Nước mất không phải do giặc mạnh, mà do lòng dân ly tán chưa đoàn kết đứng lên chống giặc !
-------------oo0oo--------------
Trang Thời Sự
--------o0o--------
Trump ngầm tặng quà, Zelensky lại từ chối?
Nhìn những sự kiện gần đây, tôi có một suy đoán về toan tính đường dài của Trump.
Bối cảnh diễn biến thực tế trên chiến trường không có lợi cho Ukraine. Lịch sử chiến tranh có câu “Đừng bao giờ tấn công nước Nga vào mùa Đông” vậy mà Zelensky lại lệnh cho quân đội ở lại đất Nga qua mùa đông.
Kết quả là quân Ukraine bị sa lầy ở Kursk, Nga vẫn giữ chắc và mở rộng phần họ chiếm ở 4 tỉnh Ukraine, vậy thì Zelensky lấy “lá bài” gì để đòi Putin nhượng bộ trên bàn đàm phán?
Cái khó nhất của quân Ukraine là họ rất thiếu nhân lực vào lúc này, không có đủ người thì vũ khí chi viện về cũng vô ích.
Dân số Nga đông gấp 4 lần Ukraine, thanh niên trai tráng Ukraine chạy sang Mỹ và các nước Tây Âu đến vài triệu nhờ nhiều chính sách nhân đạo, thanh niên Nga không chạy được như vậy.
Có nghĩa là rơi vào thế chiến tranh tiêu hao càng sâu thì Ukraine càng bất lợi. Nếu cứ tiếp tục diễn biến như hiện tại, khả năng cao nhất là Ukraine sẽ mất thêm nhiều phần lãnh thổ chứ đừng nói là đòi lại.
Về phần Trump, ông cũng có những đắn đo của mình vì Hoa Kỳ đang ở trong một tình thế nhạy cảm - “a delicate position”. Một mặt ông không muốn đưa quân đối đầu trực tiếp với Nga vì có nguy cơ làm cả thế giới sa vào thế chiến. Mặt khác ông cũng muốn giúp dân tộc Ukraine để lấy về lợi ích cho nước mình và hoàn thành lời hứa với cử tri trong êm đẹp.
Mấu chốt nằm ở chỗ: làm sao để Trump ngầm giúp Ukraine, nhưng ngoài mặt vẫn phải giữ thế trung lập ngoại giao với Putin?
• Trước khi gặp Tổng Thống Ukraine, Trump ký sắc lệnh kéo dài cấm vận Nga thêm 1 năm. Chuyện ông đồng ý tất cả các điều khoản của Putin chỉ là báo chí ác ý đồn đoán chứ không có một chứng cứ cụ thể nào.
• Xem đầy đủ buổi họp báo gần 50 phút trên CSPAN, trước khi đến đoạn tranh luận gay gắt, thì Trump chưa một lần “sửa lưng” hay khích bác Tổng Thống Ukraine. Mới hôm trước, ông còn làm Starmer ngượng ngùng cười trừ vì khoa trương quá nhiều bằng câu hỏi “Một mình nước Anh của ông đánh Nga được không?”
Thoả thuận khoáng sản không phải là Ukraine giao 50% khoáng sản cho Hoa Kỳ, họ vẫn sẽ được trả đầy đủ và còn thành lập quỹ chung để tái thiết đất nước. Nhưng người Mỹ lại có cớ để ngầm giúp họ.
Cái hay trong văn bản còn nằm ở điều khoản “Các bên có quyền bảo vệ lợi ích kinh tế của mình”. Còn bảo vệ thế nào thì còn tuỳ cách diễn giải, nó cho Hoa Kỳ khoảng trống để linh hoạt chính sách chứ không vì mỗi Ukraine mà tạo ra Thế chiến III được.
Kế sách của Trump có phải là đây?
Thoả thuận khoáng sản còn làm một chuyện trở nên khả thi, đó là sự tham chiến của các tập đoàn lính đánh thuê thân phương Tây.
Trước giờ ở tất cả các cuộc chiến mà người Mỹ đánh lâu dài như Afghanistan rồi Iraq, thì luôn luôn có những đại tập đoàn Hoa Kỳ đi sau như Halliburton, ExxonMobil và Chevron.
Nếu quân đội Hoa Kỳ không trực tiếp tham chiến, ai sẽ bảo vệ cho các tập đoàn này?
Trong lịch sử, làm việc này chính là các công ty đánh thuê khét tiếng như Blackwater (Academi) hay DynCorp, với thành viên nòng cốt là các cựu binh thuỷ quân lục chiến, quy mô có thể lên đến vài chục ngàn quân.
Chỉ cần có vài đại đội đánh thuê tinh nhuệ hỗ trợ ở các cứ điểm quan trọng trên danh nghĩa bảo vệ cho việc “thăm dò khoáng sản” thì cục diện chiến trường sẽ khác rất nhiều. Nga không dám đánh, mà đánh cũng nhiều phần là thua. Lính Nga mà mất phần đất nào thì các tập đoàn Hoa Kỳ lại “claim” phần đất đó.
Sự tham chiến của các công ty đánh thuê Tây Phương sẽ vừa giải quyết được chuyện thiếu hụt nhân lực của quân đội Ukraine, vừa giúp bảo vệ những vùng đất họ lấy về mà vẫn không tạo ra xung đột vũ trang chính thức giữa Hoa Kỳ với Nga.
Nhìn xa hơn, thì chiến lược này:
• Phù hợp với các mục tiêu chiến lược của Mỹ (đảm bảo nguồn đất hiếm, đối phó với Trung Quốc).
• Phù hợp với phong cách thương lượng và tránh leo thang xung đột của Trump.
• Tương tự mô hình Iraq/Afghanistan: chính phủ ký hợp đồng với các tập đoàn, sau đó các tập đoàn này thuê thầu phụ để đảm bảo an ninh.
• Ukraine “ứng trước” chi phí từ nguồn khoáng sản, vừa đánh vừa trả tiền, Hoa Kỳ không cần lo mất trắng cả trăm tỷ đô viện trợ.
Trump vẫn có thể vừa tươi cười bắt tay Putin vừa cấm vận nước Nga, vừa ngầm giúp quân đội Ukraine trên chiến trường. Putin muốn hoà bình thì chấp nhận trả lại một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ đã chiếm, đánh tiếp thì thiệt quân vì về đường dài làm sao đọ tài chánh với các tập đoàn Mỹ?
Nhưng Zelensky có lẽ không nhìn ra khả năng này, hoặc nghe lời đám chính trị gia chủ nghĩa toàn cầu muốn làm bẽ mặt Trump nên mới mở màn cho vụ tranh cãi nảy lửa vừa rồi. Zelensky đã quá cứng đầu không chịu hiểu “delicate position” của nước Mỹ thì cũng khó mong đợi gì nhiều hơn.
Dù sao thì cũng đừng bao giờ xem thường sự lọc lõi của ông Trump và ban bệ cố vấn hùng hậu của Hoa Kỳ. Tôi tin rằng họ cũng đang rất muốn giúp người dân Ukraine.
Mike Anh Vũ
-------oo0oo-------