By Giáo Sư Vũ Hồng Thịnh
Đàn Đá (Lithophone) là một nhạc khí cổ độc đáo của Việt Nam, có niên đại khoảng từ 2.500 đến 3.500 năm tùy theo các bộ được phát hiện. Bộ Đàn Đá đầu tiên được phát hiện là bộ ở làng Ndut Liêng Krak thuộc vùng cao nguyên tỉnh Dak Lak. Sau đó còn có thêm một số bộ đàn được phát hiện ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước.
Một bộ Đàn Đá thường có ít nhất 6 – 7 thanh đá, và nhiều nhất là 13 – 14 thanh đá. Đây là loại đá kêu (đá đặc biệt phát ra âm thanh) có tên khoa học là Rhryolite Porphire chỉ có ở vùng cao nguyên từ Phú Yên tới Đồng Nai.
Đàn Đá là những hiện vật quý giá, cho phép chúng ta phần nào hiểu được văn hóa âm nhạc của những người sắc tộc đã chế tác ra chúng. Đặc biệt có lẽ Đàn Đá là một nhạc khí duy nhất của nhân loại mà mặc dù đã nằm trong lòng đất hàng ngàn năm, vẫn có thể được trình tấu cho người đương thời thưởng thức.
Nói như giáo sư dân tộc học R.L. Sadecov: “… ngành nghiên cứu lịch sử nhạc cụ có một tài liệu quý báu cho phép vươn tới một thời đại mà cho đến nay các nhà âm nhạc học chưa hề nghiên cứu tới.”
Hầu hết trong số 54 sắc tộc ở Việt Nam đều có Cồng Chiêng, nhưng chỉ có một số sắc tộc ở Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc Việt Nam mới sử dụng Cồng Chiêng thành dàn, thành bộ. Cồng Chiêng xuất hiện ở Việt Nam ít nhất cũng cùng thời (hoặc sớm hơn) Trống Đồng, nghĩa là khoảng 2.000 đến 3.500 năm trưóc đây. Có thể nói Cồng Chiêng là tiếng nói tâm linh của các sắc tộc Tây Nguyên bởi sự phổ biến, sự quý trọng và những chức năng tinh thần đặc biệt của chúng đối với các cộng đồng này.
Từ hàng ngàn năm nay, Cồng Chiêng đã dược phổ biến, thân quen đến mức đi vào ca dao, tục ngữ dân gian như:
“Lệnh ông không bằng Cồng bà.”
hay:
“Muốn coi lên núi mà coi
Coi Bà Triệu tướng cỡi voi đánh Cồng.”
Đàn Nguyệt có thể đã được chế tạo tại Việt Nam vào thời nhà Lý (thế kỷ XI). Đàn còn có nhiều tên gọi khác nhau như Song Vận, Kìm, Quân Tử Cầm. Đàn Nguyệt là nhạc khí thuần túy Việt Nam và thương giữ vị trí chủ đạo trong rất nhiều loại hình âm nhạc dân gian và truyền thống.
Đàn Nguyệt có mặt trong hầu hết các sinh hoạt âm nhạc ở Việt Nam như: Hát Văn, Hát Quan Họ, sân khấu Chèo, Ca Nhạc Huế, Ca Nhạc Tài Tử và sân khấu Cải Lương, sân khấu Hát Bội, Dàn nhạc Dân tộc hiện đại.
Đàn Đáy còn có tên gọi là: Đới Cầm, Vô Để Cầm. Đới Cầm là tên gọi xuất phát từ việc cây đàn này khi trình tấu phải có dây, có đai mang qua lưng vì đàn quá dài (Đới: đai, dây đeo); Vô Để Cầm có nghĩa là đàn không có đáy (không có mặt sau của hộp cộng hưởng). Đàn Đáy được nhắc đến sớm nhất vào thế kỷ XV và là cây đàn duy nhất ở Việt Nam được dùng chuyên biệt cho một thể loại âm nhạc, đó là Ca Trù (còn gọi là hát Ả Đào).
Đàn Bầu còn có tên gọi là Độc Huyền Cầm (đàn một dây) dược Thư tịch cổ nhắc đến vào thế kỷ XVII. Nhạc khí này được coi là cây đàn độc đáo và mang đậm bản sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nó cũng được coi là một trong những nhạc khí độc đáo của nhân loại (một dây và nhất là việc xử dụng hoàn toàn các “bội âm” của dây đàn). Hiện nay ở Việt Nam, Đàn Bầu có mặt trong các loại trình diễn âm nhạc như: Hát Quan Họ, Sân khấu Chèo, Ca nhạc Huế, Ca Nhạc Tài Tử và sân khấu Cải Lương, các Dàn nhạc Dân tộc hiện đại.
Đàn được gắn ba dây nên đươc gọi là Đàn Tam. Thùng đàn là khung gỗ hình chữ nhật lượn tròn góc, mặt trên và dưới được bịt bằng da trăn. Cần đàn dài không gắn phím (như kiểu đàn violin). Đàn Tam rất giống với đàn Samisen của người Nhật. Đàn được sử dụng trong các dàn nhạc Chèo, phường Nhạc Lễ Bát Âm, Ban Nhã Nhạc Cung Đình Huế và các dàn nhạc dân tộc hiện đại.
Đàn Tứ là cây đàn cải tiến mới xuất hiện khoảng 40 năm nay ở Việt Nam. Đàn được tạo dáng với thùng đàn hình thang như Đàn Đáy và gắn bốn dây nilon. Cần đàn được gắn phím theo hệ thống 12 bán âm như hệ thống thang âm Tây phương. Vì lẽ đó Đàn Tứ rất thuận tiện trong việc trình tấu những sáng tác lấy chất liệu từ âm nhạc dân gian, truyền thống nhưng lại mang phong cách âm nhạc hiện đại.
Giáo Sư Vũ Hồng Thịnh
*** Giáo Sư Vũ Hồng Thịnh hiện đang sinh sống và dạy âm nhạc, tân nhạc lẫn cổ nhạc, tại thành phố San José, California. Qua những cống hiến về Âm nhạc Cổ truyền Việt Nam cho cộng đồng địa phương, giáo sư Vũ Hồng Thịnh được Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ tặng thưởng bằng khen năm 2008. Giáo sư Thịnh có thể liên lạc tại số phone: 408-489-5074.