Nước mất không phải do giặc mạnh, mà do lòng dân ly tán chưa đoàn kết đứng lên chống giặc !
-------------oo0oo--------------
Trang Thời Sự
--------o0o--------
Tìm Kiếm Sự Vinh Hiển Cho Riêng Mình
Tìm Kiếm Sự Vinh Hiển Cho Riêng Mình
(Bài Đọc Trong Thời Điểm Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4)
Huỳnh Quốc Bình
Thánh Kinh dạy tuân phục chính quyền biết lo cho dân chứ Thánh Kinh không dạy con dân Chúa tuân phục bọn cướp hay đám côn đồ bao giờ.
***
Tại các nhà thờ hay các buổi sinh hoạt của người Tin Lành mà tôi từng tham dự, tôi thường nghe các mục sư Việt Nam nhắc đến sự tiến bộ của quốc gia Đại Hàn trong mấy thập niên qua và khen ngợi về sự tin kính Chúa của những người theo đạo Tin Lành tại Đại Hàn. Sự nhận xét và khen ngợi này rất chính xác. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghe một mục sư hoặc cấp lãnh đạo các Hội Thánh Tin Lành Việt Nam nói rõ hơn về lập trường chính trị của dân tộc Đại Hàn. Đáng lẽ những người lãnh đạo Tin Lành Việt Nam cần nói rõ về thái độ của những người theo đạo Tin Lành tại Đại Hàn đã dành cho dân tộc và đất nước của họ thế nào, và tại sao Nam Hàn được phồn thịnh như ngày hôm nay?
Có thể nói, người Tin Lành Đại Hàn yêu mến Chúa và cũng yêu nước của họ, chứ họ không “đi trên mây” giống như nhiều người Tin Lành Việt Nam. (Tôi nói nhiều, chứ tôi không nói tất cả).
Căn cứ theo một số tài liệu liên quan đến cuộc cách mạng kinh tế của Đại Hàn và nhận xét của tác giả Việt Dương trong quyển “Con Rồng Á Châu” có đoạn như sau:
“Với nguồn cổ vũ về tín ngưỡng tự do, bình đẳng, cùng với tinh thần yêu nước của dân tộc Đại Hàn. Dưới thời Nhật thuộc, tín đồ Tin Lành đã đóng một vai trò then chốt trong những cuộc vận động giành độc lập và đã phải chịu nhiều hy sinh trước sự đàn áp của chính quyền thực dân. Chẳng hạn, trong cuộc vận động cho độc lập ngày 1 tháng 3 năm 1919, thực dân Nhật đã tàn phá khoảng 447 ngôi nhà thờ… Trên truyền thống đạo vào thời đó, sau ngày đánh đuổi thực dân Nhật. Thiên Chúa Giáo đã là một trong những nhân tố chủ lực đấu tranh cho nền dân chủ và công lý. Vì thế, suốt ba Thập Niên, những nhà hoạt động Thiên Chúa Giáo đã luôn luôn ở hàng đầu trong những cuộc vận động chống lại các chế độ quân phiệt. Trong thời gian đó, nhiều nhà thờ lớn đã trở thành những thành trì của lực lượng đấu tranh, cũng như của các nhà chính trị đối lập với chính quyền…” (hết trích)
Những nhà lãnh đạo của các Hội Thánh, hoặc tín hữu Tin Lành Đại Hàn không chỉ ngồi một chỗ cầu nguyện, mà tất cả đã anh dũng tranh đấu. Máu của họ đã đổ để dân tộc họ được sống đời tự do, chứ họ không chủ trương là “Tôi không làm chính trị” hay “Tôi không thích chuyện chính trị.” Người Tin Lành Đại Hàn cũng không chờ đợi hay xin xỏ thực dân Nhật công nhận, hoặc cho phép những hoạt động của giáo hội Tin Lành. Họ đã mạnh dạn đòi hỏi quyền tự do căn bản mà Thiên Chúa đã cho họ. Họ đã thành công trong cuộc đấu tranh quyết liệt đầy chính nghĩa trong tinh thần nhân bản và sự khôn ngoan Chúa cho.
Tôi tin rằng ai cũng có thể dễ dàng đồng ý với tôi rằng: Đâu phải tin đạo, tức là tin Chúa để chỉ đi nhóm, đi xem lễ, cầu nguyện, hay xưng tội hằng tuần là đủ. Không phải người ta chỉ ăn hiền, ở lành, hay sống đời đạo đức là đủ, mà người ta còn phải phát huy những điều tốt đẹp đó. Không phải con người tin đạo chỉ để tránh xa tội lỗi mà còn có bổn phận ngăn chận tội lỗi nữa. Kinh Thánh có khuyến cáo là phải “vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” kia mà. Xin những ai gọi Thiên Chúa là cha hãy đọc lại đoạn Thánh Kinh Rô-ma 12, quý vị sẽ rõ.
Trong hơn 40 năm tôi có mặt tại Hoa Kỳ, tôi có theo dõi những nỗ lực ngăn chận việc phá thai và những vụ bạo hành tại đất nước tự do này. Tôi thấy các mục sư và tín hữu Tin Lành Việt Nam cũng biết lên án những hành động dã man này vì xem đây là một hình thức giết người không thể chấp nhận. Tôi cũng có dịp đọc một số bài viết hay nghe bài giảng của các mục sư và giới lãnh đạo Tin Lành Việt Nam. Tôi thấy các vị ấy cũng lên án các chế độ và các nhà độc tài trên thế giới, nhưng rất tiếc những chuyện xảy ra ở Việt Nam thì…
Tôi đã có nhiều bằng chứng, thay vì giảng dạy chính xác lời khuyến cáo của Sứ Đồ Phao-lô, có kẻ đã bóp méo Thánh Kinh để giảng lấy lòng chế độ VC độc tài. Họ giảng là “phải tuân phục chính quyền” mà không nói rõ chính quyền nào con dân Chúa cần tuân phục. Thánh Kinh dạy tuân phục chính quyền biết lo cho dân chứ Thánh Kinh không dạy con dân Chúa tuân phục bọn cướp hay đám côn đồ bao giờ.
Có một số người đã tìm cách biện minh cho thái độ bàng quan của họ như thể là một thành tích, và họ hãnh diện nói rằng: “Cả trăm năm qua, đạo Tin Lành Việt Nam không bao giờ làm chính trị.” Đúng, nhiều người Tin Lành Việt Nam từ chối làm chính trị công dân. Tuy nhiên, tôi có bằng chứng là nhiều người (tôi nói nhiều) rất mê say làm chính trị trong các nhà thờ với cái vỏ bọc “thiêng liêng”, nhưng thực chất, nó rất xác thịt, nếu không muốn nói tệ hơn, hoặc đáng kinh tởm không kém chính trị ngoài đời. Tôi tin là nhiều mục sư và tín hữu khác cũng thấy, nhưng họ chọn im lặng vì có thể họ coi trọng cấp lãnh đạo của họ hơn cả lời khuyến cáo của Chúa.
Có những kẻ đã tận tình sử dụng lời Chúa để xách mé những tín hữu Tin Lành khác đang có những cố gắng đòi hỏi đảng VC phải tôn trọng tự do tín ngưỡng bằng câu, “Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ tình yêu thương nhau mà thôi” (Rô-ma 13:8). Họ còn hùng hồn giảng thêm rằng, “Nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết là chết cho Chúa” (Rô-ma 14:8).
Thật sự, tôi không biết những người muốn hợp thức hoá cho hành động tránh né của mình, khi mang Thánh Kinh ra để dằn mặt người khác đã hiểu hai câu Kinh Thánh đó như thế nào? Chứ riêng tôi, tôi hiểu là: Mắc nợ yêu thương là khi nào chúng ta biết xót xa cái khó, cái khổ của người khác và hết lòng chia sẻ với họ. Hoặc, chết cho Chúa là chết vì đạo của Chúa đang bị những kẻ vô thần bách hại, chết vì anh em trong Chúa của mình đã và đang bị kẻ ác hành hung, tra tấn bởi họ không chịu chối bỏ Chúa. Chết vì danh Chúa đang bị những người vì chưa biết Chúa nên xem thường bởi vì những hành động tàn tệ do những người nhận mình là tôi tớ hoặc con cái Chúa gây ra. Chủ trương và lý luận một chiều, tránh né những việc cần làm, để yên thân sống an nhàn chờ ngày lão hoá đâu phải là trả nợ yêu thương, hay chết cho Chúa. Đúng không?
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin mạo muội đề nghị quý linh mục, mục sư, giáo sĩ, và các con dân Chúa hãy xem lại lời Thánh Kinh Rô-ma 13:1-4 để đừng hiểu sai lời dạy về vấn đề tuân phục chính quyền.
Thánh Kinh không dạy chúng ta tuân phục một đảng cướp hay bọn côn đồ như đã nói. Thánh Kinh không dạy con dân Ngài phải cúi đầu tôn thờ những kẻ khinh thường Thiên Chúa. Thánh Kinh cũng không dạy chúng ta khiếp sợ kẻ vô thần hơn sợ Thiên Chúa, để rồi cho đó là nhu mì, khiêm nhường, nhân từ, nhịn nhục, hay yêu thương người lân cận. Thánh Kinh cũng không dạy con dân Ngài phải xin xỏ bọn vô thần cho phép mình có “Tư cách pháp nhân” để thờ lạy Ngài. Khi viết những lời này tôi không sợ mình nói sai bởi vì tôi biết chắc Thánh Kinh có dạy, “Thà vâng lời Đức Chúa Trời, còn hơn vâng lời người ta” (Công-vụ-các-sứ-đồ 5:29).
Kết luận
Đừng tìm kiếm sự vinh hiển cho riêng mình, nhưng hãy cùng lên tiếng cho thế giới biết người Việt Nam của chúng ta, anh em trong Chúa của mình đang bị chế độ độc tài hà hiếp. Nếu chúng ta không quan tâm đến họ, chúng ta cũng phải cho phép người khác nghĩ rằng chúng ta không có tình yêu thương dành cho dân Việt chúng ta gì cả. Chúng ta cần tra cứu Thánh Kinh để làm theo những gì Chúa muốn. Đừng giao khoán hay cúi đầu làm theo luật lệ do thành phần giáo quyền bất xứng dưới trần gian áp đặt.
Cầu xin Chúa ban cho mọi người trong chúng ta có sự suy tư độc lập để có thể nói những gì cần nói và để nghe những gì cần nghe. Chúng ta cần mạnh dạn nhắc nhở nhau để cùng tăng trưởng về phần thuộc linh hầu tránh được tình trạng: Khả năng thần học ngày càng nở rộng, bằng cấp treo đầy tường, miệng giảng yêu thương như thể môi có bôi mỡ, nhưng lòng thương người bằng những hành động cụ thể ngày càng “teo nhỏ” lại bởi vì chúng ta chỉ biết tìm kiếm sự vinh hiển cho riêng mình.
Huỳnh Quốc Bình
Tháng Tư Năm 2023 hiệu đính bài viết năm 2013
e-mail: huynhquocbinh@yahoo.com
http://www.huynhquocbinh.net
Huỳnh Quốc Bình
-------oo0oo-------