Nước mất không phải do giặc mạnh, mà do lòng dân ly tán chưa đoàn kết đứng lên chống giặc !
-------------oo0oo--------------
Trang Sưu Tầm
--------o0o--------
Môt biến cố lịch sử
Đặc phái viên Edmund Roberts các sứ bộ ngoại giao Hoa Kỳ đầu tiên sang Việt Nam, các năm 1832 và 1835
Robert Hopkins Miller
Ngô Bắc dịch
Năm 1802, tàu Fame là chiếc tàu Hoa Kỳ đầu tiên và thuyền trưởng Jeremiah Briggs là người Hoa Kỳ đầu tiên trong lịch sử sang thăm Việt Nam để tìm kiến cơ hội thương mại; năm 1831, John Shillaber, Lãnh sự Hoa Kỳ tại Batavia (tức Jakarta ngày nay), đã soạn thảo Bản báo cáo chính thức đầu tiên về Việt Nam gửi lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Sau đó, năm 1832, Edmund Roberts, đặc sứ của Tổng thống Andrew Jackson, được chỉ định để thương thảo với Nhật Bản và các nước Á Châu khác, trong đó có cả Việt Nam. Phái đoàn của ông trở thành những nhà ngoại giao Hoa Kỳ đầu tiên sang thăm Việt Nam. Dưới đây là các văn bản liên quan đến chuyến công du lịch sử của Edmund Roberts.
I. Chỉ thị của Ngoại trưởng Livingston gửi Đặc sứ Edmund Roberts về nhiệm vụ tới Việt Nam
Ngoại trưởng Edward Livingston
Bộ Ngoại giao,
Washington, ngày 27 tháng 1, 1832
Thưa ông, Tổng thống đã bổ nhiệm ông làm phái viên của Tổng thống với mục đích khảo sát các phương thức để mở rộng nền thương mại của Hoa Kỳ tại vùng Ấn Độ Dương bằng cách thiết lập quan hệ thương mại với các nước giáp ranh với vùng đại dương nói trên. Ông sẽ đáp lên chiến hạm mang tên Khổng Tước (Peacock), chiếc tàu đó sẽ giúp che giấu nhiệm vụ của ông nhằm tránh các nhóm lợi ích khác có thể tìm cách phá hoại các mục tiêu mà Tổng thống nhắm đến. Ông sẽ đóng vai Thư ký của Thuyền trưởng. Lý lịch thực sự của ông được thông báo cho Thuyền trưởng Geisinger, và không cần tiết lộ cho bất kỳ người nào khác trên tàu trừ khi ông thấy là cần thiết cho công việc của ông.
Khi ông tiến vào vùng Ấn Độ Dương từ phía đông, địa điểm đầu tiên mà ông cần thực hiện nhiệm vụ sẽ là Cochinchina (Việt Nam ngày nay – chú thích của BBT). Ông sẽ tới kinh đô của xứ sở đó, tức Huế, đôi khi được gọi là Huéfoo. Một kinh thành như thế là nơi có Quốc vương cư ngụ. Trên hành trình đến nơi này, ông sẽ phải tự tìm hiểu một cách tỉ mỉ hoạt động mua bán giữa Vương quốc này với các xứ khác, bao gồm: đặc điểm các sản phẩm của nước này, bất luận là sản phẩm thiên nhiên, canh tác, hay chế tạo; nền thương mại trên biển và sức mạnh quân sự của nó; các loại hàng hóa để tiêu dùng trong nước hay để trao đổi với các nước khác; những đặc ân được ban cấp, hay các sắc thuế quá đáng được hành thu; nền thương mại của các quốc gia khác đang giao thương với họ.
Khi đến nơi, ông sẽ đích thân yết kiến Quốc vương, trình bày thẩm quyền của ông và đệ trình thư gửi đến Quốc vương. Ông sẽ phát biểu rằng Tổng thống chúng ta có nghe biết về danh tiếng của Quốc vương [là người] yêu chuộng lẽ công bằng, và mong muốn vận dụng các ưu thế của nền thương mại để làm lợi cho người dân của Ngài, nay phái ông sang để tìm hiểu là liệu Quốc vương có sẵn lòng cho phép thuyền bè của chúng ta cập bến các hải cảng của Ngài với những loại hàng hóa sẽ hữu dụng cho Ngài và thần dân của Ngài, và đổi lại, để thu mua các sản phẩm công nghiệp hay sản phẩm canh tác từ đất đai của họ. Rằng chúng ta chế tạo và có thể mang đến các vũ khí, đạn dược, vải dệt bằng bông và len, thủy tinh, v.v. (hãy liệt kê tất cả những loại hàng mà ông biết được là họ thường nhập cảng) — rằng chúng ta có thể cung cấp các hàng hóa đó với giá rẻ hơn bất kỳ nước nào khác, bởi vì nguyên tắc của quốc gia chúng ta là chống lại việc xây cất các thành lũy, hay kiến tạo các cơ sở tốn kém tại các xứ sở ngoại quốc — rằng chúng ta không bao giờ thực hiện các cuộc chinh phục [thuộc địa], hay đòi hỏi bất kỳ quốc gia nào khác cho phép chúng ta định cư tại quốc gia của họ, như người Anh, người Pháp hay người Hòa Lan đã làm tại vùng Đông Ấn Độ. Tất cả những điều mà chúng ta yêu cầu là quyền tự do đến và đi cho mục đích mua bán, sẵn sàng tôn trọng các luật lệ của xứ sở trong khi chúng ta có mặt ở đó. Nhưng mặc dù chúng ta không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi nào, chúng ta sẽ không tiến hành mua bán tại nơi mà chúng ta bị đối xử tồi tệ hơn các quốc gia khác. Chúng ta sẽ đóng tất cả các sắc thuế mà Quốc vương yêu cầu, nhưng chúng ta sẽ không chịu trả nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, hay chúng ta sẽ không chịu đóng các khoản lạm thu quá đáng của bất kỳ quan chức nào là thuộc cấp của Quốc vương — rằng vị Tổng thống của chúng ta rất hùng mạnh, có nhiều chiến thuyền đặt dưới quyền chỉ huy của ngài nhưng các chiến thuyền chỉ được dùng vào việc bảo vệ nền thương mại của chúng ta chống lại sự cưỡng chế — rằng nếu Quốc vương mong muốn tận dụng được các ưu thế của nền mậu dịch của chúng ta, Quốc vương phải ký kết một hiệp ước theo đó các điều kiện nêu trên phải được bảo đảm cho các thương nhân của chúng ta — rằng ngay khi hiệp ước này được công bố, các tàu bè của chúng ta sẽ lui tới các hải cảng của Quốc vương, làm giàu cho Ngài bằng tiền thuế mà Ngài sẽ thu được, và làm giàu cho thần dân của Ngài thông qua việc mua bán với họ.
Một điểm quan trọng là, việc trao đổi mua bán với người dân phải được cho phép công khai, bởi chúng ta được biết rằng tại phần lớn, thậm chí tại tất cả các hải cảng, các quan chức hay các viên chức khác hiện đang nắm độc quyền ngoại thương và không chấp thuận cho bất kỳ công dân nào được mua bán với người ngoại quốc.
Ông sẽ được giao thẩm quyền để ký kết một hiệp ước — với các điều khoản xác định ở trên, nếu có thể, cùng các điều khoản khác như sẽ được nêu ra sau này – và [thẩm quyền] để hứa hẹn, mà ông có thể hứa bằng miệng hay bằng văn bản, rằng chúng ta sẽ trao các tặng phẩm khi hiệp ước được phê chuẩn. Ông có thể ấn định một danh sách các tặng phẩm sao cho chúng có thể làm người nhận hài lòng nhất, nhưng trị giá không được vượt quá mức 10.000 mỹ kim cho mỗi vị Chúa tể.
Khoản bồi dưỡng của ông sẽ là 6 mỹ kim mỗi ngày, và tất cả các chi phí cá nhân cần thiết — chỉ tính những trường hợp không tiên liệu được, bởi việc ăn ở trên tàu đã được cung cấp cho ông. Ông sẽ được ứng trước số tiền 1000 mỹ kim vào trương mục để ông chi trả, và khoảng 500 mỹ kim để mua các tặng phẩm cần thiết để có thể được yết kiến Nhà vua.
Các chỉ thị nêu trên sẽ được áp dụng cho các sứ mệnh của ông tại Xiêm La, và các nước vùng Ả Rập trong miền Hồng Hải (Red Sea), nơi ông cũng sẽ được phái đến.
Ông được phép rút tiền từ Bộ Ngoại giao đến ngạch số trợ cấp của ông, khi chúng đáo hạn, sau khi khấu trừ đi khoản ứng trước vừa xuất ngân cho ông, và cho các chi phí cần thiết của ông, như được chứng thực bởi chỉ huy trưởng chiếc tàu mà ông cùng đi.
Tôi xin trân trọng chào ông.
Kính thư,
Edw. Livingston
Tái bút: Khoản thù lao của ông sẽ được tính từ ngày 9 tháng 1 năm 1832, ngày ông rời nơi cư trú để lên đường công tác.
Tổng thống Mỹ Andrew Jackson
Batavia,
Ngày 22 tháng 6, 1833
Thưa ngài,
Tôi hân hạnh báo tin ngài hay rằng chúng tôi đã lái tàu rời Lin-tin vào ngày 26 tháng 12 vừa qua để đến Turon Bay (Vịnh Đà Nẵng ngày nay – chú thích của BBT) nơi bờ biển phía bắc của nước Cochinchina, đã chờ đợi chiến hạm U.S.S. Boxer đến nơi cho tới khi mọi hy vọng về sự xuất hiện của nó tan biến. Vào ngày đầu tiên của tháng 1, chúng tôi đã đến ngoài khơi của Vịnh, trong điều kiện thời tiết vô cùng giông bão, và thời tiết còn tiếp tục như thế trong vài ngày, cùng với một trận cuồng phong và sóng lớn thổi từ một khu vực bất ngờ (khu Tây Bắc) thay vì từ Đông Bắc , cùng lúc có luồng gió mạnh thổi về hướng Đông Nam. Chúng tôi tiếp tục chống trả các khó khăn chồng chất này cho đến ngày mồng 5, và khi đó chúng tôi nhận thấy mình bị trôi giạt xuống phía đảo Pulo Canton (Cù Lao Ré, nay là đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi – chú thích của BBT), và lui dần mỗi khi gió đổi chiều, cuối cùng chúng tôi bị đưa đẩy vào hải cảng gần nhất, thuộc vùng Vịnh Phú Yên, và thả neo vào ngày kế đó tại bến tàu của Vunglam (Vũng Lấm, thuộc tỉnh Phú Yên – chú thích của BBT). Ngay sau khi cập bến, một lá thư viết bằng Anh Ngữ, với một bản dịch bằng Hán ngữ, đã được quan chức tại Vunglam chuyển lên Kinh đô Huế, gửi đến Vua Minh Mạng, Quốc vương nước An Nam, thông báo với Quốc vương về sự có mặt của chúng tôi và trình bày mục tiêu của sứ bộ. Vào ngày 17, một phái đoàn gồm ba quan chức đã đến, một người là Phán quan của tỉnh Phú Yên, được tháp tùng bởi một đoàn tùy tùng dài cưỡi voi, ngựa hoặc di chuyển trong các cỗ kiệu, mang theo lá thư được gửi đến Quốc vương. Họ tuyên bố rằng họ được phái đến bởi vị “Thượng thư phụ trách Ngoại nhân” để thông báo bằng miệng với tôi rằng ông Thượng thư đã hoàn trả lá thư chưa hề được mở ra, bởi thư đề gửi cho Quốc vương An Nam. Vị chúa tể của xứ Cochinchina giờ đây tự xưng tước của mình là Hoàng đế Wiet Nam (được phát âm là Yũnam) (Viết y như trong nguyên bản, đây chắc là bản văn chính thức của Hoa Kỳ đầu tiên nêu danh xưng Việt Nam – chú thích của BBT) thay vì vương hiệu trước đây của ông là An Nam Quốc vương. Vì thế, viên Thượng thư yêu cầu chúng tôi gửi một lá thư khác, trình bày về mục đích của sứ bộ, và đề gửi cho ông ta, bởi ông ta có thẩm quyền thích hợp để đối thoại với vị Hoàng đế. Một lá thư đã được thảo theo đó, bao gồm những thông tin mong muốn, và có bổ sung thêm rằng tôi được ủy nhiệm mang một lá thư của Tổng thống Hợp Chủng Quốc gửi đến Hoàng đế mà tôi cần phải đích thân giao thư.
Vào ngày 26, hai quan chức ở phẩm trật cao hơn đã đến và nói rằng họ được Thượng thư phái đến để nhận bức thư của Tổng thống, hoặc là một bản sao của lá thư. Ban đầu, tôi đã từ chối chấp thuận, bởi họ không mang theo thư phúc đáp cho lá thư của tôi, hay họ cũng không có bất kỳ văn bản nào từ vị Thượng Thư về sự đòi hỏi đó.
Tôi còn cáo giác nhiều hơn để chứng minh cho sự từ chối của tôi, rằng trong một trường hợp tương tự, ông W. Crawford (đúng ra là Crawfurd, sứ giả người Anh, trước đây đã đến từ Ấn Độ – chú thích của BBT) đã bị vị đương kim Chúa Thượng khiển trách thông qua vị Thượng thư này về việc cho phép vị Tổng đốc vùng Hạ lưu Sài Gòn được đọc lá thư của Quan Toàn quyền tại Ấn Độ gửi Hoàng đế. Tuy nhiên, nhận thấy sẽ không làm được gì nếu không chấp nhận việc đó, cuối cùng, tôi đã nhượng bộ và giao cho ông ta một bản sao lá thư bằng tiếng Anh và Hán ngữ, được mở công khai, bởi họ từ chối bất kỳ giấy tờ có niêm phong nào. Họ cho hay rằng họ đã nhận được các chỉ thị dứt khoát từ vị Thượng thư để thẩm tra mọi văn kiện do tôi giao cho, và họ sẽ không chuyển bất kỳ văn kiện nào đi trừ khi văn thư được diễn đạt bằng ngôn ngữ nhũn nhặn và lịch sự, với từ ngữ phù hợp với nghi lễ tại triều đình – và từ đây khởi sự cho hàng loạt những trở ngại mà cuối cùng đã khiến cho mục tiêu của Sứ bộ thất bại hoàn toàn. Tôi sẽ bỏ qua những kháng nghị nhỏ được đưa ra về cách dùng từ trong lá thư của Tổng thống, và đề cập luôn các trở ngại chính bao gồm những điều sau đây: trong bản sao lá thư bằng Hán ngữ, họ chỉ ra rằng để bày tỏ lòng kính trọng, các danh từ “Hoàng đế” và “Cochinchina” phải được nhấc cao hơn bao nhiêu trên hàng kẻ trên cùng của trang giấy, trên thực tế cao hơn các chữ “Hợp Chủng Quốc” và “Tổng thống” một mẫu tự, để thể hiện rằng Tổng thống và Hợp Chủng Quốc thấp kém hơn Hoàng đế và nước C.C. (viết tắt trong nguyên bản, ý là Cochinchina – chú thích của BBT) – sau cùng họ khẳng định việc Tổng thống chỉ đơn giản đề thư gửi cho Hoàng đế là điều rất không hợp lệ — họ nói nó phải được phiên dịch bằng từ ngữ “im lặng kính sợ” (silent awe: suh-te) hay “với đôi bàn tay nâng cao để kính dâng” (with uplifted hands: Yung hay te shang) thường được dùng bởi người Trung Hoa và những người bắt chước sự nhũn nhặn của họ, tức người C. Chinese (viết tắt trong nguyên bản, ý là Cochinchinese – người Cochinchina – chú thích của BBT), trong cách xưng hô của thần dân với vị Chúa tể. Ý kiến này lập tức bị bác bỏ và họ bị nhắc nhở rằng đừng lặp lại đòi hỏi sỉ nhục như thế bởi Tổng thống Hợp Chủng Quốc có một vị thế hoàn toàn bình đẳng với vị Hoàng đế uy quyền nhất, và do đó không từ ngữ nào có thể được dùng có thể làm cho ông ấy bị xem là thấp kém hơn Hoàng đế C. China . Các quan chức Cochinchina được thông báo rằng từ ngữ được dùng để xưng hô với Er (viết tắt trong nguyên bản để chỉ Emperor tức là Hoàng đế – chú thích của BBT), như đã được dùng trong thư của Đặc sứ gửi cho Thượng thư, hàm ý sự bình đẳng chứ không tỏ bất kỳ thái độ ngạo mạn bất kính nào trong đó. Các quan chức đã phủ nhận mọi chủ ý muốn sỉ nhục Tổng thống và cho hay rằng theo tập tục, các sứ giả của Burma (Miến Điện) và Xiêm La vẫn hay sử dụng các cụm từ này khi xưng hô với Hoàng đế của họ. Chờ đợi tám ngày sau cuộc đối thoại này, và không nghe thêm điều gì từ Huế, chúng tôi đã giong buồm lên hôm 8 tháng 2 để lái đến Vịnh Xiêm La. Nếu chúng tôi may mắn hơn, như đến được Turon hay đến ngoài khơi của Huế vào lúc bắt đầu có gió mùa Tây Nam, tôi tin rằng kết quả có thể rất khác biệt. Chúng tôi ở quá xa Kinh đô, và công việc vì thế bị ủy thác quá nhiều cho các viên chức thấp kém. Cho đến nay tôi mới chỉ gửi đến ông một bản tường trình tóm lược về những khó khăn tại C. China vốn đã chiếm một phần đáng kể đến năm mươi trang trong “Tập nhật ký chính thức” của tôi.
Vũng Lấm (Phú Yên) là nơi phái bộ đầu tiên của Mỹ thả neo khi sang thăm Việt Nam năm 1832
Mặc dù tôi đã có thể đánh mất sự tự trọng và quên đi những trách nhiệm đối với xứ sở của tôi để chấp nhận các đề nghị của họ, sự việc cũng chưa chấm dứt ở đó. Tôi được cho biết rằng khi đến Huế, nếu muốn yết kiến Hoàng đế, tôi cần phải tuân hành các nghi lễ của triều đình và chịu làm lễ Ko-tow hay “lễ lạy đầu sát đất”, và việc này sẽ được nối tiếp bởi các điều kiện nhục mạ khác, bởi bản chất của những dân tộc nằm ở vùng phía Đông của sông Hằng là sẽ gia tăng các đòi hỏi của họ đến mức mà họ cưỡng hành được, hay buộc đối phương phải thần phục trước ý chí của họ bằng bất kỳ cách nào. Họ vẫn bị ảnh hưởng một cách bất thường bởi sự cứng rắn, liều lĩnh và quả quyết hơn là bởi sự tranh luận vững chắc và thuyết phục nhất, hay thái độ ôn tồn, không ép buộc, dung hòa nhất. Lịch sử các cuộc thương thảo trong quá khứ đủ để chứng minh rằng không có đặc quyền, đặc miễn, hay ưu thế thuộc bất kỳ loại nào lại có thể giành đạt được nhờ sự phục tùng, hạ thấp mình, hay nịnh bợ. Họ khinh miệt thái độ phục tùng như là một bằng cớ của sự yếu đuối, coi thái độ nịnh bợ như là minh chứng cho một tâm hồn hèn hạ. Một thái độ đàng hoàng, song không kiêu ngạo, cương quyết bảo vệ danh dự của mình, cởi mở và vô tư, tìm kiếm các lợi điểm cho chính mình, nhưng cũng sẵn lòng phát huy lợi điểm của người khác, chắc chắn sẽ tạo ảnh hưởng lớn trên các dân tộc mang đặc điểm và cá tính này, và cuối cùng sẽ có thể đạt được mục tiêu mong muốn. Một dân tộc vĩ đại, chẳng hạn như dân tộc của đất nước tôi, vẫn có thể bị bất kỳ dân tộc nào dưới ánh mặt trời làm hoen ố danh dự quốc gia, và một vài dân tộc mọi rợ còn có rất ít khả năng gây ra điều đó, kinh nghiệm [này] làm cho vấn đề trở nên ít bất ngờ hơn là đáng tiếc. Chúng ta không thể hoàn toàn dửng dưng đối với cách mà quốc gia mình được nhìn nhận bởi một thành phần quá đông đảo trong nhân loại, như những người cư ngụ tại những xứ sở nằm giữa Hồng Hải (Red Sea) và Nhật Bản.
Nếu chúng tôi thất bại trong nỗ lực thương thảo này song danh dự của chúng ta chưa bị hoen ố, và chúng ta đã chống lại các đề nghị sỉ nhục của họ nhằm hạ thấp vị thế cao cả của một Tổng thống Hoa kỳ, điều đó sẽ dạy cho họ rằng tôi tin tưởng vào bất kỳ cuộc thương thảo tương lai nào với chính phủ của chúng ta, rằng danh dự quốc gia không phải chỉ là một âm thanh vô nghĩa, hay một danh từ rỗng tuếch, mà trong đó chứa đựng sức mạnh của các Vương quốc và sự an toàn của các dân tộc. Đó chính là động lực để các chiến sĩ chiến đấu, một động lực mạnh mẽ hơn bất kỳ điều gì khác đã biến con người trở thành anh hùng.
Tôi xin hân hạnh giữ mãi niềm ngưỡng mộ và tôn kính,
Một công bộc rất trung thành của Ngài
(ký tên) Edmund Roberts
Tái bút:
Tôi nhất thiết phải lưu ý rằng quà cáp là những vật không thể thiếu được ở những xứ sở này và được xem như biểu hiện của sự kính trọng. Người tặng quà trở nên có vai vế nhiều hay ít tùy vào tầm mức to nhỏ của quà tặng. Cả ở C. China và Xiêm La, trong số các câu hỏi đầu tiên là câu, “Ông mang quà gì đến cho Nhà vua vậy?”, xem như chuyện đương nhiên là khách không đến thăm với bàn tay không.
Edmund Roberts
Bản sao chụp Dự thảo Hiệp ước Thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam do ông Edmund Roberts soạn thảo.
***
Trong bản báo cáo được trích dẫn ở trên cũng như trong nhật ký hành trình, ông Edmund Roberts đã quy sự thất bại hoàn toàn của phái bộ là do các quan chức Việt Nam:
“Những nghi thức sỉ nhục bắt buộc như các đoạn mở đầu cho bản hiệp ước, bởi các thượng thư từ kinh đô nước Cochinchina, khiến tôi không có thể làm gì khác hơn, ngoài việc chấm dứt một sự trao đổi văn thư kéo dài, mà nét nổi bật nhất từ lúc khởi đầu cho đến hồi kết cuộc là tính tráo trở và sự mập mờ của các quan chức phục vụ cho nhà vua…” [1]
Edmund Roberts cực kỳ khó chịu với các quy định mang tính nghi lễ của Việt Nam, từ cách dùng từ ngữ trong thư gửi lên Hoàng đế (ví dụ như phải dùng đúng những cụm từ thể hiện sự tôn kính đối với Nhà vua, hay phải tránh các chữ kỵ húy…) cho đến việc quỳ lạy, mà ông coi là một sự sỉ nhục.
Những vướng mắc về thủ tục và bất đồng về nghi lễ cứ kéo dài mãi cho đến ngày 26 tháng 1, khi các quan chức cấp tỉnh [2] theo lệnh Vua Minh Mạng đã mở một bữa tiệc để khoản đãi phái bộ Edmund Roberts. Sau bữa tiệc, hai bên lại tiếp tục có những thảo luận về lễ nghi theo truyền thống Việt Nam nhưng Roberts không chịu chấp nhận.
Khi bình luận về phái bộ của Roberts sang Cochinchina, sử gia Nguyễn Thế Anh nêu ý kiến rằng Roberts xem ra không có “sự linh động về ngoại giao.” Ông ghi nhận rằng các trang viết trong quyển sách của Roberts riêng về Cochinchina và về người dân của xứ này đã “tước đoạt đi mất mọi thiện chí và sự thông cảm.” [3] Ví dụ, Edmund Roberts đã miêu tả Việt Nam như sau:
“Trông bề ngoài xứ sở bao quanh vịnh hùng vĩ này ở trong một tình trạng đang phát triển cao độ, nhưng với một sự khảo sát kỹ càng hơn, viễn ảnh tươi đẹp này không có thực. Dân chúng ở đây là những người ăn ở bẩn nhất trên thế giới, không có một ngoại lệ nào cả… [Họ] không hay biết… khoảng cách giữa hai xứ sở, hay hiểu biết gì về vị trí của Bắc Mỹ châu, nhưng lại giả định rằng nó thuộc về Âu Châu…” [4]
Và miêu tả bữa tiệc do phía Việt Nam khoản đãi:
“Bữa tiệc đã được mang lên tàu trong các khay tráp sơn thếp đẹp đẽ; trông bên ngoài, rất gọn ghẽ và sạch sẽ; nhưng chúng tôi không thể tự mình gạt bỏ ý nghĩ rằng bữa tiệc đã được nấu trên những chiếc thuyền dơ dáy mà chúng tôi đã nhìn thấy trên bờ, và rằng đồ ăn đã tiếp cận bởi những bàn chân dơ dáy, móng tay cáu bẩn, và những cái đầu đầy chí rận, mà chúng tôi đã nhìn thấy trên bờ; chúng tôi, vì thế, đã chỉ nếm một món, đó là mứt kẹo. Chúng tôi đã nâng ly uống chúc mừng nhà vua, bằng loại rượu nếp đặc biệt của họ.” [5]
Quan tâm đến những tiếp xúc thủa ban sơ của Hoa Kỳ với Đông Dương, W. E. Scotten, một viên chức lãnh sự Hoa Kỳ, trong khi phục vụ tại nhiệm sở ở Sài Gòn năm 1932, đã tìm đọc văn khố của triều đình Huế về bất kỳ thông tin nào liên quan đến phái bộ Roberts. Đoạn trích dẫn dưới đây được tìm thấy trong tài liệu của triều đình thời kỳ đó:
“Mùa Đông, tháng 11, năm Minh Mạng 13 (tháng 12, năm 1832)
Tổng thống nước Cộng Hòa Nha-di-ly (có kèm theo tên bằng Hán ngữ), tọa lạc ở Đại Tây Dương (Atlantic Ocean) và còn được gọi bằng các danh xưng là Hoa Kỳ (có ghi thêm bằng Hán ngữ), Hợp Chủng Quốc (United States), Maly-can (có kèm Hán ngữ) (American), Tân-anh-cat-lỵ (có kèm Hán ngữ) (New England), có phái các công dân là ông Nghĩa-Đức-Mon La-Bach (có kèm Hán tự) [6], Thuyền Trưởng Đức-giải Tam-gia (có kèm Hán tự), cùng đoàn tùy tùng, đến xứ sở chúng ta, mang theo một lá thư truyền đạt ước muốn giao thương với chúng ta. Thuyền của họ thả neo ở Vũng Lấm, hải cảng của tỉnh Phú Yên. Chính phủ chúng ta đã ra lệnh cho Chánh Văn phòng Nội các Nguyễn Tri Phương và Phó Văn phòng Nội các Lý Văn Phức đi cùng các quan lại của tỉnh nói trên lên tàu và mở một tiệc chào mừng trên thuyền. Được hỏi về mục đích của chuyến hải hành của họ, những ngoại nhân này đã trả lời rằng ý định của họ là nhằm thiết lập các quan hệ thương mại tốt đẹp. Ngôn từ của họ mang vẻ tôn kính và lịch sự. Nhưng, theo bản dịch lá thư, thư bị xem là có chứa đựng nhiều kiểu thức không hợp lý. Một mệnh lệnh từ hoàng triều vì thế đã được ban ra như sau: “Việc chuyển thư lên Hoàng Thượng thì không cần thiết. Các sứ giả Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức được phép đảm nhận chức năng của các quan chức phụ trách ngoại thương để phúc đáp một cách tóm lược cho phía Hoa Kỳ theo ý nghĩa này: “Quý quốc yêu cầu thực hiện các quan hệ thương mại với chúng tôi. Chúng tôi quả quyết khẳng định là không phản đối các quan hệ như thế. Mặt khác, quý quốc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc liên quan hiện hành trong xứ sở chúng tôi. Từ nay trở đi, khi đến nước chúng tôi, tàu thuyền của quý quốc sẽ phải thả neo ở vịnh Trà Sơn. Trong bất kỳ trường hợp nào, quý quốc không được xây cất nhà cửa để sử dụng trên đất liền. Nếu làm như thế, quý quốc sẽ đi quá các giới hạn của luật pháp.” [7]
Ba năm sau, năm 1835, Tổng thống Mỹ một lần nữa lại bổ nhiệm Edmund Roberts làm đại sứ để đàm phán với Cochinchina. Trong chỉ thị gửi cho Edmund Roberts, Ngoại trưởng Forsyth nhắc ông hãy “tự mình thích nghi với những khái niệm và tập quán đặc thù của xứ sở đó, bất kể chúng có thể phi lý đến đâu; ông có thể làm như thế ở bất cứ nơi đâu nếu đó không phải là một sự thừa nhận tư thế hèn kém vốn không phù hợp với phẩm chất của Chính phủ của chính ông, một chính phủ mà trong mọi trường hợp, ông sẽ khẳng định sự bình đẳng với những quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới.”
Ngoại trưởng John Forsyth
Đặc sứ Roberts và hạm đội của ông đi trên chiếc chiến thuyền một buồm Peacock và chiến thuyền hai buồm Enterprise rời Xiêm La sang Cochinchina hôm 20 tháng 4, năm 1836. Chỉ trừ một số ít người, các sĩ quan và thủy thủ của cả hai chiếc tàu đều mắc bệnh, một vài người bị bệnh nặng. Theo bản tường thuật của W. S. W. Ruschenberger, một bác sĩ hải quân cùng đi trong chuyến du hành, bệnh tật lây lan sâu rộng trên cả hai chiếc thuyền và sức khỏe của Roberts đã lâm vào tình trạng “hiểm nghèo” đến nỗi tàu bắt buộc phải đi tìm nơi khác để chữa trị.
Cái chết của Đặc sứ Roberts tại Macao hôm 12 tháng 6 năm 1836 đã được Thiếu tướng Kenedy, tư lệnh hạm đội, báo cáo lên Ngoại trưởng. Kennedy có nói thêm rằng bởi cơn bệnh trầm trọng của Đặc sứ Roberts, phái đoàn đã không hoàn thành được sứ mệnh.
Những người lính thời nhà Nguyễn (tranh vẽ của Brossard de Corbigny)
Viên chức lãnh sự Hoa Kỳ, Scotten, tìm thấy đoạn tham chiếu sau đây về sứ bộ thứ nhì của Roberts trong các văn khố của Triều đình Huế:
“Mùa hạ, tháng 4, năm Minh Mạng thứ 17 (tháng 5/1836).
Một chiến thuyền Hoa Kỳ đã thả neo ở vịnh Trà Sơn, hải cảng Tourane, tỉnh Quảng Nam. Các sĩ quan thông báo rằng họ có một lá thư của Tổng thống nước họ muốn tìm cách thiết lập quan hệ và yêu cầu được đệ trình lên Hoàng đế. Các quan chức của tỉnh này đã trình vấn đề này lên Hoàng thượng, và Hoàng thượng đã thảo luận vấn đề này với ông Đào Trí Phú, một quan chức của Bộ Hộ: “Các ý định và lời lẽ của những người này đối với ta xem ra có tỏ vẻ tôn kính và lịch sự. Nếu không chấp thuận các nguyện vọng của họ, chắc sẽ là điều không thích hợp.”
“Muôn tâu Hoàng thượng, họ là những người ngoại quốc và chúng ta không biết rằng liệu các cảm tình mà họ biểu lộ là chân thật hay giả dối. Hạ thần nghĩ rằng chúng ta nên cho phép họ lai kinh và và sắp xếp cho họ trú ngụ tại cơ sở của phòng ngoại thương, và chỉ thị các quan của ta tiếp đãi họ tử tế và thăm dò các mục đích của họ.”
Ông Huỳnh Quỳnh, một viên chức thuộc ban thư ký riêng trong Hoàng cung, nêu ý kiến: “Muôn tâu Hoàng thượng, dân tộc của họ thì rất quỷ quyệt và [ta] có lý do để cắt đứt mọi quan hệ với họ. Khoan nhượng với họ lần này có thể gây ra các khó khăn cho chúng ta trong tương lai. Cổ nhân từ thời xa xưa đã đóng cửa biên cương đất nước của mình để không phải tiếp đón người dân của các nước Tây phương và để bảo vệ mình chống lại sự xâm lăng của giống dân mọi rợ. Đó là một chính sách hay.”
Hoàng thượng đáp lời:
“Vượt các đại dương và một khoảng cách 40.000 dặm, với động lực là lòng ngưỡng mộ quyền lực và đức hạnh của Chính phủ chúng ta, họ đã đi hết con đường này để đến đây. Nếu chúng ta nhất quyết cắt đứt mọi quan hệ với họ, chúng ta tự phơi bày cho họ thấy rằng chúng ta không có thiện chí bao dung.”
Và Hoàng thượng đã phái ông Đào Trí Phú và ông Lê Bá Tư (viên chức thuộc Bộ Lại), được giao đảm nhiệm các chức năng của phòng ngoại thương, đi thực hiện các quan hệ hữu nghị và tìm hiểu tình hình. Khi đến nơi, vị chỉ huy chiếc thuyền nhắn tin rằng ông ta bị đau ốm và không thể đích thân tiếp đón họ được. Các sứ giả triều đình vì thế đã gửi một thông dịch viên đến thăm ông ta. Để đáp lễ, viên chỉ huy thuyền đã phái đại diện đến để bày tỏ sự cảm ơn. Trong cùng ngày đó, chiếc tàu đã trốn đi. Ông Đào Trí Phú đã gửi lên Ngai Vàng một bản báo cáo ghi chép về công việc của ông và nêu nhận định: “Trong vội vã, họ đến; trong vội vã, họ ra đi; chắc hẳn là họ thiếu lễ nghi.”
Hoàng đế đã phê trên bản báo cáo đó một bài thơ tứ tuyệt như sau:
Chúng ta không chống đối khi họ đến,
Chúng ta không truy kích khi họ đi,
Chúng ta cư xử theo cung cách của một dân tộc văn minh,
Chúng ta đâu được lợi gì khi phàn nàn về các ngoại nhân man rợ?” [8]
Tài liệu được trích dẫn:
[1] Roberts, Edmund. Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam, and Muscat: In the US Sloop-of-war Peacock, David Geisinger, Commander, During the Years 1832-3-4. Harper, 1837.
[2] Chánh Văn Phòng Nội Các Nguyễn Tri Phương và Phó Văn Phòng Nội Các Lý Văn Phức đi cùng các quan lại của tỉnh Phú Yên.
[3] Anh, Nguyễn Thế. “Bibliographie critique sur les relations entre le Viet-nam et l’Occident (ouvrages et articles en langues occidentales).” Paris, GP Maisonneuve & Larose (1967).
[4] Roberts, Edmund. Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam, and Muscat: In the US Sloop-of-war Peacock, David Geisinger, Commander, During the Years 1832-3-4. Harper, 1837.
[5] Roberts, Edmund. Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam, and Muscat: In the US Sloop-of-war Peacock, David Geisinger, Commander, During the Years 1832-3-4. Harper, 1837.
[6] Tức Edmund Roberts
[7] Bulletin des Amis du Vieux Hue, năm thứ 24, số 1, January-March 1937, “Notelettes,” bởi L. Sogny, II, “An American Mission in Annam under Minh Mang,” các trang 63-64. Cũng xem W. Everett Scotten, “Sire, Their Nation is Very Cunning…,” The American Foreign Service Journal, tập xii, January 1935, trang 15.
[8] Bulletin des Amis du Vieux Huế, “An American Mission,”
Kính chuyển đến quý vị một biến cố lịch sử Năm 1832-35 phái đoàn giao thương Hoa Kỳ đến VN Có thể gọi là "a missed opportunity"? Năm 1858 Pháp tấn công Đà Nẵng...và ròi khỏi VN năm 1954
Chú thích của TT TXT
Apr. 06, 2024
-------oo0oo-------