa về phương đông, trước khi lột xác trở thành môi trường kinh tế béo bở của tài phiệt thế giới nói chung và của Mỹ, nói riêng.
Hoa Kỳ cũng đã không ngớt gây rối rắm về chính trị, tôn giáo, xã hội tại miền Nam Việt Nam trong suốt thập niên 60 và 70, bằng cách tạo cơ hội và điều kiện cho phóng viên Âu-Mỹ tha hồ lấy tin, rồi trưng bày những hình ảnh- mà họ cho là- mang đầy tính cách bạo lực và độc tài của chánh quyền Sài Gòn. Sự thật, đó chỉ là cảnh đối phó với việc phá rối trị an của một số phần tử đối lập, thân cộng, hoặc bị Cộng Sản giựt dây ( và được phía Mỹ ngấm ngầm hỗ trợ ) nhằm giảm thiểu sự công chính của chánh phủ miền Nam trước công luận thế giới và tại Hoa Thịnh Đốn.
Song song với hành vi nói trên, Hoa Kỳ "bật đèn xanh" cho giới báo chí thiên tả và phản chiến tha hồ đăng những hình ảnh tiêu cực, nhằm bêu rêu khả năng chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và lên án sự kiêu binh của quân nhân các quốc gia đồng minh ( nhứt là Đại Hàn ). Không những vậy, Quốc Hội Mỹ về hùa với đám truyền thông bất nhân nhân đó, công khai lên án chánh phủ Sài Gòn vi phạm Nhân Quyền và Dân Quyền ( đàn áp tôn giáo, bắt bớ, giam cầm, tra tấn trái phép những ai lên tiếng chống đối, kiểm duyệt báo chí...) và tố cáo các giới chức chóp bu cũng như hàng sĩ quan cao cấp trong Quân Đội chỉ biết tham nhũng, không lo chiến đấu mà chỉ chuyên tâm củng cố quyền bính.
Mọi thứ đều được "kịch bản hóa" một cách tuần tự và chặt chẽ suốt từ đầu thập niên 60 qua tới thập niên 1970. Việt Nam Cộng Hòa lần hồi mất dần hậu thuẫn của Âu-Mỹ về mặt chính trị lẫn quân sự. Cuộc "chém vè" của Mỹ đạt kết quả như mong ước khi có sự tham gia trực tiếp của cựu chiến binh Mỹ trở về từ chiến trường Nam Việt Nam, cùng với sự góp phần của các nhân sĩ và nghệ sĩ thuộc tầng lớp lãnh tụ Văn Hóa- Xã Hội và Nghệ Thuật của Hoa Kỳ. Nhưng đến khi máu đổ trong khuôn viên đại học ( Kent State University tháng 3/1970 ), thì thái độ dứt khoát của Mỹ mới lộ nguyên hình.
7- Chiến tranh leo thang, nhưng chỉ được vài năm sau khi đổ quân vào Đà Nẵng, thì- như đã nói trên- Hoa Kỳ chuẩn bị cho cuộc tháo lui bằng một "tuyệt phẩm" được dàn dựng thật tỉ mỉ, kể cả đưa vị tướng một mắt Moshe Dayan của Do Thái qua Việt Nam với tư cách phóng viên chiến trường, để ngôi sao quân sự này có lời ủng hộ sự tham chiến của Hoa Kỳ trên vùng đất Đông Dương.
Vị "Độc Nhãn Tướng Quân" quả có lời tâng bốc Hoa Kỳ khi cho rằng Hoa Kỳ đã "đương đầu không phải với Hà Nội, hay du kích chiến tại miền Nam, mà còn chứng tỏ khả năng hùng mạnh với cả thế giới tự do và Nga Sô". Tuy nhiên, sau hai tuần quan sát sinh hoạt tại một số vùng nông thôn nam phần và chứng kiến những đụng độ lẻ tẻ của các đơn vị cấp nhỏ của Mỹ, ông Moshe Dayan đã có lời kết luận không mấy thuận lợi cho Hoa Kỳ, khi ông cho là Mỹ tham chiến không phải chỉ muốn đánh thắng trận, mà chỉ là vì lý do chính trị. Câu nói này là nhận định của vị tướng "anh hùng"- lúc đó đang bị thất sủng bên Do Thái- hay chính là lời "trấn an" mà Hoa Kỳ muốn nhờ ông ta gián tiếp thông báo cho khối Cộng Sản thế giới, đặc biệt là nhắn riêng cho Bắc Việt?!
Không cần phải là những "ngôi sao" trên chiến trường, hay thuộc giới chuyên viên về quân sự để tiên đoán và nhận định việc làm của Hoa Kỳ tại Đông Dương; mà người ta chỉ cần chịu khó theo dõi báo chí của thành phần thứ 3, đọc hoặc nghe những lời tuyên bố của khối đối lập tại Sài Gòn, là có thể suy đoán được những gì họ muốn đề cập tới. Ngoài ra, chỉ cần chú ý tới sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ và tin tức phát hành trên báo chí cũng như trên các làn sóng truyền thông của Âu- Mỹ; thì người bình thường cũng sẽ đoán hiểu được chủ trương, cùng những toan tính của Hoa Thịnh Đốn về những gì họ muốn thực hiện tại Đông Nam Á và tại các nơi khác trên thế giới.
Sự phủi tay và dứt bỏ của Hoa Kỳ về mặt quân sự, thậm chí đã bắt đầu từ khi Ngũ Giác Đài tô, vẽ một bức tranh giả tạo về sự yếu kém về tiềm năng chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua các trận đánh lớn ( Ấp Bắc, Đồng Xoài, Bình Giả, tổng công kích Tết Mậu Thân, Lam Sơn 719 và Quảng Trị 1972 ),hay trong những lần "vượt biên" qua các nước láng giềng ( Campuchia 1970, Hạ Lào 1971).
Từ trong các tạp chí Time, Life, Newsweek, Washington Post..v/v... cũng như trên các làn sóng truyền thanh, truyền hình; khán thính giả tại Hoa Kỳ- khi theo dõi tình hình tại Việt Nam- chỉ thấy và nghe những gì liên quan tới cảnh hoang tàn của chiến cuộc, tới sự can trường của mấy chàng GI, cùng những lời hứa hẹn về một sự chiến thắng của Quân Đội Mỹ. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn vắng mặt. Hoặc nếu có, thì chỉ được nhắc tới một cách qua loa, chiếu lệ mà thôi.
Cuối cùng thì chuyện gì đến phải đến. Chưa đầy 2 năm sau khi ngồi vào bàn Hội Nghị ( aka Cuộc Hòa Đàm Paris 1968 ), Hoa Kỳ tuần tự rút quân về ( Từ tháng 7/1969 tới tháng 3/1973 ) mặc dù chưa đạt được thỏa ước rõ rệt. "Người bạn lớn" của Việt Nam Cộng Hòa phủi tay, để Cộng Sản Bắc Việt thôn tính toàn miền Nam Việt Nam. Phần kết thúc của cuộc "bỏ của chạy lấy người" sau khi tham chiến tại Việt Nam của Hoa Kỳ trong suốt 20 năm, đã diễn ra như ai nấy đều đã biết. Đó là hình ảnh cuốn cờ, tháo chạy một cách rối rít của toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, ngày 30 tháng 4 năm 1975.
8- Tất nhiên cảnh hạ màn không diễn ra một cách vội vã, mà phải được dàn dựng từng phần, trải qua từng thời kỳ, từng giai đoạn cho thật ăn khớp với tình hình chính trị ( tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới ) và quân sự ( tại Đông Nam Á ). Như ai nấy đều biết, ngay từ khi chấm dứt Đệ II Thế Chiến, số phận các nước nhược tiểu, chậm tiến, bị đô hộ, đã được các cường quốc Âu- Mỹ bàn tính, định đoạt. Việt Nam là một trong số đó.
Nếu như Nga Sô tóm gọn Đông Âu sau khi cắt đôi nước Đức và gom trọn các chư hầu phía đông ( gồm một số quốc gia có gốc từ đế quốc Ottoman như Georgia, Armenia, Azerbaijan, Kyrgyzstan, Kazakhstan...v/v... ) thì Trung Cộng cũng quyết chí thôn tính Á Châu tại vùng biển Nam Hải và các quần đảo phía tây Thái Bình Dương ( Philippines, Mã Lai, Đài Loan, Indonesia ) cũng như trên lục địa ( chạy dài từ Việt Nam qua Ấn Độ, Tây Tạng, Tây Hồi, Miến Điện, Thái Lan ).
Hoa Thịnh Đốn, với thế lực vững chắc, nhân lực dồi dào và tài lực gần như vô tận, đã khiến Nga Sô kiệt quệ tài chánh suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, mà cao điểm là trang bị quốc phòng, sản xuất vũ khí cho chiến tranh quy ước, lẫn nguyên tử, rồi cắm đầu vào cuộc chạy đua thám hiểm không gian từ 1947 cho tới thập niên 70. Nga Sô lần hồi yếu thế vì suy sụp nguồn tài nguyên và vì những trận đấu đá trong nội bộ của đảng cầm quyền, là điều tất nhiên.
Còn Trung Cộng- sau khi phát động "Cuộc Cách Mạng Văn Hóa", song song với hàng loạt thanh trừng nội bộ từ 1965 đến đầu thập niên 1970 ( thanh trừng Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài và đàn em Lâm Bưu, hạ bệ Đặng Tiểu Bình, tăng quyền bính cho Giang Thanh, vợ họ Mao và đổi mới theo khuynh hướng "xét lại" kiểu Stalin )- đã tập trung quyền hành tuyệt đối vào tay chủ tịch Mao Xếnh Xáng. Mỹ chỉ chờ có thế để công khai "sang số" cho việc rút lui khỏi Đông Dương, bằng cách gởi một đoàn bóng bàn qua Bắc Kinh năm 1971, dọn đường cho Nixon đến thăm Trung Cộng theo lời mời của họ Mao.
Cái "bắt tay lịch sử" của ngày 21/02/1972- sau hai thập niên "hằm hè" nhau giữa Mỹ và Trung Cộng- đã làm thay đổi bộ mặt chính trị trên bàn cờ thế giới. Đó cũng là dấu hiệu cáo chung của nền Cộng Hòa son trẻ tại miền Nam Việt Nam, vì Hoa Kỳ thẳng thừng và nặng tay cắt giảm viện trợ quân sự cho Sài Gòn, trong khi khối Cộng của cả thế giới tha hồ trang bị tối đa cho Hà Nội để thôn tính miền Nam cho bằng được.
Chỉ đúng một tháng sau khi Nixon "chia đất và vẽ lại bản đồ Á Châu" với Mao Trạch Đông, Hà Nội điên cuồng xua quân đánh chiếm Quảng Trị với một lực lượng hùng hậu chưa từng có ( Sư đoàn 304, 308, 324, 320, 325, 312, Mặt trận B5, tức khu vực phía Bắc của tỉnh Quảng Trị gồm 4 trung đoàn, 1 trung đoàn hỏa tiễn, 4 trung đoàn pháo binh, 3 trung đoàn chiến xa và 2 trung đoàn biệt lập địa phương ). Đồng thời, nhằm mục đích làm suy giảm tiềm năng chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, CS Bắc Việt còn tấn công Tân Cảnh/Kon Tum tại Quân Khu 2 và Lộc Ninh/An Lộc thuộc tỉnh Bình Long ở Quân Khu 3.
9- Dù muốn níu kéo, Việt Nam Cộng Hòa vẫn không cách nào thay đổi ý định bỏ rơi miền Nam Việt Nam của Hoa Thịnh Đốn. Mặc cho những lần kêu gọi khẩn thiết, mặc cho lời cầu cứu liên tục suốt từ trước và sau cuộc họp giữa Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu với Richard Nixon tại Midway 1969, Hoa Kỳ vẫn cương quyết dồn Sài Gòn vào thế phải chấp nhận sự thật phũ phàng là Hoa Thịnh Đốn muốn bỏ Đông Dương để rảnh tay giải quyết tình hình tại Trung Đông và Ai Cập, đồng thời hậu thuẫn cho Do Thái nhằm xử dụng con cháu Israel vào việc ổn định cán cân quân sự cũng như tình hình tranh chấp tại khu vực Lưỡng Hà ( Mesopotamia ) và Trung Cận Đông ( Iran, Iraq )
Hoa Kỳ "chạy nước rút" trong việc bán đứng Việt Nam Cộng Hòa cho khối Cộng khi phong trào phản chiến ngay tại mẫu quốc bùng nổ khắp nơi; từ trong học đường ra tới các định chế tôn giáo, xã hội lẫn quân sự sau vụ thảm sát 4 sinh viên ( và làm bị thương 9 sinh viên khác ) tại Kent State University ( tháng 5/1970 ). Nhưng trước đó khá lâu, Mỹ đã cảm thấy đủ an toàn kể từ khi vòng đai an ninh quốc gia của Hoa Kỳ đã được củng cố vững vàng sau khi Nga Sô rút toàn bộ hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân ra khỏi Cuba vào cuối năm 1962, như đã kể trên.
Đã có một dạo Châu Mỹ La Tinh khá bất an khi một số quốc gia có chánh phủ độc tài, thiên tả, lăm le bắt chước Cuba chuyển mình sang chế độ Cộng Sản ( Guatemala, Nicaragua, Chile, Colombia...) nhưng các nơi này lần hồi từ bỏ ý định điên rồ đó, sau khi tìm thấy sự vững vàng để phát triển ( vào các thập niên 60 và 70 ), là nên áp dụng chế độ Tự Do Dân Chủ Giới Hạn ( Limited Democracy ). Điển hình cho loại sinh hoạt chính trị "có giới hạn" này là Mễ Tây Cơ.
Từ đó về sau, tuy nằm sát nách Hoa Kỳ và vẫn còn một số lính Nga đồn trú trong nội địa ( để dòm ngó động tịnh của Hoa Thịnh Đốn ), nhưng Cuba không còn là mối đe dọa trực tiếp đối với nước Mỹ. Sự bế tắc kinh tế và gánh nặng quân sự cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 ( Phụ giúp người anh em Che Guevara "làm cách mạng" trong vùng Châu Mỹ La Tinh và Trung Mỹ. Đánh mướn cho Nga Sô bên Phi Châu và Trung Đông ) đã làm cho Cuba "co mình" thay đổi nhân sự và hiến pháp, để đủ sức hội nhập vào sự lớn mạnh của khối Châu Mỹ La Tinh, song song với việc chạy đua về mặt phát triển kinh tế với các quốc gia thuộc vùng biển Caribbean.
Đối với Hoa Kỳ, bất quá Cuba chỉ là một loại "tiền đồn" mà Mỹ đồng ý cho khối Cộng Sản nhuộm đỏ từ thập niên 50. Trong khi đó, Nga Sô và các nước chư hầu Đông Âu, thì bị các cường quốc thuộc khối tự do hoặc trung lập ( Anh, Pháp, Ý, Tây Đức, Áo, Hòa Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy...) kềm chân cứng ngắt ở phía Tây và Tây- Bắc của lục địa Âu Châu. Phía Nam thì Nga Sô bị Ba Tư ( Iran ) Thổ Nhĩ Kỳ và cả A Phú Hãn chặn đứng. Riêng ở hướng Tây thì gấu trắng Mạc Tư Khoa đụng độ thường xuyên với cọp xám Bắc Kinh tại biên giới có chiều dài 2500 dặm của hai nước.
Nga đã thế, trong khoảng thời gian từ thập niên 50 cho tới đầu thập niên 70, Trung Cộng cũng "bí rị" không kém! Bắc Kinh tưởng chừng như đã có thể làm bá chủ Á Châu sau khi chiếm Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng và đẩy Tưởng Giới Thạch ra khỏi lục địa sau Thế Chiến thứ II. Nhưng Bắc Kinh đã phải khựng lại ở phía Tây Nam bởi "con rắn hổ mang" Ấn Độ và các vương quốc Bhutan, Nepal, Miến Điện và Lào. Nhóm này vốn là những quốc gia trung lập ( Ấn Độ ), theo chế độ Quân Chủ Lập Hiến ( Bhutan, Lào, Nepal ) hoặc chịu sự điều hành của Độc Tài Quân Quản ( Miến Điện ) vào lúc bấy giờ.
Về hướng Đông Nam Á và vùng biển phía bắc Thái Bình Dương ( biển Đông ), tuy lần hồi khuynh loát và ảnh hưởng được các quốc gia Đông Dương và tạo dựng Bắc Hàn thành một đàn em thân tín; Trung Cộng đã phải chịu sự kiềm chế của một hàng rào an ninh thân Mỹ, bao gồm Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan. Như vậy, cả hai gã khổng lồ của phương Tây và Châu Á đều bị "đóng khung" một cách chặt chẽ, cho nên Hoa Kỳ dù có để mất miền Nam Việt Nam vào tay Cộng Sản Bắc Việt, thì các quốc gia đồng minh vừa kể trên cũng chẳng hề hấn gì.
Huống chi khuynh hướng mới của thời đại nguyên tử là lấy Kinh Tế để giải quyết xung đột Chính Trị. Do đó, Hoa Thịnh Đốn không ngần ngại "cắt dây chuông" với Sài Gòn; để vừa làm yên lòng dân chúng trong nước, vừa tiết kiệm xương máu, lại vừa không phải tiêu hao ngân sách quốc phòng ( vốn đã có lúc lên tới 26 tỷ đô la mỗi năm để tài trợ về mọi mặt cho Việt Nam Cộng Hòa ).
Ngay tại lục địa Mỹ Châu thì phía Bắc có Canada, hướng Nam có Mễ Tây Cơ "bảo vệ" cho sự an toàn nội địa của Hoa Kỳ. Chướng ngại vật thiên nhiên thì có Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Hoa Kỳ "ấm" lưng ngay tại "sân nhà", còn tại các lục địa khác thì khối Cộng hết đường cục cựa, vì hàng rào an ninh cho Mỹ trên các lục địa Âu-Á vốn đã khá chặt chẽ, lại còn vòng đai ngoại vi bao gồm cả hai quốc gia vùng cực Nam Thái Bình Dương ( Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi ) cùng với các quần đảo chạy suốt chiều ngang Thái Bình Dương ( bao gồm Hạ Uy Di, Midway, Marshall, Guam ). Cho nên Mỹ trút bỏ gánh nặng Đông Dương là điều dĩ nhiên!
10- Hoa Kỳ cố ý bỏ rơi miền Nam Việt Nam không phải chỉ vì muốn tháo bỏ một gánh nặng, mà còn có mục đích khác. Đó là dọn đường vào những nơi cần phải đầu tư và trục lợi ( Bắc Phi, Trung Đông ), đặc biệt là Trung Hoa Lục Địa. Đây là mục tiêu hàng đầu của Mỹ ở cuối thế kỷ 20. Vì vậy, vào đầu năm 1975, cho dù Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ xin viện trợ khẩn cấp có $300,000,000 ( tương đương với khoảng 8 Tỷ đô la ngày nay ), Quốc Hội Hoa Kỳ cũng cương quyết bác bỏ.
Cũng dễ hiểu thôi! Một khi "Anh đường anh, Tôi đường tôi. Tình Nghĩa đôi ta chỉ thế thôi" thì lưu luyến mà chi! Vã lại, chỉ cần lời $1 ( Một đô la! ) cho mỗi chiếc áo thun bán cho Trung Cộng thì tài phiệt thế giới ( và của Mỹ ) cũng thu về bạc Tỷ; huống chi thị trường tại Trung Hoa lục địa không chỉ có quần áo mà thôi. Tiết kiệm được tiền bạc, máu xương mà lại tha hồ nuôi béo con bò Bắc Kinh để "vắt sữa lâu dài" thì tội gì không thực hiện!
11- Chỉ tội nghiệp cho chánh phủ tại Sài Gòn đã phải tất tả, chạy vạy khắp nơi để vay nợ, đồng thời "năn nỉ" Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ quân sự, cho dù giờ cuối chỉ còn là những con số vô nghĩa ( Nixon đề nghị $1,4 Tỷ vào tháng 7/1974, Quốc Hội Mỹ cắt xuống còn $700,000 cho tài khóa của 1975. Chờ hoài không thấy, nên tháng 1/1975, Tổng Thống Thiệu muối mặt xin $300 triệu ( vốn đã được Tổng Thống Gerald Ford phê duyệt ) nhưng cũng bị Quốc Hội Hoa Kỳ từ chối thẳng thừng.
Niềm hy vọng cuối cùng cũng tiêu tan, vì bức thư hứa hẹn của Nixon trao tận tay cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đầu năm 1973, đúng ba tuần trước khi Hòa Đàm Paris có hiệu lực ( vào ngày 27/1/1973 ) đã không còn giá trị, khi Nixon từ chức vào tháng 10/1974. " Cảnh diễn" sau cùng của Nixon đã hoàn tất. Việc ông từ chức cũng là nhát dao chí tử đâm vào Nền Đệ II Cộng Hòa. Sự "vẫy vùng" của Tổng Thống Thiệu trở nên vô nghĩa, khi chính ông cũng bị bắt buộc phải rời chức vụ rồi lưu vong ( trong âm thầm và lo lắng, đến mức phải thủ theo một khẩu súng ngắn để phòng thân ).
Nếu điểm lại tình hình chính trị tại Hoa Kỳ từ 1972 cho tới khi xảy ra vụ Watergate, rồi để ý nguyên do vì sao Tổng Thống Nixon phải từ chức người ta sẽ nhìn thấy ngay nhiều điểm khác thường.
Chẳng hạn như:
- Mắc mớ gì kẻ được chỉ định làm người canh gác cho "5 tên trộm Watergate" lại vô ý mê coi phim kinh dị đến đỗi không phát giác xe cảnh sát đã đến nơi để lên lầu 6 lùng bắt quả tang 5 tên đồng bọn của anh ta?
- Mắc mớ gì khi chuyện chưa tới đâu mà Nixon đã vội từ chức?! Vậy có phải đây là màn kịch sau cùng ( để phủi tay, dứt áo ra đi ) hay không, khi mà Nixon vẫn còn nợ Tổng Thống Thiệu và Quân Dân Việt Nam Cộng Hòa một lời cam kết bằng giấy mực hẳn hòi?
Dấu hiệu chữ V ( Victory ) và nụ cười toe toét của Tổng Thống Nixon trước khi bước vào trực thăng là hành động phải có để giữ sĩ diện hay đó là sự hài lòng, thỏa mãn vì đã xong "vai diễn" để rời khỏi chính trường một cách an toàn, cho dù tên tuổi lúc đó bị mang tai tiếng không nhỏ!? Mà có mang tai tiếng thì đã sao? Tiền hưu vẫn đầy đủ, thư viện của tổng thống và mọi ưu đãi khác vẫn được cung ứng cho tới khi lìa đời. Ba mớ xì xào của dư luận thì nhằm nhò gì! Trong lịch sử Hoa Kỳ, Richard Nixon vẫn là Tổng Thống thứ 37!
Tổng Thống Nixon từ chức. Cuộc chơi chấm dứt! Lời cam kết với Việt Nam Cộng Hòa đã bị vô hiệu hóa! Hạ màn!!!
12- Tóm lại, những điểm nêu trên đây chỉ có thể hiểu như là phần sơ lược của những sự việc bên lề, hoặc liên quan trực tiếp đến cuộc chiến và những hệ lụy của nó. Bán đứng và bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, là chuyện tất nhiên phải xảy ra sau 30 năm "dàn cảnh" ( 1945-1975 ) và thực hiện ý đồ của "bàn tay lông lá" đằng sau hậu trường của thế giới tài phiệt!
Cuộc chiến tại Việt Nam đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu tranh cãi. Thậm chí còn có những chiêu, trò, lật lọng rất gian trá và thâm hiểm tàng ẩn đâu đó trong cái bề ngoài được tô phết bằng những mỹ từ hết sức đẹp đẽ, dành cho phần đất từng được gọi là "tiền đồn chống Cộng" tại Đông Nam Á.
Biết đã đến lúc phải "ra đi", vì càng để lâu càng thêm phiền và vì áp lực nặng nề của dân chúng Mỹ và cộng đồng thế giới ( Ồn ào nhất là đám báo chí và chính trị gia thiên tả ); nên từ 1968 Hoa Thịnh Đốn phải hấp tấp tìm đủ mọi biện pháp để "rút lui trong danh dự". Họ thậm chí đã không ngần ngại vừa "làm dữ" ( đe dọa tánh mạng ), vừa phải "trấn an" Tổng Thống Thiệu mau chóng ký tên vào bản Hiệp Định Paris ( bức thư tay của Nixon ). Ngoài ra, khi chịu hết nổi những áp lực của chính giới lẫn người dân trong nước, Tổng Thống Nixon không ngần ngại tung Ngoại Trưởng Kissinger chạy đôn, chạy đáo khắp nơi, kể cả "đi đêm" với Bắc Việt ( Lê Đức Thọ ) để nhanh chóng rút lui khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên, trước đó, nếu đặt mình vào hoàn cảnh của một nhân vật cao cấp tại Tòa Bạch Ốc, hay Ngũ Giác Đài- và nếu bỏ qua "chân lý" làm giàu nhờ gây chiến tranh mà đa số dư luận đã gán ghép cho Mỹ- thì người ta sẽ thông cảm cho những lãnh đạo của Mỹ ở chỗ:
- Đã đành Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng là nơi thanh toán thặng dư và thử nghiệm vũ khí mới, đồng thời cũng là môi trường lý tưởng để áp dụng lần đầu lý thuyết của chiến thuật chống du kích ( để sau đó áp dụng trên các chiến trường Trung - Nam Mỹ ); nhưng Hoa Kỳ đã gặp phải trở ngại đầu tiên là " Địch biết Ta, mà Ta không biết Địch là Ai".
Từ thành thị tới thôn quê miền Nam, du kích cộng sản và dân quê chân chất, nhìn bề ngoài thì họ đều giống y chang như nhau. Lính ( Mỹ ) chưa bước chân vô làng thì bị bắn tỉa. Vô trong làng rồi thì kẻ cầm súng biến mất. Vì vậy khi chàng mắt xanh mũi lõ điên tiết lên thì chỉ còn có nước đốt nhà, thảy lựu đạn xuống hầm, trói tay mọi người tình nghi, không phân biệt trẻ, già, nam, nữ. Hoặc đi xa hơn, là có cảnh tàn sát cả một thôn làng như vụ Mỹ Lai ( Quảng Ngãi 1968 ).
Vì vậy:
Cảm thương cho Ukraine ngày nay cũng lâm vào hoàn cảnh bi đát vì thảm họa chiến tranh, rồi kính phục sự anh dũng của Quân và Dân đất nước này là điều tất nhiên. Nhưng từ đó mà cho rằng lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hòa yếu, hèn nên đã để mất nước vào tay Cộng Sản thì quả là không công bằng và tàn nhẫn làm sao!
Chánh phủ của nền Đệ II Cộng Hòa khi xưa không có "diễm phúc" như Ukraine, khi nước này được lãnh đạo của thế giới tự do thay nhau ghé thăm để an ủi, khích lệ và hứa hẹn, rồi thực hiện những gì họ cam kết. Vũ khí và tiếp liệu phẩm được gởi đến Ukraine một cách liên tục. Toàn là những thứ tân tiến, đủ để tự vệ và đương đầu với địch thủ. Cho dù phương tiện và nhân sự của Ukraine có phần thua kém Nga Sô về mặt số lượng, nhưng dù bị hạn chế, phẩm chất của số vũ khí mà Quân Đội Ukraine đang có trong tay cũng là loại tối tân không thua gì vũ khí của phe địch.
Còn miền Nam Việt Nam ( cả Đệ I lẫn Đệ II Cộng Hòa thì thế nào? Chỉ nội hình ảnh của một quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ôm cây Garand M1, Mas 36 ( Fusil à répétition 7 mm 5 M.36), hay súng Carbine ( cũng M1) để chiến đấu mà thấy tội nghiệp cho họ và tức tối cho sự nhỏ giọt của Hoa Kỳ về mặt trang bị cho miền Nam, so với những gì Bắc Việt nhận được từ khối Cộng Sản quốc tế. Năm 1965, Việt Cộng đã được tiếp tế AK47, B40, B41, RPD... ( chiến thắng Vũng Rô ). Trong khi đó, người lính trong Nam vẫn "ạch đụi" với Bazooka M1 & M20, Winchester shotgun, Garand, Carbine, Thompson, đại liên 30. Toàn là vũ khí từ thời Đệ II Thế Chiến!
Ukraine ngày nay có được vũ khí hiện đại để tự vệ. Việt Nam Cộng Hòa thuở xưa chỉ có trong tay những "đồ cổ" để sinh tồn. Lãnh Đạo của Ukraine có nhiều cơ hội để gởi lời cầu cứu và được hoan nghênh khắp nơi, còn lãnh đạo của hai nền Cộng Hòa tại Việt Nam, đặc biệt là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong hai năm sau cùng của cuộc chiến, luôn "được" báo chí thiên tả khắp thế giới gán cho nhãn hiệu độc tài, tham nhũng, cùng những lời bình phẩm cay độc và nhảm nhí của đám báo chí thân cộng trong nước khi cho là ông Thiệu bất tài, dị đoan và dùng toàn là tay chân, bộ hạ để lãnh đạo.
Thế giới xa lánh. "Đồng Minh" lãnh đạm. Trong nội địa thì hết 1/2 dân tình đã bị nhồi sọ, khuynh loát, ảnh hưởng, không chỉ bởi bọn Cộng Sản mà còn do đám quốc gia thờ ma cộng sản tiếp tay quậy phá. Lãnh tụ nào có thể làm được gì hơn?Nhớ tới những ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa "đơn thân độc mã" chiến đấu trong sự thiếu thốn và "cô đơn" cùng cực, người ta nghĩ ngay tới hình ảnh một anh võ sĩ thương đài và như đã bị trói hết hai tay. Đạn dược phải tiết kiệm. Quân dụng eo hẹp. Quân nhu, Quân cụ đều cạn kiệt. Mọi thứ dự trữ chỉ còn có 2, 3 tháng. Trong khi đó địch quân tiến quân như thế chẻ tre. Sự sụp đổ đến quá nhanh. Từ sau ngày mất nước, dư luận thường quy trách nhiệm cho vị Tổng Tư Lệnh là Tổ Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Xét cho cùng sự "tiền, hậu bất nhất" của ông ( rút khỏi Cao nguyên, tức Quân Khu 2, Bỏ vùng hỏa tuyến và Đà Nẵng ) chỉ là biện pháp " tháu cáy người bạn lớn" vào giờ phút chót với hy vọng Hoa Kỳ sẽ "nghĩ lại" hoặc thế giới tự do sẽ nhảy vào để xoay chuyển tình thế. Buồn thay! Không xin được viện trợ của Hoa Kỳ đã đành, kể cả vay nợ để lấy ngoại tệ mua vũ khí cũng không được một vương quốc dầu hỏa đáp ứng. Áp lực của Mỹ đâu phải chỉ dùng riêng cho Việt Nam Cộng Hòa?!
Năm 1968, bị đánh bất ngờ tại 26 tỉnh thành mà không hoảng loạn; hai năm liên tiếp bị hao quân, tổn tướng vì chiến trường Hạ Lào ( Lam Sơn 719 ) và tại Quảng Trị, Kontum, An Lộc ( "Mùa Hè Đỏ Lửa" 1972 ) mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không nao núng. Thì tại sao chỉ trong vòng 1 tháng các đơn vị Cộng quân đã từ Huế vào tới Sài Gòn? Vì sao tự động tan hàng, bỏ Dân, bỏ Đất trong khi Quân Đội vẫn còn những đơn vị thiện chiến đủ để bảo vệ những nơi trọng yếu?!
Câu trả lời, một lần nữa lại nằm trong kế hoạch "bỏ rơi" miền Nam Việt Nam của Mỹ. Kế hoạch này được toan tính từ rất lâu và được thực hiện một cách rất...tiệm tiến ( như đã ghi chú trong các mục kể trên ). Mãi cho đến ngày 27/1/ 1973 thì ai nấy đều thở phào khi Hiệp Định Paris chính thức có hiệu lực mặc dù giao tranh vẫn còn và với mức độ khá sôi nổi ở nhiều nơi ( Sa Huỳnh ). Người ta hy vọng vào lời cam kết của Mỹ qua bức thư của Nixon gởi cho Tổng Thống Thiệu.
Nhưng "hòa bình" mà cả nước mong muốn hóa ra chỉ là cơ hội để Bắc Việt ổn định lực lượng, yên tâm nhận thêm viện trợ dồn dập từ khối Cộng Sản quốc tế, "hiên ngang" chuyển quân công khai bằng xe molotova và tất cả những phương tiện cơ giới có được theo đường "xa lộ Hồ Chí Minh" từ Trường Sơn xuống tận...Lộc Ninh!Nhắc tới ngày sau cùng của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, người ta không quyên hình ảnh của cụ Trần Văn Hương, người mà trong lịch sử cận đại đã trở thành chính khách duy nhứt của Việt Nam, đảm nhiệm cả 3 chức vụ đầu não của một thể chế dân chủ: Thủ Tướng ( hai lần, 1963 và 1965 ) Phó Tổng Thống ( 1971 ) rồi Tổng Thống ( 1975, dù chỉ được có 7 ngày! )
"Ông Già Gân", người chính khách có tinh thần quốc gia đã để lại cho đời sau một tấm gương sáng khi:
- Khẳng khái ủng hộ rồi đứng chung liên danh với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu năm 1971, qua câu tuyên bố:" “… Lúc đó chỉ có ông Thiệu là có khả năng chống cộng thật sự, lại nữa vụ Mậu Thân cho thấy Việt cộng đã mạnh lắm rồi, mà Hoà Kỳ thì lại có ý chủ hòa, ông Johnson thì ép mình phải đi hòa hội Paris… nên cần phải ủng hộ ông Thiệu.”
- Tuyên bố "Tôi xin hứa với anh em trong quân đội là ngày nào anh em còn chiến đấu, tôi luôn luôn đứng bên cạnh anh em và ngày nào, chẳng may, mà đất nước không còn nữa thì cái nắm xương khô của tôi sẽ nằm bên cạnh đống xương của tất cả anh em binh sĩ."
- Đặt chuyện quốc gia đại sự lên trên hết chuyện nên đã cương quyết từ chối không liên lạc với người con ( tập kết và sinh sống ) ở miền Bắc. Đồng thời thà sống trong khó nghèo, bệnh tật, cũng không cần những đặc ăn của đám "chủ mới".
- Từ chối nhận lại " quyền công dân" từ tay phỉ quyền Hà Nội và không ngần ngại nói thẳng "Tôi xin phép từ chối, không nhận cái quyền công dân này vì dù gì tôi cũng là người lãnh đạo miền Nam, trong khi binh sĩ, nhân viên các cấp chỉ vì thừa lịnh của chúng tôi mà giờ đây vẫn còn bị giam cầm trong các trại cải tạo!... Tôi sẽ là người sau cùng nhận cái quyền công dân này, sau khi binh sĩ và nhân viên của chúng tôi đã được thả và nhận lại quyền công dân."
- Đã có ước nguyện được chôn trong nghĩa trang Quân đội Biên Hòa để "... được nằm chung với anh em binh sĩ! " nhưng vì qua đời sau 1975 nên không được chính quyền cộng sản chấp nhận ( Tất nhiên thôi! ).
Còn " Tổng Thống dỏm" Dương Văn Minh?
Ông ta đã chứng tỏ sự "ăn năn" khi chấp nhận làm quân cờ thu dọn tàn cuộc. Bởi thế, Big Minh đã ngậm tăm suốt thời gian lưu vong, chỉ để "màu mè" về nước làm bộ tranh cử ghế tổng thống cho có lệ vào năm 1970 ( rốt cuộc cũng bị bác đơn như ai nấy đều đã biết). Sau cùng thì Dương Văn Minh cũng làm xong bổn phận. Đó là đầu hàng Cộng Sản sau đúng 48 tiếng ngồi ghế tổng thống của miền Nam.
Việc đầu hàng này được đa số cho là hợp lý và có tính cách nhân đạo, mặc dù không ít người cho Big Minh là hèn nhát không dám chiến đấu chống giặc Cộng tới cùng. Cũng nên hiểu cho ông ta, vì nếu không phải là Dương Văn Minh, thì ai mới là người được Hà Nội tin tưởng, để cùng đóng "màn kịch đầu hàng" vốn đã được thế lực đằng sau bức màn nhung ở bên kia nửa vòng trái đất khổ tâm dàn dựng ( bằng xương máu của chính con em họ và của hàng triệu sinh linh Việt Nam ) từ cả chục năm trước?!
Phải công nhận Việt Nam "xui tận mạng" khi số phận không nằm trong tay chính mình, mà từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay đã là như vậy! Vâng! Đến tận ngày nay, số phận của Việt Nam "thống nhứt" vẫn nằm ở đâu đó! Nếu không phải là Bắc Kinh, thì chắc cũng ở một nơi ngoài ranh giới mang hình chữ S! Xưa đã vậy mà nay cũng không có gì khác biệt. Có khác chăng là ở những người đã và đang lãnh đạo đất nước. Họ thật sự lo cho Dân, vì Dân, hay chỉ " còn Đảng thì còn mình"? Câu trả lời nằm trong câu hỏi dưới đây.
Có đám chóp bu nào ở Hà Nội "cả gan" chống lại ý định của "thiên triều bắc phương" hay chưa?
- Chưa hề có! Thậm chí chưa ai dám phản đối bất cứ điều gì Bắc Kinh "phán" cho làm. Chưa kể Hà Nội ( chỉ nói tới thời chiến tranh thôi ) công khai tuyên bố giao đất của Cha Ông cho Tàu Cộng ( bằng công hàm năm 1958 và lời tuyên bố nhờ "Trung Cộng giữ giùm", năm 1974 mặc dù Hoàng Sa không thuộc về mình ) Sau đó là đã nhờ trên 300,000 tên lính Tàu trực tiếp bảo vệ miền Bắc ( 1965 - 1967 ) để vét toàn lực vào việc xâm lăng miền Nam những năm sau đó.
Còn tại miền Nam? Tổng Thống Ngô Đình Diệm thà chết không chịu nghe lời Mỹ, khi Hoa Kỳ chủ trương đem quân vào miền Nam, cũng thà chết chứ không chịu để cho Mỹ đưa đi lánh nạn khi xả ra đảo chánh. Tổng Thống Thiệu thì sao? Vị lãnh đạo của nền Đệ II Cộng Hòa đã không ngần ngại "đấu khẩu tay đôi" với Richard Nixon tại Midway năm 1969 và "cầm chân" Kissinger trong Dinh Độc Lập trong hai ngày 21 và 22/10/1972, mỗi ngày suốt mấy tiếng đồng hồ để phản đối rồi mới đi đến "thỏa thuận có điều kiện" trước khi đồng ý ký vào bản Hiệp Định Paris. Một trong những "điều kiện" đó là bức thư của Tổng Thống Nixon hứa giúp Việt Nam Cộng Hòa như đã nói trên.
Nhân đây cũng nên so sánh sự "yếu, hèn" của hàng tướng lãnh hay sĩ quan cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với đám tướng lãnh của Quân Đội Nhân Dân Bắc Việt. Câu hỏi, đã có tay nào ở miền bắc, kể cả những kẻ được tâng bốc là "huyền thoại" cả gan "đụng" tới quan thầy Trung Cộng chưa?- Không đời nào họ dám "vuốt râu cọp" ! Nhưng miền Nam thì đã có Tướng Lam Sơn Phan Đình Thứ- khi còn là Đại tá- từng đấm vào mặt hai sĩ quan Mỹ, trong đó có một viên cố vấn quân sự, chỉ vì hai người này "cả gan" khi dễ người Lính Việt Nam Cộng Hòa!
Như đã nói, nước Việt Nam "xui tận mạng" vì đã có những kẻ bán mình cho chủ nghĩa không tưởng rồi bán nước không cần giấu mặt cho thứ chủ nghĩa bất nhân đó. Đã vậy miền Nam cũng gặp nhiều tay háo danh, tham tiền, phản chủ cộng với loại vừa nhẹ dạ lại thêm yếu lòng ( khi họ cả tin vào chủ thuyết vô thần rồi ngày càng lún sâu và cứ thế mà an phận dưỡng già ). Thêm vào đó là bàn tay "phù thủy" của thế lực ngoại bang đã "chia nhau thế giới" để cùng hưởng lợi.
Nếu cần thì chỉ nên "đổ thừa" cho định mệnh, cho số phận ( mà trong đó phải nói tới vị trí địa lý quá "hấp dẫn" của đất nước Việt Nam ) nên mới bị giặc Tàu xâm lăng rồi đồng hóa ( nhưng thất bại não nề ) và tới thời đại nguyên tử thì lại bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp đến phải đổ máu suốt hơn 30 năm trường ( chỉ vì tham vọng của các cường quốc ).
Không có "ma Hời" nào giăng chướng khí, hay trù ẻo dân Việt đến đổi phải chịu sống dưới ách của bọn "nô tài thời đại". Họ vẫn còn sờ sờ ra đó tại Đông Nam Á. Riêng ở Việt Nam vẫn còn hơn 150,000 hậu duệ của vua Chế Bồng Nga cư ngụ. Xin đừng lầm giữa Suy Vong với Diệt Chủng ( chẳng còn ai sống sót ) kẻo buồn lòng những vị Vua đã từng Nam Tiến và cả hai nền Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam đã từng tạo điều kiện thích hợp để họ sinh tồn.
Đừng nên trông chờ vào Lịch Sử ( thường mang tính cách của đời sau ) vì nạn nhân kiêm chứng nhân của tời cuộc vẫn còn đây. Còn Lịch Sử chắc chắn sẽ là những điều trái khoáy, hoặc không đúng với sự thật là cái chắc! Vì ngay bây giờ chỉ cần vào Wikipedia tiếng Việt để tra cứu, người ta sẽ đọc được ít nhứt là 90% bài vở do bồi bút cộng sản ghi chép. Vả chăng, Lịch Sử không thể trung thực khi mà kẻ cầm viết chắc chắn phải "bẻ bút" để phục vụ cho chủ nhân ( ie đám cầm quyền ) hoặc chỉ dựa vào những nguồn thông tin mạt hạng, không đáng tin cậy để viết bài.
Thiết tưởng ngay bây giờ cũng nên nghĩ lại và tưởng tiếc cho một thể chế đã không còn. Mặc dù bị bức tử và cho dù con cháu của cái xác ướp ở Ba Đình luôn rắp tâm xóa bỏ những dấu tích của miền Nam ( từ Nghĩa Trang Quân Đội ở các nơi cho tới những công trình kiến trúc, nghệ thuật, một thời là dấu ấn văn hóa tiêu biểu của Việt Nam Cộng Hòa ) thì trong lòng dân Việt lưu vong vẫn còn hình ảnh của một quốc gia có chủ quyền, trong đó Sài Gòn, thủ đô văn minh cho đến bây giờ vẫn là chiếc nôi nuôi dưỡng tình người và tình tự dân tộc cho cả nước Việt Nam.
Còn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa?- Không cần nói nhiều. Chỉ cần xem hình ảnh cũ, tìm lại những người Lính thuở xưa rồi hỏi đồng bào trong nước, đặt biệt là người dân phía Nam Vĩ Tuyến 17, thì sẽ có ngay trả lời. Câu trả lời sẽ làm "ấm lòng chiến sĩ" là cái chắc!
Câu hỏi để thay cho kết luận:
Có bao nhiêu người dân trong Nam ra Bắc lập nghiệp? Hay từ 1976 đã có hàng hàng lớp lớp người dân Hà Nam Ninh, Thanh Hóa..v/v...không ngừng vào Nam sinh sống, làm ăn? Hỏi, tức là đã trả lời!
21 tháng 6, 2022
HUY VĂN ( HUỲNH VĂN CỦA )
-------oo0oo-------