Nước mất không phải do giặc mạnh, mà do lòng dân ly tán chưa đoàn kết đứng lên chống giặc !
-------------oo0oo--------------
Trang Thời Sự
--------o0o--------
NGƯỜI VIỆT CAO QUÝ
“Sướng gì hơn sướng làm lành,
Cho bao nhiêu của để dành bấy nhiêu”
Cuộc đời từ chiếc nôi đến ngôi mộ quá lắm cũng chỉ ba vạn sáu ngàn ngày, nhưng thường phải trải qua không biết bao nhiêu là biến cố. Ba mươi năm đầu là thời gian học hỏi để nên người. “Tam thập lập thân”, cũng là 30 năm sinh tử của cuộc đời, thành bại sau này đều bắt đầu từ những năm trưởng thành của cuộc sống. Những năm đầu, con người hấp thụ kinh nghiệm của nhân sinh hệ lụy. Tùy hoàn cảnh giáo dục gia đình và học đường mà mỗi người mang một bản sắc khác nhau, người thì nhân từ độ lượng, trọng nghĩa khinh tài, đáng là bậc trượng phu; kẻ thì lòng dạ hẹp hòi, tham tiền bỏ nghĩa, phản trắc, bội tín và phi nghĩa.
Giáo dục đã ảnh hưởng đến sự hình thành tâm tính và quan niệm của con người về cuộc sống. Con người tính bổn thiện nhưng thế thượng thường tình có thể bị tà ma, lợi lộc làm mờ ám lương tri. Do đó cổ nhân đã để lại những nguyên tắc luân lý lưu truyền từ đời này sang đời khác nhằm điều chỉnh thái độ và giúp con người cải tà, quy chánh.
Các nguyên tắc luân lý đó thường được bàn bạc qua văn chương và triết học. Triết lý văn nghệ của các truyện nôm như Phan Trần, Nhị Độ Mai … nêu cao khí phách của con người lý tưởng, đạo đức:
“Trời nào phụ kẻ trung trinh,
Dẫu vương nạn ấy, ắt dành phúc kia.
Danh thơm muôn kiếp còn ghi,
Để gương trong sạch, tạc bia với đời.
Gian tà đắc chí mấy hơi,
Mắt thần khôn dấu lưới tròi khôn dung.
Uy quyền một phút như không,
Xem bằng lứa đá, ví cùng đám mây.” (Nhị Độ Mai)
Đức tính truyền thống của con người cao qúy theo truyền thống của dân tộc Việt là con người có Trung, có Hiếu, có Tiết, có Nghĩa đúng theo ngũ thường Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín
“Ai ơi lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước, lánh dè thân sau.
Trai thời Trung, Hiếu làm đầu,
Gái thời Tiết, Hạnh là câu sửa mình.”
Nhưng giữ được cương thường đạo nghiã ở đời không phải là chuyện dễ vì lợi lộc, vinh hoa phú quý có thể mua chuộc lòng người. Ngày trước nói đến chữ Trung có nghiã “trung thần bất sự nhị quân”, làm tôi ngay không thờ hai Chúa, “trung trinh ái quốc một lòng vì dân vì nước”! Ngày nay là trung thành với lý tưởng tự chống loài quỷ đỏ, độc tài CS, dù rằng kẻ trung nghiã đôi khi gặp rủi ro, bị gian thần hãm hại hoặc không được trọng dụng hay bị phụ bạc.
“Từ ngày đi sứ đến Tây Kinh
Thấy việc Âu Châu phải giật mình,
Kêu gọi đồng bào mau thức tỉnh
Hết lòng năn nỉ chẳng ai tin!” (Nguyễn Trường Tộ)
Người trung nghĩa và kẻ phản tặc thường được vạch trần mỗi khi quốc gia lâm nạn. Sau khi quân Pháp đánh lấy Nam Kỳ năm 1862, Tôn Thọ Tường phản quốc ra hàng làm sai cho Pháp. Sĩ phu thời bấy giờ cương quyết chống đối hành vi bất trung của Tôn Thọ Tường. Tôn Thọ Tường làm 10 bài thơ liên hoàn nhan đề là “Tự Thuật”. Đứng đầu môn phái chủ trương “trung thần bất sự nhị quân” là Phan Văn Trị. Phan Văn Trị đã hoạ lại 10 bài thơ của Tôn Thọ Tường.
Sự xướng hoạ đã tạo nên cuộc bút chiến về “Chính và Tà” vào hạ bán thế kỷ 19. Đặc sắc là bài “Tôn Phu Nhân Quy Thục”
“Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng,
Ngàn thu rạng kiếp gái Giang Đông,
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán trau tria mảnh má hồng.
Son phấn đành cam dày gió bụi,
Đá vàng chi đễ thẹn non sông.
Ai về nhắn vói Chu Công Cảnh:
Thà mất lòng anh được bụng chồng!” (Tôn Thọ Tường)
Tôn Thọ Tường tự thú theo Pháp vì mình như người con gái bán gả cho người ta nên dù mất lòng với vua y cũng theo Pháp:
“Thà mất lòng anh được bụng chồng!”
Phan văn Trị hoạ lại, cho Tôn Thọ Tường không phải là người trung nghĩa vì trai ngay phải thờ chúa, gái mới thờ chồng:
“Cài trâm sửa áo vẹn chữ tòng,
Mặt ngã tròi chiều biệt cõi đông
Ngút tỏa đôi Ngô in sắc trắng,
Duyên về đất Thục đượm mầu hồng.
Hai vai tơ tóc trên trời đất,
Một gánh cương thường nặng núi sông.
Ánh hỡi Tôn Quyền anh có biết:
Trai ngay thờ chuá, gái thờ chồng!”
Phải chăng vì vinh hoa phú quý, chức cao quyền trọng mà Tôn Thọ Tường phải hoá kiếp thành một nhi nữ thường tình.!
Người Việt cao quý
phải là người hiếu thảo với cha mẹ
Hiếu tức là hành vi của người con tốt (hảo tử). Khi cha mẹ còn sống thì hết lòng vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ; khi cha mẹ mất thì hết lòng thương nhớ. Đó là hiếu đạo của con cái đối với cha mẹ. Kẻ bất hiếu là kẻ thờ ơ chểnh mảng với cha mẹ khi còn sống, lúc cha mẹ chết thì làm văn tế ruồi! Tục thờ kính Ông Bà Tổ Tiên thể hiện lòng hiếu thảo đối với thân sinh phụ mẫu. Đức Khổng Tử bảo rằng hiếu là “người con thờ đấng thân: Khi đấng thân còn sống thì phụng dưỡng cho phải lễ. Khi đấng thân mất thì tống táng cho phải lễ, khi cúng bái đấng thân thì tế cho phải lễ”. Điều quan trọng là khi thờ cha mẹ, nét mặt hoà vui, cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ không kể tháng kể ngày! Nếu nghĩ là có tiền cho cha mẹ vào nhà dưỡng lão và lơ là việc thăm viếng, phụng dưỡng cha mẹ thì chưa phải là có hiếu vì có tiền bạc nuôi ăn không có tình với cha mẹ thì chẳng khác nào nuôi gia súc!
Hán Văn Du ăn ở với mẹ rất là có hiếu, mỗi khi có lỗi mẹ thường đánh đòn. Một hôm Văn Du phải đòn, khóc mãi, mẹ thấy vậy hỏi: Mọi khi mẹ đánh con biết lỗi, con câm ngay, lần này sao con lại khóc dai thế? Bá Du thưa: Mọi khi mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn khoẻ mạnh. Lần này mẹ đánh con, con không đau mấy, con biết mẹ đã yếu, cho nên thương mẹ già yếu mà con khóc. Tình con thương mẹ như thế thật thấm thiết !
NHÂN- NGHĨA-L Ễ- TRÍ- TÍN
Người Việt Cao Quý là người trọng có NHÂN
Người nhân nghĩa khác kẻ tiểu nhân vì lúc nào cũng để tâm việc nhân vì cái tâm không tàn ác, không cường bạo phi lý. Nhân là thương yêu đồng loại, thương người như thể thương thân như lởi của Vua Trần Nhân Tông đối với thần dân. “Trẫm thương dân như thương con trẫm”. Lễ là xử thế hợp lý, lòng kính trọng con người, thánh hiền cư xử với người một cách kính trọng: không có giờ phút nào bỏ được lòng nhân hậu. “Thiên hạ nhất gia, toàn quốc nhất nhân”. Cả thiên hạ như một nhà, cả nước như người.
Người Việt cao quý là người trọng NGHĨA
Trong cuộc đời, con người phải có nghĩa khí với nhau thường được hiểu qua câu ơn nghiã người đồng liêu, với người trên kẻ dưới. C âu huynh đệ chi binh nói lên cái nghĩa khí một dạ, một lòng, quan quân như một. Làm việc nghĩa tức là làm phải, việc hữu ích chung, công bình ơn đức, con người sống vị nghiã dễ sinh tình mến phục. Nếu chỉ biết nhau trong lúc vô sự đến lúc nguy nan, bỏ bạn mà chạy, sống chết mặc bay thì là phi nghiã, bạc ác, bất nhân.
Cổ nhân nói rằng “Lễ nghiã liêm sỉ là bốn giường mối căn bản giữ vững quốc gia. Bốn giưòng vó ấy mà không căng lên được nghiã là vô lễ, vô nghiã, vô liêm, vô sỉ, thì quốc gia phải sụp đổ và diệt vong". Khuất Nguyên cũng ca ngợi nghiã khí: “Một bên là quần chúng, một bên là bản thân, hai bên đều trọng cả. Nhưng nếu gặp trường hợp cần thì phải hy sinh bản thân để cứu giúp quần chúng”. Vị nghĩa quên mình, vị quốc vong thân. Con người sống trong một ngày, nghe được một điều phải, làm một việc nghiã thì không phải là sống thừa.” Celui qui a planté un arbre avant de mourir n’a pas vécu inutilement”.
Người Việt cao quý Là người có LỄ
Lễ là xử thế hợp lý với lòng kính trọng con người. Thánh hiền cư xử với người một cách kính trọng: không có giờ phút nào bỏ được lòng nhân hậu. Cả thiên hạ như một nhà, cả nước như người. Thánh Phao lồ cũng khuyên nhân loại “Hãy kính tha nhân như thượng cấp của mình thì mọi sự sẽ được yên vui”.
Người Việt Cao quý là người trọng TRÍ
Người trí là người tự biết mình như triết gia Socrate nói: “Ngươi hãy tự biết ngươi” (Connais-toi toi-même). Con người phải biết mình, phải tự hiểu mình rồi mới có thể hiểu người, tri kỷ tức là biết mình vậy. Có biết mình mới tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Có biết mình mới trọng tư cách của mình tức là tự trọng. Kẻ không tự trọng không phải là kẻ trí vì không hiểu và không trọng mình thì làm sao kẻ khác trọng mình được. Cho nên người Việt cao quý không những phải có nhân, có nghiã, có lễ mà còn phải có trí để biết mình và biết người, hanh động sáng suất. Đánh lưỡi baỷ lần trước khi nói “Il faut tourner la langue sept fois avant de parler”.
Người Việt cao quý là người trọng TÍN
Kẻ bất tín là kẻ gian tà. Ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản! Đã là gian tà thì không thể là kẻ yêu nước, thương nòi được. Trong sự giao tiếp hằng ngày giữa người và người chữ Tín đóng vai trò hết sức quan trọng. Hành động bội tín, làm mất lòng tin tưởng, thì sống cũng chỉ là sống thừa. Chữ tín được liệt rõ trong ngũ thường: Nhân, Nghiã, Lễ, Trí, Tín. Trong sự giao thiệp, sinh hoạt cộng đồng, đoàn thể, chính quyền, phải luôn luôn lấy chữ Tín làm chuẩn. Đức Khổng Tử bảo rằng “Nhân vô tín bất lập” nghiã là phàm làm người mà bất tín thì không còn ai tin cậy và vì vậy không thể đứng vững ở đời được. “Tín vi nhân chi bảo” nghiã là chữ Tín là bảo vật của nhân thế.
Người Việt cao quý là người trọng LIÊM S Ỉ
Liêm sỉ là căn bản đạo đức của văn võ bá quan. Vua, quan mà vô liêm sỉ thì thượng bất chính hạ tắc loạn. Kết cuộc thì quốc gia phải sụp đổ, dân tộc phải diệt vong. Nhưng thế nào là vô liêm, vô sỉ? Liêm là liêm khiết (integrity), là nền tảng của đạo làm người, là tính thanh liêm, phân minh, ngay thẳng, không lấy của bất nghiã. Người mà không có liêm thì cái gì cũng lấy hay làm việc bất nghiã, vơ vét cho đầy túi tham “Có ba trăm lạng việc này mới xong” (Kiều).
Sỉ là hổ thẹn (shame), tự mình lấy làm hổ thẹn. Người vô liêm sỉ thì việc gì cũng làm, là kẻ không biết hổ thẹn (shameless) không tôn trọng luân thường đạo lý.
Thầy Mạnh Tử nói rằng “nhân bất khả vô sì” nghiã là người mà không biết xấu hổ thì không phải là người. Có liêm sỉ là nền tảng của đạo làm người, Có liêm sỉ thì có hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa. Vô liêm sỉ thì còn gì là luân thường đạo lý.
Người Việt cao quý là người CƯƠNG TRỰC
“Phú quỷ bất năng dâm, bần tiện bất năng di và uy vũ bất năng khuất”. Người cương trực là người trọng lẽ phải, vì lẽ phải có sức mạnh hơn mũi gươm. Người có lòng cương trực, ý chí như sắt đá, trí tuệ sáng như sao bắc đẩu, dù nguy cấp thế nào cũng không thay lòng đổi dạ. Người cương trực là người giữ được tiết tháo, bảo vệ công lý để đối phó vói bạo tặc, cường quyền. Biết bao chiến hữu dân, quân, cán, chính của VNCH đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, hoặc can trường bất khuất trong cảnh tù tội sau ngaỳ CS xâm lăng VNCH. Gương anh dũng đáng kính phục nầy đã được sử sách lưu truyền, thể hiện niềm tự haò, danh dự của dân, quân, cán, chính VNCH. Thái độ cương trực này là tấm gương sáng cho hậu thế soi chung.
Ngoài ra, tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh còn là đặc trưng của nhi nữ Việt Nam. Công tức là làm việc giỏi:
“Gái thì lo việc trong nhà,
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa”.,
Dung tức là sắc diện vui hoà, phục sức thanh lịch.
“Hoa cười ngọc thốt đoan trang Mây thua nước tóc tuyến nhường màu da”
Ngôn là tiếng nói phải dịu dàng:
“Chim khôn hót tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.”
Hạnh là hạnh kiểm tốt, kể cả vấn đề thờ cha kính mẹ. “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Cái đẹp thì có hạn nhưng cái nết thì vô cùng, vẫn là câu tục ngữ truyền tụng trong dân gian để ca ngợi đức tính đạo hạnh của người con gái. Thể hiện giá trị luân lý vượt thời gian và không gian.
Sở dĩ có câu:
“Đàn ông chớ đọc Phan Trần,
Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thúy Kiều”.
Là vì trong nền luân lý cổ truyền, hình ảnh Phan Sinh trong tác phẫm Phan Trần, đã bị uỷ mị hoá. Phan Sinh thất tình vì ngưòi yêu mà đâm ra nản chí, khóc lóc thảm thiết. Tác giả đã mô tả Phan Sinh khi nghe đến người yêu thì đã “hai hàng lã chã nhường mưa”, không phải là hình ảnh hào hùng, phí phách của người trai nước Việt cao quý.
Thuý Kiều, trong tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh”của Nguyễn Du, bán mình chuộc cha. Thúy Kiều đã “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, trong vòng giáo dựng gươm trần, kề lưng hùm sói, giữ thân tôi đòi” là hình ảnh luân lý suy đồi. Khi còn nhỏ không ở với cha mẹ, khi lấy chồng không ở với chồng,vi phạm luân lý tam tòng: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Kiều đã “Giết chồng rồi lại lấy chồng, mặt nào còn đứng ở trong đời này”. Theo quan niệm cũ, người con gái không thể để cho “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Tuy nhiên, ngay nay vì quốc biến, gia đình tan nát, cũng có những trường hợp bất đắc dĩ xảy ra nên cũng được thông cảm qua chủ trương “chấp kinh nhưng cũng biết tòng quyền”.
Vậy thì nền luân lý cổ truyền thật là phong phú. Ngày nay, trên bước đường gió bụi của cuộc đời viễn xứ, dù áo rách nhưng phải giữ lấy lề. Người Việt cao quý vẫn là người hiếu đạo, trung nghiã, là người có nhân, có nghiã, có lễ, có trí, có tín, là người liêm sỉ, cương trực:
“Trai thì trung hiếu làm đầu,
Gái thì tiết hạnh là câu sửa mình.”
Truyện người tiết phụ đã là gương sáng truyền tụng trong Ngũ Đại sử: Vương Ngung đi làm quan chẳng may chết sớm. Vợ là Lý Thị trên đường đi nhận hài cốt của chồng, lỡ đường dẫn con vào một quán trọ bên đường xin trọ. Người chủ quán thấy đàn bà con nít có ý nghi ngờ không cho trọ. Người chủ quán nắm lấy tay Lý Thị dắt đuổi ra. Lý Thị ngửa mặt lên trời nức nở than rằng: “Ta làm đàn bà chẳng hay thủ tiết thờ chồng đến nỗi người ngoài cầm được cái tay này. Ta chẳng nỡ để vì một cánh tay mà bẩn lây cả thân ta”. Nói xong lập tức lấy dao thái thịt chặt phăng đứt ngay cánh tay! Xem thế thì tình nghiã vợ chồng cao quý biết dường nào!
Hiện nay các đức tính này cũng được nhắc nhở trong các bô luật luân lý nghề nghiệp (Professional Code of Ethics) dựa trên những ý niệm căn bản về cần, kiệm, liêm chính, nhân, nghiã, lễ, trí, tín. Những kẻ phi nhân, thất đức dù ở trong xã hội nào, vào thời nào chăng nữa thì cũng chỉ là kẻ xấu xa phá hoại nhân quần xã hội mà thôi.
Hoằng dương luân lý cổ truyền dân tộc tức là chuyển tải chủ trương đạo lý đến vói tha nhân về hình ảnh mẫu mực của “người Việt cao quý”. Cương thường đạo lý hướng dẫn hành vi của con người. Lúc thất thế, Nguyễn Công Trứ không trở thành đạo tặc cũng chỉ vì sợ nhục nhã gia phong:
“Mất việc toan trở nghề cơ tắc (1)
Tủi con nhà mà hổ mặt anh em.
Túng đường mong quyết chi cùng tư
E phép nước chưa nên gan sừng sỏ,
Cùng con cháu thuở nói năng chuyện cũ
Dường ngâm câu "lạc đạo vong bàn
Gặp anh em khi bàn bạc sự đời,
Lại đọc chữ vi nhân bất phú.
Tất do thiên âu phận ấy là thường
Hữu kỳ đức ắt trời kia chẳng phụ...”
Vậng, sống đức hạnh thì trời không phụ lòng người. “Grace respects nature”. Người Việt mình ăn ở đức hạnh, hãnh diện với dòng giống Lạc Hồng. Chính lòng tự hào về nguồn gốc dân tộc mà chúng ta duy trì cuộc sống thanh đạm ở xứ người, dù thất cơ lỡ vận nhưng không trổ nghề cơ tắc vì sợ “Tủi con nhà mà hổ mặt với anh em”.
Tư tưỏng lên khuôn cho hành động. Dân tộc Việt chúng ta là một dân tộc tự trọng và hào hùng, niềm kiêu hãnh đó dù trải qua phong ba bão táp, vẫn lưu mãi trong tâm khảm mọi người, điều hướng hành động của chúng ta: hành động tốt của người Việt cao quý. Nhờ đó công đồngg được vui hoà, đoàn thể sinh hoạt được hanh thông.
Nền văn hoá cổ truyền của người da đen, da đỏ đã bị băng hoại vì người da trắng tiên phong đã lầm lẫn huỷ hoại văn hoá của hai nhóm thiểu số này khiến cho họ mất cả gia bảo, không còn gì để bám víu, để hãnh diện. Một số người bị lôi cuốn vào cuộc đời đầu đường xó chợ, “như thuyền không lái, như ngựa không cương”, sổng cũng không thể sống nên hồn, muốn chết không xong! Tai hoạ này kết quả không sao lường được, là một vấn xã hội trầm kha trong xã hội ngày nay của Hoa Kỳ ảnh hưởng đến mọi hoạt động giáo dục, an sinh xã hội, kinh tế, chính trị, tội phạm…
Tai họa nầy cũng đang hoành hành xã hội Viêt Nam, nền văn hoá hơn bốn ngàn năm văn hiến đang bị băng hoại vì chủ nghĩa Cộng Sản vô thần. Khôi phục, bảo tồn, phổ biến về quê hương những đặc nét luân lý của nền văn hóa cỗ truyền cũng là môt sứ mệnh trong công tác phục hung quốc tổ thân yêu của chúng ta.
Chúng ta đến Hoa kỳ vì tinh thần yêu chuộng tự do. Bảo toàn những đặc nét của gia bảo luân lý cổ truyền là nhiệm vụ thiêng liêng chung của chúng ta. Được như vậy, tập thể tỵ nạn Viêt Nam sẽ là tập thể gương mẫu, để xây dựng môt hậu phương vững mạnh, sẵn sàng hổ trợ đại nghiêp cứu quốc và kiến quốc.
“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhụy vàng
Nhuỵ vàng, bồng trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”
Trần Xuân Thời
Trần Xuân Thời
-------oo0oo-------