Cộng sản chiếm đất nước Việt Nam, đè đầu cưỡi cổ dân tộc Việt Nam không phải do cộng sản mạnh mà do dân chưa thấu hiểu được hiểm họa cộng sản !
-------------oo0oo--------------
Trang Thời Sự
--------o0o--------
“Tình Báo Nhân Dân” Giúp Ukraine Làm Nên Chiến Thắng Vang Đội Kherson!
Thụy My
Đóng góp của người dân trong trận chiến giành lại Kherson, Ukraine. Đó là một trong những chủ đề được báo chí Pháp ngày hôm nay 24/11/2022, đề cập tới. Trong thời gian bị Nga chiếm đóng, bất kể hiểm nguy, những người dân thường đã cung cấp thông tin về các vị trí của địch. Nhờ đó, rất nhiều trại lính, kho đạn, xe tăng, pháo...của quân Nga đã bị phá hủy. Ngày Kherson giải phóng, một vị tướng Ukraine đã đến tận nhà cảm ơn những “điệp viên” tình nguyện.
Tựa chính của Libération hôm 24/11 tập trung cho cuộc điều tra về các trường dạy nghề lợi dụng chính sách của Nhà nước, Le Figaro đề cập đến tranh cãi về dự luật cấm đấu bò do phe cực tả đề nghị. Le Monde lưu ý “Trung Quốc bị cầm tù bởi chính sách zero Covid của mình”, Les Echos chạy tựa trang nhất “iPhone, nạn nhân của zero Covid Trung Quốc”. Ở các trang trong, chiến tranh Ukraine và World Cup chiếm lượng bài vở nhiều nhất.
Thông Tin Quý Giá Giúp Pháo Binh Tiêu Diệt Quân Nga
Về Ukraine, đặc phái viên Le Monde nhấn mạnh đến “Vai trò chính yếu của những người ủng hộ ở Kherson”: Trong thời gian bị quân Nga chiếm đóng, những người dân thường đã cung cấp thông tin về các vị trí của quân địch.
Đó là một trong những phương diện còn chìm khuất của cuộc chiến tranh ở Ukraine. Nhưng theo các sĩ quan mà báo Pháp tiếp xúc trong những tháng gần đây, các hoạt động âm thầm trong vùng tạm chiếm là một phần đáng kể của cuộc kháng chiến. Tướng Dmytro Marchenko cho biết giữa “các chiến sĩ đặc nhiệm xâm nhập, hành động theo mệnh lệnh” và “những người dân bình thường trở thành cảm tình viên, chuyển thông tin” cho quân đội Ukraine, hoạt động bí mật đã “tác động rất nhiều đến trận đánh” và là “trung tâm của chiến thắng” Kherson. Từ sở chỉ huy ở Mykolaiv, ông điều phối các hoạt động du kích tại miền nam Ukraine.
<
Ban tham mưu, trại lính, kho đạn, xe tăng... của quân Nga thường xuyên bị trúng pháo, thiệt hại nặng nề khiến nhiều lần phải kéo nhau rút chạy. Tướng Marchenko khẳng định vai trò của những người ủng hộ và tình báo nhân dân “rất quan trọng”. Theo ông, “3 sở chỉ huy có sự hiện diện của các tướng Nga” đã bị tiêu diệt nhờ thông tin từ người dân. “Và điều này cho người Nga thấy họ có thể xâm lăng một lãnh thổ nhưng không thể kiểm soát được, vì dân chúng đứng về phía Ukraine”.
Một nông dân 23 tuổi ở Kherson, Oleksei Chechine, là một trong những người tích cực nhất trong tám tháng rưỡi bị chiếm đóng. Khi Nga khởi đầu cuộc xâm lược hôm 24/2, như hàng trăm ngàn thanh niên khác, Oleksei xin nhập ngũ nhưng bị từ chối trong đợt đầu vì chưa hề cầm súng. Trở về ngôi làng Chyroka Balka với hơn một chục người bạn, họ lập ra một đội dân quân tự vệ. Hai tuần sau, khi Nga bắt đầu chế độ quân quản, một số di tản cùng với gia đình, Oleksei và người em Roman cùng vài “đồng chí” ở lại. Họ tận dụng một drone của trường làng và bắt đầu quan sát các chuyển động của quân Nga.
Tướng Ukraine Đến Tận Nhà Cảm Ơn Từng “Tình Báo Viên” Dũng Cảm
Là những nông dân thực thụ, họ biết rõ từng cánh đồng, từng con đường mòn. Khi thấy một đoàn xe tăng Nga, dễ dàng đoán được chúng sẽ đi theo đường nào, bao giờ sẽ đến ngã tư nọ.... Ban đầu nhóm bạn gởi thông tin cho bạn bè, người thân trong quân ngũ, nhưng việc truyền tin thường mất thời gian. Sở chỉ huy của tướng Marchenko và đặc nhiệm hướng dẫn họ dùng Telegram, các vị trí quân Nga được trung tâm nhận trực tiếp và tin nhắn tự hủy ngay.
Một trong những thành tích của nhóm là việc phát hiện khoảng 50 xe tăng, xe quân sự và các khẩu pháo tập trung gần làng Pravdyne, nhiều khí tài sau đó bị tiêu diệt. Oleksei giải thích, hoặc họ vờ sử dụng máy gặt ở gần đó, hoặc bí mật cho drone ghi hình rồi nhanh chóng trở về nhà. Quân Nga tưởng rằng bị vệ tinh nước ngoài hay drone quân sự của Ukraine phát hiện, chứ không nghĩ do nông dân bình thường. Khi mùa gặt kết thúc, nhóm của anh trinh sát ban đêm với kính hồng ngoại.
Tuy nhiên vài tháng sau quân Nga bắt đầu nghi ngờ, lập hệ thống phá sóng. Các “thám tử” phải tiến sát tiền tuyến để bắt sóng của Ukraine. Số doanh trại, kho đạn, xe bọc thép bị phá hủy nhiều đến nỗi quân đội Nga bắt đầu lùng sục, bắt bớ nhiều người trong làng. Một số không chịu được tra tấn đã khai và mất tích, riêng nhóm của Oleksei vẫn kiên cường, Nga không tìm được bằng chứng, vả lại các thanh niên này chưa bao giờ đi lính nên được thả.
Oleksei bị bắt 8 lần, bị tra tấn 4 lần. Đến cuối tháng Chín, sợ rằng sẽ không thoát nếu bị bắt lần thứ 9, cả nhóm quyết định trốn khỏi vùng chiếm đóng bằng cách đi xuyên qua tiền tuyến ban đêm. Oleksei bị thương vì lính Nga bắn trúng chân. Ngày 11/11 Kherson được giải phóng. Trong số các sĩ quan mừng chiến thắng ở quảng trường Tự Do có tướng Dmytro Marchenko, sau đó ông đến từng nhà cảm tình viên để cám ơn. Oleksei kể lại, vẫn còn ấn tượng về một vị tướng đã bỏ công đến tận làng mình.
Quân Nga Quăng Xác Đồng Đội Vào Bãi Rác Để Thiêu Hủy
Ngược lại về phía Nga, vốn có tiếng là coi thường sinh mạng binh sĩ, Libération dẫn lời nhiều nhân chứng đã thuật lại với The Guardian, phía Nga đã quăng xác lính mình vào một bãi rác ở Kherson và đốt cháy trước khi rút khỏi thành phố. Rải rác trên mặt đất bùn lầy là những lá cờ, quân phục, nón sắt Nga. Từ tháng Tám, khi Ukraine bắt đầu phản công, bãi rác lộ thiên nằm ở một nơi hẻo lánh thuộc ngoại ô Kherson bị cấm vào. Khoảng mấy chục người dân, xuất hiện trước ống kính với tên thật, cách đây 2 tuần nhiều xe tải của Nga chở đến những bao màu đen đựng xác lính tử trận và thiêu tại đây, tạo ra những cột khói lớn và mùi thịt cháy khủng khiếp.
Bà Svitlana Viktorivna kể lại, một hôm hai vợ chồng xui xẻo đi qua nên đã bị đánh. Iryna cho biết sau mỗi lần bị Ukraine oanh tạc, quân Nga lại mang xác lính đến thiêu. Cư dân một tòa nhà đối diện bãi rác nói rằng nhiều khi thật khó thở. Olesia Kokorina sống ở tầng 8 cho biết mỗi lần khói bốc lên lại có cảm giác nôn mửa, rất đáng sợ khi ngửi thấy mùi tóc cháy, khói dày đặc đến nỗi không thấy được tòa nhà bên cạnh.
Trong một cuộc gọi bị nghe được hồi tháng Năm gần Donetsk, một lính Nga kể lại với mẹ là các tử thi chất đầy những hố tập thể sâu hai mét. “Đó không phải là nhà xác mà là bãi rác, và sau này dễ dàng nói rằng họ bị mất tích không để lại dấu vết”. The Guardian cho biết tuy không thể kiểm chứng nhưng các phóng viên Anh đã đến bãi rác này, năm ngày sau khi Kherson được giải phóng; đã hỏi chuyện từ nhân viên cho đến cư dân gần đó, tất cả đều nói như nhau. Hiện rất khó ước lượng chính xác số lính Nga đã chết kể từ đầu cuộc xâm lăng 24/02. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Shoigu khẳng định gần 6.000 lính tử trận tại Ukraine, nhưng cuối mùa hè Hoa Kỳ ước tính khoảng 80.000 quân Nga đã bị thiệt mạng hoặc bị thương.
Nhà Nước Côn Đồ Tấn Công Thường Dân Thay Vì Đọ Sức ở Chiến Trường
Cũng về Ukraine, đặc phái viên Libération cho biết “Bucha tái sinh nhẹ nhàng trong lạnh giá và những chỗ trú tạm bợ”. Tại thành phố ngoại ô Kyiv nơi quân Nga từng thảm sát 458 thường dân, người dân chuẩn bị đối phó với mùa đông. Sau khi lính Nga rút đi, hơn 1.000 căn nhà đã bị hư hại, nhiều người phải sống trong một góc vườn nhà cũ hay một căn phòng còn sót lại. Sáu mươi người dân mất nhà được tạm ngụ trong những căn nhà tiền chế nhưng không có điện. Công việc tái thiết là khổng lồ đối với chính quyền Bucha.
Trong bài xã luận “Chiến tranh mùa đông”, La Croix tố cáo Nga tấn công vào thường dân Ukraine trong mùa lạnh giá. Kyiv không còn nước sinh hoạt, Lviv không có điện. Hôm qua, quân đội Nga lại oanh kích ồ ạt vào cơ sở hạ tầng dân sự. Matxcơva không chỉ tìm cách làm yếu đi địch thủ, mà cả nhân dân Ukraine đã kháng cự lại suốt đúng 9 tháng qua. Không phải là ngẫu nhiên nếu các vụ tấn công này trùng hợp với lúc những bông tuyết đầu mùa rơi xuống. Thất bại trên chiến trường, Vladimir Putin muốn biến cái lạnh và tuyết trắng thành đồng minh để lung lạc tinh thần quân dân Ukraine.
Nhắm vào các cơ sở thiết yếu, kể cả một nhà bảo sanh và nhà dân tại các thành phố cách xa mặt trận hàng trăm cây số, Nga xử sự như một Nhà nước côn đồ. Đánh vào hậu phương, Matxcơva buộc thường dân phải trả giá cho những thất bại quân sự của mình, sự chọn lựa này không khác gì tội phạm chiến tranh. Vào lúc những quả bom rơi xuống Ukraine, Nghị Viện Âu Châu đã thông qua với đa số áp đảo một văn bản coi Nga là “Nhà nước ủng hộ khủng bố và sử dụng các biện pháp khủng bố”. Tuy nghị quyết này không làm thay đổi thế trận cuộc chiến, nhưng ít nhất đã điểm mặt chỉ tên, nói thẳng thực chất vấn đề.
Tái Chiếm Kherson, Ukraine Chuẩn Bị Trận Đánh Dniepr
Le Figaro cho biết “Sau Kherson, quân đội Ukraine chuẩn bị cho trận chiến Dniepr”. Phấn chấn với chiến thắng mới đây, Ukraine muốn vượt qua con sông rộng mênh mông này. Về mặt quân sự, không có mấy tiền lệ trong lịch sử. Tháng 8/1941, quân Đức quốc xã vượt sông dễ dàng. Hai năm sau, Hồng quân tái chiếm nhưng phải trả giá nặng nề. Bên hữu ngạn hiện do Ukraine kiểm soát cao hơn phía tả ngạn, một lợi thế tự nhiên, nhưng không đủ so với bề rộng dòng sông có nơi đến 1 kilomet, chưa kể đường sá bị hư hại nhiều.
Pháo binh Nga cộng với hệ thống hầm hào kiên cố bên kia sông, lại không còn cây cầu nào, khiến tấn công rất phức tạp. Dù ban đêm những nhóm biệt kích Ukraine vẫn gan dạ thám sát, tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy sắp đổ bộ sang. Cần có pháo binh yểm trợ mạnh mẽ, nhưng ngay cả vượt đoạn sông hẹp nhất cũng không dễ. Có ý kiến cho rằng tốt nhất là tấn công trên bộ, hoặc từ Zaporijia phía trên, hoặc chiếm bán đảo Kinbourn ở phía dưới, chỗ cửa sông đổ ra Hắc Hải, để đánh ngược lên. Dù chọn phương án nào, tinh thần binh sĩ đã tăng gấp mười lần sau khi tái chiếm Kherson. Có điều những người dân vừa được giải phóng đã phải lo di tản theo yêu cầu của chính quyền để sẵn sàng cho trận đánh mới.
Thụy My
-------oo0oo-------