Đừng nghe những gì Cộng sản nói. Hãy nhìn những gì Cộng sản làm !
Đừng sợ những gì Cộng sản làm. Hãy làm những gì Cộng sản sợ !
Về Trang Văn Bút.
-------------oo0oo--------------
VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI - NỘI QUY
VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠINỘI QUY
CHƯƠNG I NGUYÊN TẮC
Điều 1: Danh hiệu của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (Trung Tâm) được qui định trong Điều Lệ, kể cả tiếng Anh và tiếng Pháp, là tên chính thức của Trung Tâm. Ban Chấp Hành, các Vùng và hội viên phải dùng đúng các danh hiệu ấy, không được sửa chữa, thay đổi. Tên của các Vùng: Tên của Vùng được ghi tiếp sau tên Trung Tâm, cách nhau bằng một gạch chéo (/). Trên ấn chỉ có thể ghi thành hai hàng với tên Trung Tâm ở hàng trên và tên Vùng ở hàng dưới.
Điều 2: VBVNHN và các Vùng chỉ thay mặt cho hội viên hợp lệ.
Điều 3: Các thành viên Ban Chấp Hành Trung Tâm và các Ban Đại Diện Vùng liên đới chịu trách nhiệm thi hành các quyết định chung của Trung Tâm hay Vùng, và chịu trách nhiệm cá nhân về pháp lý nếu có những hành động vi phạm luật lệ.
Điều 4: a) Các ấn phẩm do Trung Tâm in và phát hành phải thông qua Ban Chấp Hành và phải ghi rõ do VBVNHN.
b) Các ấn phẩm do Vùng in và phát hành phải thông qua Ban Đại Diện Vùng và phải ghi rõ do Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại / Vùng (+ tên Vùng) ấn hành.
CHƯƠNG II HỘI VIÊN
Điều 5: Hội viên hợp lệ của VBVNHN là hội viên đóng đầy đủ niên liễm cho Vùng hay cho BCH (nếu sinh hoạt trực tiếp với BCH) trước ngày 28 tháng 2 hàng năm; thường xuyên tham gia các sinh hoạt của Trung Tâm và của Vùng.
Điều 6: Hội viên không đóng niên liễm liên tiếp một năm và hai tháng, coi như tự ý xuất hội; khi tái gia nhập, sẽ phải làm phiếu tái gia nhập, không cần hội viên giới thiệu, nhưng cần được Ban Đại Diện xác nhận.
Điều 7: a) Để tránh làm cho cả Trung Tâm hoặc toàn Vùng tê liệt vì không đủ túc số khi hội họp hay biểu quyết, các hội viên tuy hợp lệ niên liễm nhưng không tham gia bầu cử hoặc/và biểu quyết trong Trung Tâm hoặc/và trong Vùng, không đi họp hoặc/và không đóng góp sáng tác mới, có thể bị Ban Đại Diện với đa số 2/3, coi như tự ý xuất hội.
b) Các hội viên già yếu, bệnh tật không thể thường xuyên tham gia sinh hoạt, có thể làm giấy uỷ quyền thường xuyên cho một văn hữu khác, thay mặt mình gửi một phiếu trắng khi hội họp, bầu cử hoặc biểu quyết.
Điều 8: a) Hội viên được cấp thẻ hội viên nếu muốn, với chi phí phụ trội 5 mỹ kim sau niên liễm. Trên thẻ, ngoài tên Văn Bút Quốc Tế, tên và biểu hiệu VBVNHN, còn có bút hiệu, tên Vùng sinh hoạt, năm gia nhập của hội viên.
b) Ảnh, tên thật cùng địa chỉ của hội viên do hội viên tự ý quyết định nêu ra trên thẻ hay không, không bắt buộc.
c) Khi muốn chuyển Vùng, hội viên chỉ cần thông báo cho Ban Đại Diện Vùng (hay Ban Chấp Hành, nếu đang sinh hoạt với BCH) để chuyển sang Vùng mới, hay trở lại Vùng cũ.
CHƯƠNG III VÙNG VBVNHN
Điều 9: Vùng VBVNHN chịu trách nhiệm pháp lý trước chính quyền địa phương sở tại về phương diện quản trị, nhưng là một bộ phận của VBVNHN về tổ chức.
Điều 10: Vùng VBVNHN có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Ban Chấp Hành để thể hiện tinh thần đồng nhất và thi hành các kế hoạch của Đại Hội Đồng VBVNHN.
Điều 11: Việc tách rời hay sáp nhập các Vùng phải do Đại Hội Đồng quyết định hay do trường hợp đặc biệt, toàn thể hội viên biểu quyết dựa theo đề nghị của các Vùng hay Ban Chấp Hành.
CHƯƠNG IV BAN CHẤP HÀNH
Điều 12: Ban Chấp Hành gồm Ban Thường Vụ và các Ủy Ban chuyên môn. Ban Thường Vụ gồm Chủ tịch, hai Phó chủ tịch, Tổng thư ký, và Thủ quỹ. Các chức vụ này do hội viên VBVNHN trực tiếp bầu. Các Ủy Ban chuyên môn do Ban Chấp Hành mời trong số hội viên hoạt động của các Vùng, và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ban Chấp Hành.
Điều 13: Ban Chấp Hành họp ít nhất hai (2) tháng một lần, do Chủ tịch hay Tổng thư ký triệu tập. Nếu Tổng thư ký triệu tập thì phải có sự ủy nhiệm của Chủ tịch hay đệ nhất Phó Chủ tịch. Thư triệu tập gởi đi trước ít nhất một tuần cùng với chương trình nghị sự. Biên bản họp được gởi tới các Vùng và đăng trên bản tin của Hội.
Điều 14: a) Nếu các thành viên Ban Chấp Hành không cùng cư ngụ trong một địa phương, các cuộc họp định kỳ có thể được thực hiện dưới những hình thức như Paltalk, Skype, Yahoo Messenger cùng các phương tiện Internet khác. Đối với những việc có tính cách thường vụ, có thể tham khảo bằng Email.
b) Thành viên Ban Chấp Hành không tham dự 3 kỳ họp liên tiếp mà không có lý do chính đáng, được coi như tự ý từ nhiệm.
Điều 15: Nhiệm vụ của các thành viên trong Ban Chấp Hành được minh định trong bản Điều Lệ. Ngoài
ra, mỗi Uỷ ban chuyên môn nên có ít nhất 3 người, gồm một Trưởng Ban do Ban Chấp Hành mời và 2 uỷ viên do Trưởng Ban mời. Nhiệm vụ của các Uỷ ban như sau:
a) Uỷ ban Văn nghệ sĩ bị cầm tù: theo dõi những biến chuyển tại quốc nội Việt Nam, liên lạc trức tiếp và khẩn cấp với Writers in Prison Committee của Văn Bút Quốc Tế để can thiệp kịp thời mỗi khi có các vụ đàn áp, bắt bớ xảy ra. Phối trí viên của Uỷ ban Văn nghệ sĩ bị cầm tù của VBVNHN đồng thời là thành viên của Writers in Prison Committee, được khuyến khích đi dự hội nghị thường niên Writers in Prison Committee của VBQT.
b) Uỷ ban các nhà văn vì hoà bình: theo dõi và đóng góp trong lãnh vực văn chương và hoà bình thế giới. Phối trí viên của Uỷ ban các nhà văn vì hoà bình của VBVNHN đồng thời là thành viên của Writers for Peace Committee của VBQT, được khuyến khích đi dự hội nghị thường niên Writers for Peace của VBQT.
c) Uỷ ban các nhà văn nữ giới” theo dõi và khuyến khích phong trào sáng tác của nữa giới, nhất là tại các nước mà nữ quyền không được tôn trọng. Phối trí viên của Uỷ ban các nhà văn nữ giới của VBVNHN đồng thời là thành viên của Female Writers Committee của VBQT, được khuyến khích tích cực tham gia các công tác của Uỷ Ban này.
d) Uỷ ban Dịch thuật và Ngữ quyền: phụ trách các công tác dịch thuật trong Trung Tâm và theo dõi các phong trào ngữ quyền trên thế giới.
e) Uỷ ban Văn học: phụ trách tạp chí văn học của Hội.
f) Uỷ ban Vi báo: phụ trách thực hiện vi báo, facebook, twitter của Hội.
g) Uỷ ban Định chế:
- Là Uỷ Ban độc lập đối với Ban Chấp Hành, thành viên của Uỷ Ban gồm tất cả các vị Chủ tịch các Ban Đại Diện Vùng cùng ngồi lại.
- Uỷ Ban Định Chế chọn bầu một vị Chủ tịch. Vị này có thể là bất cứ hội viên nào, miễn là không không nằm trong Ban Chấp Hành đương nhiệm.
- Nhiệm kỳ của Chủ tịch Uỷ Ban Định Chế là 2 (hai năm), và có thể tái cử thêm nhiều lần, nhưng không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
- Nhiệm vụ của Uỷ Ban Định Chế: phụ trách sơ thảo tu chính Điều lệ và Nội qui; phân tích và phúc trình trước BCH về các vấn đề liên quan tới định chế mỗi khi có biến cố nội bộ; cùng với Ban Cố vấn nghiên cứu và hoà giải nội bộ giữa BCH, các Vùng hay các cá nhân khi có va chạm nghiêm trọng xảy ra; phối hợp cùng Ban Bầu Cử để giải quyết các khiếu nại về bầu cử, nếu có.
CHƯƠNG V BẦU CỬ BAN CHẤP HÀNH
Điều 16: Áp dụng những điều khoản đã được qui định trong bản Điều Lệ về việc bầu cử.
a) Cùng một thời gian công bố danh sách các liên danh ứng cử, Ban Bầu Cử sẽ công bố danh sách cử
tri. Các hội viên mới gia nhập hay tái gia nhập ít hơn 6 tháng tính tới ngày kiểm phiếu sẽ không được tham gia bầu cử lần đó.
b) Việc gửi phiếu bầu phải theo đúng sự hướng dẫn của Ban Bầu Cử. Việc gửi phiều bầu qua bưu điện được khuyến khích tối đa; việc gửi phiếu bầu qua Email chỉ nên sử dụng trong trường hợp sắp hết hạn, không có cách nào khác để gửi kịp.
c) Trên lá phiếu sẽ có danh sách các liên danh ứng cử in ở 2/3 phía trên lá phiếu; 1/3 phía dưới ghi bút hiệu hoặc/và tên họ cử tri, tên Vùng và chữ ký; phần này cử tri có thể gấp vào phía trong hay đóng kim hoặc dán băng keo, và chỉ được mở ra khi cần thiết.
d) Ngoài phong bì gửi phiếu bầu ghi bút hiệu hoặc/và tên họ cử tri, tên Vùng sinh hoạt và chữ ký.
e) Cử tri phải gửi phiếu bầu đúng hay trước thời hạn. Ban Bầu Cử sẽ căn cứ vào nhật ấn bưu điện để loại những phiếu trễ hạn.
Điều 17: a) Ban Kiểm Phiều gồm thành viên Ban Bầu Cử và đại diện của các liên danh ứng cử.
b) Trong trường hợp có sự khiếu nại tại chỗ, Đại Hội Đồng sẽ giải quyết.
c) Trong trường hợp có sự khiếu nại sau khi Đại Hội Đồng đã giải tán, thư khiếu nại phải được gửi tới Trưởng Ban Bầu Cử và Ủy Ban Định Chế trong vòng 1 (một) tuần kể từ ngày tuyên bố kết quả bầu cử.
d) Ban Bầu Cử (3 vị) và Ủy Ban Định Chế (8 hoặc 9 vị) xem xét tất cả hồ sơ, tài liệu và dữ kiện để có quyết định cuối cùng trong vòng 30 ngày sau đó. Trong thời gian này, ban chấp hành đắc cử vẫn làm việc bình thường, nhưng bắt buộc phải tuân theo quyết định của Ban Bầu Cử và Uỷ Ban Định Chế, nếu có gì thay đổi.
CHƯƠNG VI ĐẠI HỘI ĐỒNG
Điều 19: a) Các qui định về việc họp Đại Hội Đồng sẽ theo sát các qui định trong bản Điều Lệ.
b) Các dự thảo quyết nghị hay tu chính, nếu có, phải gửi cho Ban Tổ Chức Đại Hội và đại biểu các Vùng chậm nhất là hai (2) tuần trước ngày Đại Hội. Các dự thảo quyết nghị khẩn cấp, Ban Chấp Hành có thể nộp trước giờ khai mạc hay ngay trong phiên họp.
c) Ban Cố vấn, Ban Tham vấn hay Cố vấn danh dự và các Trưởng Ban chuyên môn được quyền tham dự, đưa ý kiến trong Đại Hội Đồng nhưng không tham gia biểu quyết, nếu không phải là đại biểu.
Điều 20: a) Sau khi Chủ toạ đoàn đã kiểm điểm và tuyên bố “đủ túc số”, nếu có một hay nhiều đại biểu ra ngoài vì bất cứ lý do gì, sẽ không làm cho túc số của Đại Hội bị hà tì.
b) Ngoại trừ trường hợp nghiêm trọng ghi trọng Điều Lệ, các quyết định tại Đại Hội Đồng chỉ cần đa
số quá bán.
c) Nếu hai bên ngang phiếu, người có trách nhiệm trực tiếp tới sự việc cần biểu quyết sẽ có thêm 5 phút để giải thích tận tường và Chủ tọa sẽ cho biểu quyết lần thứ hai. Nếu lần này vẫn ngang phiếu, theo qui tắc hội nghị, phiếu của Chủ toạ nằm bên nào, bên đó thắng.
Điều 21: a) Chủ tịch BCH sẽ Chủ toạ Đại Hội Đồng, nếu Chủ tịch vắng mặt, các thành viên khác của BCH sẽ chủ toạ, theo thứ tự ưu tiên: PCT 1, PCT 2, TTK, TQ.
b) Nếu Chủ tịch BCH hoặc các thành viên Ban Thường Vụ có mặt nhưng vì bất cứ lý do gì không muốn chủ toạ, Đại Hội Đồng sẽ bầu Chủ Tọa Đoàn.
c) Hai PCT BCH là hai phụ tá chủ toạ, một vị theo dõi Điều Lệ, Nội Qui và một vị phụ giúp ghi nhận thứ tự ưu tiên của những đại biểu giơ tay xin phát biểu.
d) Đại biểu nào chưa từng phát biểu hay rất ít phát biểu, khi giơ tay có thể sẽ được Chủ toạ đoàn cho ưu tiên.
Điều 22: Khi Chủ toạ muốn phát biểu ý kiến cá nhân, phải tuyên bố xuất nhiệm trước phát biểu và xin tái nhiệm khi phát biểu xong.
Điều 23: Chủ toạ có quyền mời một hay nhiều đại biểu tạm thời ra khỏi phòng họp trong một thời gian hoặc có giới hạn, hoặc vĩnh viễn, nếu vi phạm trật tự và đã bị cảnh cáo trước đó.
Điều 24: Biên bản Đại Hội Đồng và các quyết nghị do Đại Hội Đồng thông qua sẽ được Chủ toạ ký và Thư ký đoàn gửi tới các Vùng để thi hành. Sau một (1) tháng mà các văn kiện về Đại Hội Đồng chưa được gửi đi, tân Ban Chấp Hành có nhiệm vụ thực hiện và gửi đi.
Điều 25: Các phiên họp của Đại Hội Đồng VBVNHN có tính cách nội bộ. Hội viên được quyền dự thính. Quan khách, báo chí, thân hữu được quan sát khi có quyết định đặc biệt của vị chủ toạ Đại Hội Đồng.
Điều 26: Kết quả của Đại Hội sẽ được phổ biến tới các cơ sở truyền thông bằng một Thông Cáo Báo Chí do Trưởng Ban Tổ Chức và Chủ Tịch tân Ban Chấp Hành ký và thông qua.
Điều 27: Trong trường hợp tối khẩn mà ngày họp Đại Hội Đồng còn xa, Ban Chấp Hành với sự đồng thuận của Uỷ Ban Định Chế, có thể triệu tập Đại Hội Đồng tối khẩn trong thời gian ngắn nhất có thể được, họp bằng các phương tiện tin học như Skype, Paltalk, v.v. để giải quyết các vấn đề có tính cách cấp thời.
CHƯƠNG VII TÀI CHÁNH
Điều 28: Các Vùng mỗi năm phải gởi tiền niêm liễm hội viên về Ban Chấp Hành trong ba (03) tháng đầu mỗi năm. Niên liễm đóng trễ sau khi Trung Tâm đã nộp cho Văn Bút Quốc Tế, sẽ được sung quỹ Ban Chấp Hành, và danh sách các hội viên đóng trễ sẽ không được gửi cho VBQ trong năm đó.
Điều 29: a) Niên liễm cho mỗi hội viên đóng cho Ban Chấp Hành VBVNHN được qui định là 25 mỹ kim. Do nhu cầu của Văn Bút Quốc Tế, nếu số tiền được tăng lên, thông cáo của Ban Chấp Hành sẽ thay thế con số này và có hiệu lực tức khắc. Số tiền này được dùng để đóng niên liễm cho VBQT và chi phí điều hành Hội.
b) Niên liễm cho các văn hữu sinh hoạt trực tiếp với Ban Chấp Hành là 50 mỹ kim hoặc ngang bằng với các hội viên sinh hoạt tại Vùng.
Điều 30: Ban Chấp Hành nên có kế hoạch gây quỹ hoạt động cho Trung Tâm.
Điều 31: Mọi việc chi tiêu của Ban Chấp Hành cũng như các Ủy Ban đều phải có chứng từ do Thủ quỹ lưu giữ. Mọi việc xuất quỹ trên 100 mỹ kim phải có sự đồng ý của Chủ tịch hay Tổng thư ký và một thành viên khác trong BCH.
CHƯƠNG VIII CỐ VẤN
Điều 32: Ban Chấp Hành mời một số văn hữu có uy tín và kinh nghiệm vào Ban Cố Vấn. Số cố vấn không quá 5 người.
Điều 33: Ngoài Ban Cố Vấn, Ban Chấp Hành có thể mời một số nhân sự ngoài Trung Tâm tham gia Ban Tham Vấn Chuyên Môn hay Cố Vấn danh dự. Nhân số Tham vấn chuyên môn và Cố vấn danh dự không bị giới hạn, và các vị này đồng thời được coi là hội viên danh dự của VBVNHN.
CHƯƠNG VI LINH TINH
Điều 34: Bản Nội Qui này được sửa đổi do quyết định của Đại Hội Đồng kỳ 9, với sự đồng ý của ít nhất quá bán (1/2) số đại biểu hiện diện.
Thành viên Uỷ Ban Đặc Nhiệm Tu Chính Điều Lệ và Nội Qui, biểu quyết ngày 17 tháng 11 năm 2011: Tuý Hà, Yên Sơn, Cung Vũ, Đăng Nguyên, Phạm Khắc Trung, Phạm Thiên Lý, Tuyết Nga, Trần Minh Hiền.
Bản Nội Quy này đã được Đại Hội Đồng VBVNHN Kỳ IX tại San Jose, California chung quyết và ban hành ngày 04/12/2011.
VĂN BÚT
-------oo0oo-------